Nhật Tiến

28 Tháng Tám 20178:42 CH(Xem: 8002)

Một vài kỷ niệm với nhà văn Doãn Quốc Sỹ
NhatTien

 

Mặc dù cùng là những cây bút xuất hiện ở miền Nam sau 1954, tôi vẫn coi nhà văn Doãn Quốc Sỹ như một bậc đàn anh. Trước hết là vấn đề tuổi tác. Trong khi anh Doãn Quốc Sỹ là sinh viên Văn Khoa ở Hà Nội, thì tôi vẫn còn là một học sinh chưa hết bậc trung học. Mà học sinh bậc trung học thời đó (trước 1954), nhìn lên giới sinh viên thấy như họ ở một thế giới nào cao xa và cách biệt lắm. Sinh viên có hoạt động của sinh viên. Học sinh, nhất là học sinh Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Trưng Vương có những hoạt động riêng của họ. Sự hợp tác hoạt động trong lãnh vực văn hóa, xã hội của hai giới này hầu như chưa bao giờ đặt ra vào thời điểm đó.

Sau nữa, trong khi anh Doãn Quốc Sỹ xuất hiện sôi nổi với tác phẩm Trái Cây Đau Khổ trên tạp chí Lửa Việt, diễn đàn của Sinh Viên Văn Khoa Hà Nội mới di cư vào Nam, thì tôi vẫn còn loay hoay với những trang bản thảo chưa hề được đăng báo hay xuất bản của mình. Sinh hoạt văn học nghệ thuật ở miền Nam khoảng 1954-1958, đối với tôi vẫn còn là miền đất xa lạ mà tôi chưa được hân hạnh bước chân vào mặc dù tôi vẫn đọc rất nhiều tác phẩm của những nhà văn, nhà thơ đang nổi tiếng ở thời kỳ đó, trong đó có cả anh Doãn Quốc Sỹ.

Thế mà năm năm sau, do một sự tình cờ, tôi lại được đứng chung cùng với anh trong danh sách tác giả trúng giải thưởng văn chương toàn quốc được tổ chức cứ hai năm một lần. Anh Doãn Quốc Sỹ được giải nhất về truyện ngắn với tập Dòng Sông Định Mệnh, còn tôi thì về truyện dài với cuốn Thềm Hoang. Hôm tham dự lễ trao giải ở câu Lạc Bộ Báo Chí, sau này đổi thành Phòng Thông Tin Đô Thành, tôi đã được tiếp xúc với anh lần đầu, mặc dù trước đó tôi đã gặp anh, biết anh nhưng chưa có dịp trò truyện với anh!

Người anh cao và gầy, khuôn mặt xương xương, cử chỉ từ tốn, điềm đạm, anh đã cho tôi cái cảm giác giản dị, tin cậy, để hòa hợp và hết sức thoải mái khi trò chuyện. Ở nơi anh, đúng là có sự hòa hợp giữa hai con người: một nhà văn, một nhà giáo và anh đã giữ mãi sự hòa hợp này trong suốt hơn hai mươi năm tham gia trong cả hai lãnh vực giáo dục và văn hoá.

Sau lần tiếp xúc ngắn ngủi đó, chúng tôi chưa thể gọi là thực sự quen nhau, hay nói đúng hơn, giữa chúng tôi chưa có tình bạn, dù là bạn vong niên. Anh Doãn Quốc Sỹ bận rộn với những sinh hoạt của anh: vừa sáng tác, vừa dạy học. Anh đã viết rất nhiều, rất đều, kể cả sự xuất hiện trên những tạp chí văn học nổi tiếng thời đó lẫn việc ấn hành những tác phẩm mới. Kể từ ngày biết anh, không lần nào in sách anh lại không dành cho tủ sách gia đình của chúng tôi một ấn bản đặc biệt với lời đề tặng và chữ ký của tác giả. Như thế, dù ít có dịp được gặp gỡ anh để hàn huyên, hình như chúng tôi đối với nhau vẫn gần gũi, qua những hoạt động văn nghệ, qua những truyện ngắn đăng báo hoặc các tác phẩm đã in.

Năm 1971, do sự đề nghị của anh Nguyễn Hùng Trương tức giám đốc nhà sách Khai Trí, tôi nhận lãnh chức vụ chủ bút tuần báo Thiếu Nhi do anh Trương đứng chủ nhiệm. Đây là một việc làm cần thiết, đáp ứng nhu cầu sách báo thiếu nhi đứng đắn và hiếm hoi vào thời kỳ đó. Qui tụ quanh tòa soạn của tờ báo này hầu hết những nhà giáo như anh Đặng Hoàng, anh Vũ Văn Kiệt (bút hiệu Vịt Mò), Lê Xuân Nho, Phạm Đức Huyến hay những cây bút trẻ như Phan Khương Thái, Trầm Mai Hoạt, Vũ Thị Ca Dao…v.v… Đối với những nhà văn cỡ lớn như các anh Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Ngu Í, Lê Tất Điều (tất cả vốn cùng là gốc nhà giáo cả), tòa soạn chúng tôi một phần biết các anh bận rộn, phần khác không biết là báo của mình sẽ lớn mạnh, vững vàng được đến đâu, nên chỉ thông báo công việc mình đang làm mà không dám chính thức mời cộng tác.

Ấy vậy mà một hôm rất đột nhiên, anh Doãn Quốc Sỹ tìm đến thăm tòa soạn Thiếu Nhi hồi đó đặt ở đường Thiệu Trị, một con phố nhỏ ở ngay kề cận cổng xe lửa số 6, đường Trương Minh Ký. Sự thăm viếng đột ngột của anh làm tòa soạn chúng tôi hết sức cảm động. Điều đó chứng tỏ dù bận rộn đến đâu, anh cũng vẫn quan tâm đến những nỗ lực của bạn bè trong những công tác giáo dục. Anh thăm hỏi về tình hình sinh hoạt tòa soạn, về số lượng ấn hành và số báo bán được. Rồi anh trao cho chúng tôi bản thảo một truyện ngắn viết riêng cho Thiếu Nhi, điều mà chúng tôi hết sức mong mỏi nhưng không bao giờ dám gợi ý ra. Anh cũng không chỉ gởi bài cho chúng tôi riêng lần ấy mà liên tục sau này, anh còn gửi đăng nhiều truyện khác đặc biệt có màu sắc giáo dục thanh thiếu nhi. Sự quan tâm và lòng ưu ái của anh đối với tòa soạn đã khích lệ chúng tôi rất nhiều trong những năm sau này trông nom nội dung tờ Thiếu Nhi (từ năm 1971 cho đến khi miền Nam sụp đổ).

Nhắc đến Doãn Quốc Sỹ với tờ Thiếu Nhi, tôi không khỏi ngậm ngùi nghĩ đến anh Nguyễn Ngu Í, cũng với một tấm lòng thiết tha với tuổi trẻ như anh Sỹ. Tôi còn nhớ, khi tờ báo phát hành được 5 số thì một hôm tòa soạn nhận được một lá thư dài của anh Nguyễn Ngu Í, trong đó ngoài những lời khen ngợi thông thường, anh còn để một đoạn thật dài nhắc nhở chúng tôi vấn đề chính tả. Anh bảo báo chí dành cho giới trẻ thì tuyệt đối phải in đúng chính tả và phải hết sức thận trọng khi dùng từ ngữ.

Anh lấy ngay một thí dụ chình ình trên bìa báo Thiếu Nhi: “Ra hàng tuần, ngày Chủ Nhật”. Anh chỉnh lại: “Báo ra hằng tuần, chứ không phải hàng tuần”. Những bài học của các bậc đàn anh như thế không bao giờ chúng tôi quên được, không chỉ ở một từ ngữ đơn lẻ nhưng là cả một thái độ thận trọng trong công việc viết lách, nhất là việc viết cho giới thiếu nhi.

Ngoài công việc sáng tác và dạy học, anh Doãn Quốc Sỹ còn nghiên cứu về Thiền. Khi anh cho xuất bản cuốn “Vào Thiền”, tôi hơi ngạc nhiên tự hỏi anh lấy thì giờ ở đâu để có thể đi sâu vào một lãnh vực cao siêu như thế. Nhưng quả thật tinh thần của Thiền đã ảnh hưởng sâu xa trong tư tưởng của anh và sau này hẳn đã giúp ích anh rất nhiều trong những năm dài tù tội.

Hồi đó anh Doãn Quốc Sỹ có một xe hơi loại Daihatsu dùng để chuyên chở nhẹ. Anh hay dùng chiếc xe này để chở sách đi phát hành. Quản lý của tờ Thiếu Nhi khi đó là Đỗ Phương Khanh thường hay gặp anh ở nhà phát hành. Một lần không thấy anh chở sách bằng xe hơi mà lại bằng xe gắn máy. Đỗ Phương Khanh hỏi:

-          Chiếc xe mọi khi cảa anh đâu rồi?

Anh mỉm cười, giọng nhẹ nhàng thản nhiên:

-          Bị lấy trộm mất rồi!

Anh có mỗi một chiếc xe, phải kể như một tài sản quí hồi đó. Thế mà mất xe, anh không hề tỏ vẻ bực bội hay oán trách. Đỗ Phương Khanh rất cảm phục anh ở thái độ này và thấy rõ anh đã thấm nhuần sâu xa tinh thần hỉ xả của Thiền.

Sau năm 1975, chúng tôi đến thăm anh ở căn nhà trong khu ngõ đường Thành Thái. Lần cuối cùng chúng tôi thăm anh vào thời gian trước khi anh bị bắt một tuần lễ. Vào thời điểm đó, tin tức lọt ra từ Hội Văn Nghệ Thành Phố về danh sách những nhà văn sắp sửa bị bắt đã loan truyền rộng rãi trong giới văn nghệ. Trong danh sách này có tên anh Doãn Quốc Sỹ. Vì thế, chúng tôi đến thăm anh với tất cả mọi sự bồn chồn lo lắng và ngao ngán, cái ngao ngán chung của những người cùng một giới đang bị bao phủ bởi một bầu không khí nghiêm trọng nặng nề.

Tuy nhiên, lúc gặp anh, chúng tôi vẫn thấy anh điềm nhiên, vui vẻ. Vẫn dáng dấp điềm đạm, đôi mắt sáng, hiền từ, nụ cười thản nhiên, đôn hậu. Anh chuyện trò với chúng tôi một lát thì tiến lại cái dương cầm mầu nâu nhỏ kê ở ngay ngoài phòng khách. Anh dạo cho chúng tôi nghe một bản nhạc cổ điển Tây phương. Qua những âm thanh thánh thót, tôi thấy cả tâm trạng bình thản của anh lúc đó. Lúc chia tay, chúng tôi không nói được gì nhiều với nhau. Chẳng ai muốn nói gì nhiều với nhau lúc đó. Chúng tôi chỉ nắm chặt lấy bàn tay nhau và truyền cho nhau những ý nghĩ an ủi, cảm thông.

Một tuần sau, chúng tôi được tin anh đã bị bắt. Rồi những tin tức từ trong tù truyền ra, chúng tôi được biết dù đã phải chịu rất nhiều đắng cay, tủi cực nhưng anh vẫn luôn bình thản. Anh là một trong những người tù đã khiến cho ngay đến cả những quản giáo cũng phải cảm phục.

Một người như anh, một người cha gương mẫu trong gia đình, một nhà giáo đầy tài năng và tận tụy, một nhà văn chừng mực chỉ viết ra những điều làm đẹp con người, làm đẹp xã hội, và một con người đầy nhân cách, giầu lòng vị tha, tôi tự hỏi một con người như thế lại bị gạt ra ngoài xã hội và phải chịu nằm tù ròng rã trong bao nhiêu năm trời, thì chế độ Cộng Sản là cái thứ gì?

Hoàn cảnh của anh khiến tôi so sánh với nhà thơ Nguyễn Chí Thiện gần cả một đời người ra tù vào khám ở miền Bắc. Ước mơ của Nguyễn Chí Thiện thể hiện qua thi ca cũng chỉ là những ước mơ được sống trong một xã hội bình an, với một đời sống bình dị mỗi khi chiều xuống được nghe tiếng sáo diều vọng lại từ những cánh đồng êm ả, được ăn no, mỗi mùa có đủ áo ấm, lành lặn để mặc. Vậy mà những ước mơ ấy không bao giờ thành, dưới chế độ vẫn thường vỗ ngực tự hào là một chế độ ưu việt.

Vì không có khả năng thực hiện được những mộng ước rất bình thường của những con người rất bình thường, nên chế độ đã phải bỏ tù những kẻ sĩ đã dám nói lên những sự thực xót xa ấy.

Nhưng càng giam giữ những con người như Doãn Quốc Sỹ, như Nguyễn Chí Thiện và hàng trăm văn nghệ sĩ khác nữa ở cả miền Nam lẫn miền Bắc, chế độ hiện tại ở Việt Nam chỉ biểu lộ sự yếu kém và phi chính nghĩa của mình.

Đối với chúng tôi, những người may mắn hơn anh Doãn Quốc Sỹ, anh Nguyễn Chí Thiện, tuy không phải chịu đựng những năm tháng nhục nhằn trong ngục tù cộng sản, chúng tôi vẫn luôn luôn nhìn về các anh như những biểu tượng sáng chói của lý tưởng đấu tranh cho tự do và quyền làm người.

Nhật Tiến

Tháng 5-1988