DOÃN QUỐC SỸ
DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH
DÒNG SÔNG ĐỊNH MỆNH
Truyện dài (1959)
I
KHÚC QUÀNH CỦA DÒNG SÔNG
Ô-tô từ Hà Nội đến quãng đầu tỉnh Bắc Ninh thì có một con đường đá rẽ về tay phải: đường 21. Đi sâu vào con đường đó - đi chân, đi xe đạp, đi xích lô hay đi xe hàng nhỏ nhỉnh hơn xe tắc-xi một chút - chừng mười hai cây số thì gặp con sông Đuống nước đỏ ửng có bến phà.
Làng Thiệu ở cách bến phà chừng một trăm thước, làng An Lữ.
Năm đó Thiệu lên tám, học lớp tư trường làng, Yến con gái bà Ba hàng xóm lên sáu mới xin vào lớp Năm, Thiệu được bà Ba giao cho trọng trách trông nom “em Yến” khi đi, khi ở trường, và khi về.
Khi đi khi về, Thiệu làm đầy đủ bổn phận; nhưng khi ở trường - nghĩa là trong giờ ra chơi - thì không bao giờ Thiệu nhớ đến Yến. Thiệu ham chơi lắm, còn mãi đánh khăng, đánh bi, đánh đáo hay đá bóng.
Con sông Đuống mùa nước cạn trông thật chán phè - Thiệu nghĩ như vậy - nhưng Thiệu cũng không quên rằng nhờ có mùa cạn này Thiệu mới dám xuống nước để tập bơi một mình. Năm lên bảy, một hôm Thầy đưa Thiệu ra sông tắm, thấy Thiệu bơi mà ngạc nhiên.
Khi về Thầy nói với Mẹ:
- Nó bơi giỏi như con nhà thuyền chài ấy mẹ nó ạ.
Vào mùa nước, Thiệu thích đi dọc theo con đê làng ngắm cảnh sông nước mênh mông. Mỗi khi ngắm như vậy Thiệu thấy quên hết những thứ mà Thiệu vẫn thích: đánh bi, đánh khăng, đánh đáo, đá bóng. Thiệu thấy hình như mình buồn rầu thì phải, nhất là khi ngắm khúc quành của con sông ở tít phía xa, trước khi cả dòng sông mất hút sau một lũy tre mờ mờ, có một cây đa vươn lên cũng mờ mờ. Về nhà hỏi Mẹ. Thiệu mới biết đó là làng Thái-Lung-Thượng. Khi nghe Mẹ kể chuyện Thạch Sanh thì Thiệu đồ ràng có lẽ cây đa làng Thái-Lung-Thượng là cây đa của Thạch Sanh ngày xưa. Đến khi nghe chuyện Phạm Công Cúc Hoa. Thiệu lại đồ rằng tại bãi tha ma bên kia bến phà hẳn là đêm đêm vẫn có những cảnh mẹ hiện hồn lên cho con bú như Cúc Hoa đã hiện hồn với hai con.
Thiệu nghĩ bụng: giá sau này Mẹ có chết, rồi chôn ở ngoài đồng, đêm đến Thiệu ra ngồi bên mả khóc thì thế nào Mẹ cũng hiện lên. Mẹ cũng ôm Thiệu, vuốt tóc Thiệu và lúc trời sắp sáng thế nào mà Mẹ chẳng đánh lừa: "Con hãy cúi xuống để mẹ bắt chấy cho con!” Thiệu sẽ không cúi xuống mà nắm lấy vạt áo Mẹ. Không hiểu làm thế Mẹ có sống lại không nhưng nhất định là Mẹ không biến vào mồ được rồi.
Yến đi học cùng Thiệu được hai tháng thì một buổi sáng chủ nhật kia Yến theo Thiệu ra đê ngắm sông.
Thiệu lại nói với Yến:
- Sông mùa cạn trông chán phè!
Khúc quành đằng xa nhỏ hẳn đi, Thiệu chỉ cho Yến thấy lũy tre cùng cây đa và bảo: "Đấy là làng Thái-Lung-Thượng." Thiệu lõm bõm kể cho Yến nghe chuyện Thạch Sanh và kết luận: "Dưới gốc đa làng Thái-Lung-Thượng cố nhiên là ngày xưa có Thạch Sanh."
Yến hỏi:
- Thế làng mình cũng có cây đa, sao ngày xưa Thạch Sanh lại không ở?
Thiệu gạt đi:
- Mình có phải là người cùng làng với Thạch Sanh đâu. Thạch Sanh ở làng khác chứ, càng xa càng hay, mà làng Thái-Lung-Thượng xa nhất lại cách sông nữa thì Thạch Sanh phải ở đấy chứ.
Lúc bấy giờ Yến mới gật đầu cho là phải. Buổi chiều, Thiệu dạy Yến bơi ở gần bến phà. Thiệu buộc túm hai ống quần và cạp quần để khi dìm xuống nước, cả cái quần phồng lên như bong bóng. Yến nắm lấy quần, úp mặt xuống, hai chân đập tầm phòng trên mặt nước. Một tuần sau Yến đã võ vẽ bơi một mình được.
Thiệu, Yến chỉ tắm khỏa thân trong mùa nước cạn năm đó.
Hai năm sau Thiệu, Yến vẫn cùng đi học trường làng. Thiệu học lớp Nhì, mà Yến thì theo lớp Ba, cuối năm thi "Sơ học yếu lược”. Sáng hôm đó Thiệu mặc quần đùi thâm và chiếc áo trúc bâu mới, lên đê ngắm dòng sông đang mùa nước. Lẽ ra theo ý Thầy, Thiệu không được mặc áo mới đi chơi, nhưng Mẹ bảo: "ông cứ để nó mặc cho nhàu hồ đi rồi tôi giặt”.
Xuống đến bến phà, Thiệu gặp Yến. Yến đương đứng trên cầu nổi, tay cầm que tinh nghịch cời những hoa, những quả, những cành củi trôi lướt theo dòng sát bên cầu nổi. Lúc đó phà đã sang bên kia sông và ở bến này chưa có ai tới đợi.
Yến hỏi:
- Thiệu đi đâu đấy?
Thiệu thò tay vào túi áo trúc bâu mới, vây vo:
- Đi lên đê ngắm sông.
Chỉ một thân chuối lớn đương lững thững từ xa trôi lại, Thiệu hỏi:
- Đố Yến thân chuối kia có trôi vào khoảng hoắm của bến này không nào?
Yến nghiêng đầu ngắm rồi đáp:
- Chắc là có, nếu không Yến lấy que cời vào.
Vừa lúc đó có quả gì như quả bưởi lướt qua gần bên ngoài.
Yến reo:
- Để Yến cời quả này vào đã?
Yến hơi kiễng chân vươn người về phía trước và khom lưng để gạt quả bưởi, bất chợt mất thăng bằng ngã tòm xuống nước Yến chỉ kịp kêu lên một tiếng rồi bị cuốn theo dòng ngược chiều chảy sát bờ, chân đạp cuống quít trên mặt nước cố cho thân nổi lên.
Trong một thoáng rất nhanh, Thiệu nhớ ra rằng khi mức sông lên cao, khoảng hoắm này nước vẫn chảy thành vòng tròn. Nhưng ủa, không thể nghĩ lan man hơn được. Yến đang bơi vụng dại theo dòng sát bờ. Thiệu nhảy phăng xuống đón ngay cây chuối ngược chiều nước men bên dòng chính, phía ngoài cùng.
Phải bơi nhanh, phải ẩy mạnh, mình là đàn ông mà - Thiệu nghĩ - để khi Yến theo dòng bên trong quành ra tới dòng ngoài thì đã có cái víu. A lê hấp, veo! Cây chuối đã được ẩy tới lần thứ năm và lao ra trước Yến đúng một sải tay. Khi Yến víu được cây chuối. Thiệu cũng vừa bơi tới Thiệu phải bơi sát cây chuối và luôn luôn ẩn cây chuối vào để Yến khỏi lạng ra dòng ngoài. Khi cả hai đều đã leo lên cầu nổi. Yến nhìn Thiệu nhoẻn miệng cười, không biết nói cám ơn.
Thiệu đưa mắt nhìn dòng sông bên ngoài màu nước đỏ hung dữ như mặt người say rượu có chút máu điên, rất nhiều chỗ ngầu bọt trắng như màu nước dãi phòi ở mép bác cu Tý trong làng mỗi khi bác lên con ngất, tay chân giãy đành đạch (mãi về sau này Thiệu mới biết rằng bác Tý mắc bệnh động kinh).
Làm vẻ rất nghiêm trọng, Thiệu hất hàm hỏi mà không nhìn Yến:
- Yến có trông thấy dòng sông bên ngoài không? Giá không nhanh tay đẩy cây chuối kịp. Yến mà lạng người ra ngoài kia thì có thánh cũng không cứu được.
Không thấy Yến trả lời, Thiệu nhìn lại, thấy vẻ mặt Yến lo lắng. Yến chỉ vào quần áo ướt sũng của mình:
- Làm thế nào về nhà được? Mẹ đánh chết?
Lúc bấy giờ Thiệu mới sực nhớ mình cũng sũng nước. Ôi thôi chiếc áo trúc bâu mới may nay thành màu hồng xỉn, lại thêm mấy khoảng hoen ố lớn do nhựa chuối quệt vào. Nhưng thôi chuyện mình hãy gác đấy, còn tính sao cho Yến đã chứ.
Thiệu bảo:
- Yến hãy theo Thiệu lên đê, sắp có người lại đợi phà rồi đó.
Thiệu bước ra khỏi cầu nổi leo nhanh lên khoảng vệ đê có mấy cây nhãn cao và mấy cây duối dại thấp. Yến cũng thoăn thoắt lên theo.
Thiệu hỏi:
- Thế bây giờ Yến bảo phải làm thế nào?
Yến nói:
- Sáng nay mẹ Yến phơi bộ quần áo thay của Yến ở giây thép ngoài vườn.
Thiệu cam kết:
- Để Thiệu về lấy cho.
Thiệu cởi phăng chiếc áo trúc bâu hung hung đỏ treo lên một cành duối. Thế là Thiệu cởi trần chỉ còn mặc chiếc quần đùi ướt sũng và nói:
- Thiệu sẽ chui vàn vườn lấy trộm quần áo mang ra đây cho Yến.
Yến giao hẹn:
- Thiệu nhớ là quần đen, áo tím nhạt kẻ vuông.
Thiệu đã sắp sửa chạy về trổ tài, Yến còn hỏi:
- Thế nhưng Thiệu vào vườn nhà Yến bằng lối nào?
Thiệu để ngón tay trỏ lên miệng, bí mật:
- Có một lối Thiệu vẫn chui vào để nhặt những quả mận, quả ổi rơi.
Thiệu nói là “nhặt những quả rơi” cho lịch sự kỳ thực chính Thiệu leo lên, tuốt vội tuốt vội từng chùm quả, bỏ vội vào túi, rồi tuột vội xuống, lủi ra.
Cũng may mà đi suốt trên đường từ bến cho tới khi vào vườn Thiệu không gặp Thầy, Mẹ hoặc các anh chị. Thiệu vừa chui lọt vào hàng lào dâm bụt, chưa kịp đứng thẳng người, đã có tiếng quát, tiếng của bà Ba:
- A... a! Ông tướng Thiệu! Có phải ông chui vào định ăn trộm ổi của nhà tôi để tôi chạy sang nhà mách nào!
Rất nhanh trí - Thiệu cũng không hiểu sao lúc đó mình nhanh trí đến thế - Thiệu đáp:
- Thưa bác, cháu tìm con quay của cháu văng vào đây.
Rồi Thiệu làm vẻ vạch cỏ hàng rào chăm chú tìm. Khi bà Ba vào, Thiệu đưa mắt nhận ngay ra chiếc quần và chiếc áo tím kẻ ô của Yến. Chỉ một loáng, Thiệu đã lướt tới quơ được cả hai và lủi ra khỏi hàng rào. Qua cổng nhà mình Thiệu thấy bóng chị Hoa. Thiệu nhảy vội xuống vệ đường khom lưng lại. Chị Hoa không thấy Thiệu. Ra tới bờ sông khi đã đưa quần áo cho Yến thay, Thiệu cũng biết quay đi. Thiệu đã lên mười. Yến lên tám rồi còn gì.
Yến về, Thiệu cởi nốt quần đùi phơi lên bụi duối rồi nằm lẩn trong một bụi cây chờ cho quần áo khô, thỉnh thoảng nghe vẳng tự dưới bến tiếng nói cười của những người vừa ở phà lên hoặc vừa tới bến đợi phà. Tới gần trưa quần áo mới khô. Thiệu len lén vào ngõ, chị Hoa trông thấy trước, giơ cả hai tay lên giời:
- Thôi thế là tong đời cái áo mới rồi, ông mãnh?
Nhưng nước mắt chị bỗng chảy quanh vì chị thấy Thầy quắc mắt rồi nhìn quanh, ý tìm roi. Thiệu không lên nhà trên sợ gần nhà Yến quá. Thiệu lẳng thẳng xuống bếp, chỉ vừa kịp đến đứng sau cối xay lúa, Thầy đã tới và quất ngang đít Thiệu ba roi cật lực. Thiệu đã nghiến răng mà tuy vậy mỗi roi nhận được vẫn còn phải thốt ra câu:
- “Con lạy Thầy!" - nhưng rất khẽ.
Anh Tín - anh trưởng - còn hùn thêm:
- Thầy cứ đánh nữa cho từ sau nó chừa. Đúng là ngã xuống bến phà đây...
May sao Mẹ đã xuống. Mẹ vừa thay quần áo khác cho vừa nói:
- Còn ham chơi, còn chết đòn con ạ. Làm sao mà khổ thế, thân lừa ưa nặng!
Mọi người đã vào mâm cơm trưa. Thiệu hoàn toàn yên lòng: cha, mẹ, anh, chị mắng thế là xong. May là Thiệu tinh ý xuống ngay bếp. Từ bếp cách một khoảng nhà trên, cách một cái vườn rồi mới đến nhà Yến, chắc Yến không nghe thấy. Thiệu cho việc này giữ kín đáo như thế là phải, không nên để Yến thắc mắc điều gì.
Buổi chiều hôm đó, chú Hai ở Hà Nội về chơi mua quà riêng cho Thiệu một bánh sô-cô-la lớn gồm nhiều thỏi nhỏ bọc giấy thiếc. Thiệu lấy ra một thỏi và tìm Yến, bẻ đưa cho Yến một nửa. Cả hai cùng ăn ngon lành lắm. Khi ăn xong, Thiệu thấy bên mép Yến có một vệt sô-cô-la màu nâu xẫm. Thiệu thích vệt đó lắm, thành thử cứ mỗi lần lấy ra một thỏi sô-cô-la khác. Thiệu phải đi tìm Yến bằng được, bẻ cho Yến một nửa - nhiều khi quá nửa - để được thấy lại vệt sô-cô-la đọng bên mép Yến.
II
Con Sông Dài Đi Tìm
ánh Trăng Mười Sáu
Năm mười ba tuổi, Thiệu đỗ bằng Sơ học bổ túc và phải lên tỉnh Bắc Ninh trọ học. Thường thường các anh em cùng làng chạc tuổi Thiệu giỏi lắm chỉ theo đuổi việc học đến Sơ-học bổ-túc là phá ngang, trừ con trai và con gái hai họ: họ Lê - họ Yến, Lê Thị Yến - và họ Hoàng. Hai họ này vẫn nức tiếng khắp vùng là được đất nên mới nhan nhản những ông thông, ông phán, đốc tờ, kỹ sư... như thế.
Thiệu không ngờ việc mình được Thầy cố công cho theo học đến nơi đến chốn có lý do thầm kín như sau:
Ông Phổ - thầy Thiệu - hồi còn nhỏ, nhà nghèo thất học kịp khi gia đình tương đối khá, tậu được mấy mẫu ruộng tốt thì tuổi đã cao không học được nữa. Một buổi chiều tháng Hai, làng vào đám, ông Hương Phổ - (ông Phổ ngày đó đã mua hương, người làng thường gọi tắt là ông Hương) - có đi qua chiếu các vị chức sắc ở giữa đình, trên chiếu đó có ông Phán Mỹ con quan huyện họ Hoàng, ông Thông Miễn con quan phủ họ Lê, ông giáo Minh cũng họ Lê có anh là bác sĩ hiện mở bệnh viện riêng ở Hà Nội, ông Phán, ông Thông và ông Giáo đương mạn đàm với nhau về thi ca vừa đến chỗ vô cùng đắc ý. Khi ông Hương Phổ đi qua, cả ba người nhìn ông rồi lại quay về nhìn nhau tiếp tục câu chuyện thơ. Ông Hương Phổ cũng cỡ tuổi họ, nhưng rõ ràng họ liệt ông vào hạng vô học, không thèm chú ý tới; có lẽ vì vậy câu chuyện thơ của họ, khi trở lại càng đượm tinh thần tri âm tri kỷ. Ông Hương Phổ không bao giờ quên được cái nhục hôm đó tuy là cái nhục rất kín đáo. Khi bà Hương sinh đứa con trai đầu lòng - cậu Tín - ông Hương quyết định sau này nhịn ăn, nhịn mặc cho con ăn học. Ông tin rằng khi một đứa con ông đã thành tài thì việc học sẽ thành nếp, rồi “con chị cõng con em" chẳng bao lâu chi họ Nguyễn của ông cũng nhan nhản những tú tài, cử nhân, thông phán, đốc tờ như họ Lê, họ Hoàng. Đáng tiếc là Tín lớn lên vào đúng những năm giời ra tai, năm thì hạn hán, năm thì mưa nát đất thối cỏ rồi lụt lội, năm thì gặp nạn sâu ăn lúa, ăn đỗ, thành thử Tín cũng chỉ học đến Sơ-Học bổ-túc rồi phải ở nhà giúp cha mẹ. Hoa kém Tín hai tuổi còn kém nữa, chỉ học đến Sơ-Học yếu-lược là thôi. Thiệu ra đời vào năm bà Hương mở thêm một ngành hoạt động mới trong gia đình: trồng dâu, chăn tằm, dệt vải.
Giấc mộng cho con ăn học thành tài của ông Hương có cơ thành tựu vì nền kinh tế gia đình nhờ thêm nghề mới đỡ bấp bênh đi nhiều. Khi Thiệu đi học trường làng gần hết cấp Sơ-Học bổ-túc, ông Hương đã lên tỉnh Bắc Ninh tìm nơi trọ để Thiệu tiếp tục việc học. Năm lên tỉnh học đó, Thiệu vừa mười ba tuổi. Trưa, chiều, ngày chủ nhật và ngày lễ Thiệu thường cùng các bạn tổ chức những cuộc đi chơi chùa, chơi núi nghĩa là những nơi có tiếng là danh lam thắng cảnh quanh vùng Bắc Ninh. Tuy chưa đỗ như Thiệu, Yến cũng không còn ở làng, Yến theo bác xuôi Hà Nội để tiếp tục học đâu ở trường Hàng-Cót thì phải. Tết năm ấy Thiệu gặp Yến ở làng, Yến bây giờ đã là người Hà Nội.
Thoạt tiên Thiệu cũng thấy hơi gờm gờm. Kể ra phép đi đứng, ăn nói của Yến cũng có bạo dạn và kiểu cách hơn xưa. Nhưng đối với Thiệu, Yến vẫn ngoan ngoãn không có vẻ gì là “làm bộ ta đây”. Rồi những ngày lễ, rồi Tết năm sau, mỗi lần gặp lại Yến, Thiệu thấy Yến có lớn hơn nhưng vẫn thùy mị như ngày nào cùng cắp sách đến trường làng. Sang đến Tết năm sau nữa - năm đó Thiệu mười sáu - gặp Yến, Thiệu thấy không những Yến lớn hẳn, Thiệu còn khám phá được thêm một điều mà từ xưa Thiệu không để ý: Yến đẹp, đẹp lắm.
Kể từ năm đó cả hai bắt đầu biết giữ ý.
Nghĩ đến tuổi mười sáu của mình, Thiệu ví với tuổi trăng tròn. Tự nhiên Thiệu thấy kiêu hãnh với tuổi đó. Chiều mười sáu tháng Giêng khi vừa tan học, Thiệu không về nhà trọ mà đạp thẳng về làng nói dối Thầy Mẹ là tối nay bài vở không có gì nên về quê cho tĩnh. Sự thực Thiệu cốt về quê để ngắm trăng mười sáu, Thiệu ra ngồi bờ sông từ chập tối để đón trăng ngay từ lúc trăng mới lừng lững từ chân trời nhô dần lên. Bóng tối thảng thốt hoảng chạy, một lát sau cả dòng sông Đuống gợn sóng vàng. Dưới ánh nắng, sông chảy phơi phới; nhưng dưới ánh trăng tiếng sông bát ngát hơn. Lòng Thiệu tuy triền miên mà cùng thảnh thơi vì thấy mình còn nguyên vẹn cả mười hai tuần trăng mười sáu.
Rồi những ngày mười sáu tháng Hai, tháng Ba, tháng Tư.... hoặc gặp ngày chủ nhật hoặc không, Thiệu đều về làng để ra ngồi trên bờ đê ngắm "trăng của mình." Đáng tiếc là đêm mười sáu tháng Sáu thì mưa lớn và đêm mười sáu tháng Tám thì bão lớn nên Thiệu chịu mất trăng. Từ đêm mười sáu tháng Chín trở đi, Thiệu bắt đầu lo sợ, lo sợ buổi đẹp như trăng tròn của mình sắp vĩnh viền mất. Trăng mười bảy đã bắt đầu méo rồi. Trăng mười tám, mười chín càng ngày càng méo xệch. “Hai mươi giấc tốt, hăm mốt nửa đêm," nghĩ đến cái năm Thiệu hai mươi mốt tuổi phải chờ đến nửa đêm mới thấy trăng của mình thì thực là buồn, buồn và lạnh và ủ rũ như trăng hai mươi mốt vậy. Đến như trăng hạ tuần từ hai mươi hai trở đi thì còn thảm đạm biết mấy. Màu trăng thảm đạm võ vàng nhuộm sầu cả vạn vật như câu ca dao cổ:
Chờ em em biết đến bao giờ?
Vạc kêu sườn núi trăng mờ đầu non.
Nhưng xét kỹ: cho đến tuổi hăm chín, trăng héo úa mà còn có trăng. Thê thảm thay cho kiếp người (theo sự suy nghĩ của Thiệu lúc đó) là kể từ tuổi ba mươi trở đi - “ba mươi, mùng một ai tìm thấy trăng." Từ tuổi ba mươi trở đi là đời người bắt đầu đi vào quãng đường tăm tối, vĩnh viễn không trăng. Trời không trăng, đường không trăng, tuổi không trăng. Thà chết quách? Và ý nghĩ đó càng làm Thiệu quý ba vừng trăng mười sáu còn lại. Đến vừng trăng cuối cùng - trăng mười sáu tháng Chạp - Thiệu quyết định thức suốt đêm. Buổi chiều tan học, Thiệu mua năm hào lạc rang ở bến ô-tô rồi đạp ngược gió về làng. Chập tối Thiệu rót trộm một cút rượu của Thầy rồi ra bờ để âu yếm nhìn vầng trăng vừa lên. Thiệu dự định tợp từng giọt rượu để tưởng như tợp từng giọt trăng: rượu, trăng và lạc. Nhưng rượu đắng quá. Thiệu không dám tợp đến lần thứ ba, đành ăn lạc thôi vậy. Trời tháng Chạp lạnh lắm. Thiệu chỉ có thể ngồi đến chín giờ là phải về. Đã từ nhỏ, Thiệu thức và ngủ giữa tiếng dệt cửi của Mẹ; do thói quen. Thiệu hầu như loại hẳn được thứ tiếng đều đều đó ra ngoài vòng ý thức của mình. Nhưng tối nay ở bờ sông về, nghe tiếng khung cửi lên xuống, tiếng thoi đưa đều đều, Thiệu thấy âm thanh đó sao mà sầu thảm u uất. Thiệu khêu nhỏ ngọn đèn trong buồng và suốt đêm hôm đó. Thiệu ngủ phấp phỏng, thỉnh thoảng lại tung chăn vùng dậy ra hiên nhìn trăng và - không hiểu vì một liên tưởng gì - nhớ tới Yến, nhớ đến nghẹn ngào.
Khoảng nửa đêm tiếng khung cửi đã ngừng, mẹ và chị Hoa vừa đi ngủ. Thiệu rón rén ra sân ngẩng nhìn trời và nhận thấy chòm sao Orion xế đỉnh đầu vì ở sát ngay vừng trăng nên ba ngôi sao xếp hàng thẳng hình thắt lưng ở giữa bị mờ đi (Một ông cha ở Bắc Ninh đã dạy Thiệu tìm mấy chòm sao chính, trong đó có chòm sao này). Mấy lần sực dậy sau, Thiệu thấy lúc thì trăng tỏ, lúc thì trăng lẩn quất sau những đám mây khói vần vụ, lúc thì một vài sợi mây quấn lơi lả quanh trăng như chiếc khăn quàng mỏng, khiến Thiệu nhớ đến bài sử đời Trần Anh Tông vừa học tuần qua và liên tưởng tới khuôn mặt ủ-ê của Huyền Trân Công Chúa khi dời đất Việt sang Chiêm Quốc qua đèo Hải Vân thốt ra lời bất hủ:
Chiều chiều ra đứng Hải Vân,
Chim kêu ghềnh đá ngẫm thân em buồn.
Thiệu cho rằng Yến sau này không lấy Thiệu mà lại đi lấy người khác thì cũng chẳng khác gì Huyền Trân Công Chúa phải lấy Chế Mân.
Thiệu bèn lấy giấy bút viết một bức thư tỏ tình cùng Yến.
Lần cuối cùng khi Thiệu sực dậy ra sân ngắm trăng thì chòm sao Orion đã lặn, khoảng xế đỉnh đầu giờ đây là chòm Đại Hùng Tinh.
Sớm hôm sau người Thiệu mệt bã phải nghỉ học. Hăm bảy Tết năm đó Yến mới ở Hà Nội về quê và Thiệu mới có dịp trao bức thơ tình đầu tiên, trong đó những câu lâm ly nhất, Thiệu đã kín đáo gạch bút chì đỏ ở dưới. Không biết Yến có chú ý đọc cả bức thư nói chung và những dòng gạch đỏ bên dưới nói riêng không, chỉ biết ngay chiều hôm đó khi Thiệu bất chợt gặp Yến ở bên nhà, Yến chỉ vội vã nói với Thiệu một câu:
“Đừng anh Thiệu ạ." Rồi đi về thẳng.
Thiệu không bực mình và cũng không thất vọng vì câu đó Yến nói bằng một giọng bối rối chứ không phải là giọng hắt hủi. Nhưng Thiệu cũng chịu không hiểu sao Yến lại bảo: "Đừng anh Thiệu ạ."
Thiệu lên đê nhìn khúc quành của con sông ở khoảng làng Thái-Lung-Thượng, nghĩ lại hồi hai đứa còn nhỏ, Thiệu có lần cùng Yến đứng đây và kể chuyện Thạch Sanh cho Yến nghe. Ngày đó Thiệu nhìn dòng sông sao mà rộng, khúc quành sao mà cách Thiệu xa xôi. Ngày nay Thiệu đã lớn, dòng sông như nhỏ đi, khúc quành cũng không còn tít mù tắt như xưa nữa. Con sông cũ hình như chuyển vào hồn Thiệu vì Thiệu thấy lòng mình mênh mông dạt dào.
Mãi đến chiều mùng một Tết, Thiệu mới gặp Yến. Yến theo mẹ sang bên nhà Thiệu lễ Tết. Hầu như cả hai cũng cố quên, hay cố làm như quên chuyện cũ. Có một điều Thiệu không thể nào quên được là: vốn xưa Yến đã đẹp, nhân dịp Tết này. Yến trang điểm trông càng lộng lẫy, Yến đẹp đến nỗi Thiệu tự nhiên rầu rĩ cả người. Rầu rĩ vì Thiệu thấy Yến đẹp như một vì sao. Mà sao với người thì thường cách biệt! Thiệu linh cảm thấy khó lòng Thiệu lấy được Yến làm vợ sau này. Sớm ngày mùng ba, Yến đã đi Hà Nội, Thiệu tưởng như mất Yến vĩnh viễn từ đấy. Chín giờ đêm hôm dó, Thiệu không sao nhắm mắt ngủ được, bèn lén mở cửa ra sông. Trăng thượng tuần dã lặn, trời tối đen như những đêm hạ tuần. Tiếng pháo đã ngớt ngay từ trưa. Ở các làng xa chỉ còn thấp thoáng bóng đèn như những bóng ma chơi. Thoảng mùi hương trầm, Thiệu biết rằng mùi trầm Tết đó đã quyện vào áo mình từ nhà, chứ ở đây thì còn ai đốt trầm? Đêm không trăng Thiệu chỉ còn nghe tiếng sông dạt dào khi xa khi gần. Con sông dài như tương tư, như thao thức và đương lần đường đi tìm ánh trăng mười sáu.
III
HAI NGẢ SÔNG ĐI VỀ ĐÂU?
Năm mười bảy tuổi Thiệu đỗ thành chung. Thầy mừng lắm nhưng Thầy chẳng vui được bao lâu. Thầy bị cảm nặng rồi mất vào giữa hè năm đó, Mẹ phải cưới chạy tang cho anh Tín. Chú Hai ở Hà Nội về nói với Mẹ:
- Chị để em trông nom thằng Thiệu, vợ chồng em nay đã khá và vừa tậu được cái nhà ở Hàng Than, thôi thì chật rộng cũng là nhà của mình, không còn cảnh thuê chung thuê đụng như xưa nữa, cháu nó ra ở được lắm.
Ra Hà Nội học. Thiệu những vui thầm vì sẽ có dịp gặp Yến. Yến năm đó học năm thứ ba trường Đồng Khánh. Bác Yến nghiêm khắc lắm. Nguyên việc hai đứa trai gái khá lớn gặp nhau đã là điều đáng lúng túng rồi, lại còn thêm cung cách nhìn nghi kỵ của bà Bác nữa, khiến bầu không khí càng nghẹt thở. Thế là cả năm đó Thiệu chỉ đến thăm Yến có một lần. Và một lần nữa vào buổi chiều Thiệu qua trường Đồng Khánh đúng giờ tan học. Thiệu thoáng thấy bóng Yến đạp xe phía trước. Hôm đó Yến mặc toàn đồ lụa trắng. Thiệu đạp xe cách Yến chừng hai mươi thước. Cảnh đó y hệt cảnh mà Sỉnh - anh bạn đồng học của Thiệu đã - trải qua. Sỉnh là "vua quấy" trong lớp, nhưng cũng là một tâm hồn phong phú trữ tình. Hôm đi theo sau người yêu mặc áo trắng trở về thi tứ dạt dào, Sỉnh có ghi được mấy vần thơ mà anh em đều cho là tuyệt tác.
Theo Yến đến Bờ Hồ, thấy rằng vượt lên để đi ngang nói chuyện thì không tiện cho Yến, mà theo sau thế này thì chẳng đi đến đâu. Thiệu dừng lại bên hồ, tìm một ghế xi măng vắng dựa xe rồi ngồi xuống. Thiệu đưa mắt nhìn mặt hồ gợn sóng và Tháp Rùa đằng xa trầm lặng. Thốt nhiên Thiệu thở dài và cất liếng ngâm khẽ sáu câu thơ của Sỉnh. Chưa bao giờ Thiệu thấy mình ngâm thơ buồn bằng hôm ấy:
Em nghèo ta có giàu đâu,
Tịch dương đổ xuống đôi đầu ngẩn ngơ.
Hoe đuôi mắt em vơ tà áo.
Áo trắng bong ảo não hồn trinh.
Lòng ta gợn sóng ngây tình,
Theo em nào biết chúng mình về đâu.
Rồi Thiệu nghĩ bụng: Thôi cả hai còn ít tuổi cả, mình chịu khó học thi đỗ, rồi ngày hết tang Thầy, sẽ nói với Mẹ chính thức hỏi Yến.
Nhưng Mẹ chẳng bao giờ hỏi Yến cho Thiệu vì năm sau Mẹ đã theo Thầy trước mùa thi, Mẹ không kịp biết là sau đó hai tháng Thiệu đỗ tú tài phần một. Mùa đông năm đó bà Ba nhận trầu cau ăn hỏi của Yến. Người hỏi Yến nhà giàu lắm, anh chàng vừa du học ở Pháp về. Làm sao mà Thiệu địch nổi? Thiệu thấy chỉ theo học chữ không thực nhạt nhẽo, vô nghĩa, bèn xin vào trường Cao Đẳng Mỹ Thuật ban Hội Họa. Vừa học vẽ, Thiệu vừa học lấy chương trình thi tú tài phần hai. Tất cả năng lực Thiệu như kết tinh lại bên trong, Thiệu chỉ còn biết học để quên. Cuối năm Thiệu thi đỗ, các bà con, các bạn bè ai nấy đều phục Thiệu thông minh. Riêng Thiệu nghĩ thầm: "Thời thế tạo anh hùng!"
Theo học trường Mỹ Thuật đến năm thứ ba thì vào đầu năm đó chị Hoa về nhà chồng. Vợ chồng anh Tín trông nom ruộng nương cũng khá, mấy năm liền được mùa cả. Chị Tín đã sinh con trai đầu lòng. Thiện lên vai chú. Nhưng tới đầu thu, Thiệu chịu hai cái tang lòng cùng đau đớn ngang nhau: trường Mỹ Thuật tạm đóng cửa và Yến lên xe hoa. Kể từ ngày bà Ba nhận trầu cau của “người kia," mối tình của Thiệu hoàn toàn tan vỡ, nhưng dầu sao Yến chưa lên xe hoa thì Thiệu vẫn thấy rằng tuy không thuộc về mình nhưng Yến cũng chưa thuộc hẳn về ai. Đến nay thật là hết, Yến đi vào màu hồng của đêm tân hôn mà màu hồng đó trở thành màu máu loang trong tim Thiệu.
Thiệu đi Bắc Giang thăm chị Hoa cùng anh rể, Thiệu ở Bắc Giang một tuần rồi về làng. Thằng Nghĩa - con anh Tín - đã chập chững biết đi. Nó đã gọi được "chú... Thiệu” khá sõi.
Thiệu ra bến phà, lên con đê, nhìn dòng sông, nhìn khúc quành xa, nhìn lũy tre xanh cùng cây đa làng Thái-Lung-Thượng. Rồi một đêm trăng mười sáu kia Thiệu mang giấy vẽ ra ghi bằng bút than một vài nét về con sông, về khúc quành, về vừng trăng... Hôm sau Thiệu nhận được thư của bạn ở Hà Nội gửi lên cho hay ông Giám đốc Mỹ Thuật, trước khi về Pháp, muốn triệu tập tất cả các sinh viên hai ban hội họa và điêu khắc lại tổ chức một cuộc triển lãm chung.
Thiệu trở lại trường Mỹ Thuật với một tập croquis và làm việc liên miên trong bảy ngày, Thiệu góp phần mình vào cuộc triển lãm chung đó ba bức sơn dầu trong đó có bức nhan đề là "Khúc quành của dòng sông."
Ông Giám đốc trường Mỹ Thuật quả là có con mắt của bậc thầy: ông đã dừng rất lâu trước bức đó và gật gù nhắc đi nhắc lại câu:
- "Mai c'est bien, c'est bien!" (Được lắm, được lắm!)
Rồi ông gọi Thiệu lại để cùng Thiệu thảo luận.
Ông nói;
- Màu vàng úa của vừng trăng gợi màu nâu thăm thẳm lấp loáng sáng của dòng sông. Màu tím xẫm của từng khối mây "nghẽn thở" hòa hợp rất đúng với màu xám chết của bãi cát bên dưới. Tất cả bức tranh toát ra một vẻ man rợ hoang sơ thuở khai thiên lập địa.
Thiệu chỉ biết cám ơn ông thầy cũ của mình.
Ông lại nói:
- Tình yêu thiên nhiên của anh có những rung cảm khác thường.
Thiện toan cải chính: "Thưa ông không phải tình yêu thiên nhiên, mà là tình yêu của tôi với người tôi yêu,"nhưng chàng lại chỉ gật đầu nói khẽ:
- Vâng, tình yêu thiên nhiên của tôi!
Bức tranh đó Thiệu bán đúng theo giá ông Giám đốc đề nghị, nghĩa là đắt, đắt lắm. Người mua là một nhà tư bản Việt Nam ở ngay Hà Nội. Thiệu xin phép chú thím cho đi thuê nhà riêng. Thiệu nhận vẽ và trình bày cho mấy tờ báo lớn. Thiệu còn nhận dạy học thêm ở một trường tư kia. Tính ham giao du của Thiệu được đà phát triển mạnh vào dịp này. Chẳng tối nào là Thiệu không rủ các bạn đi ăn, hoặc đi xi-nê, hoặc đi coi diễn kịch ở nhà hát lớn. Chẳng chủ nhật nào là Thiệu không kéo vài bạn hội họa đi về các tỉnh xa: Bắc Giang, Thị Cầu, Bắc Ninh, Hà Nam, Ninh Bình để lấy croquis. Sau này người ta còn thấy Thiệu la cà với các bạn ở các hộp đêm từ hạng sang nhất đến hạng tồi nhất. Có đêm tới bốn giờ sáng Thiệu còn ngồi ở góc phòng để lấy croquis cảnh một vài gái nhảy mệt mỏi ngồi bên mấy người khách quần áo đã xộc xệch trong khi piste nhảy vắng mênh mông như một bãi sa mạc.
Các bạn Thiệu đều tưởng Thiệu sẽ trụy lạc to, nhưng không, Thiệu chỉ đi tìm những cảm giác mới, những đường nét mới, những ánh sáng và màu sắc mới để phục vụ nghệ thuật hội họa. Thiệu chỉ thấy chua chát và tưởng như mình trụy lạc thật mỗi khi gặp Yến đi với chồng (Thiệu được biết, tuy đã về nhà chồng, Yến vẫn tiếp tục học. Yến học ngành bào chế).
Hè tới, có một sớm kia Thiệu còn đương ngủ thì chị Hoa hớt hải mở cửa vào. Chị đi chuyến tầu sớm từ Bắc Giang tới.
Chị Hoa vừa chấm nước mắt vừa nói:
- Chỉ không ngờ cậu bây giờ đâm ra chơi bời tệ thế. Giời bắt tội cha mẹ mất sớm, cậu đã lớn, cậu không tự tu tỉnh, chị chẳng biết làm thể nào.
Thiệu phải hết lời phân giải với chị, rồi Thiệu vội đi tắm sớm để lấy thêm vẻ tươi mát, tỉnh táo. Quả nhiên chị Hoa yên lòng. Chị Hoa đòi Thiệu phải về Bắc Giang với chị. Thiệu thu xếp hành trang ngay lập tức. Chín giờ tối hôm đó Thiệu đã đùa với Trang, đứa gái bốn tháng đầu lòng của chị, trong khi chị hí hoáy viết thư cho ai rồi bỏ vào bì. Thiệu cũng chẳng hỏi chị viết thư cho ai, nhưng mười ngày sau thì anh Tín ở quê tới. Hai anh em gặp nhau tuy mừng rỡ nhưng Thiệu thấy anh nhìn mình có vẻ nghiêm khắc. Hôm sau anh bảo Thiệu:
- Chú theo tôi về quê.
Thiệu lại thu xếp hành trang theo anh ra bến ô-tô. Ngày hôm đó thấy thái độ Thiệu chơi với cháu, Thiệu lên đê ngắm dòng sông và hôm sau cùng ra thăm đồng, chắc là anh yên lòng, nên Thiệu thấy anh nhìn mình hoàn toàn thân ái.
Cuối tháng Thiệu nhận được thư của Lũy rủ vào Huế quê anh, mở trường dạy học. Thiệu nói với anh Tín xin đi. Anh ưng thuận nhưng bảo phải chờ, rồi anh đi Bắc Giang, khi trở về có cả chị Hoa. Một bữa tiệc tiễn hành khá lớn được tổ chức ngay hôm đó. Suốt từ đầu bữa đến cuối bữa chị Hoa không ăn mấy, chỉ gắp cho Thiệu và chốc chốc lại căn dặn giọng đầy nước mắt:
- Cậu nhớ là không được chơi bời. Giời bắt tội cha mẹ mất sớm, mình đã lớn phải biết tu tỉnh.
Cứ mỗi lần chị Hoa nói câu đó, chị Tín lại gạt đi - tuy là gạt đi nhưng Thiệu thừa biết là chị Cả muốn tô đậm thêm lời khuyên:
- Có việc gì phải lo, chú ấy biết thừa những điều ấy rồi. Gớm, non yểu gì!
Ăn xong chị Hoa về Bắc Giang ngay. Thiệu biết chị không muốn ở lại cho tới lúc Thiệu đi, vì chắc chắn là chị chỉ biết khóc mà thôi.
Một tuần sau, Thiệu đã ngồi cùng bạn trên chuyến xe lửa tốc hành chạy xuyên Bắc Nam. Chuyến xe chuyển bánh vào hồi sáu giờ hai mươi nhăm phút, Thiệu đưa mắt nhìn bằng tưởng tượng cả Hà Nội qua ga Hàng Cỏ. Tiếng còi thét lên như xé lòng Thiệu. Rồi con tầu chuyển bánh nặng nề, nặng nề như chính hồn Thiệu muốn ngồi sụp xuống để ở lại gần mảnh đất quê hương. Thiệu nghĩ đến anh chị Tín và đứa cháu, Thiệu nghĩ đến vợ chồng chị Hoa và đứa cháu. Sau cùng Thiệu nghĩ đến Yến... nghĩ đến Yến. Tàu chạy phăng phăng qua ngã lư Khâm Thiên, qua đầm sen Linh Đường, qua Bạch Mai, rồi một bên là đường cái quan với những làng mạc gần, một bên là cánh đồng mênh mông, ý nghĩ của Thiệu vẫn dừng lại ở nơi Yến. Thiệu thấy con tầu như con thuyền và đường sắt như một dòng sông. Giờ đây Thiệu với đời Yến như một dòng sông tách ra làm hai ngành cách biệt hẳn.
Hai ngành cách biệt hẳn và xa khơi....
Rồi đây hai ngả sông đi về đâu?
IV
XA CÁCH
Dạy học ở Hà Nội, Thiệu thấy mình còn là "trẻ con", nhưng vào đến Huế, từ trên bục cao nhìn bốn mươi học sinh ngồi nghiêm trang phía trước bên dưới. Thiệu cảm thấy quả mình đã quá khôn lớn, đã đứng đắn rồi.
- Thế này - Thiệu nghĩ thầm - cũng đúng là một kiểu “tha phương cầu thực" đây. Như vậy không đứng đắn sao được và không khôn lớn sao làm nổi?
Khi mới ra đi Thiệu định chỉ ở Huế chừng hai ba năm là cùng, không ngờ chàng đã phải ở đó tới mười năm. Hai năm đầu chàng dạy học như thường, nhưng tình hình chính trị trong nước đã khác. Thiệu có bí mật gia nhập Mặt Trận Cứu Quốc, đi quyên tiền mua khí giới chuyển từ mặt Lào sang.
Trước ngày 19 tháng 8 năm 1945. Thiệu bỏ kinh thành vào chiến khu. Chiến khu khi đó là làng La Chữ cách Huế chừng mười hai cây số về phía núi! Ba ngày trước cuộc tổng khởi nghĩa, nhân dân đã tự động nổi lên chiếm Bao Vinh, một địa điểm ngoại ô Huế. Cờ, truyền đơn được thể tung ra như bươm bướm. Dân trong thành phố bắt đầu đi cà khịa và ẩu đả với lính Nhật ở ngoài đường. Chập tối ngày 19 tháng 8, một cuộc biểu tình đông hàng ngàn người, dẫn đầu là hai lá cờ đỏ sao vàng, từ Bao Vinh tiến qua Hàng Bè, vào đường Gia Long, lên đường Trần Hưng Đạo. Trong số những người đi đầu này có Thiệu!
Khi đoàn biểu tình đến cầu Tràng Tiền, lính Nhật bên kia cầu chặn lại. Đoàn người hò hét hô khẩu hiệu. Một lát sau lính Nhật rút lui. Lúc đó vào mười giờ khuya.
Sau ngày khởi nghĩa, kinh thành Huế được chính thức đổi tên là thành Nguyễn Tri Phương. Tại khắp khu phố, đồng bào các giới thành lập đoàn thể cứu quốc. Thiệu mê mải điều khiển các anh em trong đoàn Tuyên-Truyền Xung Phong, đi khắp các chợ, đi khắp các bến để tác động tinh thần. Sau đó Thiệu phụ trách một đoàn kịch Lưu động hoạt động dọc theo đường xe lửa Bình Trị Thiên.
Rồi đoàn quân của Lư Hán tới giải giới quân đội Nhật. Họ vào tận Đà Nẵng.
Rồi sau Hiệp Định Sơ bộ mùng 6 tháng 3, quân đội Pháp đến thay thế quân Lư Hán, chúng được quyền đóng ở ba địa điểm: trường Thiên Hựu, trường Khải Định và đồn Săng Đá ngay sát bên kia cầu Tràng Tiền.
Lính Pháp tích cực khiêu khích, tình hình ngày một gay go khẩn cấp. Trước ngày khởi hấn (19-2-1946) chừng nửa tháng, dân quân đã đào hầm cùng đắp chướng ngại vật tại khắp các ngả đường. Ba giờ đêm 19 rạng 20 tháng 10 Thiệu cùng một số bạn phụ trách đặt mìn phá cầu Tràng Tiền, đồng thời với tiếng nổ ở khắp nơi đó là cầu An Cựu, Bến Ngự, Kho Rèn v.v...
Ngoài vị trí cũ, quân Pháp xuất hiện đột nhiên ở trường Pellerin và chiếm thêm nhà hàng Mo rin..
Tuy quân nhà có mua được một số súng chuyển lậu từ Lào sang nhưng ít quá chẳng thấm vào đâu. Có những đoàn quân đành dùng chiến thuật đánh kiếm: họ phải hành động nhanh chóng lắm hoặc là quân địch một loáng bị tiêu diệt trọn vẹn, hoặc là họ bị ngã gục trước làn liên thanh: kiếm không thể gạt được đường đạn!
Dân chúng lũ lượt tản cư ra các làng hậu phương. Dân quân địa phương tự động tổ chức phòng vệ làng. Máy bay Pháp ngày ngày nối đuôi nhau đi bắn phá lồng lộn.
Đói rách?
Tang tóc!
Đâu đâu cũng chỉ thấy có những người dân tự động, lần hồi nuôi nhau, tự động chống giặc. Hầu hết các cán bộ Đảng "chính cống" hình như đã chuồn ra Thanh, Nghệ Tĩnh từ lâu rồi. Điều này mãi về sau Thiệu mới biết, còn chính lúc đó thì “thanh niên cứu quốc" Thiệu đương mê mải làm công tác trong đoàn trinh sát tình báo. Trụ sở của đoàn ở dưới Hầm Một, trong tòa Khâm.
Tình trạng cầm cự đó kéo dài được một năm thì mặt trận khắp nơi hoàn toàn vỡ.
Dân chúng quá kiệt quệ vì đói rét đành phải hồi cư. Từ 1947 đến 1950, hoạt động của Đảng hầu như không có gì. Trong khoảng thời gian này Thiệu trở lại với hội họa.
Đã sống qua một thời gian sóng gió, tâm hồn Thiệu ngày nay phong phú hơn nhiều. Chàng đã có thể làm chủ được các đường nét ở mọi trường hợp. Tuy nhiên về cách sử dụng màu, chàng còn phải dùng trực giác nhiều hơn là trí xét đoán vững chắc, mặc dầu chàng đã nghiên cứu đi nghiên cứu lại rất kỹ những sách chàng gửi mua từ Pháp về.
Đầu năm 1951, Thiệu được tin Đảng đã lập lại chiến khu tại La Chữ. Lòng nao nức hoạt động, Thiệu bắt ngay được liên lạc với "ngoài đó" để tiếp tục công tác bí mật nội thành. Các anh em văn nghệ sĩ khác tìm cách ra chiến khu. Nhưng sao họ lẻ tẻ trở lại? Và kẻ nào trở lại cũng có thái độ công phẫn. Thiệu dò hỏi một người trong bọn được biết Đảng lãnh đạo tỏ thái độ rất khinh khi tụi “nghệ sĩ tiểu tư sản”. Thiệu cho đó chẳng qua là một sự hiểu lầm giữa đôi bên.
Cuối năm 1953, Thiệu định đích thân ra Khu nhưng rủi ro bị ốm liệt giường, mãi đến tháng 4 năm sau (1954) chàng mới thực hiện được ý đó. Ra Khu chàng được sung làm nhân viên Ban Nghiên Cứu Tình Hình Địch. Thiệu giữ thái độ vô cùng bình tĩnh để quan sát.
Thái độ các đảng viên vô sản đối với thành phần tiểu tư sản quả như lời những người đã chán Khu trở về thành nội trùm chăn. Thiệu không quên một cuộc cãi nhau điển hình thời đó.
- Pasteur là một tên phản động.
Thiệu giật mình nghĩ: Quái đêm khuya thế này mà tiểu ban nghiên cứu kinh tế địch ở gian bên vẫn chưa kiểm thảo xong. Lời nói vừa rồi, Thiệu nhận ngay ra là lời của "đồng chí" trưởng tiểu ban.
Giọng "đồng chí" dằn mạnh hơn:
- Xin đồng chí nhớ cho: Pasteur là một tên phản động!
Một giọng nói dẽ dàng hỏi lại mà Thiệu nhận ngay là giọng của anh cựu sinh viên năm thứ hai trường thuốc - nhân viên trong ban:
- Đồng chí cho biết vì sao mà Pasteur là một tên phản động kia chứ và như thế cả Koch cũng là một tên phản động sao?
- Phải, cả Pasteur và Koch đều phản động!
- Vì sao vậy?
- Vì tài của họ là do tư bản đế quốc nâng đỡ huấn luyện, vì họ đã đem tài đó ra để phục vụ tư bản đế quốc, Pasteur và Koch đều có tội với nhân dân.
- Thưa đồng chí tôi chỉ thấy rằng Pasteur có tội với vi trùng nói chung và Koch có tội với vi trùng lao nói riêng, vì họ đã phát minh ra cách diệt chúng để tất cả chúng ta ngày nay đều được hưởng kết quả đó.
- Đồng chí nên nhớ Pasteur và Koch là người của tư bản đế quốc!
- Nhưng lúc bấy giờ chưa có Đảng để lãnh đạo Pasteur và Koch thì lỗi đâu ở Pasteur và Koch?
- Đồng chí không bao giờ được phép quên rằng: Pasteur và Koch là người của tư bản đế quốc.
Thiệu trở mình quay mặt vào tường nghĩ thầm: Anh “đồng chí" này còn biết Pasteur là người Pháp, và Koch là ai, lại không lý luận rằng: "Pasteur là người Pháp vậy đồng chí bênh Pasteur là bênh giặc Pháp" kể cũng còn khá lắm.
Thiệu đã quen quá rồi với những cảnh thảo luận đó, với những đề tài thảo luận đó. Lần nào nghe người của Đảng thảo luận như vậy Thiệu lại nghĩ đến chuyện "Thế giới người mù” của Herbert Georges Wells, hoặc sỗ sàng hơn chàng nghĩ rằng mình đang sống trong một thế giới những trâu, bò, ngựa, lừa, la, chó săn,... con nào con nấy đều được che hai bên mắt. Cuộc đời hai bên chúng không biết, cuộc đời phía sau chúng không hay, chúng chỉ biết chăm chăm nhìn về phía trước mà tiến theo đường roi. Trái đất thì tròn, chủ chúng có giỏi lắm cũng chỉ đến dẫn chúng đi trọn một vòng mà trở về điểm cũ, nhưng chúng ca hát - trâu, bò, lừa, ngựa, la, chó săn... cũng biết ca hát chứ sao - chúng ca hát rằng chủ chúng đương đưa chúng đến Thiên đường.
Phải có một tâm hồn nghệ sĩ coi tình cảm là một cái gì tối thiêng liêng, yêu và hoạt động say mê với cả tấm lòng chân thành trọn vẹn để rồi đích thân tai nghe mắt thấy sự thực ta mới thông cảm nổi hết cảnh chua xót dục thấu xương tủy, lạnh lẽo tràn ngập tâm hồn Thiệu lúc đó.
Vắt tay lên trán Thiệu nghĩ chua chát hơn rằng: có thể trong một trường hợp nào vì ngu mà can đảm, nhưng trong trường hợp đó kẻ cầm đầu vẫn là cười trên lưng con vật mù, một khi con vật kiệt quệ không còn sức chiến đấu nữa thì cả vật lẫn người cùng chết. Có thể Đảng cố huấn luyện cho đảng viên và nhân dân ngu để dễ kích thích thú tính mà dùng chiến thuật biển người trong các trận xung kích lớn, nhưng ở thời kỳ chiến tranh nguyên tử này chiến thuật biển người mất hiệu lực rồi. Phải tỉnh táo và sáng suốt! Chỉ có dạy nhau, tỉnh táo và sáng suốt, nhân loại mới ra khỏi thế cờ bí do chính nhân loại bầy.
Tin Điện Biên Phủ ngoài Bắc thất thủ. Hiệp định Genève.
Các "đồng chí" để tùy Thiệu lựa chọn: hoặc theo tập kết ra Bắc, hoặc ở lại lĩnh công tác "nằm vùng." Cái hèn hạ. cái phản trắc đáng ghê tởm là Đảng trở mặt lại ve vuốt tiểu tư sản, đề cao tiểu tư sản và khuyến khích các phần tử tiểu tư sản lĩnh công tác "nằm vùng."
Chẳng còn ai mắc mưu. Khi đã một lần mắc đậu mùa, một lần mắc dịch tả... thì suốt đời người ta không mắc những chứng bệnh đó lần thứ hai nữa. Đây cũng là một cách "miễn dịch tâm hồn."
Thiệu lẳng lặng trở về thành. Sau hai tháng đụng chạm với sự thật, trở lại căn phòng cũ, nhìn những nét croquis phác dở, nhìn những khung vải nhện trăng gián nhấm, Thiệu cảm thấy tâm hồn mình cũng ê chề cũng xiêu vẹo như vậy. Chàng tự nguyền rủa mình đã tình phụ, đã phản bội nghệ thuật, mặc dầu trong thâm tâm chàng vẫn biết mình không thể hành động khác thế.
Sau cùng chàng tự an ủi:
- Đau khổ tự nó vô trách nhiệm, vấn đề phải đặt là: người đã học được những gì trong đau khổ của mình và của đời?
Và cũng kể từ đấy Thiệu hay suy tư về ý nghĩa cuộc đời.
Ai mà chẳng yêu Tổ Quốc, yêu nhân loại vô điều kiện? Nghệ thuật chân chính mặc nhiên phải vô tư, chính trị chân chính mặc nhiên phải vươn tới chỗ vô tư. Nghệ thuật không xa chính trị vì nghệ thuật bắt nguồn ở cuộc sống. Chính trị không xa nghệ thuật vì chính trị gia chính là người nghệ sĩ phụng sự cái đẹp trong hành động. Nếu đừng quá căn cứ vào góc cạnh của tiếng nói nhân loại, thì Thiệu có thể cả quyết rằng: Chân, Thiện, Mỹ là một! Người dân là những nghệ sĩ hồn nhiên, các nhà hiền triết là những nghệ sĩ điêu luyện, rồi các chính trị gia, rồi các văn nghệ sĩ... mỗi người ở địa vị riêng mà hoạt động với cả tấm lòng chí thành, thì mỗi địa vị là một khía cạnh của một chân lý toàn diện: đó là lòng hướng về Chân, Thiện, Mỹ; đó là những nỗ lực thường xuyên của con người để nâng cao mức sống tinh thần của con người!
Đau khổ, lầm lẫn không đáng kể, điều cốt yếu; hãy lớn mạnh!
V
HAI NHÁNH SÔNG GẶP GỠ
Tuy Thiệu thấy lòng bớt thắc mắc vì chàng đã biết tự an ủi: "Đau khổ tự nó vô trách nhiệm, điều cần là liệu mình có trưởng thành trong đau khổ không? Nhưng suốt bốn tháng trời liền. Thiệu không dám cầm đến bút sơn. Chàng thèm một cuộc sống hồn nhiên có ý thức mà chưa đạt được.
Bỗng một ngày kia, phải ngày đó Thiệu nhớ lắm, ngày 15 tháng 9 năm 1954. Lũy - bạn Thiệu - mang lại cho chàng một lá thư. Phong thư này đề theo địa chỉ trường cũ. Trường đã giải tán từ lâu chỉ còn Lũy - ông hiệu trưởng cũ - ở lại, vì một lẽ giản dị trường sở là nhà của Lũy. Nhìn tên người gởi mắt Thiệu sáng lên.
Trời ơi. thơ của chị Hoa?
Sài Gòn, ngày 12 tháng 9 năm 1954
Em Thiệu yêu quý của chị.
Chị chẳng biết em có còn ở địa chỉ cũ không, hay đã lang bạt đi đâu rồi, hay đã... Nhưng thôi chị cứ gửi thư này theo địa chỉ cũ. Chị chưa muốn viết gì hơn vì chưa biết số phận lá thư này ra sao. Nếu cầu Trời, cầu cha mẹ phù hộ mà thư này đến tay em thì em trả lời chị ngay theo địa chỉ kèm đây. Chị hiện mở hiệu bán sách.
Chị của em
Hoa
Số.... đường 20.... Saigon
Đã từ bốn tháng nay Thiệu thấy tâm hồn héo hắt, chàng nghĩ đến màu úa vàng của ruộng mạ gặp kỳ đại hạn, Thiệu chờ mưa, cơn mưa từ đâu tới, cơn mưa như thế nào, chàng không rõ. Lá thư chị Hoa, người chị ưu tư, hiền hậu của Thiệu đã là cơn mưa chờ đợi. Cơn mưa đã đến, cỏ cây phải hồi sinh.
Và đây là lời nói của một tâm hồn hồi sinh:
Huế ngày 15 tháng 9 năm 1954
Chị Hoa yêu quý của em.
Nhận được thư của chị em quên tuổi chị ạ, em tưởng như ngày nào còn bé dại ham ra bến phà, ham leo lên đê chơi để về chị phải giặt quần áo bê bết đất cát của em. Đã có lần chị ủ em vào lòng và giơ lưng ra che đòn cho em. Nhận được thư này chị đừng viết thư cho em nữa, em đương thu xếp mọi công việc để về Sài Gòn ở gần chị.
Có lẽ em về gặp chị trước khi thư này đến nơi.
Em của chị
Thiệu
Cùng với lá thư gởi cho chị Hoa, Thiệu viết một lá thư cho Tạo: Tạo là người bạn duy nhất của Thiệu ở Sai gon mà chàng vẫn thường liên lạc bằng thư. Thiệu quen thân với Tạo từ thuở chàng trình bày tờ tuần báo của Tạo ở Hà Nội trước thời kháng chiến. Thiệu quý Tạo ở chỗ Tạo có tâm hồn phóng khoáng nghệ sĩ. Tạo còn chơi dương cầm khá giỏi, mà Thiệu vốn ưa nghe dương cầm.
Thiệu còn nhớ chiếc “chìa khóa nghệ thuật” đã mở tình thân cao quý cho đôi bạn là bản Simple aveu của Francis Thomé. Hôm đó, lần dầu tiên tới nhà Tạo, Thiệu yêu cầu Tao đờn cho nghe. Tạo liền giới thiệu một bản mà Tạo thích lắm: bản Simple aveu; Tạo cho mở đĩa hát bản Tình Ca không lời dó - (Romance sans parole) - rồi ngồi vào piano rạo theo. Ý Tạo muốn dùng tiếng violon và tiếng violoncelle trong đĩa hát làm cho nổi giai điệu để Thiệu cảm thấy hết cái dẹp uyển chuyển của nét nhạc. Quả nhiên Thiệu đồng ý với Tạo và mê ngay bản nhạc.
Simple aveu - Thiệu nghĩ thầm - lời thú thật đơn giản, đây dĩ nhiên là lời thú thật tình yêu.
Chàng yêu bản nhạc đến nỗi lần nào đến thăm Tạo, chàng cũng bắt Tạo đờn bài đó cho nghe ít nhất là một lần, rồi chàng nhẩm thuộc, rồi chàng làm lời ca cho bản nhạc - mặc dầu nguyên tác là bản... "tình ca không lời!” Lời ca cũng âm thầm cũng réo rắt như nét nhạc:
Ánh trăng muôn trùng xa... mờ
Ngàn cây cùng lên tiếng chơi vơi
Khiến lòng xao xuyến bâng khuâng
Hồi tưởng nhớ bao năm... thời thơ ấu
Êm đềm biết bao nhiêu tình thương... buồn....
............................................
Làm lời xong, hát đi hát lại Thiệu mới giật mình thấy rằng chàng hoàn toàn viết theo tiếng nói của mối tình lở dỡ với Yến:
Êm đềm biết bao nhiêu tình thương.... buồn....
...Khiến lòng xao xuyến bâng khuâng
Hồi tưởng nhớ bao năm... thời thơ ấu
Và mỗi khi ngậm ngùi nhớ đến Yến, Thiệu hát khẽ để tự xoa dịu, tự an ủi, tự vỗ về chính mình. Chàng thấy như chàng vừa là kẻ chèo thuyền vừa là kẻ nằm giữa khoang thuyền để nghe thấy mình trôi nổi bình bồng trên từng lớp sóng... từng lớp sóng xô rồn của biển cả mênh mông.
Có lần Tạo bảo Thiệu:
- Hay là nếu họa sĩ thích nhạc thì tôi xin dạy.
Thiệu lắc đầu:
- Nghe anh chơi rồi giữ lấy âm thanh đó trong lòng, như thế đẹp hơn nhiều. Anh có biết chuyện người Nhật tấu nhạc tế thần? Họ cầm ống tiêu làm điệu thổi nhưng không thổi thành tiếng vì họ e tiếng tiêu thật không thanh khiết bằng tiếng tiêu phát lên tự tâm hồn.
Tạo lắc đầu:
- Anh lãng mạn quá lắm!
Lần này cùng với lá thư gửi cho chị Hoa, Thiệu viết cho Tạo một lá thư yêu cầu bạn tìm ngay công việc cho mình ở Sài Gòn.
Chị Hoa nhận thư được hai hôm thì Thiệu lù lù tới.
Chị Hoa khóc - thì bao giờ chị chẳng hay khóc - chị vừa khóc vừa nắm lấy tay Thiệu:
- Giời ơi! Em tôi?
Biền, ông anh rể, đã ra bắt tay Thiệu ân cần hỏi han mấy câu về việc đi đường.
Hai cháu, một gái, một trai còn đứng ngơ ngác trên thềm: Trang đã mười hai, năm nay bắt đầu học đệ thất, Thụy lên năm học vỡ lòng.
Chị Hoa cố giữ giọng bình tĩnh, kể tiếp cho Thiệu hay chú thím Hai có tuổi rồi. không di cư. Chú thím bảo chẳng lẽ đi cả, nên tình nguyện ở lại trông nom mồ mả tổ tiên.
Chị bỗng chăm chú nhìn Thiệu hơn, yên lặng giây lâu mới nói :
- Em tôi đã hơn ba mươi tuổi đầu rồi mà... ừ kể ra cũng có già đi một chút nhưng trông vẻ người thì còn y như ngày nào...
Thiệu cười:
- Tại em còn độc thân, chẳng lo lắng gì nên trẻ thôi.
Chị Hoa lườm:
- Để rồi chuyến này tôi phải bắt cậu lấy vợ, không thể lông-bông mãi thế được, hư người ra.
- Vâng. thì anh chị cưới vợ cho em. Bây giờ em không còn đồng xu nào. Tiền máy bay đến đây là em vay của bạn...
Chị Hoa ngắt lời:
- Cậu không phải lo điều đó.
Anh Biền hỏi:
- Cậu năm nay bao nhiêu tuổi rồi nhỉ?
- Em ba mươi hai.
Phải - lời chị Hoa - cậu ấy băm hai, tôi băm bẩy, tôi hơn cậu ấy năm tuổi mà.
Thiệu được chị Hoa cho biết tiểu gia đình anh chị Tín hiện dược chia ruộng ở Cái Sắn. Ngay hôm sau, Thiệu cùng chị Hoa đi Cái Sắn. Tiểu gia đình anh Tín đông người hơn. Anh chị Tín đã có bốn cháu cứ một trai lại một gái và tên theo thứ tự như sau: Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí. Anh, chị Tín đều khen Thiệu còn trẻ. Riêng Thiệu, chàng nhận thấy cả anh Tín lẫn chị Tín, cả chị Hoa lẫn anh Biền đều già đi nhiều.
Ngay chiều hôm ấy chị Hoa trở về Sai gon, nhưng Thiệu còn ở lại với anh chị Tín đến một tuần sau. Trở về Sài Gòn, Thiệu vừa đặt chân vào hiệu sách, chị Hoa đã rối rít:
- Không biết có nhà ông nào đến đây tìm cậu mấy bận, dáng băn khoăn lắm, có để lại bức thư này.
Thiệu đọc thư - thư của Tạo:
Thiệu mến,
Nhận được thư cậu đề ngày 15-9-1954 của Huế, có trả lời ngay nhưng thư quay về với dòng địa chỉ mới của cậu tại Saigon ghi ở góc phong bì. Chắc là ông chủ nhà mách giúp. Tôi đã đến đây ba lần mà cậu chưa về. Có việc cần tới cậu lắm đấy.
Thân ái,
Tạo
Ngay chiều hôm đó Tạo đến. Đôi bạn chí thiết gặp nhau nói cười bô bô coi như trong nhà chẳng có ai. Tạo kéo Thiệu đi ăn ở Chợ Lớn. Chiếc xe của Tạo kiểu Fiat Millecento, chỗ ngồi thì rộng mà dáng thì xinh. Trong lúc ăn, Tạo kể chuyện vừa xin được giấy phép tuần báo Nguồn Việt, hiện đã có trụ sở riêng cho tờ báo. Tạo muốn Thiệu không những trông nom trình bày tờ báo mà còn giữ luôn chân Tổng thư ký tòa soạn. Có chiếc xe 2 chevaux để Thiệu toàn quyền sử dụng.
Thiệu nhận lời và đến ở tòa báo ngay. Nguồn Việt số đầu đã kịp ra mắt đúng kỳ hẹn nửa tháng sau.
Tính ham giao du của Thiệu sau mười năm bị đứt quãng nay được dịp "chồm" dậy. Báo vẫn ra đúng hẹn, trình bày đẹp, nhưng Tạo chỉ có thể "bắt" được Thiệu ở nhà in mà chẳng bao giờ gặp được Thiệu ở tòa báo. Hình như Thiệu chỉ tạt về để thu nhặt những thư từ, bản thảo các nơi gửi tới mà người đưa thư đã quẳng bừa bãi qua cửa sắt. Tạo biết xe 2 chevaux của Thiệu nhiều khi ngồi lên tới năm sáu "văn nghệ sĩ" để hoặc đi rong phố, hoặc ra tiệm trà đường Catinat, hoặc ra khỏi thành phố tiến về bất cứ một vùng quê nào, một tỉnh nhỏ nào. Vì tiền ét-săng nhất định Thiệu đòi trả lấy nên Tạo chịu không thể ước lượng số kí-lô-mét Thiệu đi hàng tháng.
Một ngày hạn hữu kia, Tạo cùng mấy anh bạn qua tòa soạn thấy cánh cửa sắt ngỏ.
Bước qua ngưỡng cửa Tạo gọi:
- Thiệu có nhà không?
Thiệu đương gội đầu trong buồng tắm, mắt còn nhắm nghiền vì sợ bọt xà phòng lọt vào mà cũng nghển cổ đáp liền:
- Ờ được, chờ một tí rồi đi. Xong rồi đây?
Mọi người cười ồ, Tạo lắc đầu:
- Mình đến thăm nó chứ có đến rủ đi chơi đâu mà nó đã nghiễm nhiên ra lệnh: chờ một tí rồi đi.
Nhưng khi Thiệu ra thì cả bọn quyết định đi chơi thật.
Vừa lái xe, Tạo vừa nói:
- Chính sách Pháp bắt đầu thay đổi ở đây!
Thiệu hỏi:
- Thay đổi gì?
- Khá lắm - Tạo đáp - hiện tòa Đại sứ Pháp công bố sẵn sàng cấp một số học bổng cho sinh viên qua Pháp học về đủ các ngành: Sư Phạm, Khoa Học. âm Nhạc. Hội Họa...
Thiệu ngắt lời:
- Cả Hội Họa nữa à?
Tạo gật đầu:
- Chỉ phải nộp cho tòa Đại Sứ Pháp hai bức tranh sơn dầu của mình.
- Sao phải nộp thế?
- Để họ gửi về Pháp; một hội đồng giám khảo sẽ quyết định sinh viên đó có được nhập học không và nếu có thì vào năm thứ mấy.
Thiệu vỗ vào thành xe cuống quýt:
- Cậu cho tôi về?
- Về làm gì, về lấy hai bức tranh à?
- Không, về vẽ hai bức tranh.
Cả xe cười ầm, Tạo điềm nhiên nhận ga cho xe đi nhanh hơn:
- Thôi hãy đi chơi đã, chẳng mấy khi được gặp cậu thế này.
Thiệu đành nén sự nóng lòng sốt ruột và ngồi điềm nhiên như không. Thiệu biết chỉ có cách ấy mới khỏi bị Tạo trêu trả thù. Nhưng sau buổi đi chơi chỉ ba ngày sau Thiệu đã đem đến tòa Đại Sứ Pháp hai tác phẩm sơn dầu của mình. Khi trở về yên trí rồi. Thiệu đỗ xe ở góc đường Bonard, vào một tiệm trà giải khát. Lúc trở ra ánh nắng vừa tắt, đường phố về chiều hầu như rộng thêm và hiền hòa chào đón. Thiệu chưa ra xe vội, chàng rảo theo hè phố. Phía trước và bên trong các cửa hàng đã bật điện. Thiệu qua một vùng ánh sáng nhấp nháy, chàng ngẩng lên thì thấy giữa khoảng đèn xanh, trắng nhấp nháy đó là hình chữ thập đỏ: một hiệu bào chế! Thiệu đưa mắt nhìn vào phía trong: ngồi ở quầy hàng là một người đàn bà đẹp. Đôi mắt chàng thoạt dừng lại như đã từng dừng ở bất cứ khuôn mặt đẹp nào.
Người đàn bà trả tiền lẻ cho khách xong cũng vừa ngẩng lên nhìn ra. Hai đôi mắt gặp nhau, Thiệu có cảm tưởng chàng vừa bị gáo nước lạnh dội lên người và chảy nhanh theo dọc xương sống.
Chàng thốt gần như reo:
- Yến!
- Anh Thiệu!
Nỗi vui mừng đến bất ngờ quá làm Thiệu lúng túng. Giây lâu Thiệu mới hỏi:
- Cửa hàng này của chị Yến?
Yến gật đầu:
- Vâng, mới khai trương được ba hôm nay. Tôi di cư vào đây đã hai tháng rồi, mất một tháng đi tìm nhà, may mà thuê được căn này.
- Thế là giỏi lắm đấy? Chị còn lạ gì hiện giờ Sài Gòn khan nhà đến mực nào!
- Vâng, quả có thế.
Thiệu nhìn quanh làm như ngắm nghía, sự thật chàng chẳng ngắm gì cả, rồi nói:
- Rộng đấy chứ chị? Rộng lắm!
Tiếng Yến:
- Chả rộng đâu anh ạ, mở “Pharmacie” mà thế này gọi là tạm đủ thôi.
Thể xã giao vấn đáp đó còn kéo dài thêm mấy câu nữa. Buồn tẻ vì bàng hoàng hay vì bàng hoàng mà buồn tẻ? Mấy lần Thiệu nhìn Yến chăm chú, khi Yến nhìn lại hai người cứ để vậy mà "gặp" nhau trong giây lâu rồi hoặc Thiệu quay đi, hoặc Yến quay đi.
Mãi sau Thiệu mới cất lời hỏi câu đáng lẽ chàng đã phải hỏi từ lâu:
- Chị Yến được mấy cháu rồi, anh làm việc ở ngay Sài Gòn hay ở lục tỉnh?
Yến chợt cúi mặt buồn rầu:
- Cám ơn anh, tôi được hai cháu; nhà tôi mất đã hai năm nay.
Thiệu đứng sững nhìn Yến không nói. Hình như cùng một lúc Thiệu nghĩ đến nhiều điều trái ngược và cũng vì rất nhiều điều trái ngược đến cùng một lúc nên Thiệu có cảm tưởng là mình chẳng nghĩ gì cả.
Thấy khách tới quầy trả tiền đông. Thiệu cúi chào Yến:
- Xin phép chị tôi đi, để khi khác thong thả.
Yến trở lại vui niềm nở:
- Vâng, lần sau anh đến bất cứ lúc nào tôi cũng có nhiều thì giờ. Anh nhớ đây là “Pharmacie de garde” nên ngày thường mở cửa từ sáu giờ chiều trở đi, còn chủ nhật cùng các ngày lễ thì mở cửa suốt ngày, đặc biệt chiều nay tôi phải ngồi quầy thay cho cô “caissière”bị nhức đầu. Xin lỗi anh nhé.
Ra đến xe, mở cửa vào ngồi trước tay lái rồi Thiệu mới bớt bàng hoàng và ôn lại hình ảnh Yến. Thiệu thấy rằng Yến hơi đẫy hơn trước, Yến không cả xinh lẫn đẹp như xưa, Yến đã là đàn bà. Yến chỉ còn đẹp. Nhưng - có lẽ đây là điều đáng buồn cho Thiệu - nếu Yến không còn xinh thì Yến lại đẹp quyến rũ lên bội phần.
Thiệu đặt tay lên trán nhắm mắt. suy nghĩ rồi tự nhủ thầm:
- Phải, Yến đẹp quyến rũ lên bội phần thật!
Chàng về ngay tòa báo, khóa trái cửa lại, vào buồng nằm. Tâm trí chàng ngột ngạt hình ảnh Yến. Chàng biết rằng cả đêm hôm đó chàng sẽ chỉ nghĩ đến Yến. Thốt nhiên ôn câu chuyện cũ nhớ việc Yến lấy chồng mà không phải lấy mình. Thiệu thấy trong cùng thẳm tâm hồn còn chút gì hờn giận tuy vô lý nhưng rờn rợn có thực.
Bên ngoài có tiếng cửa xe đóng, rồi Tạo gọi:
- Thiệu có nhà đấy chứ?
Thiệu lặng thinh.
Tiếng Tạo càu nhàu:
- Quái, xe để trước cửa mà nó đã đi đâu rồi.
Tiếng một anh bạn khác:
- Chắc hắn chỉ quanh quẩn gần đây thôi.
Tạo càng càu nhàu:
- Có thánh mà hiểu được nó!
Tiếng máy nổ. Tiếng bánh xe lăn xa dần rồi im lặng, Thiệu nhỏm dậy tắt đèn rồi nằm thảnh thơi để nghĩ đến Yến cùng những kỷ niệm thời thơ ấu bên bờ sông quê hương. Sau cùng Thiệu trở về nghiền ngẫm ý nghĩ: Yến đã là đàn bà. Yến không còn xinh, nhưng Yến lại đẹp quyến rũ lên bội phần.
Thiệu chợp ngủ lúc nào không biết. Trong giấc mơ Thiệu nhớ đến một người đàn bà đẹp trong Đông Chu Liệt Quốc: nàng Tức Vỉ. Nàng Tức Vỉ hình như là vợ ông vua Sở nào thì phải. Mà vua Sở cũng cướp lại nàng tự tay một ông vua nước nhỏ nào thì phải. Nàng đẹp lắm, má lúc nào cũng đỏ hồng nên vua Sở gọi yêu nàng là "Đào hoa phu nhân!" Vẫn trong giấc mơ Thiệu nhất định “Đào hoa phu nhân" là Yến mà chàng vừa gặp ban chiều, bởi Yến cũng có đôi má ửng hồng như vậy.
Hôm sau, Thiệu ngồi ở bàn giấy tòa báo cả ngày. Cũng là vô tình Tạo qua tòa báo hai lần, lần nọ cách lần kia ba tiếng đông hồ. Tạo trợn tròn mắt vì thấy Thiệu vẫn ngồi nguyên chỗ cũ. Khi Tạo vào, Thiệu nhờ chuyển tập bài đến nhà in cho thợ sắp chữ.
- Cậu ốm đấy à? - Tạo hỏi.
Thiệu lắc đầu:
- Không!
- Không đi chơi à?
- Không!
Ra đến xe rồi, Tạo còn ngoái nhìn Thiệu một lần nữa khẽ chúm môi rồi nhún vai lắc đầu nói thầm:
- Có mà thánh hiểu được thằng này!
Buổi chiều Thiệu lái xe lên đường Bonard đậu chỗ hôm trước, nhưng khi thủng thỉnh tới gần hiệu bào chế của Yến thì chàng dừng lại bụng bảo dạ: "Mới hôm qua đến, hôm nay lại đến nữa sao tiện!"
Thiệu trở về xe. Khi xe qua đấy, nhìn vào, chàng thoáng thấy bóng Yến ở trong cùng, đang xem một đơn thuốc của khách hàng.
Chiều hôm sau nữa Thiệu cũng đi qua. Ô-tô ối đuôi nhau chiếc nọ sau chiếc kia thành dãy dài. Đèn đỏ ngã tư bật lên đúng lúc xe Thiệu vừa tới xế hiệu bào chế của Yến. Thiệu chậc lưỡi lái xe vào sát vỉa hè, mở cửa bước ra. Yến nhận thấy chàng ngay.
Thiệu chào Yến rồi nói:
- Chị cho tôi một tube Aspirine.
Yến chăm chú nhìn Thiệu:
- Anh bị nhức đầu?
Thiệu gật đầu liền:
- Vâng, chả hôm qua tôi thức khuya quá .
Yến chỉ về phía xe 2 chevaux:
- Xe của anh?
Thiệu cười:
- Của bạn đấy chị ạ.
Rồi Thiệu vui vẻ kể cho Yến nghe công việc hiện thời chàng làm.
Chàng kết luận vui hơn:
- Tôi thực là công chưa thành, danh chưa toại, nghèo rớt mùng tơi, nhưng mà thôi, điều đó chẳng đáng kể, miễn là nặng tình yêu nghệ thuật và giàu tình cảm là được rồi, có phải không chị'?
- Anh nói đúng!
Cả hai cùng cười. Câu chuyện thật đậm đà. Khi đã lên xe ngồi, Thiệu mới sực nhớ ra hai điều cùng đáng trách cả điều thứ nhất: chàng quên chưa trả tiền tube Aspirine. Điều thứ hai: cách chàng nói chuyện vui vẻ và tỉnh táo chẳng có vẻ gì là một anh nhức đầu sắp phải uống Aspirine.
Chiều hôm sau, Thiệu đến xin lỗi Yến để trả tiền, Yến gạt đi nhưng Thiệu không chịu. Chàng nói:
- Đời tôi còn ốm nhiều, chị làm như vậy từ lần sau tôi không dám đến đây mua thuốc nữa.
Rồi để lấp câu chuyện, Thiệu chỉ chiếc xe Consul đậu ngay trước cửa:
- Có phải xe của chị đấy không?
Yến gật đầu:
- Vâng, tôi phải có xe để đi lấy hàng cho tiện và còn đưa hai cháu đi học nữa.
- Chị mượn tài xế
- Tôi lái lấy anh ạ. Có gì đã có garage ngay gần đây.
Thiệu cười:
- Trông xe của tôi bên xe của chị như cùng một lúc thấy hai vừng trăng: một trăng hạ tuần và một trăng rằm.
Yến nói:
- Ấy thế mà tôi thích đi xe 2 chevaux đấy, ngồi bùng nhùng nhưng êm.
- Nếu vậy mai tôi đến đón chị lại thăm tòa báo của tôi.
- Rất hân hạnh!
- Độ mấy giờ nào?
- Mười giờ anh nhé! .
- Vâng mười giờ. Nhưng chị nhớ là phải ngồi xe của tôi.
- Nhất định rồi!
Mười giờ hôm sau, Thiệu tới đón Yến đến tòa báo. Yến chăm chú xem tranh của Thiệu treo ở trên tường.
- Chị Yến ạ.
Yến quay lại.
Thiệu tiếp:
- Yến chẳng thể nào hiểu được ngày xưa tôi đã yêu Yến đến mực nào.
Yến cúi xuống mỉm cười xa xôi.
Vẫn lời Thiệu tiếp:
- Cho nên ngày nay gặp Yến, tôi có cảm tưởng gặp lại một người đã nợ mình rất nhiều mà chưa trả gì cả.
Yến cười thành tiếng khẽ:
- Trời ơi, anh còn đòi nợ tôi làm gì?
Mặt Yến chợt buồn. Thiệu vội vàng chuyển câu chuyện:
- Nếu Yến thong thả tôi đưa Yến đi Thủ Dầu Một xem mấy xưởng sơn mài.
- Vâng đi,
Suốt dọc đường hai người nói chuyện hiện tại, trao đổi những nét dí dỏm. Câu chuyện vui. Nhưng mỗi khi Thiệu nhắc nhở vài nét dĩ vãng, Yến chỉ chớp mắt không trả lời.
Sau buổi cùng nhau đi chơi, Thiệu được dịp hiểu Yến hơn: ngày nay Yến có cái phóng khoáng của người chịu ảnh hưởng Tây học và giao thiệp rộng, lại có cái tế nhị đặc biệt của người miền Bắc.
Thiệu nhớ đến chuyện "Hằng Nga ngủ trong rừng." Sau giấc ngủ trăm năm đợi Hoàng tử đến, khi nàng Công chúa tỉnh dậy nàng vẫn tươi đẹp như xưa. Thời gian có trôi nhưng sắc đẹp và tuổi trẻ của nàng chỉ ngưng đọng. Tình của Thiệu đối với Yến cũng chỉ ngưng đọng, nay thì đã bừng tỉnh để cuồn cuộn xô dồn như con sông Đuống vẫn cuồn cuộn xô dồn vào những mùa nước lên.
Cuộc sống của Thiệu tuy hồn nhiên nhưng sự thực bên trong chẳng bao giờ Thiệu quên những vết thương cũ: vết thương tình đầu tiên với Yến, vết thương xa quê hương lang bạt ở miền Trung, vết thương của kẻ bị lừa trên trường chính trị điên đảo. Những vết thương đó trước đây vẫn âm thầm bỏ ngỏ, kể từ ngày Thiệu nhận được thư của chị Hoa rồi về ở Sai gon, chàng tự coi như đã được băng bó; đến nay gặp Yến, tình yêu nồng nàn trở lại, Thiệu chợt thấy được đắm mình trong một dòng suối thần tiên và các vết thương tâm hồn lành lại như chưa hề bao giờ có.
Ba hôm sau. Thiệu đến tìm Yến hỏi Yến có bằng lòng để chàng vẽ cho nàng một bức sơn dầu? Yến vui vẻ ưng thuận. Hình như lúc nào Yến cũng sẵn sàng ưng thuận một cách rất trang nhã theo ý chàng đề nghị.
Thiệu hỏi:
- Yến định hôm nào bắt đầu?
Yến đáp:
- Anh cho ba ngày nữa, vì mai và mốt hàng về tôi phải cho đi lấy và ghi vào sổ.
Thiệu tần ngần:
- Yến nhỉ.
Vẻ nhìn của Yến cũng bâng khuâng:
- Dạ?
- Chúng mình xa nhau đến mười năm rồi!
- !
- Ngày nay gặp Yến, cái đam mê mười năm trước cháy lại trong lòng tôi. Yến ạ. Bắt đền Yến đấy.
Yến mỉm cười buồn rầu.
Thiệu tiếp:
- Cũng là tại cái số tôi không thoát khỏi tay Yến làm khổ.
Yến hỏi khẽ:
- Sao lại khổ?
- Vì với trạng thái đam mê của tôi mỗi khi yêu, dù được yêu lại, tôi vẫn cảm thấy mình mất mát đi nhiều lắm.
Yến giữ nguyên nụ cười xa xôi.
- Đã bao giờ Yến nghĩ đến việc trả món nợ tình cảm như núi như non của tôi chăng?
Yến ngước mắt nhìn Thiệu rồi cúi xuống ngay, nàng đáp:
- Thôi anh Thiệu ạ?
Thiệu nhìn Yến chăm chú hơn mỉm cười. Chàng nghĩ đến mười lăm năm trước đây khi trao bức thư tình đầu tiên cho Yến, sau đó Yến trả lời: "Đừng anh Thiệu ạ!" Đến nay trong cảnh tái ngộ "hoa xưa ong cũ mấy phôi chung tình" Yến lại đáp: "Thôi anh Thiệu ạ?"
Nhưng rồi Thiệu quyết định ra về. Chàng nghĩ dầu sao cũng là một chuyện quan trọng không nên ép Yến trả lời ngay. Còn thừa thì giờ mà!
Trước khi ra về chàng đổi giọng nói đùa để bầu không khí dễ thở:
- Tùy ý Yến đấy, nhưng món nợ đó không chạy được đâu, chẳng trả kiếp này thì phải trả kiếp sau.
Thấy Yến ngẩng nhìn. Thiệu tiếp:
- Thiết tưởng bà nên trả ngay kiếp này đi cho sòng phẳng!
Thiệu, Yến nhìn nhau giữ nụ cười im lặng. Cả hai cùng bàng hoàng như đôi trai gái hò hẹn và gặp nhau trong một đêm sáng trăng suông.
Rồi chia tay.
Ra đến ngoài đường nắng vàng phơi phới. Thiệu có cảm tưởng quanh mình có hàng ngàn vạn những cánh hoa vàng vô hình rơi rụng, Thiệu cho xe theo đường qua Cầu Quay sang Khánh Hội mặc đầu chàng chẳng có việc gì phải sang Khánh Hội. Nhìn con đường nhựa mịn màng chui qua cầu Mống, Thiệu nghĩ đến Yến mai đây cũng sẽ nằm nép dưới cánh tay chàng. Khi xe trở về trung tâm điểm chợ Bến Thành, nhìn các ngả đường song song gặp nhau, Thiệu nghĩ đến những dòng sông đã phân ngành rồi những ngành sông chợt tìm được nhau cất tiếng reo vui trước khi lao mình ôm quyện lấy nhau để hòa làm một.
VI
THUYỀN ƠI THUYỀN,
THUYỀN TRÔI NƠI ĐÂU...
Phải đợi hai ngày nữa Thiệu mới được gặp Yến để vẽ portrait cho nàng. Hai ngày không gặp nhau, khoảng thời gian dài đằng đẵng. Các cụ ngày xưa bảo: một ngày chẳng gặp coi tày ba thu - “nhất nhật bất kiến như tam thu hề"- kể cũng không ngoa. Câu nói thật gợi cảm, tuy bây giờ đã thành sáo ngữ.
Trời về chiều. Thiệu bật đèn rồi mở tấm bìa cứng vẫn dùng để cặp giấy croquis; bên trong, cài gọn vào phía góc là tấm hình chụp bức họa khỏa thân "Ngọn Nguồn” (La Source) của Ingres. Thiệu đăm chiêu nhìn bức họa với một vẻ thành kính giáo đường. Người trinh nữ có khuôn mặt hiền, đôi mắt xa vời vợi, bộ ngực tròn trinh bạch, dòng nước từ bình đổ xuống mát rợi như dòng thời gian một đêm xuân trong tơ trăng đan cùng tơ gió để lọc các âm thanh từ hoa lá bốc lên, từ các vì sao đổ xuống.
Bên dưới bức "La Source” là sáu hàng chữ nhỏ trích trong bài thơ “Tranh Lõa Thể của Bích Khê - một thi sĩ tiền chiến:
Nàng là tuyết hay da nàng tuyết điểm?
Nàng là hương hay nhan sắc lên hương?
Mắt ngời châu rung ánh sáng nghê thường.
Lệ tích lại sắp tuôn hàng đũa ngọc.
Đêm u huyền ngủ mơ trên mái tóc,
Và chút trăng say đọng ở làn môi.
Mỗi lần ngắm "La Source” như vậy Thiệu thấy thời gian như ngưng đọng, đúng hơn thời gian nhẹ lướt đi mà chàng không biết.
Rồi hai ngày qua... Thiệu đến với Yến lấy croquis để nghiên cứu. Kể ra thì lấy croquis xong Thiệu có thể căn cứ vào đấy mà vẽ lên vải, nhưng không muốn xa Yến, vả cũng muốn cẩn thận lấy ánh sáng cho dúng, chàng mang cả khung vải cùng bút sơn lại vẽ Yến ngay tại chỗ.
Mỗi lần ngồi chờ Yến sửa soạn, Thiệu mở nhìn bức tranh “La Source”. Chàng muốn đắm hồn mình vào một niềm rung cảm cao khỉết trước khi thể hiện vẻ đẹp lý tưởng của Yến. Có lần chàng mải ngắm bức tranh xuất thần đến nỗi Yến tiến lại đứng bên lúc nào không biết.
Về phần Yến thì sao? Ngay từ buổi đầu tái ngộ. Yến đã biết Thiệu còn yêu mình lắm. Nhìn vào gương mặt Thiệu. Yến thường bạo dạn để mặc hồn mình muốn trôi đi đâu thì đi. Nhiều khi nàng thấy hình như mình đắm vào một thế giới huyền ảo nhưng không hôn mê nên khó đánh dấu không gian, một thế giới bốn mùa xuân bất tận nên khó đánh dấu thời gian - tuy rằng mỗi xuân một vẻ. Điều đó gây cho Yến một cảm giác khá phức tạp: nàng vừa sung sướng vừa sầu khổ. Sung sướng vì tự thấy lạc lõng một cách thân mật vào một tình yêu kỳ lạ khiến cả người yêu lẫn người được yêu như cùng chuyển hóa sang một kiếp khác trong đó màu sắc, âm thanh, tâm tình thẩy đều thanh tao sáng láng muôn phần. Nhưng đồng thời Yến băn khoăn ngỡ ngàng đến sầu khổ vì phải tự đặt câu hỏi: Hay là Thiệu yêu một thần tượng nào qua mình? Sao tình yêu thiết tha đằm thắm hồi hộp là vậy mà vẫn giữ bề ngoài trầm lặng?
Phải, nàng có thể kiêu ngạo với tình yêu ấy lắm nhưng chỉ có thể kiêu ngạo như ý muốn khi xứng đáng với nó, thành thử tình yêu càng thần thánh bao nhiêu nàng càng phải lớn bằng thần thánh bấy nhiêu. Giả sử - Yến biết lắm - nàng tầm thường thì chỉ có nàng rơi xuống mà ngẩng lên nhìn chính hình ảnh lý tưởng của mình vẫn vòi vọi trên cao. Chao ôi, Yến tự biết mình chỉ là một người đàn bà, bởi vậy nhiều khi nàng đành phải tránh cái nhìn của Thiệu và muốn kêu lên ảo não: "Anh Thiệu. Yến không muốn lớn bằng thần thánh. Yến chỉ muốn lớn bằng người!"
Đã mười ngày qua Thiệu vẽ Yến. Trong khi vẽ, Thiệu nói chuyện vui. Thiệu có nhắc dĩ vãng nhưng chỉ nhắc những điểm hài hước. Thiệu kể lại ngày nhảy xuống nước cứu Yến ở bến phà hỏng cả chiếc áo trúc bâu mới, về nhà nghiến răng chịu đòn bên cối xay dưới bếp, xa... thật xa nhà Yến.
Nghe chuyện. Yến cười như trẻ thơ, tiếng cười đem thêm ánh áng xuân tình vào hồn Thiệu.
Thiệu nhắc lại cả lá thư tình đầu tiên trao cho Yến, bên dưới những câu lâm li có kín đáo gạch bút chì đỏ.
Vẫn tiếng cười đậm đà của Yến tô điểm cho câu chuyện, nhưng lần này Yến nói thêm:
- Anh có biết không, bức thư đó tôi giữ mãi đến ngày sắp về nhà chồng mới đốt đi.
Trời, thì ra Yến có chú ý giữ bức thư! Thiệu toan hỏi vì sao dạo đó Yến lại bảo chàng: "Đừng anh Thiệu ạ!" Nhưng Thiệu nghĩ câu hỏi đó thực là thừa vì Yến đã giữ thư đó đến ngày cưới kia mà.
Khi không nói chuyện vui, Thiệu lẳng lặng nhìn Yến rồi nhìn bức tranh, rồi ngọn bút sơn đưa lên đưa xuống thốt tiếng kêu nhè nhẹ trên vải, rồi Yến như đến ngồi vào bức tranh... rồi Thiệu như đi vào bức tranh... Nhiều khi Thiệu cất tiếng hát khe khẽ, tiếng hát thoát ra tự cõi vô thức vì chính Thiệu, Thiệu không ngờ rằng mình hát. Giọng chàng âm thầm lắm thì phải, chàng hát bản "Tình Ca Không Lời" Simple Aveu (Lời thú đơn giản) :
Ánh trăng muôn trùng xa mờ
Ngàn cây cùng lên tiếng chơi vơi
Khiến lòng xao xuyến bâng khuâng
Hồi tưởng nhớ bao năm...
Thời thơ ấu êm đềm...
Biết bao nhiêu tình thương... buồn...
Có lần Yến hỏi kéo chàng ra khỏi giấc mơ dĩ vãng:
- Anh Thiệu hát bài gì đó?
Thiệu giật mình thoáng ngơ ngác rồi cười:
- À, một bản romance sans parole.
- Ô hay, đã romance sans parole sao còn có lời?
- Lời tôi làm!
Yến cười lắc đầu:
- Anh thật lẩm cẩm.
Đến gần một phút sau Thiệu mới mỉm cười theo:
- Có lẽ tôi lẩm cẩm thật!
Rồi hai người nhìn nhau, nụ cười vẫn giữ trên miệng, biết bao nhiêu là thơ, như một tia nắng quái bao dung còn dừng lại trên một khoảng dồi dào vạt gió chiều.
Thiệu dự định vẽ xong, khi trao bức họa cho Yến, Thiệu sẽ nói: "Đây là đồ sính lễ đầu tiên của anh, Yến ạ." Nhưng tới lúc bức họa gần xong Thiệu suy nghĩ lung lắm. Thiệu tự hỏi: đã nên hỏi Yến làm vợ chưa? Không phải Thiệu ngại Yến là gái góa hai con, không phải Thiệu ngại Yến giàu hơn mình nhưng chàng ngại về chính chàng. Thực vậy, tương lai của Thiệu chưa có gì bảo đảm. Nghề làm báo ở xứ này đâu phải là một nghề có thể nuôi sống mãi mãi được người theo đuổi nó. Về kiến thức chuyên môn thì tuy chàng đã tự học hỏi nhiều về hội họa nhưng sao bằng có trường, có thầy, có bạn để thực sự được học hỏi trong một không khí học hỏi thuận tiện. Thiệu chân thành nghĩ rằng mình đã chẳng phải là thần đồng, chẳng phải là hạng người "sinh nhi tri", một khi việc học thiếu căn bản, làm sao tài năng có đà phát triển để tác phẩm đạt tới mức giá trị vĩnh cửu? Vẫn trong suy tư chân thành đó, Thiệu rùng mình nghĩ đến cuộc đời nghệ sĩ của chàng rồi đây sẽ vĩnh viễn chỉ là thứ chim non ra ràng quanh quẩn bên tổ mẹ, lấy vòm cây làm trời xanh.
Lần đầu tiên kể từ ngày gặp lại Yến, Thiệu thấy nỗi buồn xâm chiếm cõi lòng ngay cả khi có Yến trước mặt. Thiệu thấy mình quả là kẻ công chưa thành, danh chưa toại. Điều thắc mắc đó Thiệu cho rằng nếu quả chàng biết tự trọng thì chàng nên liệu mà tự xử.
Tự xử? - Làm thế nào để cho công thành danh toại bây giờ? Thiệu nghĩ đến hy vọng sẽ được tòa Đại sứ Pháp cấp học bổng. Chàng sẽ là họa sĩ tốt nghiệp ở trường Mỹ Thuật Ba-Lê.
Nhưng liệu Thiệu có được cấp học bổng? Nếu có, lại một vấn đề mới đặt ra: ít nhất chàng sẽ phải xa Yến hai hoặc ba năm. Với tuổi của chàng, với tuổi của Yến đâu phải chuyện có thể nhẩn nha gối đầu lên thời gian mà chờ đợi xây dựng cuộc đời?
Yến có thể theo Thiệu sang Pháp? Chẳng nên thế! Còn cửa hàng, còn việc học của hai đứa trẻ. Yêu Yến, nỡ nào bắt Yến phải quyết định nhất đán xô đổ một hiện tại đã thành nề nếp để dấn thân vào một tương lai bấp bênh?
Hay là... nếu được cấp học bổng Thiệu sẽ cấp tốc làm lễ thành hôn với Yến rồi đôi bên hưởng tuần trăng mật trong chừng một hai tháng. Sau đó Thiệu đi, Yến chờ đợi. Xét ra chỉ còn có cách đó. Kể ra chẳng lấy gì làm êm đẹp lắm nhưng còn biết làm sao hơn? Danh dự không cho phép Thiệu cam chịu ở lại nhà, bên một người vợ đã thành đạt.
Ngày cuối cùng, Yến lo lắng thấy Thiệu đãng trí hẳn. Khi nàng hỏi, Thiệu làm vẻ tươi cười để cải chính, nhưng chỉ mấy phút sau tia nhìn của Thiệu đã lại chìm đi đâu.
Rất có thể Yến thoáng ngờ vực Thiệu đương nghĩ đến một bóng đẹp nào mà Thiệu rắp tâm xây dựng tương lai, vì suốt trong mười ngày qua tuy câu chuyện có thân mật nhưng không hề thấy Thiệu đả động đến chuyện trăm năm nữa.
Phút cuối cùng hoàn thành bức họa, Yến mới thấy Thiệu hết vẻ thắc mắc. Chỉ vào bức vẽ, Thiệu nói:
- Với Yến phải sửa lại câu tục ngữ là "gái hai con trông mòn con mắt" mới đúng.
Yến cười:
- Thôi đi ông, đừng nịnh!
Thiệu nghiêng đầu nhìn bức tranh rồi tiếp:
- Kể bức họa thế này là xong nhưng tôi vẫn chưa bằng lòng màu xanh nhạt ở khoảng trống bên trái phía mái tóc Yến, có lẽ tôi đem về ngày hôm nay để nghiên cứu lại xem nên dùng màu gì khác cho thật nổi.
Yến gật đầu:
- Phải, anh nên nghiên cứu cho kỹ đi. Bức tranh phải toàn bích mới được!
Yến cười tiếp liền:
- Toàn bích theo ý anh chứ còn với tôi thế này cũng là là toàn bích lắm rồi.
Thiệu nói:
- Ngày mai sửa xong tôi sẽ đến đón Yến. Nếu Yến cũng đồng ý, chúng ta sẽ mang tranh về đây tính chuyện treo ở khoảng nào.
- Thế mai độ mấy giờ anh đến đón tôi?
- Ba giờ chiều, nhất định đúng ba giờ chiều Yến nhé.
- Thôi được, cứ giờ đó tôi đến gặp anh!
- Không được, Yến phải ngồi xe 2 chevaux của tôi.
- Thì tôi đi xích lô lại, hay đi chân lại là cùng chứ gì.
- Càng không được! Để Yến ngồi xe 2 chevaux cũng đã là quá lắm rồi. Có những thứ hoa buông rủ ở ngoài hiên làm bạn với sương gió thì đẹp, như Phong lan chẳng hạn; có những thứ hoa cắm trong lọ bầy trên bàn thì đẹp, như cẩm chướng glaieul chẳng hạn. Sắc đẹp của Yến thuộc loại hoa nào tôi chưa tìm ra, nhưng phải là thứ hoa mà người ta bọc giấy bóng kính rồi còn để trong tủ kính nữa.
Yến cười khanh khách rồi lắc đầu:
- Câu nói đó có thể là khen, mà cũng có thể là chê.
Thiệu cũng cười:
- Câu đó không khen, mà cũng không chê đâu Yến ạ, câu đó chỉ nói lên một sự thực khách quan.
Rồi hai người chia tay. Thiệu mang bức tranh và các đồ vẽ ra xe.
Yến hẹn với:
- Mai ba giờ anh nhé.
Thiệu đáp:
- Đúng ba giờ!
Đôi bên còn nhìn nhau một lần nữa. Có lẽ kể từ nay, ngày nào ít nhất hai người cũng nên được nhìn nhau một lần như vậy thì cuộc sống của ngày đó mới khỏi vô nghĩa.
Thiệu mang máng nhớ có lần được nghe người thuyền chài kể: đem con cá bể thả vào chậu nước ngọt, cá không chịu được, nhưng chỉ cần múc một thìa nước biển đổ vào là con cá bơi lội thảnh thơi ngay, hình như thìa nước biển đem lại ý nghĩa cuộc sống cho cá. Thiệu nghĩ rằng giây phút nhỏ bé trao đổi tia nhìn với Yến cũng là một cách rót thìa nước biển để đem lại ý vị cuộc sống cho chàng và chắc chắn cho cả Yến nữa. Ý nghĩa so sánh đó làm ấm lòng Thiệu nhưng tối đến, khi Thiệu đứng trước giá vẽ nhìn bức tranh sẽ làm đồ "sính lễ" bao điều băn khoăn thắc mắc cũ tuần tự xuất hiện trong trí, y như một cuốn phim đem chiếu lại.
Kết cục Thiệu nghĩ:
“Hay là... nếu được cấp học bổng mình sẽ cấp tốc làm lễ thành hôn với Yến rồi đôi bên hưởng tuần trăng mật trong chừng một, hai tháng. Sau đó mình đi, Yến chờ đợi. Xét ra chỉ còn có cách đó. Kể là chẳng lấy gì làm êm đẹp lắm nhưng còn biết làm sao hơn?"
Còn biết làm sao hơn?
Câu nói "vô hình” đó cứ luẩn quẩn hoài trong trí Thiệu trong khi chàng sửa lại một vài đường, vờn thêm một vài nét và đổi màu xanh nhạt khoảng bên trên mái tóc Yến ra màu tím ngát.
VII
KHÚC QUÀNH CŨ
CON SÔNG XƯA
Bảy giờ sáng hôm sau Thiệu còn nằm ngái ngủ trên giường, có tiếng Tạo bên ngoài:
- Thiệu?
Thiệu tung vội chăn nhảy xuống đất:
- Có ta?...
Thò tay vào qua cửa sắt bắt tay Thiệu, Tạo nói:
- Sửa soạn đi nhé. Lát nữa cả hai vợ chồng tôi sẽ lại đón. Tôi phải đến trước báo cậu, chẳng có lát nữa không biết đâu mà tìm.
- Đi đâu? Thiệu hỏi.
- Hạ hồi phân giải! - Tạo đáp, vẻ bí mật.
Thiệu sửa soạn vừa xong thì vợ chồng Tạo đến thật, ngoài xe lố nhố toàn những mặt quen, những mặt vẫn từng xếp chật ních trong xe 2 Chevaux của chàng để đi quanh Sài Gòn hay vượt cầu Quay đi Nhà Bè, vượt cầu Bông đi Biên Hòa. Thủ Đức.
Lên xe ngồi giữa các bạn. Thiệu hỏi:
- Đi đâu thế này?
Tất cả mọi người không ai biết sẽ đi đâu. Vợ Tạo cười hóm hỉnh. Tạo nhắc lại câu nói bí mật:
- Hạ hồi phân giải?
Thấy Thiệu băn khoăn ra mặt, một bạn phải nói:
- Quái tên Thiệu thích họp bạn vô điều kiện mà sao lần này hắn thắc mắc dữ.
Tiếng Tạo ở tay lái chặc lưỡi nói xuống:
- Có mà thánh hiểu được nó!
Xe vượt qua cầu Bông, thẳng quốc lộ số 1, rẽ vào đường nhựa nhỏ hơn bên trái.
Thiệu giật nẩy mình:
- Ấy chết, đi Tây Ninh à?
Vợ Tạo cười khanh khách. Tạo điềm nhiên:
- Thì đi Tây Ninh cũng được chớ sao!
- Này đừng đùa dai, tôi không đi Tây Ninh đâu!
Tạo hơi ngoẹo đầu, ghếch khuỷu tay trái lên thành xe, tay phải nhẹ nhàng vặn lái cho xe lượn theo một khúc quành, không nói.
Thiệu đưa cả thân người về phía trước nhắc lại:
- Này đừng đùa dai, tôi không đi Tây Ninh đâu?
Vẫn cái giọng cố tình điềm nhiên của Tạo làm Thiệu tưởng phát điên lên được:
- Sao lại không đi Tây Ninh được? Báo mới phát hành hôm qua, chúng ta có thừa thì giờ mà.
Vợ Tạo ý chừng thương hại Thiệu nên cố nín cười, mà quay xuống nói:
- Đùa đấy, anh đừng lo. Chúng ta chỉ đến Thủ Dầu Một thôi mà.
- Bố láo! Trêu người ta "goài!"
Cả bọn được dịp cười vang.
Tạo nói - vẫn với Thiệu:
- Tâm bệnh của cậu, "thằng này" biết rồi đấy nhé, hôm qua thoáng thấy đứa nào ở hiệu bào chế đường Bonard ra?
Thiệu cướp lời:
- Sao tôi không thấy cậu?
Nói xong Thiệu mới biết mình ngây thơ.
Quả nhiên Tạo đáp:
- Lúc đó cậu còn nhìn thấy cóc ai nữa!
Tới Thủ Dầu Một xe rẽ ra bờ sông, leo lên một đường đồi gồ ghề, dừng trước một ngôi chùa cổ kính có sân gạch, có hồ bản nguyệt thả sen, gần đấy có bãi cỏ và rất nhiều cây cổ thụ. Tạo nhảy xuống trước tiên vừa mở hòm sau xe vừa hô hào mỗi người giúp một tay. Có gà quay, có bánh mì, có vang, bia đóng hộp. Thì ra vợ chồng Tạo tổ chức “Picnic” bất thường để kỷ niệm ngày cưới của hai người.
Lẽ cố nhiên bữa tiệc ngoài trời hôm đó vui lắm và kéo dài bất chấp sự sốt lòng nóng ruột ngấm ngầm của Thiệu.
Tiệc tan, tuy đã nhiều lần Thiệu có ý giục khéo mọi người nên về sớm, mà khi xe Tạo nhả Thiệu ra trước cửa tòa báo cũng đã bốn giờ chiều rồi. Tất cả các anh em khác còn theo Tạo về nhà để Tạo độc tấu dương cầm.
Thiệu nặng chân dận ga. chiếc "hai ngựa" lướt veo veo về hướng Bonard.
Tới nhà Yến, chị hai ra mở cửa nói:
- Thưa cậu, cô con vừa đi khỏi.
Cho là có khi Yến đợi mình lâu nên đến tòa báo tìm, Thiệu quay xe trở về ngay. Không gặp Yến! Nhìn qua cửa sắt cũng chẳng thấy danh thiếp hoặc thư viết. Thiệu đành mở cửa vào ngồi ở bàn giấy có ý chờ đến sáu giờ rưỡi chiều. Biết là vào giờ này hiệu bào chế của Yến đã mở cửa. Thiệu lái xe đến tìm gặp nàng.
Yến vừa xem xong đơn thuốc thấy Thiệu đến nàng khẽ làm điệu chào.
Thiệu đến bên Yến nói khẽ:
- Bị mắc bận bất ngờ nên bốn giờ tôi mới tới đây, Yến vừa đi khỏi
- Tôi đi xi-nê - Yến đáp gọn rồi cúi xuống xem đơn.
Ngập ngừng một giây rồi Thiệu nói:
- Yến đương bận, lát nữa tôi đến đây nhé.
Yến ngẩng lên đáp "Vâng" rồi cúi xuống ngay.
Tuy còn ngờ ngợ nhưng Thiệu cũng mang máng đoán là Yến giận mình. Chàng tự nhận việc để người đàn bà phải ngồi chờ hơn một tiếng đồng hồ trong hoàn cảnh đặc biệt đó kể ra cũng là một lỗi khó tha thứ. Thiệu nhẩm lựa sẵn trong trí lời xin lỗi Yến.
Hai giờ sau....
Vừa lái xe sát vỉa hè Thiệu thoáng thấy Yến có ngẩng nhìn rồi vội vã đi vào nhà trong. Lúc đó dễ đã chín giờ khuya, cửa hiệu không còn khách.
Lần này Thiệu biết chắc là Yến giận mình.
Vừa cho xe đi thẳng chàng vừa nghĩ thầm:
“Thôi để Yến giận qua một đêm cho hả, mai mình đến cười xòa cũng vừa."
Thiệu đâu có biết không những Yến giận chàng đã để nàng ngồi chờ hơn một tiếng đồng hồ, mà Yến còn cho rằng nàng đã không nhầm khi trước đây quan sát đôi mắt chìm đi đâu của Thiệu, nàng ngờ Thiệu nghĩ đến bóng đẹp thanh tân nào mà Thiệu rắp tâm xây dựng tương lai.
“Phải, chàng trai ấy cần gì mình!"
Câu đó tuy là câu nhủ thầm mà như biến thành bão táp trong tâm hồn Yến. Nếp sống loang-toàng của Thiệu có một vẻ gì quyến rũ lắm, Yến lạ gì.
Yến quên hết... quên hết rồi... những lòi nói nồng nàn cảm tình, những săn sóc kín đáo tế nhị của Thiệu. Theo Yến, đó chỉ là cách thù tạc thường tình của bất cứ chàng trai nào đối với người đàn bà còn nhan sắc.
Mười giờ hôm sau Thiệu đến, chị Hai mở cửa nói ngay:
- Thưa cậu, cô con vừa đi khỏi.
Thiệu đoán rằng Yến đã dặn chị Hai nói thế.
Chàng bắt đầu thấy khó chịu nhưng vẫn còn đủ bình tĩnh nhận lỗi về phần mình. Dù sao chàng cũng cần phải gặp Yến để nói cho dứt khoát.
Tám giờ tối hôm đó Thiệu tới hiệu bào chế đi thẳng đến gần Yến và nói ngay giọng nói cố giữ cho thật êm đềm, bình tĩnh và thân mật nữa:
- Tôi đã sửa xong bức vẽ, lát nữa chín giờ tôi đến đón Yến lại xem nhé.
Giọng Yến cũng bình tĩnh nhưng không có nụ cười:
- Cuối tháng nên tôi phải kiểm soát sổ sách không đi đâu được anh ạ.
- Thôi chào Yến.
- Chào anh.
Chiếc 2 chevaux rú máy chồm lên rồi vút thẳng.
- Coi như là hết? - Thiệu nghĩ vậy.
Như bị một sức hút kỳ dị êm ả. Thiệu lái xe tới đường 20.
Chị Hoa quả có nhà - thường thì bao giờ chị cũng có nhà vào giờ này - cả anh Biền nữa. Trong khi Thiệu bắt tay anh Biền, chị Hoa nói:
- Gớm cậu vui anh vui em gì mà dễ đến hai tháng nay không thấy mặt?
- Trông nom tờ báo như vậy bận lắm chị ạ.
Tuy trả lời trôi chảy thế, nhưng trong thâm tâm Thiệu có ngượng với chị. Kể từ ngày làm báo vui anh vui em rồi gặp lại Yến, mọi ý nghĩ của Thiệu đều chảy về Yến như trăm ngàn con sông chảy ra biển. Thiệu sống ngợp trong hình ảnh Yến mà quên khuấy hẳn chị. Đến lúc thoáng gợn đổ vỡ, Thiệu mới trở về tìm nguồn an ủi ở đôi mắt, nụ cười hiền diệu, bao dung của chị. Chàng hỏi anh Biền để quên nỗi lòng dằn vặt:
- Các cháu đâu hở anh?
- Các trẻ nhà này bao giờ cũng đi ngủ sớm cậu ạ.
- Mới có tám rưỡi mà các cháu đã đi ngủ?
Chị Hoa đỡ lời chồng:
- Có khi chúng đi ngủ từ tám giờ, sáng dậy rất sớm, y như chị em mình ngày xưa ở cùng Thầy Mẹ.
Khuôn mặt chị Hoa chợt buồn rầu - chắc là vì chị vừa nhắc đến Thầy Mẹ. Chị nhìn Thiệu dịu dàng hơn nữa:
- Cậu phải nghe chị, đừng có chơi bời, giời bắt tội cha mẹ mất sớm phải tính chuyện lấy vợ đi mới được.
Thiệu nhìn anh Biền cười rồi mới quay lại nói:
- Chị khỏi phải căn dặn em điều đó. Thì chị đi hỏi vợ cho em đi.
Cả ba cùng cười. Thiệu nói:
- Anh chị đi xi-nê với em nhé.
Biền suy nghĩ một giây rồi đáp:
- Thôi cám ơn cậu, sổ sách cuối tháng còn bề bộn lắm.
Chị Hoa nói đùa:
- Bao giờ cậu có ô-tô đẹp đã, ô-tô làm bằng tôn lợp vải ấy chị chẳng đi.
- Được rồi em giận chị, em đi một mình vậy.
Rồi Thiệu ra đi vui vẻ. Chị Hoa nhìn theo âu yếm.
Thiệu cho xe đi vào những đường phố lớn và vắng. Chàng đi như vậy khá lâu, chẳng hiểu đã qua những đường nào. Chàng không khỏi thấy chán nản chua chát mỗi khi tự nhắc thầm câu: "Coi là hết!" nhưng chàng cũng phải nhận thầm rằng lúc Yến giận. Môi Yến đỏ mọng, khuôn mặt Yến phụng phịu, quyến rũ một cách lạ. Hình ảnh đó tuy đẹp thật, Thiệu vẫn nhất quyết không tìm gặp Yến nữa. Chẳng hiểu vì một sự run rủi huyền bí nào hôm sau Thiệu gặp nhà tư bản đã mua bức tranh "Khúc quành của dông sông". Nhà tư bản cho Thiệu biết ông là một trong những người di cư đầu tiên vào Nam và bức tranh "Khúc quành của dòng sông" là một trong những vật đầu tiên ông cho lên xe di cư. Thiệu nhận lời mời đến thăm ông và nhân tiện ngắm lại bức tranh cũ. Thiệu đã ngồi trước bức tranh tới ngót một giờ, tách nước trên bàn để nguội. Chủ nhân ý chừng biết kính trọng sự gặp gỡ của “hai cha con" nên không hề tới quấy rầy sự yên lặng thần thánh đó.
Nhìn bức tranh, Thiệu thả cho hồn chìm vào dĩ vãng, chàng như thấy mình trở về làng để cùng Yến leo lên đê nhìn lại khúc quành cũ của con sông xưa.
VIII
HAI NHÁNH SÔNG PHÂN LY
“Nhất nhật bất kiến như tam thu hề!”
Đã hai hôm nay Thiệu không gặp Yến?
Chẳng phải là ngày nghỉ, nhưng nhìn đồng hồ thấy kim chỉ gần ba giờ chiều. Thiệu cũng quyết định đi xi-nê. Vừa bước vào cửa rạp chàng đứng sững lại. Yến có mặt trong hàng người nối đuôi chờ lấy vé. Thiệu biết là Yến làm như không trông thấy mình, vì rõ ràng khuôn mặt nàng càng phụng phịu và môi nàng càng đỏ mọng.
Đã từ hai hôm nay Thiệu vẫn nghĩ: trong khi chưa có dịp may đẹp đẽ, thà cứ giận nhau mà trọng nhau còn hơn làm lành gượng gạo mà rẻ rúng nhau. Thiệu chưa muốn làm lành với Yến trong dịp này, nhưng nghĩ bất chợt hai người gặp nhau ở đây mà cùng quay mặt đi thì thái độ đó cạn tầu ráo máng quá.
Chính vì ở tình trạng cõi lòng bị chia xẻ giữa hai thái độ trái nghịch mà khi tiến lên lời chàng nói với Yến nghe gượng gạo:
- Yến ra ngoài này chờ, để tôi lấy vé một thể.
- Thôi cám ơn anh, chẳng cần anh ạ.
Đâm lao đành phải theo lao vậy, Thiệu nói:
- Bức tranh của Yến xong rồi, Yến đến xem nhé.
- Thôi cám ơn anh, chẳng cần anh ạ.
Như một bức tranh vẽ hỏng, nét bút đưa vào để chữa làm hỏng thêm, Thiệu thấy giận mình, giận Yến đến cực độ. Chàng đi ra khỏi cửa rạp.
Rồi mười ngày qua đi nặng nề, Thiệu không gặp Yến. Chàng thấy cõi lòng hoang vắng và chàng biết Yến cũng chẳng sung sướng gì hơn. Vì lòng kiêu hãnh, vì lòng tự ái cố hữu của con người, Thiệu, Yến cũng mắc vào khe răng cưa của định mệnh. Thiệu phải cố gắng lắm mới giữ được cho tờ Nguồn Việt bộ mặt khả ái cũ - kể cả về nội dung lẫn hình thức. Văn chương, nghệ thuật, nếp sống mà làm gì, khi không còn tình yêu? Chỉ có tình yêu làm đẹp người và người chỉ đẹp trong tình yêu. Thiệu thầm trách Yến đã không hiểu rằng mọi sự ở đời đều hư ảo trừ tình yêu. Trong tình yêu của Thiệu, Yến sẽ đẹp mãi, Yến đã dại dột chạy trốn tình yêu của Thiệu!
Hồn Thiệu là một khoảng trời.
Khoảng trời đó có một vì sao đẹp.
Vì sao đẹp rụng rồi.
Làm sao nói hết được cái hoang vắng của khoảng trời chợt rụng mất vì sao đẹp?
Ngày nào Thiệu cũng đến thăm chị Hoa. Để tự an ủi.
Nhưng nhiều khi bóng hiền dịu của chị Hoa cũng không an ủi nổi. Có đêm đang ngủ chàng sực thức giấc lắng nghe tiếng ống khói chuyến tầu đêm phụt lên, âm thanh nặng nề như bước đi của một loài ác quỷ đang cố kéo trái đất vào lò hủy diệt.
Dù trải đất có hủy diệt thì tro bụi của Thiệu cũng phải tìm tro bụi của Yến mà hòa quyện lấy nhau.
Thiệu muốn hét lên: "Yến ơi không có vũ trụ khách quan, vũ trụ nhuộm đẫm tâm tình cá nhân, em thấy không?"
Ngày thứ mười hai, một tin vui sét đánh đến với Thiệu: chàng nhận được thư tòa Đại Sứ Pháp cho hay chàng đã được cấp học bổng vào năm thứ ba Trường Mỹ Thuật Paris. Lúc đó vừa là trung tuần tháng Chín. Tính ra chàng chỉ còn một tháng trời để sửa soạn giấy tờ, thu xếp công việc, sao cho lên đường kịp ngày nhập học vào khoảng đầu tháng Mười Một sắp tới.
Định mệnh đã làm xong công việc của nó, chẳng còn sao cứu gỡ được nữa! Bây giờ Thiệu chỉ còn nên thuận theo định mệnh mà làm cho cuộc tình duyên giữ được vẻ đau thương quyến rũ. Chàng không báo cho Yến vội. Chàng đã có một ý định.
Từ ngày gặp lại Yến, tuy hai người gần gũi nhau mà Thiệu chưa hề ôm Yến trong vòng tay bao giờ. Chàng đã ôm các vũ nữ, chàng đã ôm các cô gái thường nhưng - chàng không muốn ôm Yến. Trước đây chàng vẫn thầm nguyện chàng chỉ ôm Yến khi Yến là vợ mình. Chàng sợ việc ôm trước Yến, gần gũi da thịt nàng như vậy sẽ làm mất cái đẹp lý tưởng của mối tình chăng? Hình như khi người đàn bà đã biến thành bản thể của tình yêu thì dù ở tuổi nào, dù đã lăn lộn đến đâu trong trường tình, người ta vẫn nén lòng với thái độ trầm lặng để đứng vừa đủ xa người yêu mà ngắm cho lòng thêm mê say, hơn là tiến lại quá gần mà lòng kém thanh tao. Định mệnh đã quyết thế, hai người như hai vì sao lân cận - chẳng ai là hành tinh của ai - mỗi vì có một quỹ đạo riêng nếu sát gần lại quá sẽ gây rối loạn cho nhau.
Suốt hai mươi lăm hôm liền, Thiệu đi lo giấy tờ. Thu xếp và bàn giao công việc tòa báo, sửa soạn hành trang. Thiệu hết sức tránh không đi qua hiệu bào chế đường Bonard, không cả đi xi-nê nữa, e bất chợt gặp Yến như hôm nào. Chuyện này Thiệu có tâm sự qua với Tạo. Trước ngày đi hai hôm, Tạo họp các anh em trong tòa soạn làm tiệc tiễn hành. Đặc biệt hôm đó Tạo ít bông đùa và nhìn Thiệu bằng đôi mắt ưu ái. Thiệu biết không phải Tạo trầm ngâm vì dôi bạn sắp phải xa nhau hàng năm trời mà vì Tạo còn thông cảm với nỗi buồn của chính Thiệu nữa. Lúc dùng đồ tráng miệng. Thiệu yêu cầu Tạo đờn cho mình nghe. Tạo ngồi ngay vào dương cầm và chơi “Tang ai khúc”, (Marche funèbre) trong bản đại Hợp Tấu thứ ba của Beethoven. Tiếng đàn dứt, mọi người vỗ tay, Thiệu buồn rầu hỏi Tạo:
- Sao cậu chơi Marche fullèbre?
- Đây không phải Marclle funèbre của Chopin - Tạo nắm lấy tay Thiệu, đáp lại mà là Marche funèbre của Beethoven. Đã có một nhạc sư phê bình: nghe khúc này người ta có cảm tưởng như cùng đám tang đi vào một màu hồng của sự nghiệp, nhưng mang theo một cái tang trong lòng!
Đôi bạn nắm tay nhau im lặng, niềm thông cảm như ánh sáng biêng biếc của vài vì sao trên vòm cho một đêm đông hiu hắt lỏa xuống sưởi ấm cho hai người.
Ngày cuối cùng là ngày tiệc tiễn hành của chị Hoa. Lần này đến lượt chị Hoa đi Cái Sắn đón anh chị Tín và các cháu. Bữa tiệc khá lớn và vui. Y như lần trước, chị Hoa chỉ ngồi để gắp thức ăn cho Thiệu. Tuy chị không nước mắt chạy quanh, vì chị biết Thiệu đi lần này là đi du học ở một nước văn minh và khi thành tài Thiệu có một địa vị đáng kể, nhưng thỉnh thoảng chị vẫn nhắc câu: “Sang bên đó đừng chơi bời gì nhé cậu nhé, mình đã trưởng thành, giời bắt tội cha mẹ mất sớm...”
Chắc là chị có được nhiều chuyện về cung cách ăn chơi tại kinh thành ánh sáng.
Thiệu khuyên các anh chị đừng ai phải ra tiền tận trường bay Tân-sơn-nhất làm gì, vì chàng ngủ lại ở đây, sớm mai khi ra đi có đông đủ cả nhà là được rồi. Ý kiến này được chị Hoa nhiệt liệt tán thành. Chị vốn ghét đưa tiễn.
Chín giờ tối hôm đó Thiệu đến tìm Yến. Chàng cho xe đậu vào góc đường Bonard, đúng chỗ xe đã đậu ngày chàng gặp lại Yến lần đầu. Thiệu thủng thỉnh đi lên. Nụ cười và đôi mắt Yến sáng lên khi nàng vừa nhận ra Thiệu.
Thiệu nói:
- Tôi muốn gặp Yến một chút được không?
Yến vui mừng:
- Được chứ. Mời anh vào trong nhà.
Thiệu lắc đầu:
- Không, xe tôi ở đầu đường, Yến theo tôi tới đó.
- Nếu vậy, anh chờ tôi vào thay chiếc áo blouse này
Yến đã thay blouse, nàng mặc một chiếc áo màu cánh chả rực rỡ nhất.
Khi ra tới đường, Yến hỏi:
- Anh giận Yến?
Lần đầu tiên Yến xưng "Yến" thật thân mật với Thiệu.
Thiệu cười hỏi lại:
- Hay là Yến giận anh?
Lần đầu tiên Thiệu xưng "anh" với Yến mà cả hai đều cảm thấy rất tự nhiên.
Yến nói lại. giọng tinh nghịch:
- Nhất định anh giận Yến.
Thiệu đi sát lại hơn, vai Thiệu và vai Yến cố ý dựa vào nhau để cùng tiến bước. Thiệu cúi xuống âu yếm:
- Nếu hiểu chữ giận theo nghĩa siêu hình của nó thì anh thường xuyên giận Yến, nghĩa là thường xuyên... yêu Yến.
Yến ngước mắt nhìn Thiệu rồi cúi xuống không nói. Hai người vừa tới chỗ để xe.
Thiệu dừng lại trước, hai người đứng đối diện, đôi mắt Yến nhìn Thiệu thoáng vẻ lo lắng. Hình như linh tính đã cho nàng biết trước sự chẳng lành.
- Anh phải đến báo Yến - Thiệu nói - đến chào Yến thì đúng hơn, mai anh đi Pháp.
Thực tình lúc đó Yến tưởng nàng khuỵu xuống:
- Anh đi Pháp?
- Anh được cấp học bổng sang đó học nốt về Hội Họa.
- Anh đi mấy năm?
- Có thể là ba bốn năm, có thể là năm mười năm, bao giờ tự xét mình quả đã thành tài.
Hai tay Yến nắm lại và nàng cắn môi, không phải để suy nghĩ mà để có đủ lực chịu đựng nhát búa khốc liệt của định mệnh.
Giây lâu Yến hỏi, giọng lạc hẳn đi khiến Thiệu có cảm tưởng như nghe tiếng đó trong giấc chiêm bao:
- Chúng mình giận nhau thật ư hở anh?
- Thật chứ!
- Kể có thế mà chúng mình giận nhau, vô lý thật.
- Cuộc đời mà không có những cái vô lý như thế thì chán chết.
Yến ngước nhìn Thiệu trách móc:
- Đến lúc này mà anh còn đùa được ư?
Thiệu nhìn Yến như muốn để Yến cảm thấy chết đuối trong tình mến thương của mình rồi nói:
- Yến nghĩ xem anh còn biết làm gì hơn? Giời còn có khi nắng khi mưa huống chi là người. Miễn là bây giờ chúng ta không giận nhau nữa là được rồi. Ấy là tại mai anh đi Pháp, nếu anh còn ở đây lẽ cố nhiên chúng ta còn giận nhau như thường. Định mệnh muốn thế Yến ạ.
Giong Thiệu trầm xuống nữa:
- Nhưng quả là chúng ta đã yêu nhau thật, điều đó mới cần yếu. Giả sử anh giầu, anh có nhà cao cửa rộng, có ô-tô Mỹ thì gặp nhau, thân nhau, yêu nhau chúng ta vẫn nhiều khi bối rối tự hỏi: chúng ta có yêu nhau thật không, hay là cái giàu sang cái hợm hĩnh của anh đã khêu gợi được cái bất kham ở Yến và cả hai cùng có ảo tưởng là đương yêu nhau? Cái nghèo của một trong hai người đã là một thứ cửa hẹp lọc lấy phần tinh túy của tình nhau.
Có hai giọt nước mắt đọng trên mí mắt Yến mà Yến thì đứng lặng yên như pho tượng. Thiệu nắm lấy tay Yến:
- Kiếp sau Yến là vợ anh! Cho đến cái ngày xa xôi đó, anh lúc nào cũng mê say hình ảnh em.
Buông tay Yến ra. Thiệu thấy hai bàn tay nàng bỏ thõng. Yến vẫn không nói gì, không nói được gì.
Thiệu mở cửa xe lấy ra bức tranh trao cho Yến. Chàng nói thật nhanh:
- Thảng hoặc có nhớ đến anh, em nghĩ đến một người yêu em từ thuở còn thơ ấu, yêu tha thiết mà vẫn cố nén lòng không hôn em để giữ trọn vẹn anh lý tưởng. Hình ảnh của anh đó.
Thế là thoát, câu nói cuối cùng Thiệu nói xuôi một mạch trơn tru như một dòng suối lao mình trên một triền đá phẳng.
Yến vẫn không nói gì. không nói được gì. Nàng lẳng lặng cầm bức tranh rồi quay đi. Nhìn phía sau, Thiệu thấy hai cánh tay Yến hơi co lên để khung tranh khỏi sát đất. Ánh ngọn điện đường lọc qua lùm cây đổ xuống bên bờ vai thon chợt rung động của nàng.
Thiệu không thể đi theo Yến. Thiệu không thể cầm bức tranh đó cho Yến, bởi còn gần Yến lúc này chàng e rằng mình sẽ không nén được nỗi lòng xúc động và như vậy theo ý chàng hơi lố đối với một người đàn ông.
Về phần Yến, tuy đi trong bàng hoàng đau đớn mà nàng còn kịp nghĩ rằng: Phải, Thiệu chưa hề ôm nàng thật nhưng nàng đã thất thân với Thiệu từ lâu rồi. Cả tâm hồn Yến là của Thiệu. Yến chàng thể tự chủ mỗi khi bị chìm ngập trong đôi mắt của Thiệu. Yến đã thừa biết tự bao giờ trong trí tưởng tượng cao khiết và hùng vĩ của người yêu nàng chỉ là một pho tượng khỏa thân.
Khi bóng Yến đã khuất vào cửa hiệu, Thiệu thở phào một tiếng thật dài, ngước nhìn lùm cây, ngước nhìn bóng đèn rồi phóng tầm mắt lên gặp mấy vì sao.
Vừa đóng cửa xe, chàng vừa chép miệng nói khẽ:
- Có thế mình đi mới yên lòng. Còn gì buồn hơn khi xuôi dòng, con sông còn phải ngoái cổ lại thắc mắc về một khúc quành!
Thiệu định sẽ đến thẳng nhà Tạo xem sớm mai có những bạn nào ra Tân-sơn-nhất tiễn mình.
Nhưng sao Thiệu chưa cho xe chạy?
Từ nay nắng vàng chẳng còn chiếu lên con đường mịn nằm nép dưới cầu như người vợ yêu nằm nép dưới cánh tay chồng, mà là thứ nắng vàng làm căng giây tâm tình để bất lấy tiếng sầu từ vạn ngả như lời thơ Huy Cận:
Ôi, nắng vàng sao mà nhớ nhung
Có ai đàn lẻ để tơ trùng
Có ai tiễn biệt nơi xa ấy
Khiến bước chân đây cũng ngại ngùng.
Hình như có mùi thơm hoang dại của những đồi hoa sim màu tím, mùi thơm như vùng lên thành tiếng kêu thương bát ngát, rồi quyện lấy người bộ hành trên đường mòn cho cả hai cùng bớt cô độc. Hình như có người con gái mặc áo hoa thẫm hễ nói lên là bối rối như ánh trăng trong chậu nước sóng sánh, vì nàng trong trắng quá, trong trắng như con chim nhỏ kia cất tiếng hốt mà chẳng kịp nghe tiếng mình hót. Người con gái áo thẫm nét mặt thật đẹp mũi dọc dừa thật đẹp, khi miệng cười thì mắt cũng cười. Nhưng sao cả khuôn mặt đẹp đó bỗng trôi theo dòng sông mây trắng trên đèo Hải Vân?
Máy đã nổ dìu dịu. Thiệu vẫn chưa cho xe chạy. Yến bướng bỉnh thế đấy. Không bao giờ chịu khóc trước mặt ai, chỉ khóc một mình. Hay là Thiệu đi thẳng vào cửa hiệu, tới phòng Yến gõ cửa, Yến đương khóc, Yến sẽ lau vội nước mắt nhưng vẫn còn ngấn ướt để Thiệu thấm cho khô. Lau nước mắt cho Yến làm gì nhỉ? Lau như vậy là khơi nguồn nước mắt vô tận cho người yêu đáng thương. Mai Thiệu đã ra đi sớm rồi mà. Đừng lau ngấn nước mắt đó để tư tưởng của đôi bên gom lại có đủ sức mạnh khơi cho “càng sâu nghĩa bể, càng dài tình sông”.
Ôi con sông dài!
Con sông dài làm sao!
Con sông dài như chẳng bao giờ gặp biển!
IX
ĐÊM TRĂNG THUYỀN VỀ BẾN CŨ
Yến,
Em chẳng còn là Người Yêu, em chính là Tình yêu, ai mà giận được Tình yêu? Dù nay hay mai dù gần hay xa bao giờ và ở đâu anh vẫn yêu Yến như thuở nào mười sáu tuổi.
Có lẽ rồi ở nơi đây anh sẽ làm quen với một người đàn bà nào, anh sẽ đi chơi với một người đàn bà nào, anh sẽ yêu một người đàn bà nào, nhưng chắc chắn là anh gần và yêu người đó qua Yến đấy.
Tại sao hình ảnh Yến tràn ngập trong anh đến thế? Anh cũng chẳng hiểu được nữa. Đành cho là tiền duyên nghiệp chướng chứ sao.
Yêu Yến.
Đó là lá thư duy nhất Thiệu gửi Yến khi chàng vừa chân ướt chân ráo tới Paris. Trong lá thư này chàng chẳng đề địa chỉ của mình.
Để làm gì - chàng nghĩ - vô ích! Nhận được thư Yến bây giờ cũng bằng thừa. Định mệnh đã như vậy, thuận theo dòng định mệnh có khi lại là vươn lên khỏi định mệnh.
Thiệu đã được giới thiệu với ông giám đốc trường Mỹ Thuật Chàng đã vào thăm trường ở đường Saint Pères, và trong khi chờ đợi ngày nhập học, chàng đã làm quen được với một số sinh viên đương lục tục tự các nơi thực tập quay về. Tới đây Thiệu mới rõ riêng về hai ngành hội họa và điêu khắc các sinh viên hầu như phải làm việc cả mười hai tháng. Ba tháng hè họ đi đây đi đó để hoặc dự các buổi diễn thuyết, hoặc vào các viện bảo tàng, hoặc đi tới các kinh thành có nhiều di tích lịch sử mà nghiên cứu nghệ thuật của người xưa.
Tại Quartier Latin. Thiệu cũng như các anh em khác thuê được một căn phòng trên tầng thứ bảy. Chàng ăn ở Foyer des Beaux Arts, ngay trong trường. Cửa phòng ăn trông ra mấy hàng bán sách cũ bày theo dọc bờ sông Seine tới cầu Pont-neuf. Nhiều lần Thiệu theo bực cầu Pont-neuf xuống đảo Ile de la Cité, đi về khu vườn hoa nhỏ - Square du Vert Galant - đến ngồi trên bờ đá buông thõng chân nhìn thẳng xuống dòng sông.
Đây không có những hình ảnh quen thuộc như ở bến đò quê nhà, với quán tranh, khóm chuối bên đê, với con đò ngang tròng trành theo tay chèo của cô lái. Tuy nhiên cảnh sông nước quê người cũng không kém phần gợi cảm. Nằm dài đây đó là mấy anh ăn mày lãng tử. Trên những chiếc ghế đá, người chăm chú đọc sách, kẻ lơ đãng nhìn theo con tàu nhỏ chở du khách vừa lướt qua, những đợt sóng bị xô mạnh, đuổi nhau đập ùa vào bờ đá tóe bọt trắng. có cảnh người đàn ông cô độc miệng ngậm pipe, chân đi ủng cao, lội xuống buông câu. Có cảnh đầm ấm hơn: trên bờ chồng buông câu, vợ ngồi bên cạnh đan áo, dưới chân là con chó.
Mùa thu, những cây hạt dẻ dại cao vút trút lá vàng xuống đường ngổn ngang như một quãng đời nghệ sĩ tràn ngập kỷ niệm.
Có một buổi tối, Thiệu tới ngồi chỗ cũ, chiếc tàu nhỏ lướt qua quét ánh sáng đèn pha lên đảo để các du khách trên tàu nhìn thấy những cặp nhân tình trên đảo ngồi sát nép đầu lên vai nhau.
Ánh sáng đó giúp Thiệu thấy dòng sông Seine lặng lờ bên dưới. Rồi, vẫn cúi đầu, hình ảnh lặng lờ ấy như đẩy hồn Thiệu trôi về dĩ vãng ngoài ý muốn của chàng. Cũng may, kể từ ngày khai giảng trở đi. Thiệu phải làm việc miên man và chàng muốn làm việc miên man để hồn khỏi bị thâu hút về quá khứ như vậy. Ông giám đốc thoạt có cảm tình với chàng như đối với một người học trò tốt, rồi chẳng bao lâu ông quí mến chàng như con.
Chẳng tuần nào là Thiệu không nhận được thư chị Hoa và chẳng lần nào đọc thư chị Hoa xong mà chàng không khỏi mỉm cười, vì cuối bức thư nào chị cũng nhắc lại điệp khúc muôn thuở, lời tuy có đổi khác nhưng ý đại khái vẫn là:
"Cậu nhớ đừng chơi bời cậu nhé, mình đã trưởng thành, giời bắt tội cha mẹ mất sớm...”
Tạo cũng viết thư đều nhưng thưa hơn, thường thì một tháng một lần kèm theo với thư của các anh em khác. Tới lá thư thứ tư Tạo báo cho chàng biết cửa hiệu bào chế của Yến không còn ở đường Bonard nữa. Tạo còn ghi thêm rằng đích thân Tạo vào hỏi chủ mới mà chủ mới cũng không biết "bà dược sĩ” dọn đến phố nào.
Thiệu rất cảm động về cử chỉ chu đáo của Tạo và buồn thấm thía khi nghĩ đến Yến. Yến dời khỏi đường Bonard Sai gon, mà sao ở đây hồn chàng có một khoảng trống lớn? Bóng Yến như dời bỏ một dĩ vãng để đi vào một dĩ vãng sâu hơn.
Ba tháng hè cuối niên học. Thiệu cùng các bạn thoạt vào nghiên cứu các trường hội họa trong viện bảo tàng Vienne. Khi trở về chàng có một tập croquis về Vienne; đài kỷ niệm của Mozart, đài kỷ niệm của Strauss, nhà thờ Saint Charles, lâu đài Schonbrunn cùng những cảnh đẹp trong vùng Praterauen bên bờ sông Danube. Với những tài liệu đó Thiệu làm được mấy bức sơn dầu mà đường nét, màu sắc đã khiến ông giám đốc phải ngạc nhiên quá đỗi.
Ông đem chàng đến giới thiệu với một họa sư Việt ở Pháp đã lâu năm và có tranh ở viện bảo tàng Le Louvre, giáo sư Hoàng Ph. Giáo sư ở một biệt thự khá rộng tại ngoại vi thành Paris, ông đã tổ chức nơi này vừa là xưởng vẽ vừa là một phòng triển lãm thường xuyên. Nhờ sự giới thiệu này Thiệu được biết thêm một đồng bào nổi tiếng, đó là một khuyến khích lớn về phương diện tinh thần, thêm nữa giáo sư Hoàng Ph. đã thân ái chỉ dẫn giúp chàng thêm nhiều kinh nghiệm quý báu.
Tuy niên học mới bắt đầu, còn xa ngày mãn khóa mà cả ông giám đốc lẫn giáo sư Hoàng Ph. đều tin tưởng ở tài nghệ sớm vững trãi của Thiệu, cả hai coi Thiệu như một họa sĩ thực thụ đã ra trường. Một số tác phẩm chọn lọc của chàng trưng bày tại phòng triển lãm thưởng xuyên của giáo sư Hoàng Ph. bán được giá cao đến không bao giờ chàng dám ngờ tới. Thế là tuy Thiệu vẫn ở trên lầu gác hẹp từng thứ bảy Quartier La tin (không có thang máy), nhưng đã có “đồng ra đồng vào" để đi Opéra mỗi khi có cuộc trình diễn hoặc nhạc kịch của Verdi. Wagner... hoặc bi kịch, hài kịch cổ điển. hoặc vũ khúc Nga... Thiệu không chịu bỏ lỡ buổi hòa nhạc lớn nào, nhất là những buổi do các nhạc sĩ tên tuổi độc tấu dương cầm hay vĩ cầm tại phòng Pleyel. Mùa hè, nếu có dịp, chàng đi về các tỉnh miền Nam từ Lyon đổ xuống để xem diễn kịch giữa trời trên những hý trường La Mã cổ. Nếu vào dịp nghỉ mà không tỉnh nào có kịch chàng vẫn rủ bạn rời khỏi Paris cho hả “nhu cầu chuyển dịch." Tới tỉnh nhỏ nào đó, mỗi người bỏ ra năm trăm quan thuê ghế ngồi dưới gốc cây, mua chiếc kem xinh - glaçon - của một cô đầm, hay một gói lạc của một anh Ả Rập, rồi vừa ăn vừa nghe ban nhạc thành phố giúp vui không mất tiền.
Ở Pháp hồi này, cũng như ở Hà Nội hồi nào, cuộc sống đó chỉ giúp nguồn cảm hứng của chàng thêm phong phú. Có đêm ở ngay Paris, sau khi xem đoàn Folies Bergères biểu diễn chương trình mới, chàng còn la cà vào Moulin Rouge vui với một số bạn. Lúc ra về Thiệu mỉm cười nghĩ đến chị Hoa. Chị Hoa mà ở đây, lại biết chuyện này, thế nào hôm sau chị chẳng đến tìm chàng từ sớm rồi vừa thấm nước mắt vừa nói:
"Giời bắt tội cha mẹ mất sớm, cậu đã trưởng thành cậu không tự tu tỉnh, chị chẳng biết làm thế nào...”
Dịp hè cuối năm học đó nhà trường dự định cho các sinh viên đã tốt nghiệp đi Florence nghiên cứu trước một số họa phẩm của Boticelli, Raphael, tượng Persée của Cellini, tượng Davis khỏa thân của Michel-Ange, để rồi sau đó đến Barcelone nghe một vị họa sư danh tiếng người Tây Ban Nha thuyết trình về "Sự tiến triển của nền mỹ thuật Ý Đại Lợi từ thời thượng cổ tới thời Phục Hưng ".
Trong khoảng một tuần lưu trú ở Florence, Thiệu có ghi được một ít croquis rất gợi cảm: căn nhà của Dante, ngôi nhà thờ lớn của tỉnh Florence với chiếc gác chuông cao hơn trăm thước và nhất là con sông Arno uể oải với hai hàng cây chênes cao vút ở hai bên bờ, cành cây mảnh khảnh nhưng lá cây um tùm đổ bóng xuống dòng sông. Về tới Pháp, Thiệu ghi ngay lên khung vải những màu sắc thanh tú của dòng Arno còn ủ tươi mát trong tâm hồn chàng. Thiệu đặt cho họa phẩm sơn đầu này một cái tên nửa như dí dỏm nữa như triết lý: “Tiếng Sông Im Lặng”. Vẽ xong Thiệu mới tự khám phá ra rằng chàng vẫn có cảm tình đặc biệt với những dòng sông và phải chăng vì chẳng bao giờ cả, chàng có thể quên được Yến?
Tất cả sinh viên mỹ thuật vừa mãn khóa ngành hội họa cũng như ngành điêu khắc, mỗi người đều mang theo đi Barcelone một tác phẩm của mình để sẽ tổ chức tại đó một cuộc triển lãm bất ngờ, theo sáng kiến của ông giám đốc Viện Mỹ Thuật Quốc Gia.
Sau bài thuyết trình rất giá trị, rất tỉ mỉ của vị giáo sư khả kính người Tây Ban Nha về "Sự tiến triển của nền mỹ thuật Ý Đại Lợi từ Thượng Cổ tới thời Phục Hưng, ông Giám đốc Viện Mỹ Thuật Quốc Gia (Pháp) đạt giấy mời vị giáo sư cùng một số quan khách có công, hoặc có thẩm quyền về mọi ngành vãn nghệ tại Barcelone, đến Câu Lạc bộ Pablo dự tiệc trà và tiện thể dự một "cuộc triển lãm bất ngờ."
"Cuộc triển lãm bất ngờ" đó đã gây được rất nhiều cảm tình trong giới sành nghệ thuật Tây Ban Nha.
Thiệu thấy có một thiếu nữ - chắc là thiếu nữ Tây Ban Nha - dừng lại rất lâu trước bức Tiếng Sông Im Lặng” của chàng, rồi ghé mắt lại gần chăm chú, chắc hẳn để đọc dòng chữ Tây Ban Nha ghi bên dưới: El ruido silencioso del rio.
Cô gái đi xem một vài bức khác gần đấy, rồi lại quay về dừng trước bức họa của Thiệu như để so sánh hoặc khám phá ra một điều gì. Vì đứng cách xa quá, Thiệu không rõ khuôn mặt cô gái ra sao, nhưng chỉ nhìn dáng nàng đi, Thiệu cũng đoán trước là nàng đẹp, Thiệu thấy nàng nói rất lâu với François, anh bạn học về điêu khắc. Bỗng François quay lại ngơ ngác tìm quanh phòng, Thiệu vờ ngẩng nhìn chăm chú một bức tượng... Có tiếng giày song song bước lại gần, một của đàn ông một của đàn bà, tiếng François (nói bằng tiếng Pháp):
- Ê này Thiệu, xin giới thiệu một Senorita mến phục tài anh.
Thiệu quay lại cúi chào, hôn tay người con gái và nói một tràng mấy câu Tây Ban Nha xã giao cửa miệng mà chàng đã viết kỹ học kỹ từ khi còn ở Paris.
- Senorita, qué encuentre más agradable (Thưa cô, tôi rất hân hạnh được gặp cô?)
Người con gái mỉm cười trả lời bằng tiếng Pháp:
- Hân hạnh được gặp anh.
Mắt Thiệu sáng lên:
- Trời, cô là người Pháp?
Vân giữ nụ cười khả ái, nàng đáp:
- Vâng tôi là người Pháp?
- Nếu thế thì thật hay - Thiệu nói - không gì buồn hơn là đứng bên một người đẹp như cô mà rủi ngôn ngữ bất đồng.
Ba người cùng cười. rồi François lảng đi chỗ khác. Quả Thiệu đoán không sai, người con gái đẹp lắm. Vóc nàng vừa phải, dáng nàng uyển chuyển, tóc nàng đen chứ không hung và đặc biệt cũng cắt ngắn và chải lật không có đường ngôi như Yến. Có lẽ vì tóc nàng giống Yến nên Thiệu thấy thêm mũi nàng cũng dọc dừa giống Yến.
Thấy nàng mỉm cười nhìn lại, Thiệu giật mình sực nhớ mình đã chăm chú nhìn nàng quá lâu, chàng vội nói:
- Xin cô tha lỗi, thật tình cô có một vẻ đẹp rất gần Á Đông.
- Cám ơn anh - nàng nói - tôi tên là Suzanne, Suzanne Tennyson!
Thiệu hơi ngẩng mặt nhìn ra xa:
- A... Suzanne! Phải năm ngoái qua Vienne, vào viện bảo tàng, tôi có được ngắm bức "Suzanne au bain" (nàng Suzanne làm) của Tintoret.
Suzanne cười đón câu nói đó:
- Trời, anh quá khen, tôi đâu có sắc đẹp quyến rũ như nàng Suzanne Do Thái.
- Tôi là Thiệu, Nguyễn Quang Thiệu, nhưng cô cứ gọi là Thiệu không thôi cho tiện.
Suzanne chỉ về phía bức tranh:
- Vâng, bức tranh của anh đẹp lắm, anh Thiệu ạ.
Hai người tiến lại phía đó, trong khi Suzanne nói tiếp:
- Vẻ thơ mộng của khúc sông làm tôi nghĩ đến bức “Les baigneuses” (Những thiếu nữ tắm) của Corot, nhưng màu sắc của anh có cái gì lạ lắm, lạ đặc biệt, bây giờ thì tôi được biết anh là người Á Đông.
Hai người đã đứng trước bức “Tiếng Sông Im Lặng”. Suzanne nghiêng đầu ngắm lại bức tranh. Thiệu nghiêng đầu ngắm lại Suzanne. Tia nhìn của chàng dừng lại ở mớ tóc, tóc của Yến! - chàng nghĩ thầm.
Vừa lúc đó Suzanne quay lại. Hai người yên lặng nhìn nhau, Suzanne mỉm cười nụ cười vừa như gần gũi vừa như xa xôi, vì Suzanne nhận thấy Thiệu nhìn mình như nhìn ai. Đã đọc nhiều sách nói về nếp sống, tính tình, tín ngưỡng của người Á Đông, Suzanne nghĩ thầm: "Nếu mình không nhầm thì anh chàng đương tìm ở mình những nét quen thuộc của một người mà anh chàng đã gặp tự kiếp nào." Khi nụ cười trên môi nàng chìm đi như nắng chiều chìm xuống chân trời, thì chính Suzanne cảm thấy đến lượt nàng chìm vào để rồi trôi nổi bềnh bồng trong cái nhìn của Thiệu.
Tiệc trà bắt đầu. Mọi người sang phòng bên. Thiệu và Suzanne không rời nhau một bước. Thiệu được biết Suzanne cũng vừa mới sang Barcelone thăm cha mẹ mở cửa hàng bán các dụng cụ về tàu bè ở đây. Suzanne thích cả họa lẫn nhạc, nhưng nàng chuyên về nhạc. Nàng đã theo xong lớp học tám năm về dương cầm tại âm nhạc viện quốc gia Paris và đỗ thứ nhì trong kỳ thi mãn khóa một tháng trước đây. Trong khi tiếp chuyện, Thiệu luôn luôn chăm chú nhìn mớ tóc của nàng. Đúng mớ tóc của Yến!
Khi chia tay, Suzanne ngỏ ý sẽ đón Thiệu đến thăm cửa hàng, tiện thể giới thiệu với cha mẹ nàng, Thiệu nhận lời. Chiều hôm sau Suzanne tới như đã hẹn trước. Nàng nói vì thấy Thiệu đã hai năm nay xa gia đình nên muốn mời chàng ở hẳn với gia đình nàng trong một tuần lễ.
- Tôi đã thưa chuyện với ba, má - lời Suzanne - các người rất lấy làm hân hạnh lần đầu tiên được tiếp đón một họa sĩ Việt Nam trong nhà.
Thiệu gặp ông giám đốc để xin phép ở lại Barcelone.
Ông cười hóm hỉnh:
- Anh có thể ở lại đây suốt đời vì chuyến đi này là chuyến đi cuối cùng của anh với nhà trường. Anh chỉ cần cho tôi địa chỉ, tôi sẽ gửi văn bằng đến cho anh.
Ba, má Suzanne tiếp đón Thiệu niềm nở ngay bữa cơm chiều hôm đó. Thiệu ngồi vào bàn ăn mà tưởng như mình đã đến ở gia đình này tự bao lâu rồi. Câu chuyện về nước Việt xưa và nay, về nước Pháp hiện giờ, về văn học giữa Âu Châu với Mỹ Châu, về văn hóa giữa Tây phương và Đông phương... nhóm khởi từ lúc bắt đầu ăn, qua lúc dùng đồ nước, kéo dài cho mãi tới mười giờ khuya. Khi câu chuyện vừa tạm dứt, Suzanne lên tiếng:
- Xin phép ba má, con đưa anh bạn đi xem kinh thành Barcelone.
- Nên đi chứ - ông bố nói - Barcelone giờ này mới bắt đầu vui.
Bà mẹ ghé tai Thiệu giải thích thêm:
- Ở đây ban đêm dân chúng đổ cả ra đường đi khiêu vũ, đi lượn, một giờ khuya còn đông.
Quả nhiên khi Thiệu cùng Suzanne ra tới đường phố thì người đi tấp nập hơn ban ngày nhiều.
Suốt hai tiếng đồng hồ đi chơi trên các phố đông của Barcelone. Suzanne luôn miệng giải thích:
- Anh thấy không... đàn bà con gái ở đây ăn mặc kín đáo chứ không hở hang như ở mọi nơi.
Anh thấy không...
Con trai ở đây, đúng hơn bất cứ người con trai nào ở đâu mà có dòng máu Tây Ban Nha chảy trong huyết quản; đều có cái nhìn sắc như vậy. Mấy hôm đầu mới tới đây khi ra phố tôi cứ phải hết sức tránh để khỏi gặp cái nhìn của họ. Sau rồi cũng quen dần.
Anh thấy không... người con trai nào trạc mười tám tuổi trở lên đều để tí râu mép. Anh chàng vừa đi qua chúng ta đó tuy cao lớn thế mà chưa để râu mép là chưa đầy mười tám tuổi đâu.
Anh thấy không... càng về khuya dân chúng đổ ra đường càng đông. Nếu anh ở khách sạn, anh sẽ thấy chín giờ sáng người ta mới rục rịch ăn điểm tâm; một, hai giờ chiều mới bắt đầu ăn trưa; tám chín giờ tối mới sửa soạn ăn chiều, ăn xong là bắt đầu cuộc đời ngoài phố.
Anh từ Paris tới đây bằng xe hỏa chớ gì?
Khi đã qua Toulouse tới biên giờ Pháp-Tây Ban Nha và nhất là khi xe đã bắt đầu đi sâu vào rặng Pyrénées thì hành khách nào là người Tây Ban Nha mới lên có thể nhận ra ngay. Anh có biết nhận ra bằng cách nào không?
Thiệu lắc đầu là không, vì toa chàng đi là toa dành cho sinh viên mỹ thuật.
Suzanne bèn giải thích tiếp:
- Khi còi tàu thét lên, con tàu chuyển bánh rời ga, người hành khách Tây Ban Nha mới lên làm dấu cầu nguyện để tránh tai ương. Người Tây Ban Nha ngoan đạo lắm nhé chứ không vô thần như các con cháu của Voltaire đâu.
Anh có thấy không...
Thiệu chú ý cứ mỗi lần Suzanne hỏi một câu như vậy để rồi có dịp giải thích thao thao bất tuyệt, nàng thường bất chợt xoay người, ngẩng nhìn chàng khiến những nếp váy xòe ra, xoay nhịp nhàng thành hình vòng tròn như đường đi của một hành tinh nghệ sĩ. Tiếng đàn lục huyền cầm thoát ra đâu đây làm gợn da thịt.
Và rồi cứ mỗi lần nghe Suzanne nói "Anh có thấy không..." Thiệu tức khắc dừng lại rất kịp thời để tiếp nhận ánh mắt của Suzanne và hình vòng tròn nhịp nhàng của...hành tinh nghệ sĩ vô hình.
Mười hai giờ khuya, đường phố chật ních người. Đợi cho dứt một dịp giải thích "Anh có thấy không..." Thiệu bèn đề nghị với Suzaune trở về.
- Không phải tôi sợ mỏi chân - lời Thiệu phân trần - nhưng tôi vừa nhớ ra rằng tại phòng khách ở nhà có chiếc dương cầm và tự nhiên tôi thấy thèm nghe tiếng đàn của Suzanne vô cùng.
Suzanne có vẻ ưng ý... Nàng nghiêng đầu nhìn Thiệu nửa tình tứ nửa như muốn xét lại một lần nữa xem lời đó có thực không, rồi nàng gật đầu:
- Thì chúng ta về!
Tới nhà, Thiệu ngồi vào góc phòng chênh chếch với góc có dương cầm. Suzanne giơ tập nhạc khá dầy thấp thoáng có dòng chữ lớn Album Chopin và nói:
- Nghe Chopin anh Thiệu nhé?
- Được lắm - Thiệu đáp - đêm hôm khuya khoắt nghe Noctumes của Chopin là phải. Nhưng Suzaune hãy chờ tôi một phút.
Thiệu về phòng mình lấy giấy và bút chì than rồi trở lại.
- Anh định vẽ tôi đánh đàn? - Suzanne hỏi.
Thiệu lắc đầu mỉm cười:
- Không, tôi vẽ tiếng đàn của cô.
Thiệu chỉ kịp thoáng nghe tiếng cười của Suzanne thì sau đó tiếng cười đã chìm nghỉm ngay trong tiếng đàn xô dồn vừa bắt đầu. Rồi từng chuỗi âm thanh khi nhanh khi khoan, khi trong sáng, khi âm thầm, khi nỉ non thánh thót, khi rên xiết nghẹn ngào. Có lúc tiếng đàn như những tiếng nấc thưa dần, yếu dần của một người... không, của một buổi chiều... không, của một vũ trụ đương hấp hối.
Đồng hồ điểm hai tiếng... Suzanne lơ đãng gập tập nhạc quay lại, gương mặt còn ngập trong âm thầm và nụ cười muôn vàn xa xôi.
Hai người nhìn nhau giây lát. Tiếng Suzanne:
- Anh vừa vẽ vừa nghe nhạc có mệt không?
- Tôi muốn - Thiệu đáp - đêm nay là đêm đầu tiên ở Bắc Cực để đêm còn kéo dài sáu tháng nữa.
Suzanne bật cưới, ánh đèn trong căn phòng như tới lúc đó mới bừng sáng, nàng nói:
- Nào anh cho tôi xem tôi ra sao nào!
Thiệu gấp tấm bìa cứng lại, lắc đầu:
- Không được, tôi đã bảo tôi vẽ tiếng đàn chứ có vẽ Suzanne đâu.
- Anh không cho xem tôi giận.
- Nói đùa vậy chớ tôi định thế này: hôm nay Suzanne chơi Chopin, mai Mozart. mốt Beethoven v.v.... Tôi vẽ. Rồi hôm cuối cùng Suzanne sẽ tìm nhận xem Suzanne nào Chopin, Suzanne nào Mozart, Suzanne nào Beethoven...
Suzanne vỗ tay:
- A, ý kiến anh hay đấy?
Thiệu chỉ lên đồng hồ:
- Thôi khuya rồi, chúc Suzanne nhiều mộng đẹp.
- Cám ơn anh - Suzanne đáp - chúc anh ngủ ngon giấc. Mai chín giờ hãy dậy anh nhé. Cho đúng tác phong Barcelone!
Rồi kể từ hôm sau, ban ngày Thiệu cùng Suzanne lần lượt đi xem các nhà thờ, các nhà tu cổ xây từ thế kỷ XIV. Có hôm hai người ra khỏi kinh thành đưa nhau tới miền cửa sông Lobrega xem những vết tích tàn phá còn sót lại sau cuộc nội chiến giữa các chiến sĩ Cộng Hòa với quân đội chính phủ khoảng từ năm 1937 đến 1939 là năm Barcelone thất thủ vào tay tướng Franco. Ban đêm hai người dắt nhau gia nhập đám đông hè phố Barcelone và tới đâu họ cũng thấy bị vây bọc bởi tiếng đàn lục huyền cầm gờn gợn, tiếng đàn trong đấy mà đục đấy, như lời nhắn nhủ quyến rũ của ái tình. Thường thì tới mười hai giờ khuya họ đã có mặt trong phòng khách.
Và Suzanne đánh đàn. Thiệu vẽ.
Cách xưng hô của họ đã thân mật lắm.
Ban ngày, rất nhiều khi chẳng có chuyện gì quan trọng, nhưng Thiệu cũng cất tiếng gọi Suzanne “Hélo, ma chère Zizi!" (Zizi thân mến đâu!) để được thấy Zuzanne hốt hoảng chạy lại sau khi đã đáp: Oui, j 'arrive! (Vâng, em lại đây?)
Đêm cuối cùng của tuần lễ, Suzanne đòi xem "những nét vẽ tiếng đàn." Hai người đứng gần nhau bên dương cầm. Thiệu tuần tự đặt từng bản croquis một lên giá đàn trước mặt Suzanne để nàng đoán:
- Dáng mơ màng soải tay xuống cung trầm thế này, đúng là hôm Chopin phải không anh? - Những bông hoa xinh nở trên phím đàn những con bướm xinh đậu trên mái tóc đúng là hôm Mozart phải không anh - Ủa, sao bức này người đánh đàn lại quay lưng vào đàn? Kỳ quặc hơn nữa sao nàng không ngồi vào ghế? Nàng ngả người thế này thì lẽ ra nàng mất thăng bằng và ngã xuống đất từ lâu rồi.
Suzanne ngẩng lên, hơi thở nàng ấm má Thiệu:
- Ủa, sao anh vẽ kỳ quặc vậy?
Thiệu toan âu yếm nâng cằm Suzanne lên, nhưng sau lại thôi. Chàng chỉ giải thích, giọng vẫn có vẻ đùa, nhưng dẽ dàng và khúc triết:
- Zizi có thấy không... lúc đó nàng đang chơi bản valse Le Désir của Beethoven. Chàng họa sĩ nhắm mắt lại nghe tiếng đàn thoạt nhỏ rồi lớn dần, để sau cùng tới một tiếng kêu thất thanh, như người con gái trong đôi tay tình nhân thoạt mơn man rồi điên dại. Chàng họa sĩ đâu có vẽ kỳ quặc, người con gái đâu có mất thăng bằng, nàng nằm trong tay người tình nhân vô hình.
Ôi chao, đôi mắt Suzanne sáng lên nồng nàn nàng hé miệng kêu: "Trời ơi," Thiệu chỉ kịp giơ tay đón nàng vừa gieo mình tới. Rất nhanh họ đã hôn nhau say sưa và cả hai cùng chịu không biết rằng ai đã định hôn ai trước.
Sau cái hôn dài đầu tiên đó, Suzanne úp mặt vào ngực Thiệu nói khẽ:
- Bây giờ người tình của nàng không còn vô hình nữa!
Giây lâu Suzanne ngẩng lên, nàng nói:
- Thôi anh lên phòng nhé.
Thiệu lẳng lặng đi lên... rón rén... khuôn mặt quay về Suzanne, mỉm cười. Với cái mũi Hy Lạp ấy, với mái tóc ấy, Suzanne đúng là Yến!
Bóng Thiệu đã khuất trên đầu cầu thang, Suzanne lơ đãng ấn một phím đàn. Tiếng đàn vang vang hồi hộp yếu dần... Chợt tiếng đàn như thổn thức tràn ngập không gian... Không, tiếng đàn ngừng bặt đã từ lâu. Đó chính là lòng Suzanne thổn thức và không gian tràn ngập hình ảnh Thiệu, chàng họa sĩ Á Đông.
Đậy nắp đàn lại, Suzanne bước vội vào phòng như đương rượt theo hạnh phúc, và đóng cửa phòng lại như để giữ lấy bóng hạnh phúc bên trong. Nàng mỉm cười, nụ cười khỏe mạnh bồng bột, nhưng khi gục mặt xuống, nàng thấy có những giọt nước mắt làm ướt cánh tay, đồng thời bao nhiêu kiến thức về tính tình tập quán Á Đông ùa tới, tràn ngập ý nghĩ. Nàng tự nhủ thầm: "Có thể là mình đã yêu Thiệu tự kiếp nào."
Hôm sau Thiệu chưa về Paris, chàng ở lại Balcelone. Mười ngày sau chàng làm lễ thành hôn với Suzanne tại nhà thờ lớn nhất đường Cervantès.
Đêm tân hôn, Thiệu và Suzanne ở ngay gian phòng lầu bên trên phòng khách.
- Phải, mớ tóc của Yến! - Vừa lùa tay vào mớ tóc mềm của Suzanne. Thiệu vừa tự nhủ thầm như vậy.
Thiệu cúi xuống hôn mái tóc mềm của nàng rồi môi vẫn đặt nguyên chỗ đó chàng nói khẽ, nửa như nói với nàng nửa như tâm sự với năm ngón tay:
- Hồn anh là dòng sông phân làm năm nhánh, cả năm nhánh cùng lạc lối mất hút trong một khu rừng tơ liễu mà dáng mềm phủ kín cả vũ trụ.
Suzanne ngẩng đầu lên, Thiệu thấy đôi môi của mình bị đôi môi thắm mọng hút lại. Nhớ đến đôi vai rung động buổi biệt ly đêm nào, bất giác Thiệu ôm gọn Suzanne trong vòng tay như muốn đem hết sức yêu đương tràn đầy trong lòng mà gột rửa một vết thương sầu hận.
Tiếng chàng nồng nàn:
- Anh yêu em vô cùng!
Tiếng Suzanne hỏi:
- Anh nói gì?
Thiệu sực nhớ mình đã nói câu trên bằng tiếng Việt, chàng dịch lại sang tiếng Pháp:
- Anh yêu em vô cùng!
Suzanne đã là Yến. Yến đã là Suzanne. Hai người đã đồng hóa vào nhau thành một, nên Thiệu cũng chẳng cần tự vấn xem câu đó chàng nói với Suzanne hay với Yến.
Và trong phút xúc động nhất của ái ân. Thiệu thấy hồn chàng như cánh buồm no gió của một con thuyền trong một đêm trăng, bỗng thấy mình trở về bến cũ.
X
SÔNG ĐÃ RA TỚI BIỂN
CÓ CÒN KHÚC QUÀNH NÀO ĐÂU
Đã từ một năm nay Thiệu về nước phụ trách ngành hội họa cho trường Mỹ Thuật Quốc Gia.
Ngày về nước, ra đón chàng tại trường bay có chị Hoa (chị ghét việc đưa tiễn người đi bao nhiêu, chị lại rất hào hứng trong việc đi đón người về bấy nhiêu), anh Tín, Tạo và một số bạn hữu cũ.
Tạo nắm chặt tay Thiệu nói:
- Về nước dù bận đến đâu cậu cũng phải trông coi tờ báo cho tụi này.
Thiệu vỗ vai Tạo:
- Đó là bổn phận của tôi, cậu khỏi phải nói.
Chị Hoa hỏi:
- Này cậu, thế mợ ấy về sau cậu một tháng thật à?
Chị bỗng che miệng cười:
- Chẳng hiểu sau này chị em gặp nhau, gọi mợ ấy là “mợ", mợ ấy có hiểu không.
Thiệu vui vẻ đáp lời chị:
- Chị đừng lo, nhà em giỏi tiếng Việt lắm rồi, em đã dạy đủ thứ, chỉ còn thiếu cách chửi mất gà vì xét ra ở Sai gon này chị không nuôi gà.
Chị Hoa cười. Chị nói:
- Vả lại mợ ấy coi cũng hiền, nhất là bức ảnh cậu gởi về tháng trước, mợ ấy mặc quốc phục Việt Nam trông Á Đông tệ.
Ngay hôm sau, Thiệu cùng chị Hoa, anh Biền sửa soạn chút ít nhà cửa để Suzanne sẽ đến ở ít ngày trước khi chàng tìm được nhà riêng vừa ý.
Sở trường của người Tây phương - Thiệu vẫn nghĩ như vậy - là kỹ thuật, sở trường của người Á Đông là đời sống tâm linh. Đứng từ xa mà nhìn, người Tây phương vô cùng thán phục nếp sống bát ngát như khu rừng già của người Á Đông, nhưng khi tiến lại gần, có những mô đất nhỏ án ngữ tầm mắt, che khuất mất rừng. Chỉ cần một tối thiểu kỷ luật, trật tự, sạch gọn của nếp sống bên ngoài là người Á Đông đã san phẳng những mô đất nhỏ cho người Tây phương tiến vào với rừng. Sự cải thiện hợp lý đó không hề làm giảm uy tín sâu sắc và toàn diện của nếp sống Á Đông, trái lại dọn đường cho một niềm cảm thông quý báu. Tây phương đến sẽ mang theo kỹ thuật, sự dung hòa, sự kết tinh toàn bích giữa Đông với Tây khi đó chỉ còn là vấn đề thời gian.
Một tháng sau Thiệu ra trường bay đón Suzanne. Người đàn bà đó hầu như Việt hóa đến mức tối đa của một người Âu có thể Việt hóa. Từ trên máy bay xuống, nàng mặc y phục Việt Nam, nàng cúi chào anh Tín, Chị Tín (mới ở Cái Sắn lên hôm trước), anh Biền, chị Hoa và nói tiếng Việt:
- Em cám ơn các anh các chị đã ra đón em.
Chị Hoa nắm lấy tay Suzanne nói bằng giọng đầy thương mến:
- Trông mợ thật là Việt Nam, chị bằng lòng lắm, chị bằng lòng quá!
Kể từ sau ngày cưới ở Bercelonem, Suzanne đã lẫn vào Yến, Thiệu chỉ biết yêu chân thành và trong thâm tâm Thiệu vẫn yên chí rằng chàng yêu có một người. Tiện đường xe lửa, họ đã đi hưởng tuần trăng mật ở Saragosse, rồi Madrid. Ở Saragosse họ thuê du thuyền ngược dòng sông Ebre rồi tạt vào thăm nhà thờ Notre Dam del Pilar.
Một buổi tối, hai người cùng leo lên chiếc cầu cổ xây từ thế kỷ XV. Tiếng con sông Ebre ào ạt xoáy cuộn dưới cầu nhắc Thiệu nhớ đến tiếng con sông đang đêm nào như tương tư như thao thức đương tìm đường đi tìm ánh trăng mười sáu...
Ở Madrid họ xem đấu bò rừng và không quên vào viện bảo tàng Prado nghiên cứu những họa phẩm của Vélasquez, Murillo, Le Titien, Rubens, Van Dyck...
Đôi vợ chồng trẻ về tới Paris được mấy ngày thì xảy ra có đám cháy lớn ở gian bên. Thiệu vội vã đưa Suzanne xuống thang chạy thoát ra đường, chỉ mang theo tập croquis trong đó có bức Suzanne quay lưng vào đàn, ngả người trong cánh tay người tình vô hình. Sở cứu hỏa tới dập kịp đám cháy, khi lên thang trở về phòng. Thiệu giở cho Suzanne trông tờ croquis rồi nói:
- Em xem, anh cầm bằng là cháy hết, nhưng anh không dám để cháy bức này.
Tình yêu đơn giản mà thâm trầm của Thiệu nhiều phen làm Suzanne cảm động. Những lúc đó Suzanne thường nói:
- Em còn hời hợt nhiều, em chưa hiểu được người Á Đông lắm. Anh giúp em nhé.
Có một ngày chủ nhật hai vợ chồng đưa nhau ra khỏi châu thành Paris, vào các cánh đồng cỏ chơi. Hai lần vô tình mở nắp chiếc địa bàn xinh, Thiệu cùng thấy Suzanne có mặt trước hướng kim chỉ nam. Chàng vẫy Suzanne lại rồi nói:
- Anh có chiếc địa bàn thần, luôn luôn chỉ cho anh biết hướng tìm người yêu.
Suzanne bá cổ Thiệu, kiễng chân hôn lên môi chàng thật dài rồi mới nói:
- Anh yêu của em.
Rồi khi áp má bên ngực chồng Suzanne còn nói tiếp rất nhỏ:
- Tình yêu của người Á Đông! Tình yêu của người Á Đông!
Bỗng nàng ngẩng lên:
- Anh ạ, để nói về tính kín đáo của người Anh, các dân tộc khác ở Âu Châu thường bảo: "Mỗi người Anh là một hòn đảo”. Với người Á Đông có lẽ nên nói: "Mỗi người là một vũ trụ" có đúng không anh?
Thiệu lùa tay vào mái tóc vợ - mái tóc của Yến, bao giờ chàng cũng nghĩ vậy - và âu yếm đáp:
- Đừng định nghĩa thế nào là người Á Đông, hãy sống với người Á Đông!
Một số họa sĩ tại nước nhà đương xúc tiến việc tái lập trường Cao Đẳng Mỹ Thuật, có tìm cách liên lạc bằng thư với Thiệu. Thiệu đã cùng họ trao đổi ý kiến, sơ thảo một chương trình bốn năm dung hòa chương trình Pháp và khả năng Việt. Vì biết trước hoàn cảnh nước nhà chưa đủ điều kiện thuận tiện để tổ chức cho toàn thể sinh viên đi thăm các viện bảo tàng Âu Á, chàng đề nghị lập thư viện cho ngành hội họa gồm những pho khảo cứu bách khoa lớn về lịch sử hội họa mọi thời, mọi nơi, mọi họa phái với đầy đủ tranh ảnh, do các nhà xuất bản danh tiếng: Fernand, Nathan, Odé Skira, Hypérion ấn hành. Khi đề nghị được ưng chuẩn, số sách chàng mua đóng chật mười rương gửi về nước.
Thiệu có dự tính về nước lập Studio riêng để vừa tìm tòi sáng tác phát triển tài năng, vừa giúp các bạn ở trường Mỹ Thuật đào tạo những tài năng mới, tuy nhiên chàng còn ở lại Pháp thêm sáu tháng. Ngày ngày chàng vào viện bảo tàng Le Louvre nghiên cứu một lần nữa các tác phẩm lớn của từng họa phái. Trong thời gian này chàng cùng một số kiều bào có giúp tòa Đại sứ tổ chức một cuộc triển lãm về mọi ngành mỹ thuật xưa và nay của nước Việt tại hội chợ Paris.
Một buổi tối, Thiệu vừa ngồi xuống ghế bành bên lò sưởi thì Suzanne đến ngồi gọn trên lòng, ôm lấy ngang vai chàng, nói bằng một giọng trọ trẹ:
- Em yêu anh, em về nước Việt Nam với anh chớ gì?
Thiệu trợn tròn mắt, ôm gọn lấy Suzanne:
- Em học tiếng Việt tự bao giờ?
Suzanne cười và trả lời bằng tiếng Pháp:
- Được hơn một tháng rồi và hơn một tháng trường em chỉ học nói riêng có câu đó cho đúng dấu.
Ngả đầu lên vai Thiệu, Suzanne tiếp:
- Về Việt Nam em phải nói tiếng Việt Nam mới được.
Thiệu âu yếm nắm lấy hai cổ tay Suzanne:
- Em học tiếng Việt chưa đủ, em phải học cả nếp cảm nghĩ của người Việt nữa.
Từ đấy Thiệu đích thân dạy Suzanne tiếng Việt, kể cho Suzanne nghe về ca dao, tục ngữ, truyện cổ tích cùng nếp sống người Việt. Suzanne học tấn tới trông thấy, mau hiểu, mau nhớ. Vì nàng thông minh cũng có, nhưng có lẽ vì nàng yêu Thiệu nhiều hơn.
Điều đáng buồn cho Thiệu là ở Pháp, Yến lẫn với Suzanne, nhưng khi Thiệu về tới Sai gon. Yến bỗng tách khỏi Suzanne để trở thành hình ảnh độc lập. Thiệu hồi hộp qua đường Bonard nay đã là đường Lê Lợi, cửa hiệu bào chế không còn, người chủ mới mở tiệm bán vải. Lòng Thiệu tự nhiên hoang vắng như qua chỗ không người. Chẳng hiểu giờ đây Yến ở đâu, ra sao? Cả đêm hôm đó Thiệu không ngủ được. Kỷ niệm chập chờn vây bọc lấy chàng. Thiệu nghĩ đến khúc quành của dòng sông, cây đa Thạch Sanh. Yến ngã xuống sông, chiếc áo trúc bâu hoen nhựa chuối và hình ảnh Yến chiều ngày mùng một Tết năm nào chàng vừa mất tuổi mười sáu... Phải ngày đó Yến đẹp đến nỗi Thiệu tự nhiên thấy rầu rĩ cả người. Có lẽ vì định mệnh phú cho chàng đôi mắt thấy Yến đẹp như một vì sao nên chàng chẳng bao giờ nắm được Yến vì - như chàng đã linh cảm - sao với người thường cách biệt.
Rồi những ngày sóng gió ở Huế... rồi ngày tái ngộ ở hiệu bào chế... rồi ngày biệt ly. Yến quay đi mà không nói, hai vai rung động như cánh bướm non...Tất cả chỉ là giấc mộng qua rất chóng nhưng với biết bao tình tiết và mỗi tình tiết ướt đẫm hương yêu ngạt ngào.
Suzanne dạy dương cầm tại âm nhạc viện quốc gia và nhận chơi dương cầm vài giờ mỗi tuần tại đài phát thanh. Tiếng Việt giờ đây nàng nói đã sõi lắm. Thiệu thấy tất cả cái hoàn toàn đó chỉ làm nổi bật điểm bất toàn: Làm sao Yến không là vợ chàng?
Suzanne càng Việt hóa, câu hỏi trên càng khẩn cấp. Cho đến một ngày kia ngày làm lễ kỷ niệm đệ nhất chu niên trường Mỹ Thuật Việt Nam, tình cờ nói chuyện với một sinh viên ngành điêu khắc. Thiệu được biết Yến ở Huế. Nàng đã tái giá, chồng nàng hiện là giáo sư Đại Học ngoài đó, nàng đã có thêm một con và mở hiệu bào chế ở một phố đông trông ra bờ sông Hương.
Như thế chắc là còn lâu lắm Thiệu mới gặp Yến. Dịp đó hoặc chàng ra Huế chơi hoặc Yến vào Saigon có công việc. Về phần Thiệu, chàng thấy hiện chàng chẳng có chút thì giờ hoặc cơ hội nào để ra Huế. Hơn nữa chàng cũng không muốn ra Huế, vì còn gặp Yến để làm gì?
Về phần Yến, giả sử nàng có việc vào Saigon liệu nàng có biết chàng đã ở Pháp về dạy tại trường Mỹ Thuật? Dù nàng biết thế, liệu nàng có biết nơi chàng ở? Tóm lại vào trường hợp hạn hữu lắm, đôi bên mới có thể bất chợt gặp nhau ngoài đường phố, mà gặp nhau như thế thì quả cuộc tái ngộ phải do định mệnh run rủi.
Tái ngộ? - Phải, dù tái ngộ chẳng để làm gì và cũng chẳng thể làm gì được hơn, nhưng mỗi khi gợi thầm ý đó trong lòng. Thiệu thấy hai chữ "Tái ngộ" sao mà đẹp, sao mà rộn ràng nao nao. Tái ngộ để đôi bên nhìn nhau mà nhất định chẳng thấy nhau già, bởi đó là cái nhìn tràn ngập tình thuở ban đầu.
Một đêm kia, Thiệu mơ thấy gặp Yến trên đường Tự Do. Quả nhiên Yến vẫn đẹp "mòn con mắt" như ngày nào nàng vừa goá chồng và có hai con. Phải chăng tại Thiệu vẫn nhìn Yến - dù là nhìn trong mơ - bằng con mắt thuở ban đầu? Thiệu cười hiền dịu như vẫn cười với Yến từ xưa đến nay, Yến thì cúi đầu nghẹn ngào không nói. Thực ra, trong thâm tâm Thiệu thoạt cũng nghẹn ngào, nhưng chàng trấn tĩnh được ngay, vì chàng tự nhủ:
- Chà việc gì mà phải xao xuyến? Dòng sông định mệnh đến đây sắp đổ ra biển rồi, sông đã mở rộng đôi cánh tay nhỏ bé để ôm lấy Mẹ là biển cả, có còn khúc quành nào đâu?
Ấy tiếng rằng nghĩ thế, nhưng lúc bừng tỉnh dậy lòng Thiệu còn thảng thốt. Tiếng Suzanne thở đều bên cạnh. Thiệu kéo nàng lại gần lùa bàn tay vào mái tóc thơm mềm rồi lặng lẽ đặt môi lên. Suzanne hơi cựa quậy đưa tay ôm quàng lấy người Thiệu, khẽ dụi cằm vào má chàng rồi lại thở đều bên tim chàng. Thiệu vẫn đặt môi lên tóc nàng như vậy rất lâu để tiếp tục nghĩ về Yến, rồi tự nhủ:
- Dù mai đây gặp nhau, dù hai ba mươi năm nữa, khi hai mái tóc đã pha sương, mới gặp nhau, dù ba bốn mươi năm nữa khi cả hai đã da mồi tóc bạc mới gặp nhau, thì phút đầu vẫn chẳng ai tránh được xao xuyến và riêng mình, mình sẽ trấn tĩnh từ phút thứ hai trở đi, vì: "Việc gì phải xao xuyến! Dòng sông định mệnh đã đổ ra biển rồi, có còn khúc quành nào đâu!”
Một nghi vấn:
- Ngộ chẳng bao giờ gặp nhau nữa?
Thì ta cứ nên rất lạc hậu nhưng cũng rất hợp lý mà tự nhủ rằng:"Kiếp sau em là vợ anh, tình chúng ta chân thành, nhất định kiếp sau em là vợ anh!”.
Thiệu dẫn Yến qua vùng khói pháo xanh, gót Yến rớt nhẹ trên xác pháo hồng, Thiệu rót mời Yến uống chén rượu nồng đêm hợp cẩn và pháo tiếp tục nổ làm lung lay các vì sao:
Kiếp sau em làm vợ anh, tình chúng ta chân thành, nhất định kiếp sau em là vợ anh! ".