Nhà văn Doãn Quốc Sỹ - bố của bạn tui - Anh Quân

04 Tháng Ba 20208:12 CH(Xem: 7593)

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ - Bố của bạn tui 
quan sy

 

Hôm nay tui thay mặt bố tui đi chia buồn một người quen vì người vợ vừa qua đời. Ông ta vượt biên với gia đình tui vào năm 1979 và cùng qua Anh quốc định cư. Trước năm 1975, ông làm ở Việt tấn xã , đồng nghiệp với nhà báo Vũ Ánh, ngoài ra ông có câu chuyện nhiều người biết được là trước 30 tháng 4 là đi làm phóng sự với phái đoàn cao uỷ Liên hiệp quốc tại cao nguyên trung phần, chiếc trực thăng chở cả phái đoàn thì bị tai nạn,  chỉ còn ông ta sống sót cùng với cụ Nguyễn văn Cao , cụ có người con rể là ông Trần Văn Khởi , Giám đốc tổng cục dầu khí thời Việt Nam Cộng Hoà , giờ sống tại Houston, Texas. Hai ông Việt Nam bị lạc trong rừng đi bộ mất hết ba bốn ngày mà may mắn thoát nạn. Nên ông ta còn biệt danh là Tazan. Thầy dạy ông học làm báo là ông Nguyễn Ngọc Bích, nhưng người thầy dạy ông học văn tại Đại học là ông Doãn Quốc Sỹ . 

 

Cái câu chuyện sao lại có Giáo sư Sỹ trong đây thì cũng do tui khoái khoe khoang là mình biết người nổi tiếng. Tui có cô bạn Thanh Hương , học chung từ hồi nhỏ nhưng bạn tui lại không được nổi tiếng như bố của bạn. Giờ đi đâu nói Thanh Hương là bạn thân của tui thì ai nấy nghe xong rồi chẳng để ý. Nhưng nói Hương là bạn mà con gái út nhà văn Doãn Quốc Sỹ thì khác nha. Mọi người sẽ hỏi thăm bác Sỹ nhưng không ai hỏi thăm bạn tui. Một điều nữa thì bác Sỹ lại không biết tui là ai, nhất giờ bác là người cao niên thì bác càng không nhớ là đã lần nào gặp tui chưa ? 

 

Vào hè  2016, tui đến nhà anh Hưng, cứ đến buổi trưa bác ngồi ngoài vườn cắt các cành cây, gói lại vào từng bó, bác cứ liên tục làm như vậy, tui ngồi kế bên, có những chuyện muốn hỏi về các tác phẩm của bác, vì tui thắc mắc quyển “Người vái tứ phương” sao bác viết bói toán và tướng số y như một nhà tiên tri và am hiểu rất chi tiết, không biết bác có học hồi ở tù ?. Mà tui quyển này là lúc dọn dẹp garage, đang dọn thấy sách tui mới mở ra đọc, rồi đọc liền tù tì và quên cả công việc dọn dẹp.  “Đi” là quyển đầu tiên mà tui được đọc nhưng tui không biết tác giả là bác Doãn Quốc Sỹ, mà chỉ biết người viết là Hồ Khanh. Quyển sách cở khổ A4 gấp lại, do nhà in Lá Bối phát hành. Lúc đó các sách của Lá Bối ấn loát là tốt nhất, đóng gáy sách đàng hoàng, không như công ty Đại Nam bên Mỹ vào thời gian đầu in rất là cẩu thả, đồng ý là họ muốn giảm giá thành kiếm lời, nhưng in kểu lấy keo dán gáy thì đọc một thời gian là các trang cừ từ từ rơi ra , sách truyền tay nhau đọc , từ 300 trang thì còn lại độ 100 trang và gia chủ chỉ còn cách liệng sách vào thùng rác . 

 

Tui đọc quyển “Đi” vào năm 1984, những năm đó đời sống ở các quốc gia không đông người Việt thì mọi sinh hoạt rất là buồn, may là ở London nơi nào có đông một sắc tộc cư ngụ trong khu vực  là thư viện địa phương sẽ mua sách ngôn ngữ của quốc gia đó, vì luật cứ 4 người là mua một quyển sách. Cuối tuần tui không biết làm gì cứ vào thư viện đọc sách Việt Nam, khi tui thấy quyển sách có tựa đề ngắn ngủi là “Đi”, tui cũng thấy hơi lạ vì tui biết chỉ có nhà văn Chu Tử hay chọn tựa đề sáng tác tiểu thuyết của ông chỉ  có một chữ như “Yêu”, “Ghen”, “Loạn”…. mà phải nói truyện của ông lôi cuốn, có một điều tui không khoái là cứ lâu lâu ông chêm một câu tiếng “Pháp” vào trong một hồi truyện, mà thằng không biết tiếng Pháp như tui đọc rất là bực mình. Rồi tui mở từng trang của quyển “Đi” ra đọc, cứ một trang rồi lại tiếp một trang , lời văn dễ đọc, từ ngữ dễ hiểu và nhất là không có tiếng Pháp trong truyện. Tui ngồi trong thư viện cả buổi chiều để đọc hết quyển sách. Đọc xong tui cứ bồi hồi, có một cái chi trong tâm trạng của tui, có lẽ vì tui là “Thuyền nhân” nên thấy các nhân vật trong sách có một cái chi gần gũi. Có một nhân vật tui nhớ nhất, cho tới ngày hôm nay tui vẫn nhớ là người đi thăm nuôi, phải tranh dành đi xe lửa, xe đò, rồi gặp du côn, người bán thức ăn trên xe lửa… Còn bạn tui trong sách ngồi đàn piano mãi sau này tui mới biết đó là bạn tui, chứ lúc đó đọc tui không để ý cho lắm. Ngoài ra tui biết nhà sách Lá Bối lúc đó hay in sách Phật Giáo , sáng tác của Thầy Nhất Hạnh và sách của ông Võ Văn Ái của báo Quê Mẹ ở Paris. Nên in sách tác giả Hồ Khanh thì tui vẫn chưa đoán ra mối quan hệ  giữa tác giả và nhà sách. 

 

Hai thập niên 80 và 90 là tui đọc rất nhiều sách của miền nam Việt Nam trước 1975 và các tác phẩm sáng tác ở hải ngoại. Sách viết bên đây thì hay rơi vào chủ đề hồi ký và ở tù cộng sản, đôi lúc đọc cũng hơi chán mà có khi cũng nghi ngờ vì các chi tiết trong hồi ký không biết có hoàn toàn thật không ? tui còn tìm đọc sách trước năm 1975 là vì hồi đó tui còn quá bé để được đọc các tác giả như Duyên Anh, Nguyễn Thuỵ Long, Nguyễn Thị Thuỵ Vũ, bà Tùng Long … mà còn thêm Nguyễn Thị Hoàng, Nghiêm Lệ Quân, Dung Sài Gòn, Võ Hà Anh…. Tuy nhiên dần dà không thấy thích hợp vì sách viết thời đại 60 và 70 không còn hấp dẫn và thu hút

 

Các tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ đối với tui là loại sách kinh điển (Classic novels) nên thích hợp cho mọi thời đại, ngoài bộ trường thiên tiểu thuyết “Khu rừng lau” thì tui thích nhất quyển “Người Việt Đáng Yêu”, có lẽ vì công việc tui dạy tui nhỏ Việt Nam học tiếng Việt tại đây, tui gặp những khó khăn mà trong sách nói về một phần lịch sử Việt Nam, chương mà tui thích đọc nhất là “Hãy xây dựng một nền đại học Việt thuần túy sự giàu sang của tiếng Việt”. Tui luôn nhớ chữ “Lu bù” hay “Ai gọi ai lên ăn cơm đấy?” , một chữ “ai” mà chỉ cả ba ngôi. 

Những gì bác Sỹ viết thì đúng ưu tư cho người dạy tiếng Việt ở hải ngoại. 

 

Vào năm 1995 , mẹ tui đi Texas , Hoa Kỳ , mua tặng tui quyển “Mình lại soi mình”. Thời gian đó vào ngày cuối tuần tui làm thêm nghề bán quần áo thung ngoài chợ trời. Cái nghề bán chợ từ 9 giờ sáng tới 12 giờ trưa là nhàm chán nhất vì vắng khách. Không biết làm gì, chỉ ngồi đọc báo hay đọc sách. Được quyển sách , tui đem theo ra chợ đọc liên tục, vì sách có nhiều chi tiết lịch sử tui chưa bao giờ đọc qua. Nhất là đoạn nhà văn Nhất Linh gặp Hồ Chí Minh, tui không ngờ những việc cộng sản có thể làm và tui cứ đọc đi đọc lại cả 3 lần. 

 

Gần đây tui mới xem một cuốn phim ngắn nói về bác Doãn Quốc Sỹ do Jimmy Thái Nhật thực hiện, phải nói các chương trình văn nghệ và nghệ thuật Việt Nam ở hải ngoại của cậu bạn trẻ này rất là hữu ích vì trong tương lai sẽ thành một loại lịch sử truyền miệng hay tài liệu nghiên cứu. Vào phim những hình ảnh bác ngồi ngoài vườn làm tui nhớ lại tui đã có dịp ngồi kế bên một cây cổ thụ của văn học Việt Nam mà tui chẳng hỏi được một tiếng nào, chỉ hỏi một câu không liên quan gì cả là “ngày nào bác cũng làm vườn ?” và bác trả lời “già rồi làm vườn để giết thời gian” thế là chấm hết. Rồi không biết làm gì tui chụp vài tấm chân dung của bác. Mà thật sự không biết hỏi gì cũng đúng vì bác và tui là hai thế hệ hoàn toàn khác nhau, bác trưởng thành trong thời kỳ chiến tranh, những năm trung niên của bác là tù đày. Tui thì quá bình an và sung sướng nên vậy không cách nào hiểu được những gì xảy ra của thập niên 40, 50 và 60 tại Việt Nam. 

 

Hơn 10 năm trước, tui ngồi ăn cơm chung với ông nhà báo Việt tấn xã,  khoe với ông ta người con gái út của bác Sỹ  là bạn học ngày xưa . Nghe vậy ông ta xin email của bác Sỹ để liên lạc vì ông ta là học trò của bác Sỹ. Sau này tui đưa email của bác Sỹ thì ông nhà báo nói đã viết thư mà không thấy trả lời nhưng bạn Thanh Hương nói cho tui biết là bác Sỹ không dùng email và tui cũng không kể cho ông ta nghe. Hôm nay tui vào chia buồn với ông , ông ta cám ơn, ông ta không biết nói gì thêm với tui thì tự nhiên ông ta hỏi tui hai câu là hỏi thăm người bác gái của tui ở Seattle (rất thân với gia đình nhà văn Nhã Ca) thì tui nói bà đã mất hơn 3 năm rồi. Câu kế tiếp ông ta lại hỏi “Nhà văn Doãn Quốc Sỹ khoẻ không?” Tui ngờ ngợ vì thấy câu đó không liên quan đến tui mặc dầu trước kia tui lỡ khoe cô gái út là bạn tui. Nhưng tui vẫn trả lời vì mới xem Youtube nói về bác Sỹ trong chương trình Jimmy Thái Nhật. Tui nói bác giờ 97 tuổi , rất khoẻ và còn đi thả bộ bên ngoài. Ông ta lập lại câu nói trước kia là “nhà văn Doãn Quốc Sỹ là thầy của chú”. Sau khi chào ông , tui đi bộ ra bến xe mới nghĩ trong lúc tang gia bối rối mà thấy tui thì ông ta vẫn nhớ Thầy của mình năm xưa, nhưng có điều ông hỏi một người rất ít gặp bác Sỹ , chắc sau này tui gặp ông ta nữa thì tui nghĩ ông ta sẽ lại hỏi thăm tui về bác Sỹ và tui sẽ hỏi ông ta là thích tác phẩm nào nhất của thầy Doãn Quốc Sỹ ???
Anh Quân