Đào Trường Phúc

13 Tháng Chín 20178:09 SA(Xem: 9261)

Đào Trường Phúc

Đằng sau vụ “xử” một nhà văn

 

Ngày 27-4-1988, đúng 4 năm 1 tháng và 5 ngày kể từ lúc nhà văn Doãn Quốc Sỹ bị bắt cầm tù lần thứ hai, những kẻ lãnh đạo Nhà Nước Việt Cộng đưa ông ra cùng 4 người khác từ khám Chí Hòa ra trước một phiên tòa mệnh danh là “Tòa Án Nhân Dân Thành Phố Hồ Chí Minh”. Nơi đó, sau một phiên xử không có sự hiện diện của luật sư biện hộ, cũng không có cả thủ tục dành cho các bị can tự phát biểu ý kiến, một bản án được tuyên đọc: Doãn Quốc Sỹ, 9 năm tù; Hoàng Hải Thủy, 8 năm tù; Trần Ngọc Tự, 5 năm tù; Nguyễn Thị Nhạn, 5 năm tù; Khuất Duy Trác, 4 năm tù.

Hơn một tuần lễ sau, qua bản tin Pháp Tấn Xã, người ta được biết Hồ thị Lan, phát ngôn viên Bộ Ngoại Giao Hà Nội đã tuyên bố trong cuộc họp báo ngày 5-5-88, rằng ông Doãn Quốc Sỹ bị kết án tù vì “hoạt động phản cách mạng”.

Tội danh mà tòa án Việt Cộng chính thức cáo buộc cho nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong phiên xử ngày 27-4-88 chỉ bao gồm mấy chữ ngắn gọn, đơn giản hơn tội danh mà chính nhà cầm quyền Việt Cộng đã cáo buộc ông khi họ bắt giam ông lần thứ hai ngày 22-3-84: “Tuyên truyền phản động chống lại nhà nước Xã Hội Chủ Nghĩa và phá hoại an ninh quốc gia (chiếu theo điều 82 của Bộ Hình luật mới)”. Trước đó nữa, khi Doãn Quốc Sỹ bị bắt lần đầu vào ngày 2-4-76 để rồi được tạm tha sau 4 năm tù đày và cưỡng bách lao động, ông đã chỉ bị cáo buộc với một tội danh rõ rệt viết trên giấy trắng mực đen: “nhà văn phản động”.

Như thế, trong mười ba năm qua, những kẻ lãnh đạo chính quyền Việt Cộng đã bắt giữ nhà văn Doãn Quốc Sỹ hai lần, giam cầm ông mỗi lần bốn năm, rồi tặng cho ông một bản án để có lý do tiếp tục giam cầm ông không biết tới bao giờ; và họ đã lần lượt cáo buộc cho ông ba tội danh khác nhau để giải thích (?) cho những hành động giam cầm ấy.

Vấn đề không phải là những con số của những năm tù: người ta chưa quên rằng có ít nhất hai nhà văn trong nhóm Nhân Văn Giai Phẩm (Nguyễn Hữu Đang và Thụy An) đã từng ngồi tù suốt hai mươi năm, kể từ 1956 đến 1976; và Nguyễn Chí Thiện, nếu mai này còn sống sót để ra khỏi tù, có thể chứng minh thêm một kỷ lục mới. Điều cần phải nhắc tới là sự loay hoay và thái độ tráo trở của những kẻ cầm quyền Việt Cộng khi đặt để và gán ghép những tội danh cho Doãn Quốc Sỹ: cùng một lúc sự loay hoay và thái độ tráo trở ấy cho thấy nhiều khía cạnh của một vấn đề.

***

Ít ngày sau khi báo Le Monde tại Pháp (2-5-88) phổ biến tin tức về vụ “xử” các văn nghệ sĩ Việt Nam, dư luận quốc tế, ít nhất là trong giời truyền thông và giới trí thức, đã có những phản ứng rõ rệt . Qua sự vận động của Trung Tâm Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, chủ tịch Văn Bút Quốc Tế René Tavernier đã chính thức yêu cầu và được ông Mario Stsi, thủ lãnh Luật Sư Đoàn tại Paris, nhận lời đứng ra tình nguyện biện hộ cho các bị can theo những thủ tục kháng án thông thường. Tưởng cũng nên nhắc lại, hồi tháng 11-1987, sau khi nhà cầm quyền Hà Nội thông báo đình hoãn lần thứ hai vụ xử, luật sư Mario Stasi đã viết thư gửi thẳng cho Hà Nội, xin phép tới Việt Nam để làm công việc biện hộ. Hà nội bác bỏ đơn xin này, nài lý do “việc biện hộ trước các tòa án quốc gia Việt Nam chỉ dành cho luật sư Việt Nam có quốc tịch Việt Nam.”

Nhận xét sơ khởi của vị thủ lãnh Luật sư đoàn Paris về bản án ngày 27-4-88 là: “Tòa Án Nhân Dân vừa tuyên bố những hình phạt tù vượt quá những hình phạt tối đa được dự liệu cho các tội phạm báo chí và tội phạm tư tưởng”. Nhận xét này hiển nhiên đã căn cứ trên lời cáo buộc trước đây của chính quyền Việt Cộng khi họ bắt nhà văn Doãn Quốc Sỹ lần thứ hai. “Tuyên truyền phản động chống lại nhà nước xã hội chủ nghĩa” là một tội danh mà tất cả những nhà luật học chuyên môn đều đồng ý xếp vào loại “tội phạm báo chí và tội phạm tư tưởng”. Có lẽ chính vì sự tế nhị liên quan tới nguyên tắc luận tội và định án trong tinh thần luật pháp bình thường của tất cả các quốc gia, cho nên khi cái tòa án mệnh danh là “Tòa Án Nhân Dân tại thành phố HCM” chính thức đem vụ án ra xử thì tội danh nói trên đã không được viện dẫn nữa, và thay vào đó, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã bị cáo buộc với một tội danh hoàn toàn khác biệt: “hoạt động phản cách mạng.” Sự công bố tội danh qua hình thức họp báo 8 ngày sau đó, nghĩa là một sự công bố rộng rãi trước dư luận quốc tế, đã cho thấy rõ rệt thâm ý và mục đích của nhà cầm quyền Việt Cộng: phủ nhận tính chất đối kháng về mặt tư tưởng của người mà họ đã bắt giữ và kết án, nhà văn Doãn Quốc Sỹ.

Thâm ý và mục đích trên đây của nhà cầm quyền Việt Cộng vô hình chung đã nói lên những nhu cầu của họ, ít nhất có thể kể, một nhu cầu tạm gọi là nhu cầu đối ngoại, và một nhu cầu tạm gọi là nhu cầu đối nội.

Thật ra, ai cũng nhận thấy rõ điều này, là nếu không vì những nhu cầu riêng, được xác lập theo từng thời điểm chiến lược, thì chính quyền Cộng Sản tại Việt Nam đã chẳng nhùng nhằng đình hoãn tới hai lần rồi cuối cùng thực hiện và công bố kết quả phiên xử ngày 27-4-88. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, cũng như nhà văn Hoàng Hải Thủy là những người cầm bút đầu tiên được Nhà Nước “chiếu cố” đưa ra “xử” tại phiên tòa, sau khi giam giữ và trước khi giam giữ. Năm 1958, lúc thẳng tay đàn áp phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, đảng và nhà nước đã bắt cả thảy 304 người văn nghệ sĩ đi “chỉnh huấn” và tiếp tục đi “học tập lao động” tại Việt Bắc, đồng thời giam vào Hỏa Lò hai trong bốn người không chịu dự lớp chỉnh huấn: Nguyễn Hữu Đang và Thụy An đã ngồi tù suốt 20 năm, không hề có lấy một bản án. Từ 1975 trở lại đây, qua phần nhiều đợt bắt bớ văn nghệ sĩ tại miền Nam, đảng và nhà nước Cộng Sản cũng chưa từng mở miệng nói tới chuyện “xét xử”: cho đến ngày hôm nay, kể cả những người đã chết như Nguyễn Mạnh Côn, Vũ Hoàng Chương, Nguyễn Hoạt, Dương Hùng Cường, lẫn những người còn sống mòn mỏi trong lao từ như Phan Nhật Nam v.v…, chưa từng có ai từng được lôi ra tòa nhân dân để thọ lãnh một bản án cả.

Nhà nước Việt Cộng đã không và chắc chắn là cũng sẽ không bao giờ đưa ra một lời giải thích vì lý do nào có sự khác biệt giữa trường hợp những người cầm bút ở tù mà không có án và trường hợp những người cầm bút vừa được phát cho một bản án để tiếp tục ngồi tù. Tuy vậy, ai cũng thấy rằng lý do của sự khác biết ấy chỉ là vấn đề thời điểm. Nói “thời điểm” tất nhiên chẳng phải ngụ ý rằng từ trước tới giờ Nhà Nước Việt Cộng đãng trí đến độ quên không lôi các nhà văn phản động ra tòa xử, mãi tới giờ mới nhớ ra; lại càng chẳng phải ngụ ý rằng từ trước tới nay nền pháp chế xã hội chủ nghĩa chưa tìm ra phương pháp biến trá những tội danh để đối phó với các tội phạm báo chí và tội phạm tư tưởng, mãi tới bây giờ mới nghĩ ra cách quy tội “hoạt động phản cách mạng” cho những nhà văn phản động. Sự khác biệt về thời điểm đó chỉ có nghĩa là hoàn cảnh khách quan đã đổi thay (những sự can thiệp và vận động mãnh liệt từ bên ngoài khiến cho việc bưng bít sự thật càng lúc càng trở nên không còn dễ dàng); đồng thời những nhu cầu chủ quan được đặt lại (nhu cầu đối ngoại, nhằm phỉnh gạt dư luận quốc tế về một chủ hướng dân chủ hóa giả tạo, và nhu cầu đối nội, nhằm phô trương quyền lực để chuẩn bị đàn áp những làn sóng công phẫn, chống đối, đang mỗi ngày mỗi một nổi lên mạnh mẽ trong giới trí thức và văn nghệ sĩ). (1)

Tháng 2-1988, nghĩa là một thời gian rất ngắn sau khi Nguyễn Văn Linh biểu diễn thả những quả bóng dò đường qua việc tiếp xúc với giới văn nghệ sĩ và qua một số bài báo hô hào “phê bình” và “sửa sai”, đảng và nhà nước tức khắc nhận thấy những dấu hiệu đáng ngại trong phản ứng quần chúng, nhất là trên lãnh vực truyền thông. Bộ Chính Trị tức khắc ban hành ngh5i quyết 5 và các giới lãnh đạo hối hả khai triển nghị quyết trong chiều hướng hăm he nhắc nhở những người cầm bút nhớ đến “mối quan hệ giữa quản lý và tự do sáng tác trong văn học nghệ thuật”. Trong bài viết trên báo Nhân Dân ngày 19-3-88, Trần Độ không ngần ngại nói rằng:

Yêu cầu như trong Nghị quyết là có tính định hướng cho người quản lý rồi. Cụ thể: thứ nhất, chỉ chấp nhận văn nghệ xã hội chủ nghĩa, văn nghệ bảo vệ độc lập, tự do tổ quốc. Thứ hai, chỉ chấp nhận văn nghệ bồi dưỡng tình cảm tốt đẹp của con người. Anh nào phá hoại nhân phẩm, phá hoại bản chất con người, làm tha hóa nó, là anh có tội, phải dùng chuyên chính để trị”.

Răn đe xong, trước khi an ủi giới cầm bút bằng cách nói “văn nghệ có cuộc sống riêng của nó”, Trần Độ lại cẩn thận rào dậu kỹ thêm một lần nữa:

“Văn nghệ phục tùng chính trị, phục tùng chế độ chính trị, đường lối chính trị. Đó là điều hiển nhiên, phải khẳng định”.

Chỉ cần theo dõi cuộc chơi ú tim giữa những kẻ lạnh đạo chính quyền Cộng Sản và giới cầm bút tại Việt Nam hiện nay, người ta cũng có thể cảm thấy được cái không khí hiểm nghèo đang vây bủa sinh hoạt văn học nghệ thuật, đời sống tinh thần của người dân Việt Nam. Một mặt, nhà nước Việt Cộng đang bị đẩy tới cái thế phải tận lực khai thác chiêu bài “đổi mới” để mong cứu vãn một tình huống bế tắc tuyệt vọng trên mọi phương diện, mặt khác họ thừa biết rằng bất cứ một sự “nới lỏng dư luận” nào cũng chứa đựng nhiều rủi ro đưa đến tình trạng bùng nổ của mối căm phẫn đã âm ỉ quá lâu trong lòng mỗi người dân. Trước sự lựa chọn khó khăn, đảng và nhà nước không ngần ngại vận dụng tất cả những thủ đoạn mà họ nghĩ rằng có thể cùng một lúc giúp họ đạt được nhiều mục đích cấp thời: chẳng hạn, vừa chứng tỏ với dư luận bên ngoài một vài dấu hiệu dân chủ hóa trong cơ chế quản lý con người, vừa gây một áp lực gián tiếp để khủng bố tinh thần quần chúng nói chung, và giới cầm bút nói riêng, vừa trả thù được những người mà họ vốn coi như đối thủ về mặt tư tưởng – những đối thủ đã từng và có thể vẫn còn tạo ảnh hưởng nguy hiểm trong quần chúng trên phương diện tư tưởng. Vụ “xử án” nhà văn Doãn Quốc Sỹ ngày 27-4-88 phải chăng chính là một trong những thủ đoạn như thế?

Nếu quả đúng như vậy, chúng ta có thể nói rằng đảng và nhà nước Việt Cộng chẳng đạt được mục đích nào theo ý họ mong muốn. Việc gán ghép tội danh “hoạt động phản cách mạng” cho nhà văn Doãn Quốc Sỹ, cộng với tất cả những nỗ lực của bộ máy công an nhân dân và của tập đoàn văn nô nhằm bôi bẩn và triệt hạ uy tín của một người cầm bút như Doãn Quốc Sỹ, ngay từ căn bản đã là những chuyện phí công, khôi hài. Có chăng, chúng chỉ chứng tỏ thêm lần nữa một thái độ lúng túng thảm hại của đảng và nhà nước. Hãy nhìn thử riêng cuốn sách “Những Tên Biệt Kích” dày 176 trang, viết dưới hình thức tiểu thuyết nhưng rõ ràng là cả một tập hồ sơ công an, xuất bản bởi “Nhà xuất bản Công An Nhân Dân Hà Nội” vào tháng 12-1986, như một hình thức dọn đường cho phiên xử trước tòa án nhân dân 16 tháng sau đó. Toàn tập tài liệu được quy kết vào mục tiêu then chốt là buộc tội  nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã tìm cách chuyển ra nước ngoài một tập bản thảo truyện dài, căn cứ vào đó, tội danh dành cho ông là “đã làm ra, cung cấp tài liệu phản động cho kẻ thù sử dụng để tuyên truyền xuyên tạc, chống lại Tổ quốc” (trang 170). Thế nhưng trong cả hai biên bản thẩm vấn của công an được tường thuật tỷ mỷ ở nhiều trang sách khác, những kẻ đã bắt bớ giam cầm ông lại nhất định không chịu thừa nhận vai trò cầm bút của ông: “Tôi nói điều này để ông hiểu, ông bị bắt về tội phản bội, chứ không phải bị bắt với tư cách một nhà văn” (trang 130); “Tôi cũng xác nhận lại là chúng tôi không bắt nhà văn mà bắt một công dân phản bội Tổ quốc” (trang 170)

Đọc những câu văn vẻ trên, hẳn nhiên ai cũng phải ghi nhận sự cố gắng của bộ máy công an – đại diện ứu tú của chế độ cộng sản -  trong việc biện bác một cách khôi hài rằng họ không có chủ trương bắt các nhà văn (ngụ ý rằng họ sẵn sàng trọng quyền tự do tư tưởng và tự do ngôn luận theo một cách nào đó của họ). Tuy nhiên, ngoài sự cố gắng thảm thương ấy, những tác giả công an của cuốn sách “ Những Tên Biệt Kích” dường như còn nhận chỉ thị đính chính lại một cách nhìn trái ngược đã từng biểu lột trong một cuốn sách xuất bản trước đó sáu năm, cuốn “Những Tên Biệt Kích Của Chủ Nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa Văn Nghệ” (Nhà Xuất Bản Sự Thật, Hà Nội, 1980). Trong khi những tác giả cuốn sách sau tìm đủ mọi ngôn từ để triệt hạ uy tín của nhà văn Doãn Quốc Sỹ và ráng sức phủ nhận mọi giá trị tác phẩm của ông (2), thì những tác giả cuốn sách trước đã nỗ lực làm công việc phê bình, đứng trên quan điểm Mác Xít để phân tích lên án tác phẩm của Doãn Quốc Sỹ trong chiều hướng thừa nhận rằng những tác phẩm ấy đã tạo ảnh hưởng rất nguy hại trong tư tưởng quần chúng. (Có lẽ chính vì cách nhìn đó mà cuốn sách trước vừa in ra không bao lâu đã bị chính nhà nước ra lệnh thu hồi lại và tiêu hủy đi tất cả các ấn bản chưa kịp phát hành.)

Mới sáu năm trước, lúc còn đang làm công việc “cải tạo” đợt đầu những nhà văn phản động, đảng và nhà nước lỡ tay chơi trò văn mình, dùng lý luận chủ nghĩa để phê bình tác phẩm Doãn Quốc Sỹ. Sáu năm sau, đảng và nhà nước xoay qua dùng bộ máy công an để bôi lọ và phủ nhận toàn bộ giá trị của những tác phẩm ấy, phủ nhận luôn cả tư cảnh nhà văn của ông (nhưng đồng thời lại xác nhận đã bắt ông chỉ vì tội lén gửi ra ngoại quốc bản thảo một cuốn… truyện dài!) Hành động quanh co đó không chỉ nói lên rằng sử dụng lý luận chủ nghĩa Mác Xít không tiện lợi và hữu ích bằng sử dụng quyền lực của công an; hành động đó còn cho thấy sự che giấu một mặc cảm, sợ hãi cái giá trị của Sự Thật đã được trình bày trong tác phẩm của những nhà văn như Doãn Quốc Sỹ, sợ hãi cái tác dụng không thể ngăn chận nổi của những tác phẩm ấy đối với quần chúng nói chung, đối với giới trí thức và giới cầm bút nói riêng mà đảng và nhà nước đang xoay xở mọi cách để ve vãn, lừa dối. Chính mặc cảm sợ hãi đó là động lực dẫn tới những hành động không thể tha thứ được, mà chính quyền Cộng Sản đã lạnh lùng giáng lên đầu những người cầm bút thất thế đang nằm trong tay họ.

Điều cần phải nói ra là, tất cả những hành động đê tiện và độc ác ấy đâu có giúp cho chính quyền Cộng Sản giải quyết vấn đề căn bản mà họ muốn giải quyết. Bỏ tù, bôi lọ, xử tội một nhà văn như Doãn Quốc Sỹ, hay giam cầm đày ải cho đến chết một nhà văn như Nguyễn Mạnh Côn, đều không giúp cho đảng Cộng Sản Việt Nam xóa sạch hết dấu vết những thông điệp mà những nhà văn đó đã gửi tới người đọc và được tiếp nhận bởi người đọc. Bởi lẽ những thông điệp ấy đã được chuyển đi bằng chính những chứng liệu Lịch sử, những chứng liệu của Sự Thật, bằng chính đời sống và tâm huyết của những con người trung thực. Khi những thông điệp đã được gửi đi và đã được đón nhận, khi những chứng liệu đã được bảo tồn và đã được phổ biến, những con người trung thực như Nguyễn Mạnh Côn, Nguyễn Hoạt, Như Phong, Phan Nhật Nam, Doãn Quốc Sỹ v.v… đã làm xong vai trò của họ. Cái chết hay sự tù đày đều không hủy diệt được vai trò đó.

Khi lý luận về mọi vấn đề kể cả văn học nghệ thuật, người Cộng Sản thường hay viện dẫn bùa chú “duy vật sử quan” và vặn vẹo lịch sử theo chiều hướng riêng mà họ quả quyết là đúng. Nhưng có một điều thật đơn giản mà cái sử quan ấy không giúp họ nhìn thấy: chính những chứng liệu được góp nhặt từ đời sống thật đã và sẽ tạo nên giòng sinh mệnh của lịch sử của một dân tộc, dòng lịch sử miên viễn, trường tồn, vượt lên trên tất cả mọi lý luận chủ nghĩa, mọi lý luận triết học. Chính những chứng liệu làm bằng đời sống của những thế hệ đi trước tạo nên ý nghĩa và sức mạnh của những thế hệ đi sau; không có một bạo lực nào ngăn trở được hay phá hủy được sự chuyển lưu kỳ diệu ấy. Sau cuộc cưỡng chiếm miền Nam, đảng và nhà nước Cộng Sản làm đủ mọi cách để từng bước một xóa đi tất cả những dấu vết của một nền văn học đã hiện hữu trong hai mươi năm trời, một nền văn học nằm ngoài quỹ đạo họ và chống lại họ. Họ muốn tiêu diệt vừa tác phẩm vừa tác giả của nên văn học ấy, để thay thế vào đó bằng một nền văn học do họ chế tạo ra nhằm cấy vào đầu óc của những thế hệ thiếu niên đang sinh ra và lớn lên. Thực tế cho thấy là họ chẳng thể nào làm nổi việc bôi xóa ấy, cũng như họ đã không bôi xóa được ngay chính đến dấu vết của một phong trào “phản động” như phong trào Nhân Văn Giai Phẩm tại miền Bắc hai mươi năm trước đó. Bởi vì những thông điệp đã được chuyển, những chứng liệu đã được trao gửi, tồn trữ, và đã trở thành hay đúng ra đã tạo nên dòng văn học nối tiếp. Người ta có thể nhìn thấy một cách chắc chắn, rõ ràng, sự chuyển lưu thông điệp qua từng thế hệ của những người cầm bút. Người ta có thể đoan quyết nếu không có phong trào Nhân Văn Giai Phẩm, tất sẽ không có được những Nguyễn Chí Thiện, Thế Giang, Nguyễn Mậu Lâm… Nếu không có những Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Mạnh Côn, Võ Phiến… tất sẽ không có Phan Nhật Nam, Dương Nghiễm Mậu… của giai đoạn trước 1975 và sẽ không có được những Tưởng Năng Tiến, Phan Tấn Hải, Võ Hoàng, Lê Đại Lãng v. v… của ngày hôm nay. Không có sự khác biệt nào về ý thức, quan niệm, thái độ giữa những người viết thuộc thế hệ đi trước hay thế hệ đi sau khi họ nhìn và nghĩ về chủ cộng sản và chế độ cộng sản; họ đã chuyển cho nhau những thông điệp và họ sẽ tiếp tục mãi mãi chuyển đi những thông điệp viết bằng chứng liệu và kim nghiệm mà họ lần lượt nhận được. Mọi thủ đoạn dối trá của chính quyền cộng sản nhầm giấu diếm sự hiện hữu của dòng văn học tư do và nhân bản đối kháng triệt để với chủ nghĩa vô thần, đều chỉ là những cố gắng vô ích.

Doãn Quốc Sỹ đã chuyển đi bản thông điệp mà ông viết bằng tất cả những cảm xúc, hoài vọng, niềm tin tưởng của một tâm hồn cao đẹp, trung thực, sau bao nhiêu kinh nghiệm khổ ải và đau sót. Tác phẩm của ông đến với người đọc, ở lại trong lòng người đọc như một bó hoa thơm; và giá trị của toàn bộ những tác phẩm đó nằm ở trong bảng thông điệp mà những kẻ thù càng tìm cách phủ nhận chừng nào thì lại càng làm nổi bật rõ ràng hơn chừng nấy. Bảng thông điệp ấy đã được nhận đầy đủ và đang được chuyển đi bởi hàng trăm người cầm bút khác:

“Cộng sản dìm nhân loại trong thiếu thốn để chứng minh nguyên lý  “Vật chất quyết định hết thảy!” Chúng lầm! Con người từng trải cảnh thiếu thốn vật chất, niềm tin và đạo đức càng được hun đúc và tình cảm thêm dạt dào” (3)

“Suốt con đường dọc Sài Gòn – Ban Mê Thuột mỗi khi ngừng nói chuyện với chồng, chị lại suy nghĩ về ông chú vừa bị Cộng Sản dùng “nhân dân” hành xử. Chị nghĩ đến chuyện xưa mấy lần ông ra giữa cầu Hàm Rồng sẵn sàng nhảy xuống, ông sẵn sàng hy sinh cho sự thành đạt của con cháu. Nội dung của niềm tin có thể thay đổi tùy nơi chốn, tùy thời đại, nhưng thái độ tin ngộ nghĩnh, hồn nhiên, chân thành đó ở vào thời đại nào và bất cứ ở đâu cũng là đáng quý. Chị tin rằng với những vẻ đẹp đó của tâm hồn, cái chết chỉ là biến chuyển ảo hóa. Cộng sản giết được ông chú chị. Cộng sản phá quan tài của ông làm bàn học, quẳng những phiến đá xây mộ của ông ra chỗ lội, nhưng không hủy được nấm mộ thật đẹp với những phiến đá chạm hình nổi uy nghi do ông đã tự xây bằng khát vọng trong bao nhiêu năm thuở sinh thời. Chị Huyện, cũng như bà nội, cũng như thầy chị, cũng như muôn vàn vẻ đẹp tương tự không chết. Trong thế giới tâm linh huyền diệu của nhân loại những vẻ đẹp đó như đã từng tồn tại từ một quá khứ vời vợi và còn tồn tại mãi với thời gian lang thang bất tận để biến thành những lớp sóng rạt rào của kỷ niệm” (4)

*

Nhà văn Doãn bị chính quyền cộng sản bắt giam lần thứ hai ngày 22-3-84, chỉ một vài tuần trước khi đáng lẽ ông được rời Việt Nam để đi qua Úc đoàn tụ với con cái trong chương trình Ra Đi Trong Vòng Trật Tự. Qua tập tài liệu công an “Những Tên Biệt Kích”, người ta nhận thấy rằng việc lựa chọn thời điểm để bắt ông là một việc có tính toán và có chỉ thị hẳn hoi; điều này chính những kẻ bắt ông đã công khai xác nhận. Thủ đoạn tiểu xảo này không những bỉ ổi và độc ác mà còn nói lên thực chất tráo trở, bịp bợm của chính quyền cộng sản Việt Nam đối với những quy ước và nguyên tắc bang giao quốc tế. Nếu những kẻ lãnh đạo Việt cộng nghĩ rằng họ đã biểu diễn thiện chí “sửa sai” bằng cách đưa nhà văn Doãn Quốc Sỹ ra trước một phiên tòa để tròng vào cổ ông một bản án nhằm hợp thức hóa cho việc bắt bớ giam cầm, thì họ thực sự lầm lẫn trong sự ước đoán phản ứng của dư luận quốc tế trước những thủ đoạn của họ. Bởi lẽ, ngay việc xét sử cũng đã vi phạm một cách trầm trọng và trắng trợn các nguyên tắc pháp lý tối thiểu mà bất cứ quốc gia bình thường nào cũng sẵn sàng tôn trọng. Trong bức thư viết ngay sau phiên xử, gửi đến các giới chức chính quyền cộng sản Việt Nam, luật sư Mario Starsi đã nhắc nhở họ: “Tất cả các nước có nền tư pháp tự do đều chấp nhận sự có mặt của các luật sư biện hộ ngoại quốc và các quan sát viên được Liên Hiệp Quốc công nhận hoặc do một luật sư đoàn gửi đến. Sự có mặt đó là một bằng chứng xác định tính độc lập của các định chế tư pháp và là một sự bảo đảm các quyền căn bản dành cho các bị cáo. Việc khước từ không cho phép sự hiện diện của một luật sư hay một quan sát viên ngoại quốc sẽ được duyệt theo quy tắc rất có ý nghĩa này về việc điều hành các định chế tư pháp và về các giá trị mà một xã hội có thể tuyên xưng trước dư luận thế giới”.

“Tôi chiếu theo nguyên tắc phổ quát được các nước dân chủ chấp nhận về sự tự do lựa chọn người biện hộ và quyền tự do thi hành việc binh vực bất kể tội phạm và quyền tài phán (…) không có một quy định nào của công pháp quốc tế có thể làm cản trở việc tự do đi lại của các luật sư để thi hành các quyền biện hộ. Các quốc gia dân chủ và ngay cả các quốc gia có ý thức hệ khác đều chấp nhận cho các luật sư biện hộ trước các tòa án bất kể quốc tịch của họ”.

Khía cạnh pháp lý (và phi pháp lý) của vụ “xử” nhà văn Doãn Quốc Sỹ như thế, đã được phân tích và công bố một cách quá đầy đủ bởi vị thủ lãnh Luật Sư Đoàn Paris. Tổ chức Liên Hiệp Quốc Nhân Quyền nhân dịp này cũng đã được liên lạc; đồng thời là việc liên lạc trực tiếp với quốc hội Âu châu và một số tổ chức có đại diện tại Liên Hiệp Quốc, nhằm cùng nghiên cứu việc gửi một phái đoàn quan sát viên đến Việt Nam, nếu việc kháng cáo được chấp thuận theo đúng nguyên tắc pháp luật chung. Vậy, vấn đề còn lại chính là sự chờ đợi một thái độ đúng đắn và khôn ngoan tối thiểu của những kẻ lãnh đạo chính quyền tại Việt Nam. Trong chiều hướng này, người ta có thể nhìn từ thái độ đó và từ diễn tiến của nội vụ, để ít nhiều đọc thấy dấu hiệu của một viễn ảnh về thế tương quan quốc tế trên mặt ngoại giao giữa “nước” CHXHCN Việt Nam và các quốc gia khối tự do. Nếu muốn tự chứng tỏ một cơ chế xã hội bình thường tối thiểu để có đủ tư cách sinh hoạt trong cộng đồng quốc tế, những kẻ lãnh đạo chính quyền cộng sản hiện nay không thể có sự lựa chọn nào khác hơn là tôn trọng những nguyên tắc pháp lý căn bản mà họ đang được nhắc nhở một cách lịch sự và nghiêm khắc.

Trong khi chờ đợi, chúng ta có thể ghi nhận rằng vụ “xử” ngày 17-4-88 đã cung cấp thêm một dữ kiện mới nhất để dư luận quốc tế có cơ hội nhìn thấy rõ hơn thực trạng đang diễn ra trên đất nước Việt Nam, dưới nhiều khía cạnh cùng một lúc. Đó có phải là một điều may mắn chăng, đối ngay cả những người vẫn còn mơ ngủ về bản chất của một xã hội độc tài đảng trị.

7-1988

Đào Trường Phúc