Mai Kim Ngọc - Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ

22 Tháng Mười Một 20193:41 CH(Xem: 9343)


Khu Rừng Lau của Doãn Quốc Sỹ

Tôi đọc Khu Rừng Lau tất cả ba lần, lần thứ nhất vào đầu thập niên 60 khi sách mới ra. Lần thứ hai là mùa xuân năm 1975, khi đồng bào đông đảo sang Mỹ lánh nạn cộng sản. Lần thứ ba này, tôi đọc ấn bản mới ra của nhà xuất bản Văn Hóa Texas theo lời đề nghị của tạp chí Da Màu (damau.org).

Kinh nghiệm đọc một tác phẩm ba lần có nhiều thú vị. Tôi khám phá ra cảm nghĩ khi đọc truyện tùy thuộc nhiều ở bối cảnh xã hội xung quanh. Mỗi lần đọc Khu Rừng Lau (KRL), tôi lại có một cảm nghĩ khác nhau.

*

Lần đầu, tôi đọc KRL khi sách vừa ra, khi còn là sinh viên nội trú tại trường y. Khác với một số bạn học ở những môn bộ khác như nhân văn, hay khoa học thuần lý, hình ảnh cao đẹp của người trai cầm súng bên kia không còn là thần tượng đã lâu. Tôi đã thấy thành tích của họ về mặt khủng bố, qua những nạn nhân các chuyến xe đò lục tỉnh bị giật mìn. Tất nhiên là chiến tranh, thường dân hay bị thương vong oan uổng, điều không tránh được. Nhưng thương vong trong khủng bố không phải vì tên bay đạn lạc, mà được gây ra bởi những kẻ khủng bố có chủ ý, có tính toán để tạo ra bất an cho đối phương. Sự chai sạn ấy khó có thể biện minh.

Tóm lại trong giai đoạn này tôi hoàn toàn đồng vọng với KRL của Doãn Quốc Sỹ. Truyện ông không có gì làm tôi thắc mắc, và cảm tình – hay đúng ra sự thiếu cảm tình của ông – với người cộng sản hoàn toàn dễ hiểu. Hơn nữa, tôi rất thú vị sự phân biệt rõ ràng trong tác phẩm ông, ý niệm nguời kháng chiến với người cộng sản. Bất cứ một nguời Việt Nam không cộng sản vẫn có thể yêu nước và tham gia kháng chiến. Và không phải những nguời vào thành đều thuộc thành phần ươn hèn không xương sống.

Quả thật, cuốn trường thiên của ông là truyện đời của một tập thể thanh niên thanh nữ có học, can truờng, dũng cảm, lại có tư cách. Mặt khác, họ đã kháng chiến chống Pháp, đã lăn lộn trên nhiều chiến trường, vân vân… và sau cùng họ đã vào thành, không phải vì bơ sữa, mà vì sự ra đi của họ có ý nghĩa một cuộc đi tìm chân lý.

Bấy giờ tôi thành thực thấy khả năng thuyết phục của KRL, chỉ ngạc nhiên tại sao phải đợi đến đầu thập niên 60 mới có bộ trường thiên này. Có lẽ tại Việt Nam quốc gia phát xuất từ cuộc sống nội thành, và trong một thời gian nhiều năm, vùng đất này chỉ là vùng địch kiểm soát. Quả thật, những năm sau ngày kháng chiến bùng nổ trên toàn quốc, cuộc sống nội thành chỉ là sự cai trị bởi kẻ xâm lăng. Cờ Pháp phất phới mọi nơi, không những tại các đồn bót tiền tuyến, mà còn trên cổng các công thự dân chính nội thành. Những ai vì lẽ nào không tản cư ra hậu phương được, phải ở lại để chứng kiến một cảnh sống hãi hùng. Mạng người rẻ rúng, một chút nghi ngờ của đội tuần tiễu là có thể bị bắn chết tại chỗ, hay bắt về giao cho phòng nhì khai thác đến chỗ mang thương tích suốt đời hay bỏ mạng trong nhà giam…

Tình trạng vô tổ chức đòi hỏi giải pháp, mà hệ thống quân quản không hữu hiệu vì các sĩ quan Pháp không biết tiếng nói, không biết phong tục Việt, không kinh ngiệm cai trị chung hay chuyên môn. Để lấp khoảng chân không hành chánh và quản trị, một đám ‘nhân sĩ’ điều đình với tướng lãnh Pháp, và nhất là với Cao Ủy Pháp là Bollaert cho họ đứng ra lo xử lý những dịch vụ dân chính cấp bách. Hội Đồng Chấp Chánh ra đời. Mặc dù không có gì chính thống ngoài sắc lệnh của Cao Ủy hay tổng tư lệnh Pháp, họ đã hữu hiệu trong việc mở lại truờng học, nhà thương, cơ quan điện nước, công chánh, chợ búa vân vân… Họ điều hành việc tiếp tế nhu yếu phẩm như gạo nuớc, quản trị nền thương mại đang tái sinh, lập sở cảnh sát công an, và đóng góp vào việc trật tự thành phố. Nhu cầu hộ tịch khai sinh khai tử, giá thú ly dị, được giải quyết thỏa đáng. Như các cụ già bây giờ còn nhớ lại, Hội Đồng Chấp chánh còn có thẩm quyền chỉ định công chức tới cấp bậc quận trưởng hay tỉnh truởng.

Một hiện tuợng kỳ lạ xảy ra, là trong sự trống vắng một chính phủ, trống vắng một quốc gia có tư cách pháp lý, Hội Đồng Chấp Chánh đã đem lại an ninh tương đối cho đồng bào sống trong vùng Pháp chiếm đóng. Và kỳ lạ hơn nữa, xã hội ấy cho phép một cuộc sống không hẳn bình thường nhưng khá ổn định, hội tụ những yếu tố căn bản như truờng học, nhà thuơng, cảnh sát chỉ đường, nhân viên công lực để bắt kẻ trộm, buôn bán, và ít nhiều kỹ nghệ sơ cấp.

Trong khi ấy vùng kháng chiến còn gọi là hậu phương, một ngày một mất an ninh, tính mạng con người mỗi ngày một rẻ. Quân đội viễn chinh coi đây như vùng tự do khai pháo, còn kháng chiến thì quá bận rộn với những trận đánh lớn, trên thực tế để mặc cho du kích địa phương hoành hành đến chỗ hà hiếp dân chúng, miễn là họ tiếp tục quấy rối và gây khó khăn cho địch. Xác chết trôi sông là một hiện tượng khá thông thường, phần do giặc, phần do du kích tạo ra… Ngoài ra việc cộng sản thanh toán các đảng viên quốc gia không cộng sản còn là một nguồn gốc cho cảnh tang tóc chung.

Ưu thế về an ninh và về khả năng kiếm sống của vùng nội thành, so với ‘hậu phương’ đã trở nên quá rõ. Dân chúng đi tìm đất sống là một hiện tượng muôn đời, và họ lũ lượt vào thành, cũng như ngày xưa họ lũ lượt tản cư ra hậu phương. Hành động không ăn nhập gì với ủng hộ Tây hay ủng hộ cộng sản. Sự thật là họ không mắc nợ Tây về cuộc sống họ tạo ra tại các thành phố. Nên chi người nội thành vẫn giữ cho mình quyền chống tây trong bụng và nếu có thể trong hành động.

Nhưng nếu ổn định hơn, an ninh hơn và tiện nghi hơn, xã hội nội thành bơ vơ vì thiếu chính thể chính trị, thiếu tinh thần cũng như cơ cấu của một quốc gia. Chính trong bối cảnh ấy, nền độc lập trong liên hiệp Pháp do Bảo Đại ký kết với Cao Ủy Bollaert trên vịnh Hạ Long tháng 6 năm 48, đem lại một hình thức chính thống cho những nguời sống trong vùng chiếm đóng. Họ ra khỏi sự cai trị của chế độ quân quản Pháp qua hội đồng chấp chánh của các ‘nhân sĩ’.

Họ đã có một chính phủ với một quốc trưởng trên đầu. Họ trở thành người quốc gia. Thành quả của Bảo Đại là một chiến thắng ngoại giao lớn. Pháp ít nhất chấp nhận danh từ độc lập, trả lại Nam Kỳ cho lãnh thổ Việt Nam và chấm dứt chế độ trực trị ở đấy. Quân đội Việt Nam xuất hiện trong tầm mức những đơn vị nhỏ như trung đội hay đại đội, trang bị và huấn luyện ở trình độ Bảo An, hành quân dưới lá cờ vàng ba sọc trong những vùng chiến sự tương đối nhẹ nhàng. Các sĩ quan và hạ sĩ quan của họ có thể hãnh diện nói với dân chúng: ‘đồng bào đừng sợ, chúng tôi là lính bảo hoàng, chỉ có nhiệm vụ bảo vệ cho bà con khỏi nạn Việt Minh…’

*

Nhân vật của Doãn Quốc Sỹ trong Khu Rừng Lau vào thành vào thời điểm này. Tất nhiên là Việt Nam quốc gia mới được cựu hoàng khai sinh còn nhiều khuyết điểm. Thứ nhất là sự chậm rãi thuờng lệ của Pháp mỗi khi thực hiện một cam kết gì trong bang giao Việt Pháp (ngay cả hiệp định Patenôtre ký từ thời Pháp mới sang, nhiều khoản vẫn chưa thi hành). Nên chi, người ta không ngạc nhiên là trong những nha sở lẽ ra phải nằm trong chủ quyền Việt Nam, sự bàn giao chỉ đang nhỏ giọt và các chức vụ chỉ huy vẫn còn do người Pháp nắm giữ. Theo lý thuyết họ là công bộc của chính phủ Việt Nam, nhưng trên thực tế họ phúc trình cho Cao Ủy Pháp và chỉ nhận chỉ thị từ đấy phát ra. Thứ hai, là cựu hoàng vì lý do này hay lý do khác, không đưa ra một cơ cấu rõ rệt cho đất nước. Quốc gia không có hiến pháp, không có quốc hội. Chính cựu hoàng cũng không chịu một danh xưng bình thuờng. Ông không nhận mình là hoàng đế, một tước vị có khả năng chính thống dựa trên triều Nguyễn. Vậy mà chức Quốc trưởng của ông cũng không có tính cách dân cử. Mọi chuyện mâu thuẫn xung quanh ông. Ông không nhận mình là vua, vậy mà trong nhiều sinh hoạt lại cư xử như nhà vua của một nền quân chủ tuyệt đối, như gọi đoàn hộ vệ của mình là ngự lâm quân, và cai trị bằng sắc luật. Ngoài hai điều trên, còn những điều thứ ba, thứ tư, thứ năm vân vân vẫn còn khiếm khuyết, chứng tỏ độc lập trong liên hiệp Pháp chưa là một thực thể nghiêm túc…

Nhưng xem ra những nguời thanh niên ưu tú của Khu Rừng Lau không nề hà những nhược điểm này. Doãn Quốc Sỹ đem nỗ lực để chứng minh rằng nhân vật của ông vào thành không phải vì sợ gian khổ. Họ là những con nguời yêu nước đã hăng say theo kháng chiến. Đàn ông thì quân công kháng chiến đầy mình, đã lăn lóc trong các chiến dịch công đồn đả viện, đã không nề hà gian khổ. Họ là những sĩ quan ưu tú, xứng đáng để gửi sang Trung quốc và Nga để học pháo binh và thiết giáp. Đàn bà thì xung phong vào đội cứu thương, một tay phụ mổ cho quân y hết ca này đến ca khác.

Họ nói chung thuộc thành phần khá giả, ít nhất thuộc giới tiểu tư sản, trừ một người con chủ một đồn điền trà rộng đến nỗi có thể dùng làm trường canh nông cho kháng chiến. Phần lớn có tú tài II, đang hay sắp vào đại học. Quan trọng hơn hết, họ đều tốt, đều ngay thẳng, đều vị tha, và đều nhìn vào cuộc đời với tấm lòng. Nói chung, mượn lời cụ Đồ Chiểu, họ xứng đáng với hai câu lục bát của Lục Vân Tiên:

Trai thì trung hiếu làm đầu

Gái thì tiết hạnh làm câu sửa mình

Họ đã quá chán cộng sản. Lần hồi họ đã giác ngộ, thấy khi chiến thắng gần kề, thì Việt Minh bỏ mặt nạ dân tộc, bắt đầu kỳ thị thành phần xã hội, phóng tay thi hành chương trình đấu tố ruộng đất và diệt địa chủ. Tàn ác và ngu xuẩn từ phía cán bộ đảng viên trở thành mối đe dọa chính cho cuộc sống của những người kháng chiến không cộng sản. Rồi cố vấn Trung quốc xuất hiện, được cán bộ đảng xun xoe nịnh bợ, bắt đầu can thiệp vào nội bộ Việt Minh. Theo Doãn Quốc Sỹ, họ ngu dốt lại có quyền, và họ tạo ra rất nhiều vấn đề cho kháng chiến.

Theo thứ tự kể truyện của KRL, người đầu tiên giác ngộ là cô Miên. Là một y tá giỏi, cô bị hạ công tác để cho đảng viên thay thế; cô không buồn vì chuyện này, và chỉ buồn khi cô bị giao cho việc rình mò bạn đồng nghiệp, để thử thách lòng trung thành của cô với đảng. Thật ra cô không buồn mà ghê tởm. Rồi cô bị tiếp xúc với một cố vấn y tế Trung quốc cao cấp, để thấy y không tài cán gì, về thủ thuật cũng như tổ chức. Cầm giao mổ thì y suýt giết bệnh nhân, nếu bác sĩ Việt Nam không kịp thời can thiệp. Về hành chánh, những quyết định của y xáo trộn cơ quan đến chỗ tê liệt. Cô còn chua xót hơn nữa, là Tài con trai cha mẹ nuôi của cô, một người cô quý như anh ruột, mà thành đảng viên rồi thì trở thành con người máy, đem cả tình cha mẹ anh em thay thế bằng tình yêu đảng, vì đảng sẽ cải thiện cuộc sống cho cả nhân loại trong đó có tất cả mọi người. Mấy vụ xử bắn đảng viên các đảng phái quốc gia góp thêm phần khốc liệt cho cảnh chung.

Các nhân vật nam như Hiển, Kha, Hãng vân vân, thì chán đảng vì những gì bất nhân phải chứng kiến trong truờng lục quân Trần Quốc Tuấn bên Nam Hoa, hay trong đội quân y tiền tuyến của bộ đội… Lần lượt cả đám thanh niên thanh nữ tốt lành có học thức ấy đã vào thành. Họ gặp nhau lại tại Hà Nội, trong ánh sáng quốc gia, dưới lá cờ vàng ba sọc đỏ của cựu hoàng.

Doãn Quốc Sỹ rất ưu ái với chế độ quốc gia, ngay cả chế độ quốc gia còn trứng nước của cựu hoàng đang độc lập trong khối Liên Hiệp Pháp. Ông tả lần gặp gỡ đầu tiên của Kha, Hiển và Miên với lá cờ quốc gia tại một đồn Bảo An ven đô:

Hình ảnh lá cờ vàng ba gạch đỏ phe phẩy thanh bình vẫy gió còn mãi mãi về sau này in hằn trong tâm tưởng Miên một ấn tượng của thịnh vượng và của tình người. (Ôi, còn được sống trong tình người, nàng thách thức mọi gian lao!). Rồi khi nhìn những ruộng lúa con gái lấp lánh nưóc, những cánh cào cào xanh đỏ xòe bay. Miên dám tưởng tượng đến một tương lai không xa xôi gì, nàng ngồi đan áo dưới ánh đèn, nhìn ra bên ngoài là con đường hun hút về miền xa tít nào, nhìn vào giường trong là có… Kha nằm đọc sách, Miên mường tưởng tượng đến mâm cơm đơn giản nhưng ngon lành do tay nàng sửa soạn, đến bộ chén tách sạch bóng nàng bày trên bàn trà… (trang 9, cuốn 2)

Ngay cả công an nội thành cũng được ông đối xử có tình. Lúc mới bước chân vào ty công an để thăm Kha bị giữ lại để điều tra, cô Miên nhân vật nữ của KRL gặp một nhân viên cấp dưới ngồi bàn giấy ngoài. Tác giả tả anh ta:

… Người y tầm thước, mặt lưỡi cầy, mái tóc chải mượt như dính liền với da đầu. Bao giờ y cũng mặc chiếc chemisette trắng, quần hàng tussor màu vàng ngà ngà. Đôi giày trắng đế da y đi đóng theo kiểu mới nhất của các “công tử” đương thời, nghĩa là phần mũi ngoài cùng dẹp và cong lên như giầy đã bị đè lâu ở dưới một cái duơng nặng, vừa được chủ rút ra. Thấy Miên tới, y cúi đầu chào, miệng nở nụ cười xã giao, đôi môi mỏng căng bóng để lộ hai hàm răng có những kẽ đen vì hút thuốc lá. Nụ cười đó lẽ ra phải Sở-Khanh lắm, nhưng trái lại đượm vẻ chân thật, có lẽ vì nhận thấy khuôn mặt Miên lúc nào cũng dịu dàng chân thật như vậy… (trang 33, cuốn 2 KRL)

Và khi Miên xin phép gặp Kha, thì y trả lời:

– Xin cô ngồi chờ một phút, người tùy phái tới, tôi sẽ bảo xuống mời ông anh cô lên.

Rồi khi được biết Kha tình nguyện về quy thuận thay vì bị bắt, ông phó trưởng ty tiếp anh tức thì. Ông tỏ ra một người có đầu óc, có tấm lòng ái quốc, và tôn trọng những người ái quốc:

Ông phó trưởng ty cho Kha hay ông sanh ở châu lỵ Lạng Sơn. (Phải chăng vì thế ông có óc liên tưởng ví nhân cách của Kha như mùi hương bát ngát của núi rừng?) Cha ông làm tri châu mười lăm năm ở đó cho đến ngày chết. Ông theo học ở Albert Sarraut gần hết bực trung học, vì cha mất phải bỏ dở. Ông rất ưng những tư tưởng của Kha ghi trong cuốn sổ tay vì đều là -theo đúng lời ông nói- “những tư tưởng chính đáng của một tâm hồn cương trực đòi giữ gìn nhân phẩm bằng mọi cách ở mọi trường hợp. Những tâm hồn đáng quý như Kha rất cần cho những ai thật tâm muốn nắm giữ chính quyền để xây dựng chủ nghĩa quốc gia.”(trang 37 cuốn 2 KRL)

Cả đến người thợ ảnh chụp căn cước tù của sở công an cũng thấm nhuần tình người ấy:

Ông thợ chụp hình có lòng tốt muốn an ủi mọi người, với ai ông cũng bảo là thế nào cũng được tha, vì vậy lời an ủi của ông không còn một chút giá trị gì. Có điều, lời của ông chân tình nên người nghe cũng không thấy bực dọc. (Trang 49 cuốn 2)

Ưu ái với một ty công an của chế độ quốc gia bằng những lời lẽ không e dè như vậy, Doãn Quốc Sỹ với cung cách trang trọng của con người có trước có sau tất nhiên sẽ không quay ngược trở lại 180 độ. Tất nhiên là ông sẽ phê phán, nhưng phê phán những hình tuớng chứ không phê phán nội dung. Nghĩa là có tham nhũng, có hủ hoá, nhưng đó là sai lầm cá nhân… Về sau, có những chuyện không ưng, nhưng không ưng ý khác với chối bỏ. Làm sao không ưng đuợc miền Nam dưới chính phủ Ngô Đình Diệm và các chính phủ về sau, một khi ông đã rộng lượng với chế độ quốc gia ngay từ hồi trứng nước dưới cựu hoàng, một khi ông đã có cảm tình đặc biệt với lá cờ vàng ba sọc đỏ phất phới trong đồn Bảo An ven đô.

Cuộc di cư do tổng ủy Việt Nam phụ trách cùng với sự trợ giúp của hải quân Mỹ cũng đuợc ông tả thành những thực thể nhân đạo bằng ngòi bút thấm đượm ân tình. Những chuyến tàu sau khi đổ người vào nam, khi trở ra có chở gạo, không phải chỉ vì nhân viên buôn bán kiếm lời, mà là một hành động nhân đạo cho miền Bắc khỏi đói. Ngay cả trong cảnh hải quân Mỹ áp dụng y tế phòng ngừa lối đại trà là dùng trực thăng rắc thuốc trừ sâu bọ vào tập thể người di cư, tác giả không thấy cảnh giống như trong trại tù binh hay trong nông trại khi xử dụng một biện pháp thú y. Ở đây vẫn là con mắt đầy cảm tình của tác giả:

Tới cổng bệnh trại Miên xuống xe, có tiếng động miên man chát chúa nhưng thân mật trên đỉnh đầu: đó là chiếc phi cơ trực thăng của Hải Quân Mỹ đương bay trên vùng trại, phun thuốc DDT xuống. Miên tung tăng tới khu Bệnh Viện của trại giữa hương nồng của thuốc sát trùng… (trang 363 cuốn 2 KRL).

Có điều bất cứ ở đâu, không phải nghề nào cũng hợp với bản tính ông. Ông tôn trọng nhân ái, đạo đức, ngay thẳng. Với lý do đó, ông cho nhóm thanh niên ưu tú vừa mới gia nhập cuộc sống nội thành sáng lập hội Văn Hóa, làm báo để giáo dục đồng bào.

Giáo dục với tác giả KRL là chuyện tối quan trọng. Kể cả nghề viết văn, bản chất cốt lõi vẫn là giáo dục. Nhu cầu giáo dục để đưa ý niệm đạo lý vào quần chúng được dõng dạc biểu lộ khắp nơi. Một quả ổi rơi trên xe đò cũng là dịp cho Khóa nhân vật của ông khai triển đề tài đạo lý và sự cần thiết của giáo dục để phổ biến đạo lý. Ông viết:

“Quả ổi lớn của kẻ nào đánh rơi, mình có quyền nhặt chứ, được không một quả ổi cũng là điều hay chứ sao”. Tôi nghĩ thế rồi cúi xuống nhặt, cho lẹ vào cái túi giấy đựng những hoa quả khác mà tôi mua ở bến xe Hải Dương về làm quà cho mẹ và vợ con. Nhưng tôi chỉ vừa kịp ngồi thẳng thì có tiếng nói đằng sau, tiếng của một người đàn bà ôm con: ‘Ông cho xin quả ổi đó của cháu.” Tôi vội gật đầu đáp “vậy a” rồi cúi xuống lấy quả ổi trao liền lại phía sau, tôi không dám nhìn thẳng mặt bất cứ ai lúc đó. Cũng may là xe đến Gia Lâm thì người đàn bà ôm con xuống. Tôi cứ yên lặng như vậy cho đến khi xe lên cầu, gặp chuyến xe hỏa Hà Nội-Hải Phòng rầm rộ qua cầu, rồi xe đến Bờ Sông, tôi xuống. Anh xem tôi luôn luôn nghĩ thẳng thắn làm thẳng thắn, mà rồi tự nhiên nẩy lòng tham quả ổi rơi như vậy… (Trang 265, cuốn 2 KRL)

Nên chi, trong cùng trang, ông viết tiếp về nhu cầu giáo dục:

… Và việc kiến tạo một xã hội có giáo dục để hướng dẫn cá nhân cần thiết đến chừng nào. Tôi thấy con người chúng ta bao giờ và mãi mãi chỉ là con người dễ sa ngã, đừng ai nói thánh nói tướng, bịp hết!

… Điều quan trọng là hãy nuôi lấy lòng nhiệt thành cho lương tri… (Trang 265, cuốn 2 KRL)

*

Thật ra Doãn Quốc Sỹ không phải luôn luôn đề cao kham khổ tới mức độ tu ép xác. Với những nhân vật ông quý mến, ông không tiếc họ ít nhiều hạnh phúc của yêu đương. Ông sẵn lòng cho Vân được hưởng đôi chút ái ân cuối mùa, sau khi vì duyên phận đã lỡ làng mất mối tình đầu. Ông đã khai sinh nhân vật nữ này với đủ mọi nét mà ông cho là ưu việt. Cha mẹ Vân là ông bà Phán, giàu có, buôn bán lớn ở Hà Nội, lại thừa hưởng được một đồn điền trà to rộng trên mạn ngược. Anh Hãng của Vân đã đi du học bên Pháp và đã có những quân công anh hùng và ly kỳ trong bộ đội. Còn chính Vân được theo học truờng đầm Felix Faure của Hà Nội đến giữa bực trung học. Vân yêu Kha từ buổi thanh bình, nhưng chiến tranh bùng nổ hai người thất lạc nhau. Đến khi Kha tìm về được đồn điền Lợi Ký của bố mẹ nàng, thì Vân đã có chồng được hai tuần. Chồng Vân là Mạnh (tên thật là Chủy), một kẻ vô học bản tính hung bạo, đã có một đời vợ, vì thành tích hoạt động bí mật và tài ám sát người rất bài bản được cử làm chủ tịch huyện nhà. Không ai ép Vân khi Chủy hỏi, và lý do độc nhất Vân đưa ra khi tạ từ người yêu cũ là:

‘Thời tao loạn em còn biết nghĩ gì? Sao anh không về trước đây chừng nửa tháng em vẫn còn kịp phản đối lễ cưới này. Bây giờ thì…’

Khi hiệp định Genève chia đôi đất nước, ngay khi Kha chuẩn bị vào Nam, Vân tìm tới hiến thân cho cố nhân. Hai người sống với nhau một tuần lễ diễm ảo. Sau cuộc tình vớt vát, Kha ra đi, Vân ở lại và trở thành ‘người đàn bà bên kia vĩ tuyến’, như tựa đề cuốn hai của bộ trường thiên. Quy chế tác giả dành cho Kha còn đặc biệt ở chỗ anh lại được ăn nằm với một nguời đàn bà khác, có đức hạnh mỏng manh, dục tình nẩy nở từ tuổi 15, và đã trải qua hai đời chồng.

Nhưng nuông chiều Vân, Doãn Quốc Sỹ cũng không quên hẳn những giáo điều về đạo lý. Ông chỉ cho phép người đàn bà có chồng hiến thân cho cố nhân sau khi đã thành góa phụ. Còn Kha nhờ chưa chính thức thuộc về ai, sự đào hoa của anh trên nguyên tắc vẫn phần nào trong vòng nghi lễ. Có lẽ ông đã để tâm sửa soạn cho Kha đỡ tội lỗi, bằng cách để Kha chưa vợ, mà cũng chưa hứa hôn thành lời, tuy trên thực tế cô Miên có thể kể như vị hôn thê.

Miên là em gái của Hiển bạn thân của Kha, và ba người có nhiều gắn bó với nhau. Ba nguời cùng vào thành chung một chuyến. Khi Kha bị công an quốc gia tạm giam, Miên bán món nữ trang độc nhất là chiếc nhẫn saphir để lấy tiền tiếp tế cho chàng. Kha được thả ra, ba người ở chung với nhau, tiền kiếm được tiêu chung. Mối thâm tình thắm thiết giữa ba người là gốc nguồn cho tựa đề ‘ba sinh hương lửa’ của cuốn một của tập trường thiên. Sau cùng tác giả cho Miên vào Nam trước. Với lòng tin nhu mì Miên thả cho Kha ở lại với Vân, để khi trở về sẽ không còn ám ảnh với cố nhân mà phương hại cho tình vợ chồng dài lâu của nàng.

Truyện của Doãn Quốc Sỹ sau cùng đâu cũng vào đấy. Châu về hiệp phố, Kha trở về với Miên sau khi đền bù xứng đáng cho mối tình đầu của Vân bằng một tuần lễ dầu sôi lửa cháy ở Hải Phòng… Còn hai người đàn bà của hai tư thế đố kỵ, họ chạm mặt nhau lịch sự nhã nhặn, và không có tai nạn gì xảy ra. Miên không vì ghen tuông mà hung dữ với Vân, mà Vân cũng không lợi dụng sự nhường nhịn cao thượng của Miên mà cướp luôn ‘vị hôn phu’ của người con gái hiền dịu, sau khi được phép dùng tạm một tuần. Có độc giả ao ước giá vợ hay vị hôn thê của mình cũng rộng lượng như Miên…

Vậy mà có người khác lại khó tính, cho rằng cách xử lý của hai nhân vật nữ trong cuộc tình tam giác trái với ‘chuyện người ta thường tình’. Cả Miên và Vân đều làm cho người đọc tức anh ách. Nhưng tôi nghĩ người ta khó tính như vậy, chẳng qua là đã không có diễm phúc như Doãn Quốc Sỹ mà gặp được những nguời đàn bà đặc biệt.

Văn là người, và đến đây ta hiểu tại sao ông Doãn Quốc Sĩ chọn nghề giáo, và dùng nghề viết văn để phụng sự cho giáo dục. Và ông đã tạo dựng một sự nghiệp đồ sộ với sự phối hợp giáo dục và văn học ấy.

*

Tôi đọc lại ông lần thứ hai, sau 1975. Tôi tìm lại được sách của ông tại trại tỵ nạn Pendleton, nhân một chuyến ghé vào thăm bè bạn đang tạm trú tại đó. Tôi sống lại những cảm nghĩ đọc ông lần đầu hồi còn là sinh viên miền Nam. Tôi cảm ơn ông thủa xưa đã đem lại tự tin cho nguời quốc gia đã rời bỏ quê làng để vào Nam. Bây giờ giữa trại Pendleton, tôi thấy thời cuộc một lần nữa đã chứng mình ông đúng trong niềm tin rằng đa số người quốc gia miền Nam, trong đó có rất nhiều người tử tế bao giờ cũng sẵn sàng rũ áo ra đi thêm một lần nữa để tránh cộng sản.

Không nói đến chi tiết như nhân vật này có tốt đến thế không, nhân vật kia có quá liều hay không, tôi phải ghi nhận văn chương của ông là câu chuyện của những người quốc gia rất đông dám liều chết để chối bỏ cộng sản. Họ không phải là những nguời không can đảm, không tâm huyết, không tài năng. Không, trái lại họ có tất cả những điều ấy. Họ chỉ không có may mắn trong cận sử đất nuớc.

Họ đã chọn lựa bằng chân ba lần, lần đầu vào thành, lần thứ hai vào Nam, và lần thứ ba di tản ra nước ngoài.

Lúc ấy tôi khám phá ra rằng tôi không còn muốn đọc ông để tìm hiểu về vụ quốc cộng nữa. Chuyện đã quá rõ ràng. Lần đọc thứ hai này, tôi muốn thưởng lãm tác phẩm của ông về diện nghệ thuật.

Tôi thấy ông viết với rất nhiều đam mê, để chở những ý kiến tốt lành của ông về đất nước Việt Nam, về con người Việt Nam, và về nhân loại nói chung. Viết như vậy là hy sinh, vì để nói lên dõng dạc điều mình muốn nói, người viết tự nguyện để diện nghệ thuật thành thứ yếu, và không phô diễn đúng mức tài viết của mình.

Tuy nhiên có nhiều nét đáng chú ý ở văn phong ông mà tôi không lưu ý khi đọc lần đầu. Ông dùng một kỹ thuật rất Doãn Quốc Sỹ, không bị áp lực của xu hướng thời thượng này nọ. Ông thoải mái phá thể, hành xử cây bút một cách độc lập, không quan tâm với những căn dặn của kỹ thuật tiểu thuyết tây phương. Chuyện người ta kiêng kỵ như tác giả nhảy vào trong tác phẩm cắt nghĩa cho nhân vật của mình, hay bày tỏ thái độ hưởng ứng hay chống đối hành động nọ kia của chúng, hay thuyết minh cho đề tài triết học hay chính trị, ông làm rất tự nhiên và rất nhiều lần. Thật ra, Tây đúng hay ta đúng, chuyện ấy chắc cũng cần thời gian, và biết đâu văn phong đặc thù của ông sẽ đưa ra những khám phá mới trong nghệ thuật ngôn ngữ.

Tôi cũng thú vị thấy cái ngay thẳng khi ông không giấu diếm ảnh hưởng văn hóa Pháp. Ông chêm tiếng Pháp vào truyện một cách hồn nhiên. Thí dụ về một khu xây cất bằng tre nứa kháng chiến dùng làm trụ sở đại hội, ông viết một câu tiếng Pháp gọn gàng (có chua theo trong ngoặc đơn lời chuyển ngữ tiếng Việt):

… Một cơ quan ngôn luận địch vận bằng Pháp ngữ lúc bấy giờ đã ca ngợi kín đáo công trình kiến trúc đó bằng câu: “C’est là toute une symphonie de bambou” (Đó là cả một bản hòa tấu của tre nứa) ( trang 131)

Khi nhân vật Tân đi buôn tình cờ gặp người đẹp rất ‘quý phái’ trên toa xe lửa hạng ba (?), ông để cậu trai về sau nghĩ đến nàng qua một câu Pháp văn:

Tân nhớ một câu tiếng Pháp

‘Le plus beau refrain de la vie

C’est celui qu’on chante à vingt ans’

(Điệp khúc đẹp nhất của cuộc đời

Là điệp khúc hát vào tuổi hai mươi)

(trang 43 cuốn 1 KRL ).

Trong một vụ mổ, bác sĩ giải phẫu ra lệnh cho phụ tá:

Bác sĩ T. nói với nàng:

– Cô hãy thay bông luôn và thấm kỹ vào kẻo máu chan hòa kín cả champ opératoire. (Trang 153, cuốn 2 KRL)

Nhân vật ‘trí thức’ Kha trong một phút cao hứng vĩ cuồng, đã nhắc đến một điển tích Pháp:

Kha đặt nhẹ tay lên vai Hiển và nói:

– Hình như Moise có nói: Je suis grand mais solitaire! (Tôi vĩ đại nhưng cô đơn).

Những bằng cấp của Pháp, các trường trung học Pháp được đánh giá rất cao trong KRL. Các nhân vật nam ưu tú của ông quá nửa có tú tài Pháp và là cựu học sinh Albert Sarraut. Vinh dự này áp dụng cho cả Hiển con nhà mồ côi, được đi học đã là cái may, vậy mà năm cuối vẫn học tú tài toán tại trường này. Thậm chí ông phó ty trưởng công an cũng là cựu học sinh trường trung học Pháp uy tín sang trọng nhất thủ đô. Sau cùng, cô Vân trí thức và quý phái được tác giả cho học trường đầm Felix Faure của Hà Nội, và anh cô là Hãng đỗ tú tài bên Pháp.

Sự tin tương vào giá trị văn hóa Pháp còn thể hiện trong việc tác giả không ngần ngại gọi những nguời cầm văn bằng trung học Pháp là trí thức. Tôi thoáng thấy trong bụng một mong ước chậm, là giá đám nhân vật cưng của ông có một hai người học Chu Văn An, Khải Định, Pétrus Ký, Đồng Khánh, Gia Long, hay Trưng Vương…

Trái lại những nhân vật xấu trong KRL phần đông chỉ học đến bằng cơ thủy:

… hạng thanh niên học dở dang kẻ chỉ có bằng cơ thủy (certificat d’étude primaire franco-indigène) kẻ học thêm được một hoặc hai năm trung học. Những thanh niên này có cử chỉ cùng lời ăn tiếng nói bợ đỡ xu thời ra mặt… (Trang 177, cuốn 1 KRL).

Tất cả chi tiết ấy tuy phụ thuộc, vô thưởng vô phạt, nhưng rất thật và có thể điển hình cho một thời đã qua, một thang giá trị cũ của đất nước vừa thu hồi độc lập.

Có thể tác giả dùng hiện tượng người Việt ‘trí thức’ dành cho văn hóa Pháp một cảm tình nồng hậu để nói lên một tính tốt của ta: mặc dù ác cảm với Pháp thực dân sôi sục xung quanh, chúng ta vẫn biết tách rời văn hóa Pháp ra khỏi chiến tranh và hận thù với Pháp.

*

Lần thứ ba tôi đọc ông chỉ mấy tuần rồi. Một lần nữa, sự cảm nhận vẫn tiếp tục thay đổi trong tôi. Mới đầu đọc lại chân dung các nhân vật rất tốt của ông, những ý kiến của ông về giáo dục (và đức dục), cũng như những lần trước, tôi thoáng nghĩ rằng ông ít nhiều đã cường điệu. Tức thì tôi biện bạch trong đầu là ông cường điệu cho chính nghĩa. Cường điệu là điều cần thiết cho văn tải đạo để phổ biến những phương châm hay đẹp cho cuộc sống. Nhưng tôi cũng lại nghĩ, là làm gì có những nguời tốt đến thế. Chỉ vì ông yêu miền Nam, chỉ vì ông yêu Việt Nam, chỉ vì ông yêu con người, mà ông tạo ra những nhân vật có cung cách đẹp như vậy.

Nhưng rồi tôi bỗng ôn lại trong đầu những gì nghe được về ông, như một nhà giáo, như một nhà văn, trong sinh hoạt giáo dục hay văn học, trong giao thiệp với bạn bè. Rồi quan trọng hơn nữa, tôi ôn lại trong đầu những gì đã nghe về ông trong cương vị một tù nhân trong trại học tập. Và tôi ghi nhận những gì nghe được về ông là những lời người ta khen sau lưng ông.

Trong thời tao loạn này, lời khen trước mặt là một thứ tiền tệ không bản vị để dùng trong giao tế. Được khen sau lưng như ông là chuyện hiếm hoi và quý hóa vô cùng.

Ôn lại như thế, tôi thay đổi ý kiến: có thể ông không cường điệu khi dựng những nhân vật có cung cách, có tư cách trong truyện của ông. Vì bây giờ tôi biết, sau khi đọc Khu Rừng Lau đủ ba lần, là trong đời sống thật, ít nhất có một người tốt, một người có người có tư cách như những nhân vật của ông. Người ấy là Doãn Quốc Sỹ.

Mai Kim Ngọc

(Tháng sáu 2007)

Nguồn:

https://damau.org/15953/doc-va-doc-lai-khu-rung-lau-cua-doan-quoc-sy?fbclid=IwAR1IQCjIy7zA3unysVzqzT0UiIG54oIfS3tYSQjfNr4HjRMdc3s7CzThtJU