KINH NGHIỆM VĂN CHƯƠNG DOÃN QUỐC SỸ

07 Tháng Bảy 20209:04 CH(Xem: 4773)

KINH NGHIỆM VĂN CHƯƠNG DOÃN QUỐC SỸ

Nguyn Vy Khanh

Hiệp định Genève 20 – 7 – 1954 đã đánh dấu một cuộc đình chiến nhưng lại chia cắt đất nước thành hai miền Nam – Bắc với ý thức hệ đối nghịch nhau; mâu thuẫn này sẽ đưa đến cuộc chiến tiếp diễn từ 1957 và tạm thời chấm dứt lần nữa vào ngày 30 tháng 4 năm 1975. Cuộc đình chiến năm 1954 đã đưa hàng triệu người di cư trốn tránh bạo lực và chủ nghĩa cộng – sản, vào miền Nam tìm tự do, dân chủ và an cư lạc nghiệp. Một thay đổi có ý thức, nhất là đối với thành phần trí thức. Miền Nam và Sài – Gòn đã là tụ điểm của những lên đường mới, của những nảy mầm và chín mọng văn – nghệ. Nhiều khuôn mặt mới xuất hiện trên trường văn trận bút, những Mai Thảo, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Thanh Tâm Tuyền, Đỗ Thúc Vịnh,… di cư vào phía nam vĩ tuyến 17 sinh hoạt văn – nghệ bên cạnh những Bình Nguyên Lộc, Nguyên Sa, Võ Phiến, Đỗ Tấn,… Khi Sài – Gòn trở thành thủ đô, với một cơ cấu chính quyền, thì ở đó và trong không khí đấu tranh văn nghệ cho chính trị ý thức hệ, những nhóm văn – nghệ được hình thành và phát triển. Tạp chí Sáng Tạo ra đời trong hoàn cảnh mới đó. Số 1 ra tháng 10 – 1956 và kéo dài được 31 số, ngưng từ tháng 9 – 1959, đến tháng 7 – 1960 tiếp tục bộ mới nhưng cũng chỉ ra thêm được 7 số. Mai Thảo, trong số ra mắt tạp chí Sáng Tạo đã phần nào chủ quan nói văn nghệ từ thủ đô Hà Nội đã chuyển vào thủ đô văn hóa Sài Gòn! Nhưng khẳng định của Mai Thảo là một diễn dịch khác của một cơ cấu xã hội và chính trị bị – động, phải đối phó tức thời với kẻ thù cộng sản. Sáng Tạo không đi ra ngoài quỹ đạo đó! Sáng Tạo ra đời với cái gọi là ý thức văn nghệ mới và làm mới văn học cho thời đó. Tạp chí Sáng Tạo đã muốn làm đại diện cho nền nghệ thuật mới hậu chiến được gọi là “nghệ thuật hôm nay”.

Nói đến nhóm tạp chí Sáng Tạo người ta nghĩ đến nhiều người: Mai Thảo “đầu đàn” với văn nói chung mới và tân cải hình thức, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên và Quách Thoại với thơ tự do, Nguyên Sa với thơ ca tụng tình yêu tân kỳ, Cung Trầm Tưởng, Sao Trên Rừng (Nguyễn Đức Sơn) và Trần Tuấn Kiệt làm mới thơ lục bát, Trần Thanh Hiệp và Nguyễn Văn Trung (Hoàng Thái Linh), người lập thuyết, người giới thiệu triết lý thời thượng của Âu châu. Nhưng bên cạnh còn có Doãn Quốc Sỹ, Viên Linh, Người Sông Thương (Nguyễn Sỹ Tế), Trần Dạ Từ, Thạch Chương (Cung Tiến), Vương Tân (Hồ Nam), Hoàng Anh Tuấn, Mai Trung Tĩnh, Nguyễn Nghiệp Nhượng, Mặc Đỗ, Duy Thanh, Lữ Hồ, Trần Lê Nguyễn,… Doãn Quốc Sỹ viết trên Sáng Tạo ngay từ những số đầu và chủ trương nhà xuất – bản Sáng Tạo; sự có mặt của ông đã là một đóng góp lớn, về chính – trị chẳng hạn, nhưng không là căn bản, không ở mặt nổi như những nhà văn thơ đã kể ở trên trước. Thật vậy, Sáng Tạo đã góp phần làm mới văn học về văn cũng như thơ, về hình thức, thể cách cũng như nội dung. Trong khi Thanh Tâm Tuyền cổ võ thơ Tự do, không vần, bất ngờ về ý và chữ dùng, Nguyên Sa với thơ tự do là thơ phá thể, Cung Trầm Tưởng, Sao Trên Rừng,… hiện đại hóa thơ lục bát với ngôn ngữ tân kỳ, hình ảnh mới hơn, bất ngờ, cũng như trong cách dùng chữ, ngắt câu; trong khi Mai Thảo đã đóng góp cho một cách làm mới hành văn, có thể nói là làm xiếc với chữ, Thanh Tâm Tuyền và Thảo Trường tra vấn triết lý phận người, Thanh Tâm Tuyền con chữ sắc lạnh và Thảo Trường nung lửa cho từng chữ dùng, v.v. thì Doãn Quốc Sỹ đã là gạch nối cho truyền thống – cách tân và đã là “hương lửa” dẫn truyền đến thế hệ trẻ hơn.

Mặt khác, trong bầu không khí chính trị mới, tự do và dân chủ của sau hiệp định Genève 1954, văn chương của Võ Phiến, Đỗ Tấn, Nguyễn Mạnh Côn, Doãn Quốc Sỹ, Đỗ Thúc Vịnh, Kỳ Văn Nguyên,… những con người từng theo kháng chiến, đã góp phần xây dựng chính trị miền đất mới trong giai đoạn đắp nền của thời đệ nhất cộng hòa. Tác phẩm của họ đã đáp ứng những chờ đợi của con người thời đó. Văn chương trở thành vũ khí đấu tranh chính trị với cộng sản, dĩ độc trị độc, cũng như người cộng sản đã đặt văn nghệ thành chính sách. Những chuyện xảy ra ở các liên khu kháng chiến. Trong Người Tù, Kỳ Hoa Tử, Khu Rừng Lau, Mùa Ảo Ảnh, v.v., đấu tranh con người và chính trị là một! Cùng với các nhà văn nói trên, Doãn Quốc Sỹ đã quyết tâm bảo vệ lý tưởng, ý nghĩa đã có, dứt khoát vai trò của người trí thức, phải bỏ chủ nghĩa cộng sản, đề cao dân tộc tính và tình người khi còn có thể. Một cách phá đổ huyền thoại kháng chiến đồng thời nhận chân giá trị thực của công cuộc vận động kháng thực đó! Vì an sinh của miền Nam cộng hòa, nơi tập hợp mới của con người không cộng sản, văn chương chống cộng, tố cộng, đề cao tự do, cảnh tỉnh người dân về hiểm họa cộng sản là thiết yếu, là những viên gạch không thể thiếu trong hoàn cảnh. Người ta nhân danh chiến tranh, muốn cảnh giác hiểm họa cộng sản. Và một tuổi trẻ năng động trong hành trình trí thức và tâm cảm, nhiều khắc khoải, ưu tư, nhưng họ lại có thể không cùng kinh nghiệm kháng chiến hay chống Cộng, dễ ngây thơ chính trị. Doãn Quốc Sỹ từng nhìn họa cộng – sản như chuyện Tái ông thất mã “tai ách Cộng – sản vò nát tự do, tàn phá nhân phẩm, chính là mũi thép nhọn, sắc mà nhân loại dùng để tự điêu khắc khuôn mặt mình theo một khuôn mặt lý tưởng mà mọi người hằng mơ ước” – như ông đã có lần tâm sự với Hoàng Vyễn Ngư (“Con người Doãn Quốc Sỹ”. Nghệ Thuật SG, 34, 6 – 1966, tr. 7 và 31). Như vậy, nạn nhân cộng – sản do đó đã chết không vô ích, một cái giá phải trả cho tự do, tương lai. Trong cùng phỏng vấn, ông cũng cho biết khi gia nhập kháng chiến “tôi kháng chiến hết mình. Tôi từng là một “anh hùng lao động” của cơ quan tôi. Nhưng đến khi giã từ “Thiên Đàng Đỏ” thì cũng giã từ quyết liệt, dứt khoát”. Di cư, nhưng Doãn Quốc Sỹ cũng đã thất vọng, như “về với quốc – gia thì lại đụng đầu với thối nát, thối tha, (…) nhưng ở thế – giới mệnh danh là tự do này, dầu nó thối tha đến đâu, nó thối nát đến mấy, mà mình muốn giữ vững lòng mình thì cũng còn đất đứng. Chớ ở thế – giới cộng – sản thì đừng hòng”(bđd).

Dĩ nhiên sau ngày 30 – 4 – 1975, lời của Doãn Quốc Sỹ về cộng – sản đã ứng nghiệm và những phê – phán chế độ miền Nam đã thiếu tầm nhìn xa và tích cực! Nhưng trước đó, miền Nam bốc lửa, nếp thanh bình tương đối của thời ngưng chiến sau 1954 dần mất. Nhà văn cũng như bao người dân khác, bị thời cuộc xáo trộn, phải đối phó. Sinh hoạt văn hóa cũng bị biến cố thời thế ảnh hưởng, và ảnh hưởng nặng nề. Người hiểu biết sẽ thấy khi chế độ đệ nhất cộng hòa bị lật đổ, dân chủ bị phản bội – mà những người sinh hoạt chính trị hình như cũng chưa thực hành được dân chủ, chưa chấp nhận “trò chơi” dân chủ – chống Cộng sẽ hết còn dễ dàng. Và một tuổi trẻ năng động trong hành trình trí thức và tâm cảm, nhiều khắc khoải, ưu tư, nhưng họ lại có thể không cùng kinh nghiệm kháng chiến hay chống Cộng, dễ ngây thơ chính trị. Không khí văn – nghệ trong tình cảnh đó trở nên nặng nề và bi quan, cái không khí buồn tột cùng hay bất lực đó đã thấy trong các tác phẩm của Võ Phiến, Dương Nghiễm Mậu,… cũng như cái phi lý dửng dưng trong tác phẩm Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Đình Toàn. Một lần nữa, con người trí thức lại phải lên đường đi tìm ý nghĩa của cuộc sống, người như Thanh Tâm Tuyền hăm hở mà dửng dưng, tự hào, không cảm tính, thì người khác như Nguyễn Đình Toàn chậm chạp khám phá theo cảm tính và tư duy. Đến giai đoạn này, nhà văn Doãn Quốc Sỹ ngưng lại với tuổi trẻ và tâm linh Thiền!

Sau biến cố chính – trị tháng 4 – 1975, kẻ “chiến thắng” đã tung nhiều chiến dịch nhằm bôi xóa văn – hóa tự do và nhân bản của miền Nam cũng như cùm nhốt lý trí và thân xác con người làm văn – hóa và nghệ – thuật. Doãn Quốc Sỹ bị hơn 12 năm tù và bủa vây, rình rập, nhưng ông đã gửi ra ngoài nước xuất – bản tập tiểu thuyết Đi! do nhà Lá Bói khởi dựng lại ở Paris in năm 1982 và ký Hồ Khanh như một thách đố và bằng chứng cho việc độc tài tư tưởng và chính – trị cũng không kiềm chế được tâm trí con người nhất là con người nghệ thuật.

Sự nghiệp văn – chương của Doãn Quốc Sỹ kéo dài hơn nửa thế – kỷ, ở đây chúng tôi ghi lại những khuynh – hướng và đặc điểm chính. Tạp chí Sáng Tạo là diễn đàn xuất hiện phần lớn các tác phẩm quan – trọng của ông ở vào giai đoạn đầu, như Dòng Sông Định Mệnh, Vỡ Bờ, và một số kịch và truyện ngắn khác cũng như những nghị luận về giáo dục và sư phạm. Ông cũng đã có mặt trên hầu hết tạp chí văn – học nghệ – thuật chính của nền văn học miền Nam tự do 1954 – 1975.

Chiến tranh và lý tưởng.

Cùng trường hợp với một số nhà văn từng tham gia kháng chiến chống Pháp hoặc từng dứt khoát lập trường quốc – gia từ trước hoặc qua việc ly khai về “thành”, bất hợp tác, chống đối và di cư vào miền Nam, Doãn Quốc Sỹ, đã đóng góp cho văn – học miền Nam với những kinh nghiệm kháng chiến và thất vọng về cộng sản. Họ viết lên những nhiệt huyết, trình bày những đối kháng, nghi ngờ về tính cách dân tộc và chính sách chiến tranh cách mạng khả nghi của chủ nghĩa cộng sản, viết với kinh nghiệm kháng chiến, di cư và nhắm nói với thế hệ trẻ hơn. Doãn Quốc Sỹ viết nhiều về chiến tranh trong Dòng Sông Định Mệnh, Khu Rừng Lau, v.v. Khởi từ kinh – nghiệm bản thân, toàn bộ tácphẩm của ông có thể xem như là một hành trình vươn lên, xuyên Bắc Nam, xuyên nhiều thế hệ, cổ võ Chân Thiện Mỹ, chống lại cái ác!

Trước hết, với bộ Khu Rừng Lau, được tác – giả gọi là “trường thiên tiểu – thuyết”, Doãn Quốc Sỹ thiết tha viết về “thế – giới của chúng ta, nóng hổi thực tại đất nước”. Tập một, Ba Sinh Hương Lửa (1962), trải dài qua ba thời kỳ đều đen tối của đất nước, thời Pháp thuộc, Nhật thuộc rồi Cộng – sản. Ngay từ đầu, tác – giả đã giới thiệu các nhân – vật: Khiết Khóa, Lãng sinh vào thập niên 1910, thuộc thế hệ Nguyễn Thái Học; Kha, Hãng, Hiển, Miên, Tân thuộc thế hệ “trưởng thành trong cuộc khói lửa toàn dân kháng Pháp 1946 – 1954″. Biến cố mùa Thu 1945 đưa họ nhập cuộc, những con người yêu nước cương trực, không cộng sản, theo kháng chiến chống Pháp. Chiến thắng Bông Lau (đèo Lũng Vài) 1947 gây hứng khởi kháng chiến. Nhưng họ đã phải thất vọng về con người và chủ nghĩa cộng sản tàn bạo, xảo quyệt. Ba người trốn về thành, rồi cả xã – hội “ba sinh hương lửa” cũng sẽ phải ra đi về “thành”, nơi chưa hẳn là tốt, nhưng không còn lựa chọn nào khác! Rời bỏ bạo lực, hầm chông, thủ đoạn và mù quáng, đường đời từ nay ít ra đã có những ba bóng người (Hiển, Miên, Kha) dù cánh đồng có phải biến thành khu rừng lau dù khô xác!

Trong tập đầu này, tác – giả đã nói nhiều đến những “bưng bít tuyệt kỹ” và “tuyên truyền xảo trá” của cộng – sản cũng như những “sơ hở ấu trĩ” của người quốc – gia yêu nước. “Nhân danh dân – tộc trong một cuộc chiến vì chính nghĩa thì từng giải đất, từng ngọn cỏ, từng thớ cây như có sự giao tình thắm thiết với người chiến đấu và trăm ngàn vạn mớ lệch lạc đem tình dân – tộc ra kê cũng thành vừa. Nhảy sang mảnh đất khô cằn của giai cấp đấu tranh, lũ người lãnh đạo kia như lũ chó thả mồi bắt bóng. Rồi trong thế chơi – vơi vỡ – lỡ, một mặt chúng bám lấy những ưu thế dĩ vãng, một mặt chúng dùng đủ thủ đoạn mà củng cố lập trường. Thực thể dân – tộc là sự hiện diện mênh mông của lịch – sử của thời gian, của không – gian, cố tình bưng tai bịt mắt phủ nhận thực thể dân – tộc, kìa, hãy trông chúng bơi trong ảo tưởng như bơi trong khoảng bọt ngầu trắng bập – bềnh vì phản bội” (tr. 281).

Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến (tập 2, 1964) mở ra với “hình ảnh lá cờ vàng ba gạch đỏ phe – phẩy thanh bình vẫy gió còn mãi mãi về sau này in hẳn trong tâm tưởng Miên một ấn tượng của thịnh vượng và của tình người”(tr. 9). Về “thành” cũng là miền quốc – gia, thành trì cuối của những con người tự do không chấp nhận chủ nghĩa cộng – sản, bộ ba tái ngộ những người bạn như Luận nay đi sĩ quan quân đội quốc – gia, làm báo Quân đội. Những mối tình nẩy nở, đến đích hoặc tàn lụi, những cái chết vì chiến – tranh vì thù hận và vì tình – yêu, những mảnh đời “tiểu tư sản” thành thị, v.v. tiếp nối nhau.

Tình Yêu Thánh Hóa (tập 3, 1965) gồm hai phần Vỡ Bờ và Quỳnh Hương. Các nhân – vật Khiết, Kha, Miên, Lãng, Khóa, Luận,… di cư vào miền Nam tự do, để bảo vệ nhân phẩm và truyền thống văn – hóa dân – tộc. Truyện được mở đầu như sau: “Năm 1954 với những đợt di cư đầu tiên, khuôn mặt dân – tộc Việt đẹp một cách kỳ diệu…”, vì “toàn dân Việt Nam đã trực tiếp hoặc gián tiếp đánh bại giặc Pháp trước và sau Điện Biên Phủ”. Truyện đặt trong bối cảnh lịch – sử miền Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm được tác – giả so sánh như “một cô gái nghèo hiếu hạnh vừa đến tuổi dậy thì với một nhan sắc vừa khích động tình – yêu vừa khính động lòng thương và lòng ái quốc dâng lên như nén hương long thơm ngát…”. Miên – Kha tái ngộ và thành đôi (“ân ái quả là một lễ hiến dâng để vừa cầu khẩn vừa đồng hóa Hạnh Phúc vào với Nhân Loại”, tr. 39), Tân – Lê cặp tình nhân nhiều sóng gió, thử thách, cuối cùng cũng “phá vỡ bờ để lý tưởng thuần túy cho đam mê tràn bờ vào thành một thế quân bình” (tr. 186). Khóa, Luận, Kha buôn xi – măng với người Nhật, Lãng dựng sân khấu kịch thời sự về cuộc chiến chống Pháp vừa qua, kết thúc với thơ Tố Hữu khóc Xít – ta – lin! Nhóm ra báo Văn – Hóa, các thành viên có cơ hội thi thố tài văn – nghệ, … và những tranh luận, đối chấp về làm mới, làm trẻ văn – nghệ, v.v… Khiết làm đại diện cho chính phủ dự hội nghị trung lập New Delhi. Quỳnh Hương cuộc đời sóng gió vào Nam đi hát phòng trà, nàng gặp lại Kha và Hãng từ Pháp về, nhưng thánh hóa… tình với Kha người đã có vợ, Hãng cuối cùng cũng lấy Thu, Quỳnh Hương đi sang Đức đóng phim và lập gia -đình với Karl, đạo diễn. Tình – yêu như vậy đã được các nhân – vật thánh hóa bên cạnh các hoạt động chính trị, văn – hóa và phòng trà về đêm của họ! Riêng Khu Rừng Lau thì như được cụ thể hóa qua việc khởi dựng từ mầm cây lau bên cạnh những mầm cây ăn quả mà các thành viên của nhóm đem đến trồng mừng nhà mới của Tân – Lê ở Vĩnh Hội.

Đến tập 4, Những Ngã Sông Trên Giòng Đời (hay Đàm Thoại Độc Thoại, 1966) diễn ra ở miền Nam, những kinh nghiệm chính trị đeo đuổi các nhân vật chính, Khóa, Kha, Luận, v.v., khiến họ thành những con người phản kháng, những người “cách mạng”, lúc nào cũng đi tìm, lập thuyết, đến cả bất mãn chế độ đệ nhất cộng hòa, thấy “miền quốc gia (…) thủ đô đầu não đã thành bãi rác mênh mông có lẫn đủ loại bài tiết của lũ người nô dịch đến xương tủy cho nếp sống đơn thuần vật chất (tr. 194). Nhóm có tên “gia – đình Văn – Hóa” đó, theo Những Ngã Sông Trên Dòng Đời, sinh kế nhiều ngành, nhưng tình hình chính – trị biến xoay, người thì thành y sĩ trong quân đội nhảy dù (Tân), người bị nha Công An thẩm vấn, bỏ khám (Kha, Khóa) và nhốt gần năm nhưng trong rủi có cơ may gặp được “mối tình thiên thu” (Khóa), lão thành như Khiết luôn tìm minh chủ thì dính vào những vụ đảo chánh hụt rồi thả bom hụt, Phiệt, nhânvật lớp lớn khác, thì tích cực xông pha trận mạc đến bị thương, v.v. Họ, như Khiết, nhận ra làm văn – hóa mà rơi vào chính – trị thì “chính – trị bây giờ như anh chồng trẻ lấy cô gái già hơn mình nhưng có sức mê hoặc, cô ta nắm vững nghệ – thuật chiều chồng lại biết hờn dỗi đúng mức nữa, khiến mình đành chịu bó tay trong cái vẻ đắm say của mê hồn trận đó”. Chính cái “ung nhọt” “xù uế” đó của người quốc gia đã xô đẩy những người trẻ sang phía đối phương mà Hiển, một nhân vật chính ở tiền tuyến của chiến – trận, đã biết rõ. Và dù chỉ trích nặng nề chính quyền đệ nhất cộng hòa, Khiết đành thú nhận sự thất bại của đường lối của nhóm, “bao giờ thì văn – hóa chẳng là ngọn triều có thể đi xa và thấm sâu hơn cả trong quảng đại quần chúng để làm chất men ủ mầm cho mọi trào lưu tiến hóa, đó là lãnh vực của chúng ta. Rồi đây chẳng có ai thắng, ai bại đâu, hay nói cho đúng cả hai cùng bại để lịch – sử Việt Nam thoát kiếp sâu sang kiếp bướm” (tr. 166 – 7). Tập 4 được sáng – tác trong không khí chính – trị nóng hổi của thời hậu đảo chánh, nếu có chiến thắng thì đã là của một thế lực, vì dân – tộc vẫn thua, lịch – sử vẫn nát! Thời sự (của thời khắc) dễ làm mất giá trị (lâu dài) của “tiểu – thuyết”!

Bộ Khu Rừng Lau vừa là một bản phân trần những bế tắc của một lớp người trẻ yêu nước vừa là một bản phân tích các chế độ chính trị độc tài. Những con người tốt phải sống giữa đám người tàn độc! Nhân – vật lý tưởng nhưng hay nặng tình và thích thơ văn, làm báo. Về văn chương, đây đó có những chương đoạn khá thành công về đất nước quê hương, về thời thơ ấu của các nhân – vật ở những giai đoạn lịch – sử, về tâm lý các nhân – vật, về nghệ – thuật, văn – hóa, v.v. Những trích dẫn thơ văn và bài hát một thời và cả cung cách đối xử, ngôn – ngữ sử – dụng (cán bộ, kháng chiến, người Hà – Nội, Sài – Gòn, trí thức, cách mạng, pha tiếng Pháp rồi Anh, Đức, v.v.) đã chứng tỏ là thiết yếu cho bộ tiểu – thuyết trãi dài theo thời gian và đa dạng địa lý cũng như giai cấp xã – hội.

Trong truyện dài Dòng Sông Định Mệnh (1959), những biến cố đau thương của đất nước đi song hành với mối tình của Thiệu với Yến, từ thời tắm chung ở sông Đuống, Bắc Ninh, đến khi gặp lại Yến chủ tiệm thuốc tây giàu có, đã hai con nhưng chồng chết; rồi chàng sang Pháp du học, phải lòng Suzanne, một thiếu nữ Pháp có mái tóc giống Yến (“Suzanne đã lẫn vào Yến, Thiệu chỉ biết yêu chân thành và trong thâm tâm Thiệu vẫn yên chí rằng chàng yêu có một người”(tr. 137)), rồi trở về Sài – Gòn dạy học thì Yến cũng dở dang phải tái giá và theo chồng ra Huế. “Điều đáng buồn cho Thiệu là ở Pháp, Yến lẫn với Suzanne, nhưng khi Thiệu về tới Saigon, Yến bỗng tách khỏi Suzanne để trở thành hình ảnh độc lập”(tr. 142). Tình định mệnh dang dở vì cái mặc cảm sợ hãi, băn khoăn của một chàng trai đứng trước cô gái mà mình cảm thấy cách biệt với mình vì giáo dục gia -đình, định mệnh trở thành cái cớ để tự bào chữa cho những ngần ngại và nhút nhát của chính mình. Cuối truyện, Thiệu nằm cạnh Suzanne mà mơ thấy Yến ở phố xá Sài – Gòn, anh tự nhủ “Chả việc gì mà phải xao xuyến! Dòng sông định mệnh đến đây sắp đổ ra biển rồi, sông đã mở rộng đôi cánh tay nhỏ bé để ôm lấy Mẹ là biển cả, có còn khúc quanh nào đâu?”. Nói vậy nhưng vẫn đau khổ mộng mơ “Kiếp sau em làm vợ anh, tình chúng ta chân thành, nhất định kiếp sau em là vợ anh!” (tr. 145, 146).

Tình – yêu là chính, nhưng không khí kháng chiến cũng chiếm nhiều trang. Thật vậy, con người nghệ sĩ Thiệu đã ra Khu lúc cuối cuộc chiến – tranh Việt – Pháp, nơi chàng đã quan sát được những ngu dốt (thế – giới người mù) và hèn nhát của cán bộ, như ở chiến trường Bình Trị Thiên “Đâu đâu cũng chỉ thấy những người dân tự động làm nuôi nhau, tự động chống giặc. Hầu hết cán bộ đảng chính cống hình như đã chuồn ra Thanh Nghệ Tĩnh từ lâu rồi”.

Truyện dài Sầu Mây (1970) được viết sau khi tác – giả tu nghiệp ở Hoa Kỳ về. Tất cả sinh hoạt và quan sát của nhân – vật Huy như nối dài cuộc kiếm tìm làm người Việt Nam. Những mâu thuẫn và đấu tranh giành quyền lực giữa hai nhóm trí thức thân Pháp và thân Mỹ, những tái ngộ bên cạnh những mối tình của giới trí thức và cao vọng. Và cả kiếm tìm quyền lực chínhtrị, như khi hai nhân – vật viết cho nhau: “vụ Mậu Thân thoạt là đại bất hạnh cho mình mà rồi thành ra đại bất hạnh cho chính cộng – sản. Phải chăng đó là cái l’imondérable de l’histoire – điều mà anh viết cho tôi trong bức thư trước. Những giáo điều nhai nhải của chúng thật hết sinh khí rồi. Lũ lãnh đạo ngoài đó hoàn toàn đã là lũ ký sinh trùng, cố bảo vệ lấy đặc quyền giai cấp mới của chúng, chẳng hơn mẹ gì những tên thối nát bên mình. Cũng nên nói thêm từ sau Mậu Thân, bên mình trên bề mặt đã thấy có những tiến bộ nho nhỏ, đành rằng nhiều kẻ ngồi trên còn bẩn thỉu lắm. Điều đáng buồn là kể cả những người giàu thiện chí nhất bên mình cũng không thấy vị nào có được một sách lược nhịp nhàng, thuần chỉ là giai đoạn, mà giai đoạn cho hôm nay thì mai đã hóa thành trơ trẽn bẽ bàng vì bị đặt sau lưng tình thế …”(tr. 226 – 7). Tình – yêu như dòng sông, vẫn tiếp tục đuổi chạy theo nhân – vật của Doãn Quốc Sỹ, ở đây là Huy với Crys, một cô gái Mỹ: “Với sự đam mê kỳ lạ và ngay thẳng của hai người Huy cả quyết nghĩ rằng quãng sông đẹp nhất của đời Crys chính là quãng sông gặp gỡ mảnh đất tâm hồn của chàng. Sự gặp gỡ đồng điệu của hai tâm hồn làm cho dòng sông chảy tuy mải miết mà vẫn ra chiều hiền hòa…” (tr. 233). Khi máy bay đưa Huy hồi hương, “mây khói sầu giăng man mác” cũng có thể xem như là “sầu mây lên cao thành niềm vui chiến thắng… nếu chúng ta biết nhìn trước thấy dòng luân lưu của sự vật” (tr. 255)!

Trong số các truyện ngắn đã xuất – bản thành tập (U Hoài 1957, Gánh Xiếc 1958, Gìn Vàng Giữ Ngọc 1960, Cánh Tay Nối Dài 1966,… ), một số truyện được xem là tuyệt tác của Doãn Quốc Sỹ, như Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều, Khu Vườn Bên Cửa Sổ, Hương Nhân Loại, …, tuyệt vì như khi tác – giả sống lại quá – khứ và thời hoa mộng thì văn – chương lên cao! Thật vậy, các truyện này đã như những đoạn hồi ký của một người tâm hồn vừa thi nhân vừa giàu tưởng tượng, mà các nhân – vật và tình – yêu trong thế – giới Doãn Quốc Sỹ thường có khuynh – hướng lý tưởng, lãng mạn (như Linh trong Khu Vườn Bên Cửa Sổ, và nhiều nhân – vật trong Dòng Sông Định Mệnh và bộ Khu Rừng Lau).

Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều tả cảnh đời sống một thời chiếntranh. “… Mùa đông năm đó rét lạ lùng. Gió hun hút giật từng cơn buốt như dao cắt từng mảnh thịt hở, … “. Nhờ chiếc chiếu vớt ở lạch mà tối đến thằng em út có chiếu đắp ấm, nhưng rồi “sang hạ tuần tháng chạp, suốt ngày mưa phùn gió bấc lạnh như cắt ruột. Không hiểu là vì rét nhiều hơn hay là vì chúng tôi đã bắt đầu giảm khẩu phần! Chiếc chiếu mẹ tôi vớt ở lạch đắp cho thằng em út đã rách sơ sác (sic)”. Tình cờ người mẹ ra phía bụi tre đầu nhà thấy cong queo dưới hầm trú ẩn một chiếc chiếu hoa cạp điều”. Cái khốn khổ vật chất đưa đến cái nhục, khi ông Lý Cựu, chủ chiếc chiếu, đòi lại. “Tôi hiểu khi đó hầu hết các gia đình khác cũng như chúng tôi, chịu đựng bao nhục nhằn với những phút sa ngã nhỏ như chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều. Tất cả những hy sinh đó – kể cả hy sinh một chút danh dự cho sự yếu đuối thường tình của con người – tuy dằn vặt, ray rứt mà không tàn phá nổi niềm vui trong sáng, thanh thản của tâm hồn, vì ai nấy vẫn sống ngợp hy vọng một ngày mai vinh quang. (…). Cộng sản dìm nhân loại trong thiếu thốn để chứng minh nguyên lý “Vật chất quyết định hết thảy”. Chúng lầm! Con người càng từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin và đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào. Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam tôi còn trải qua nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điều đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều, tuy thực tình câu chuyện chỉ giản dị có vậy”.

“Cách đây ít lâu khi mua được đôi chiếu hoa Phát Diệm ở đường 20 về giải lên phản cho con nằm, tôi thấy vợ tôi chợt úp mặt vào hai bàn tay trước bàn gương. Có lẽ nàng nghĩ đến câu chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều khi xưa. Chuyện đó như biến thành chiếc phao xẫm màu, bất chấp mọi giông tố vẫn nổi lềnh bềnh trên biển, biển thời gian của đời, biển kỷ niệm của hồn. Cũng kể từ sau ngày xảy chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy. Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh nghèo túng giật gấu vá vai, tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành” (tb 1967, tr. 152 – 3).

Doãn Quốc Sỹ còn là tác giả tuyển tập 4 vở kịch Trái Cây Đau Khổ. Vở kịch mang tựa tuyển tập chung vẽ lại những tàn ác của những người theo cộng sản như cai ngục và lãnh tụ đảng. Nhân – vật Cai Ngục kêu xin Ngọc Hoàng:

“- Muôn tâu Thượng – Đế, khi còn ở trần gian con là tên cai ngục trung thành của Đảng. Con đã được Đảng huấn luyện từ thời măng sữa để suốt đời thành một giống chó ngao hung dữ khát máu đồng loại. Ngày nào không được tra khảo, ngày ấy con ăn không biết ngon. Máu và nước mắt đồng loại đã làm gia vị không riêng gì cho bữa ăn mà còn cho cả đời con (cúi mặt khóc nức nở). Chúng đã bóp nghẹt tấm linh hồn trong trắng mà Thượng Đế đã ban cho con để thay vào một linh hồn giả tạo …

Ngọc Hoàng – (gật đầu) Quả vậy, ngươi đã không hề được sống với người.

Cai Ngục – Cho đến ngày con chết! Thần Chết đã là cứu tinh của con! Thần Chết đã giải thoát con ra khỏi vòng mê hoặc của chúng (ngước nhìn Ngọc Hoàng). Con đã mắc những tội tầy đình nhường ấy mà sao ngài vẫn nhìn con bằng con mắt thản nhiên?

Ngọc Hoàng – (cười hiền từ) Làm sao mà ta không thản 22 nhiên. Trước khi ngươi tái sinh, ta chẳng đã ban cho ngươi trái cây đau khổ? Và giờ đây lòng ngươi bứt rứt như vậy, há không đủ rồi sao?

(… )

Cai Ngục – Con thấy phần tinh anh bất diệt của Thượng Đế ban cho càng trở nên tinh tế, linh động và mãnh liệt. Đâu đâu con cũng thông cảm được nguồn sống rộng rãi hiền hòa của Thượng Đế. Bất kỳ cái gì của Ngài cũng làm con đê mê. Con sung sướng khi thấy gió rung lên thì cành cây phe phẩy; trông lá xanh hoa nở mà cảm thấy mạch đất mênh mông dâng màu vô tận. Trời ơi! Trời đất ở đâu cũng chan chứa một niềm rung cảm đại đồng. Con đã rời bỏ bầu sữa mênh mông của Mẹ để ngậm vú sữa tanh mùi máu, hôi thối mùi thịt xương của yêu tinh… Khi bú sữa Mẹ, con nuôi tình yêu thương, khi bú sữa yêu tinh, con nuôi chí căm hờn. Ngày nào con được trở về lòng Mẹ, dù là trở về để vào địa ngục, con sung sướng biết bao!”

Triết lý nhân sinh “trở về”, trở về làm người, để tự cứu và cứu cả nhân loại.

Tiếng Hú Tâm Linh là vở kịch với ưu tư “giữ được sen tâm hồn ngát hương”. Và ở đây, kịch như thơ, lời cũng như tên nhân – vật (hai thi sĩ Hoàng Hoa, Trực Ngôn, điêu khắc gia Miên Trường,…)

- “Tiếng tiêu não nề, rũ rượi như biến thành tiếng thở dài muôn thuở. Tiếng tiêu nhập vào tâm tình của mây lang thang, của gió phiêu bạt, niềm tâm sự như vừa phóng mình đi vừa bắt lại mình trong ngàn sương mung mung mạc mạc. Sự rượt bắt vô hình để làm gợn vàng dòng sông, làm thảng thốt loài chim đêm, hơi mát bỗng đọng lại thành những hạt sương long lanh, duy có dãy núi xa là giữ nguyên vẻ trầm tư” (tr. 128 – 9).

Những nhân – vật kịch lý tưởng lớn, tâm hồn lớn, hoặc muốn làm chuyện lớn, chuyển đổi xã – hội và cả nhân sinh. Tuy vậy, có thể nói Doãn Quốc Sỹ không thành công lắm với thể kịch vì thường là những đối thoại dài, để đọc và thưởng thức kiểu thẩm thấu; lại được pha thần thoại, siêu hình và luân lý, khó đưa lên sân khấu hoặc nếu đưa được thì cũng khó mà giữ chân được người xem. Như Thanh Tâm Tuyền trong lời Từ, đã nhận xét về kịch Doãn Quốc Sỹ: “Bản chất không chấp nhận sự tàn nhẫn, anh viết kịch với những nhân – vật hạnh phúc của anh. Và kịch trở thành thơ, một cuộc đối thoại triền miên, không dứt, ngụp lặn trong thế – giới của Thực và Mộng, quái gở và hồn hậu. Những cái Thực được coi là Mộng, và Mộng hóa thành Thực. Kịch rốt cuộc chỉ là cổ tích và thần thoại”.

Dấu Chân Cát Xóa (1995) viết 1974 chưa kịp xuất – bản thì xảy ra biến cố 30 – 4 – 1975, nhà Văn – nghệ Cali in năm 1995. Một tiểu – thuyết ngắn về những hành hương trí thức “dấu chân cát xóa” của hai thanh niên trên đất Mỹ, về tình – yêu lãng mạn, lý tưởng hào hùng và Chân Thiện Mỹ trong một không gian của tâm linh và đạo người á đông, Việt Nam. Đất nước Hoa – Kỳ mênh mang thiên địa nhân đem lại một chiều kích mới cho cuộc kiếm tìm mà tác – giả đã khởi từ thập niên 1950.

Thuộc vào sáng – tác trước biến cố 30 – 4 – 1975 xuất – bản trễ còn có tập Cò Đùm (1996) tiếp tục cuộc kiếm tìm con người Việt Nam, tập gồm những chiêm nghiệm về chiến tranh vừa qua, về những biến cố lịch sử khác. Nông nhân luôn là nạn nhân trong cuộc chiến giai cấp và khi mà kẻ trí thức có vấn – đề, chỉ là thứ trí thức “ma trơi, cò mồi”, một thứ “vong bản” vì đã đánh mất gốc thuần phác nông dân của người nhà quê. Nhân – vật Cò Đùm “tượng trưng cho tâm hồn điển hình nhất của quảng đại quần chúng Việt Nam vùng thôn dã. Một tâm hồn bén nhạy, tuyệt luân khôn ngoan, … đôn hậu, … để tự bảo tồn và cũng có nghĩa là bảo tồn dòng giống quê – hương (…) Kể từ ngày quốc – gia thành nền tang tự đời Lý đến nay, chúng ta cứ diệt xong ngoại xâm thì anh em lại cấu xé nhau – đó cũng là một nét xấu dân – tộc tính – sở dĩ chúng ta còn giữ được nước chính là nhờ phần trực giác mẫn nhuệ kia …” (tr. 52, 54).

Trong Đi! Gửi xuất – bản ở hải – ngoại (Lá Bối, Paris 1982) và ký Hồ Khanh, nhân – vật ông giáo bị đây xuống vực sâu đày đọa của người đối với người, của nhồi sọ, có lúc tưởng đã mất hết tin tưởng, cũng đã tìm lại yêu thương và tình người từ những đứa bé miền núi hẻo lánh. Năm 1997, Doãn Quốc Sỹ cho tái bản, chứng tích của một giai đoạn bi đát của đất nước và con người. Sau ngày “giải phóng” 30 – 4 – 1975, kẻ “chiến thắng” đã được dịp nhận chân sự thực về xã – hội miền Nam; nhưng đã trễ, bánh xe lịch – sử đã chuyển vần. Sống trong một chế độ chuyên chính thì nhận chân phải tự phủ nhận, thất vọng phải ngậm câm, chỉ có người miền Nam – kẻ “thua” nhưng quen sống tự do dân – chủ, mới dám nói thay kẻ “thắng”: “Tao nói thực với mày, nhìn vào đời sống thực tế rõ ràng ngày một xuống dốc rất nhanh, nghe những lời hoa mỹ nơi đài phát thanh, đọc những lời hoa mỹ trên khắp các mặt báo, tao có cảm tưởng chứng kiến cảnh một thằng chủ bất lực vì củ đinh thiên pháo đương hãm hiếp một cô gái thất thế bằng cái lõi ngô hay củ khoai gì đó, trong khi đám đàn em của nó ôm đàn cất cao giọng đồng thanh ca ngợi chủ soái chúng đương ân ái với Hằng Nga và sẽ hạ sinh những hoàng tử kiêu hùng, những công chúa chim sa cá lặng. Đ. M. đúng là thủ dâm bằng mồm” (tr. 165).

Người Vái Tứ Phương (1995) viết năm 1982 khi còn ở trong nước và sau khi bị kẻ thắng tàn độc đọa đày. Nhưng tác – giả, một nạn nhân, vẫn đôn hậu không hận thù khi nhìn cuộc đời, xã – hội và đời sống trong các trại gọi là “cải tạo” và ở miền Nam sau 1975. Dăm nghi vấn cực chẳng đã như trong lớp “cải tạo” đã phải hỏi một đất nước đã “thống nhất, khẩu hiệu “không gì quí hơn độc lập tự do” được nêu cao khắp nơi, mà lại cả triệu người đủ nam phụ lão ấu đua nhau bỏ nước ra đi, bất chấp tù đày, bão biển, cướp biển giết chóc, hãm hiếp?” – kể cả cán bộ cộng – sản! “. Viên trung tá công an, hồi tâm, nhờ nhân – vật giáo sư Hoàn, đã ra bùng binh ngã sáu Sài – Gòn giờ giới nghiêm để lập vái tứ phương để mong gặp lành tránh dữ và trừng phạt, “khi vái tứ phương cử chỉ phải thực chững chạc, thân hình thẳng vút như cây tùng chứng tỏ lòng thành khẩn của mình bộc trực với trời đất. Tiểu vũ trụ là mình với đại vũ trụ đồng nhất thể, mình nguyện với trời đất là mình nguyện với chính mình đó thôi!”(tr.64). Không những một, mà nhiều anh “nườm nượp” đến tìm giáo sư để được “gặp lành tránh ác”. Ông giáo sư chỉ làm công việc “đánh thức nhân tính”. Sau cùng, tập Mình Lại Soi Mình (1995) tiếp nối chuyện va chạm sống chung sau 1975 và cuộc vượt thoát của nhân vật Phượng.

Khởi nghiệp văn với khuynh – hướng truyện kể (truyện cổ tích, thần thoại), tác – giả đi qua thể – loại tiểu – thuyết trước khi trở về một cách nào đó với hợp thể qua hình – thức đoản văn hoặc truyện chỉ còn là cái vỏ chuyên chở ý tưởng, tâm tình của tác giả! Những truyện cổ tích, thần thoại, Thiền thoại, tâm linh của Doãn Quốc Sỹ đã góp phần đưa vào yếu tố kỳ – ảo cho thế – giới tiểu – thuyết Việt Nam, nhưng không là những hiện thực huyền – ảo như trong các sáng tác vào cuối thế – kỷ XX và đầu thế – kỷ XXI như với Nguyễn Huy Thiệp, Tạ Duy Anh, Hồ Anh Thái, v.v. ở trong nước. Thể đoản văn và tùy bút được ông một thời chiếu cố, với Vào Thiền (1970) gồm những giai thoại tùy bút và Trái Đắng Trường Sinh (1971) gồm những đoản văn. Thiền được ông xem như sống, không thể dùng lý luận mà hiểu hoặc đến với Thiền. Có “không tâm” thì cũng có “diệu hữu” và có “tri” thì phải có “hành”!

Doãn Quốc Sỹ khởi đầu sự nghiệp với nhưng tập truyện cổ tích như Sợ Lửa, Hồ Thùy Dương, những truyện tưởng đọc để giải trí nhưng thực ra là gây suy nghĩ. Ông còn nhà giáo dục và đã hơn một lần khai phá những lãnh vực nghiên cứu vănhọc và ngôn – ngữ. Ông là tác – giả của tiểu luận văn – hóa Người Việt Đáng Yêu (1965), biên khảo về ngôn – ngữ (Lược Khảo về Ngữ Pháp Việt Nam, 1970 , viết chung với Đoàn Viết Bửu), và văn – học (Văn – Học Và Tiểu Thuyết, 1972), cũng như chủ biên nhiều tuyển tập văn – chương nhắm giới trẻ như Tuyển Tập VănChương Nhi Đồng (1969 – 1972), Ca Dao Nhi Đồng (1969), Thần Thoại (1972), Ngụ Ngôn (1969),…

Người Việt Đáng Yêu tập trung những suy nghĩ và kinh nghiệm của ông về người Việt, từ lũy tre xanh, ngôi làng, ra đến chốn thị thành. Thi ca đã là nguồn nuôi dưỡng tâm hồn người Việt, tạo mỹ cảm nơi con người Việt. Tuy chưa là một tổng hợp đa dạng, nhưng tập Người Việt Đáng Yêu của ông đã ghi nhận một số những đặc điểm và cá tính thực hữu của người Việt. Trong khi đó tập Người Việt Kỳ Diệu đã được văn – nghệ “nằm vùng” Vũ Hạnh ký A. Pazzi xuất – bản cùng năm 1965 đã lừa được một thế hệ với những cường điệu về người Việt, cho phù hợp tuyên truyền về một chủ nghĩa “dân – tộc” và “người Việt Nam thực đẹp!”. Khiêm tốn và thực tế hơn Vũ Hạnh, Doãn Quốc Sỹ đã kết luận: “Hãy dùng đau khổ làm đầu mà thắp lên ngọn lửa tin yêu, bởi quả thật dân – tộc mình vì đã kinh qua quá nhiều đau khổ mà có thừa chất “Người” để trở thành một trong những dân – tộc đáng yêu nhất của nhân loại”.

Thuộc nhóm “văn – nghệ hôm nay” Sáng Tạo, nhưng thành viên Doãn Quốc Sỹ không đặt nặng làm văn – chương hình – thức như Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Trần Dạ Từ, Dương Nghiễm Mậu, v.v. hay đem vào nội – dung, tư tưởng mới như Thạch Chương, Thanh Tâm Tuyền, Thảo Trường, v.v. Họ Doãn đã chứng tỏ chuộng văn – hóa truyền thống nếp cũ, dân tộc. Tuy vậy, một số tác – phẩm của ông đã cho thấy bút pháp, văn phong của riêng Doãn Quốc Sỹ. Ông kết thúc tập Khu Rừng Lau 2 như sau: “…Tiếng hát giọng đò đưa buồn buồn, chơi – vơi, xa vắng. Lời không rõ nhưng cảm giác thì như vậy. Tựa như tự thuở nào đến giờ cứ vào giờ thanh vắng đó là tiếng hát nổi lên, tiếng hát như thoát lên tự lòng đất, kể lể nỗi niềm để vừa xoa dịu vừa làm cho thấm thía thêm những sầu hận của những kẻ chợt thức giấc đón nghe nó… Kha vẫn đứng nguyên chỗ cũ hoàn toàn bị giọng hát thôi miên, hay đúng hơn để cho tâm hồn tan vào tiếng hát, xóa nhòa ý niệm về thời gian và không – gian. Tuy nhiên chàng vẫn cảm thấy lạnh, cái lạnh của một tâm hồn cô đơn. Hình như chàng mỉm cười vì trong cái vô cùng cô đơn ấy chàng thấy rõ chiến tranh tàn phá gây biết bao cảnh đổi đời, nhưng có một cái mà không gì tàn phá nổi là tiếng sáo diều và nhất là tiếng hát kia, Tiếng Hát Tự Lòng Đất, tiếng hát sầu dằng – dặc, nhưng là tiếng hát bất tuyệt vỗ – về an ủi sự sống làm cho sự sống càng phì nhiêu và bất tuyệt như nó.” (tr. 245-6).

Nhiều đoạn văn tả cảnh tả tình trong tập Dòng Sông Định Mệnh rất gợi cảm, nên thơ. Hay đoạn mở đầu truyện dài Sầu Mây : “Trời mưa bụi thì phải. Huy đi trong một vùng hơi nước bao phủ mờ mờ. Quyền, người bạn đồng niên của chàng, tay dắt đùa con nhỏ đã đứng chờ chàng ở góc đường kia. (…) Huy đi ngay về chỗ để xe, đi quanh quẩn sang một đường hẻm lầy lội khác, mưa bụi nhường như mau hạt hơn. Một cô gái nhỏ khuôn mặt trắng muốt, cô mặc áo màu xanh dài lướt thướt, đi vội qua đường, ngoái cổ lại cười trong mưa bụi. Đó là điểm tươi sáng duy nhất của khung cảnh mưa bay buồn thảm hoang vắng lúc đó. Sau lùm cây kia hẳn là bờ sông hoang dã, cỏ dại và cát trắng. Người con gái đã mất dạng sau lùm cây xác xơ, không nói một tiếng: Huy khao khát được nghe tiếng nàng, chàng đoán thầm nếu nàng cất tiếng, lời nàng sẽ biến thành dòng nước tinh khiết mát rợi chảy qua người chàng. Hay thèm một cái gì bình dị như nụ cười hồn nhiên của bất cứ một ai. Nụ cười có thể thâm thúy, có thể hời hợt, chính sự bất thường đó làm cuộc đời phong phú như con thuyền nhỏ chìm nổi theo sóng gió đại dương. Huy thấy mình đã đi vào căn nhà mái cao, bố bề không có tường, …” (tr. 5 – 6). Hãy tưởng tượng đó là tâm tư của một nhân – vật đang sống ở trên đất Hoa – Kỳ!

Doãn Quốc Sỹ đã hơn một lần nổ lực làm mới văn – chương, nghệ – thuật, nhưng không như một số đồng hành của ở tạp chí Sáng Tạo, mà ở lõi ý tưởng chuyên chở, ở ý hướng đóng góp, đưa đến cái mới, kể cả khi viết đoản văn, tùy bút, tạp bút hay tiểu thuyết, truyện thần thoại. Doãn Quốc Sỹ thuần túy là một nhà văn – nhà giáo, hay có thể thâu tóm gọi ông là một nhà nho thời đại mới, thời mà đã là hiền giả thì không thể không trở nên lạc lõng. Nhưng ông đáng quí vì tính nhân hậu, mà bên trong còn là một con người tâm hồn phản kháng, cứng rắn và kiên trung khi cần phải đương đầu với bạo quyền, bền gan tiếp tục đề cao chân thiện mỹ và ngợi ca những nét đẹp tinh thần và thực tế của dân tộc, cũng như vạch ra cái gian cái ác của bầy yêu ma quái quỷ vẫn còn đang thống trị trên quê hương.

Cái ác của quá – khứ ai cũng mong không có chỗ đứng mai sau, nhưng cái ác vốn không tự hủy, không tàn lụi, nếu con người không ý thức và ra tay! Tác – phẩm của Doãn Quốc Sỹ đã ra tay! Viết như một người có lý tưởng và như một nhà giáo, đầy lòng nhân hậu, kiên nhẫn, nhưng ông giáo cũng chờ đợi ở những cải đổi và ở chân thiện mỹ! F. Nietzche ở thế – kỷ XIX đã lớn tiếng khai tử Thượng đế, con người được tự hào đề cao, đến thế – kỷ XX thì một mặt chủ nghĩa cộng – sản tận diệt con người như một chủ thể tự do thì ở thế – giới gọi là không cộng – sản, người ta cứ thi đua phát triển kỹ thuật, văn minh có vẻ vô cùng tận, dù có phải hy sinh môi trường sống, thì rồi người ta cũng nhận ra con người đã chết! Nhà văn Doãn Quốc Sỹ ngược lại, lúc nào cũng đề cao con người và kinh – nghiệm văn – chương của Doãn Quốc Sỹ đồng thời và rốt cùng cũng là kinh – nghiệm làm người Việt Nam ở thế – kỷ XX!

Nguyễn Vy Khanh

Montréal, 15 – 8 – 2006