Lời Giới Thiệu DQS - Dọn Dẹp Tạp Niệm

15 Tháng Mười Hai 20228:06 SA(Xem: 1579)

Dọn dẹp tạp niệm
Doãn Tư Liên

Lời giới thiệu:

Một lần tới thăm nhà văn Doãn Quốc Sỹ tại tư gia ở Garden Grove, Nam Cali, nơi ông sống với gia đình con gái Doãn Tư Liên. Liên nồng hậu đón tôi tại phòng khách. Không thấy ông cụ đâu, tôi hỏi thì Liên đáp ông cụ bận ở ngoài vườn. Tôi đáp vậy là ông cụ vui thú với cỏ cây thiên nhiên, như vậy tốt, lành mạnh. Tôi ngó ra khoảng vuờn nơi mảnh sân sau nhỏ của ngôi nhà duplex, thấy dáng ông cụ mặc áo cơ mi trắng bỏ trong quần rất tề chỉnh, đầu đội mũ lưỡi trai cố hữu, ngồi trên ghế loại ở phòng ăn, lưng quay lại phía chúng tôi. Tôi nghĩ ai lại làm vuờn ngồi trên ghế cao và trang phục tề chỉnh như vậy, nhưng không nói gì. Càng không để ý tới nét mặt “đau khổ” của Liên đứng sau tôi (xin xem về mối “xung khắc” duy nhất Liên có với Bố Sỹ trong bài “Bố và Con”).

Một lần khác tới chơi thăm nhà văn lúc ấy đã ngoài 90. Lần này ông cụ ngồi ở bàn phòng ăn, một xấp báo cũ trên bàn bên cạnh một cây kéo, và bên cạnh chân trên sàn nhà là một cái thùng cạc tông trong đầy các mảnh giấy vụn cắt đàng hoàng chứ không phải xé. Khi Liên nói có khách tới thăm, ông cụ ngước lên nhìn tôi như người không quen biết, hơi gật đầu, rồi lại quay sang chăm chỉ cắt giấy. Đã quen với cảnh đó, chúng tôi quay ra chuyện trò với nhau hay với vài người bạn chung của gia đình đồng thời ghé thăm cụ Doãn. Tôi không hỏi gì thêm nhưng hình ảnh ông cụ chăm chỉ, cần cù, nghiêm chỉnh cắt giấy bám trong đầu tôi. Tôi thầm hỏi không biết ông cụ có nghĩ gì trong lúc làm việc này? Chắc phải có một ý nghĩa gì đó, dù là vô thức.

Mời bạn đọc một đoản văn của Doãn Tư Liên về “nghề” cắt giấy báo của Bố, và may ra thấy được… chút ý nghĩa nào đó, như sau khi đọc một giai thoại Thiền?

– Trùng Dương

 

“Dọn dẹp tạp niệm”, đó là câu mà cụ Sỹ thường nói khi cầm kéo để cắt. Cắt gì? Khi thì cụ cắt cây cối ngoài vườn của con gái. Cho đến một lúc vườn cây cũng hết lá để cắt, hết cây vứt ngoài đường nhặt về cho bố có việc làm, đâu phải lúc nào cũng có hoài!? Thế là các con cụ nghĩ ra một cách hay nhất mà vẫn đáp ứng đủ ba yêu cầu: giúp cụ “dọn dẹp tạp niệm”, giúp báo đọc xong được cắt vụn trước khi ra thùng rác, giúp vườn cây của con không bị “bức tử”.

Cụ thích ngồi cắt, cắt gì cũng được miễn là tay làm và tâm thì sạch tạp niệm.

Do vì nặng tai nên sự giao tiếp với các con trong nhà cũng ít ỏi hơn. Các bạn văn và học trò đến thăm Cụ thì đều có cùng một kịch bản:

-         Sinh quán của bạn ở đâu?

-         Đầu làng quê tôi có một dòng sông nhỏ gọi là Tô Giang. Thuở tập tọng viết viết văn tôi lấy bút hiệu là “Tô Giang Khách”. Thế mà con sông nay dần cạn trở thành ao rau muống. Thế mới thấy “Sông nay giờ đã lên đồng, chỗ làm nhà cửa chỗ trồng ngô khoai”…

Những ai thường gặp Cụ chắc cũng phải thuộc làu với những mẩu chuyện đại khái là thế.

Trở lại chuyện cắt giấy để dọn dẹp tạp niệm của Cụ Sỹ, chắc do vì không còn nghe rõ tiếng nói của mọi người xung nên Cụ Sỹ thường rút vào thế giới riêng của Cụ. Cụ có tạp niệm trong tâm hay không? Theo lời bàn con gái Cụ thì KHÔNG. Vì nhìn Cụ cắt giấy, động tác cắt, xếp giấy để chuẩn bị cắt thì thấy rõ là Cụ đặt hết tâm vào giấy và kéo. Với những tờ báo khổ lớn thì cụ gấp đôi rồi cắt, gấp đôi nữa và cắt, gấp đến mấy lần nữa cho đến khi miếng giấy vừa tay cầm, sau đó xếp lớp chúng lên cạnh bàn bên cạnh. Và lấy từng lớp từ trên xuống dưới để cắt. Tay Cụ thiệt là khéo léo khi cầm giấy đưa vào lưỡi kéo, miếng giấy được xoay tròn để cắt, cho đến hết không thể cắt được nữa mới thôi.

Những thiền sư ngồi thiền với tâm an tịnh như thế nào thì tâm Cụ Sỹ chắc cũng chẳng khác.

Có lần con gái hỏi Cụ:

-         Bố, giữa khuya bố còn ngồi thiền như thuở trong tù không?

-         Không con. Lúc nào bố chẳng hành thiền. Đâu cần phải ngồi đâu!

-         À, thì ra thế.

Thôi thì cụ già 100 tuổi mà vẫn đi đứng, nằm ngồi mà không cần người trợ giúp. “Job” cắt giấy con giao cho Cụ hoàn tất không một lỗi lầm. Hoàn thành nhanh gọn và lẹ, trước hạn định và ngoài sự mong muốn của lũ con.

Cụ Sỹ thương con cháu quá, thưa rằng là vậy. Con cháu không trông mong gì hơn nơi Cụ. Chỉ mong Cụ cứ sống an nhiên tự tại như việc ngồi cắt giấy và đến ngày nào Cụ buông xuôi “job cắt giấy” để trở về với Ông Bà Tổ Tiên thì hay lúc đó.

Thật mong là thế!

California, ngày 20 tháng 11 – 2022
Doãn Tư Liên

  
“Cụ có tạp niệm trong tâm hay không? Theo lời bàn con gái Cụ thì KHÔNG. Vì nhìn Cụ cắt giấy, động tác cắt, xếp giấy để chuẩn bị cắt thì thấy rõ là Cụ đặt hết tâm vào giấy và kéo.” (Ảnh Doãn Tư Liên)

  haquocbaobôdungbotrduonglien
Cũng có lúc nhà văn ngưng cắt giấy để tiếp khách, cây kéo gác trên tờ báo cũ trên bàn ăn: Trái, với người bạn gia đình Hà Quốc Bảo; giữa, ký tặng sách dù không nhớ người được tặng sách là ai vì cụ chỉ cần chép tên người đó từ mảnh giấy con gái biên sẵn, nhưng còn nhớ ký tên mình; và phải, chụp hình lưu niệm với khách phương xa tới thăm, từ trái Thế Dung (Pháp), Trùng Dương (Bắc Cali), và con gái Doãn Tư Liên. Bức tranh trên tường là chân dung Doãn Quốc Sỹ do cố hoạ sĩ Duy Thanh vẽ. (Ảnh Trùng Dương, 2019)