Trưởng Cả viết về bố

16 Tháng Chín 20172:08 CH(Xem: 7707)

BỐ MÊ ĐẠP XE

Thái Doãn

IMG_6967

Buổi sáng mùa thu năm ấy, trời Houston có gió hiu hiu và đã mát lạnh. Cây lá xung quanh đã ngả sang màu vàng cam và đất trời đang chuyển cảnh.  Hôm ấy lại đúng ngày thứ bảy không phải đi làm, tôi bèn rủ ông bố đã ngoài 80:

“Mình đạp xe một vòng quanh khu nhà mình đi bố!” 

‘Hay lắm!”  Ông liền trả lời.

IMG_6966

Đạp xe là niềm đam mê của bố từ ngày rời Việt Nam qua ở với vợ chồng tôi, nhưng đây là lần đầu tiên tôi tình nguyện đồng hành với ông bằng xe đạp. 

Bố vội vàng vào thay quần áo.  Tôi còn đang loay hoay kiểm soát xem bánh xe mình có bị mềm không thì đã thấy bố hăng hái dắt ra chiếc xe đạp của ông.  Chiếc xe này của một người học trò cũ tặng ngày ông mới định cư sang Mỹ và cũng là phương tiện di chuyển của riêng ông từ đấy.

Từ phiá sau, tôi bàng hoàng khi thấy ông già mình đẩy nhanh chiếc xe lấy trớn rồi nhảy phóc lên yên ( kiểu dân Hà nội  ngày trước 54) ... Chà, trông ông cứ như một hiệp sĩ vừa phóc lên lưng ngựa! Tôi bắt đầu đạp đủng đỉnh  theo sau bố già và càng lúc càng hết sức ngạc nhiên vì ông cụ đạp một mạch tới một ngã tư rồi quẹo phải tới một nơi có hồ bơi. Bố nói: “Hồ này vào mùa hè đông lắm.” Tôi ngạc nhiên:  “Vậy mà con không biết.” Tới một góc khác, bố len lỏi vào một con đường ngoằn ngoèo đến một bãi cỏ hoang dại và một khoảnh hoa dại vàng rực rỡ. Bố ngả xe tỉnh bơ trên cỏ, rồi bảo tôi:

“Con cứ thả xe xuống cỏ, mình đi bộ tiếp. Không sao đâu!”

Tôi ngơ ngác:

“Tại sao bố quăng xe ở đây, lỡ mất làm sao?”

“Mất thế nào được! Đi bộ một chút phía này có cái ao đẹp lắm.”

Quả vậy, khuất sau một bụi lau cao và rậm là một cái ao xinh xắn, làm khu vui chơi cho vài đàn le le và ngỗng.

Ngắm ao một chốc, bố nói: 

“Thôi mình quay lại lấy xe đạp!”

Leo lên xe đạp, bố nói: 

“Cứ đi thẳng đường này, có con đường tắt đi đến trường của bé Vịt nhà mình đấy.” 

Vịt là con gái út sáu tuổi của tôi. Ngày ngày tôi chở nó đi học bằng xe hơi, nào có biết đến con đường tắt bố vừa nhắc tới.

Tôi đi hết ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Thì ra bố biết cặn kẽ tất cả các ngóc ngách của khu vực quanh nhà. (Chỉ có thể vì đã bao lần lén mẹ và chúng tôi đạp xe khá xa.)

Tiếp tục cuộc đạp xe của hai bố con, bố già tôi chạy càng lúc càng nhanh hơn , quẹo trái , quẹo phải, rồi chạy  tọt ... thẳng cả  ra đường cái và băng  nhanh qua trạm đèn xanh vừa chớm chuyển vàng! 

Tôi  hoảng cả hồn vía, cố gắng đạp vượt xe bố, vừa bở hơi tai vừa la lớn: 

“ Thôi bố, đủ rồi! Về nhà thôi!” 

Ông ậm à ậm ừ như vẫn còn tiếc nuối. Rõ ràng là ông đạp chưa “đã” !!!. Tôi khẩn khoản dục về luôn miệng mà đến cả 45 phút sau, bố con mới đạp trở về nhà !

Bố“mê” đạp xe như vậy đó, dù có biết bao “kỳ đà” cản mũi! Mỗi lần thấy bố dắt xe đạp ra, tôi đều dặn “Bố đừng đi xa!” và bao giờ cũng được bố trấn an:

 “Bố đi gần thôi mà.” 

Mẹ cũng thường gằn giọng khi thấy bố hăm hở dắt xe ra: “Ông không được ra đường xe hơi chạy đâu nhé!” Bố cười xòa: “Ừ, ra đường xe hơi nguy hiểm lắm!”

Vậy mà bạn bè đã từng “méc” với tôi là trông thấy ông ngoài đường cái!

Mới hồi tuần trước, tôi đi làm về thì bé Vịt  ra mở cửa và mách ngay:

“Bố ơi ! Ông vừa té xe hôm nay!”

“Sao con biết? Bà có biết không?”

“Con thấy đầu gối ông bị trầy! Ông khôn lắm, ông dặn nhỏ con ‘Cháu đừng mách bà nhé!’ rồi ông dúi cho con cái kẹo.”

“Thế con không mách bà à?”

“ Dạ có chứ! Sau khi ăn kẹo xong, con đã vào mách bà! Bà la ông rồi!” 

Tôi  chỉ biết lắc đầu: 

“Hừ ! Mày đúng là đệ tử ruột của bà! “ 

 

Bố ơi ! Bố đã chịu 13 năm dài “học tập cải tạo” vì bị chính quyền cộng sản gán cho tội gián điệp và biệt kích văn nghệ! Lúc nào các con cũng hiểu và yêu thương bố đã hy sinh và vượt qua quá nhiều gian khổ vì lý tưởng của mình. 

Thời gian di qua thật nhanh quá ! Con và dâu của bố là Hằng lúc nào cũng hãnh diện và rất vui đã được cái quyền chăm sóc cơm nước  cho bố mẹ hơn 16 năm ở mái nhà Houston. Bây giờ thì bố đã sang California để hưởng khí hậu tuyệt vời ở đó và để các chị em đông đủ được thay phiên chăm sóc bố ! Tụi con rất yên tâm và lúc nào cũng nghĩ đến đức tính chẳng bao giờ biết than phiền của bố. Con cũng học được tinh thần lạc quan của bố nữa. 

Các con cháu của ông ở xứ cao bồi Texas cầu mong cho bố thật nhiều sức khỏe để tiếp tục sống vui  khoẻ bên chúng con bố mãi  mãi bố nhé!