Nguyễn Mạnh Trinh

13 Tháng Chín 20178:39 SA(Xem: 8739)

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ,và hai mươi năm văn học miền Nam (1954-1975)

Nguyễn Mạnh Trinh

 

“Ở thế giới Thực Dân Tư Bản, người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; 
ở thế giới Thực Dân Cộng sản ngươì ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. 
Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được 
bằng Tình Thương Yêu rộng rãi và chân thành...”
Doãn Quốc Sĩ.

Năm 1954, hiệp định Genève chia đôi đất nước và cả triệu người từ miền Bắc vào Nam di cư và lập nghiệp. Và chính ở cột mốc thời gian này, một nền văn học mới được hình thành ở miền Nam với phong cách khác so với những thời kỳ trước. Tạp chí Sáng Tạo của một nhóm các nhà văn di cư đã góp phần để tạo dựng một nền văn học tự do và khai phóng mà một con đường văn chương mới được vạch ra với một tâm thức mới.

Có nhiều người phân vân khi trả lời có hay không nhóm Sáng Tạo, vì thật ra tất cả những cây bút như Mai Thảo, Trần Thanh Hiệp, Doãn Quốc Sỹ, Thanh TâmTuyền, Tô Thùy Yên, Cung TrầmTưởng, Thái Tuấn, Duy Thanh, Ngọc Dũng, Cung Tiến, ... mỗi người đều có phong cách cũng như tâm thức riêng và họ chỉ góp mặt trong một tạp chí theo một con đường của cá nhân họ. Nhưng, một điều rõ ràng là từ những đóng góp ấy, đã tạo được một cá tính đặc sắc cho cả một thời kỳ văn học và ảnh hưởng của họ rất lớn, có thể coi như là đến ngày hôm nay.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ trong bài viết “Nhìn lại một thời” đã viết về những ngày đầu tiên tham dự vào văn chương của mình như sau:

“Năm 1954, hai vợ chồng tôi cùng hai đứa con gái đầu lòng và cô em gái năm người cả thảy ra phi trường di cư vô Nam. Danh từ thời thượng là Bắc Cờ năm mươi tư.

Thuở đó, tôi còn là sinh viên, gặp Trần Thanh Hiệp sinh viên Luật khoa chúng tôi bèn thành lập đoàn thể Đoàn Sinh Viên Hà Nội Di Cư (ĐSVHNDC) Trần Thanh Hiệp đứng ra làm chủ tịch.

Để giới thiệu ĐSVHNDC nhân dịp chào mừng mùa xuân năm đó chúng tôi cho in tập Xuân Chuyển Hướng. Tôi còn nhớ trước năm 1954, thuở còn ở ngoài Bắc tôi sớm có khuynh hướng viết văn, hoàn tất được một truyện ngắn đầu tay dưới dạng một truyện cổ tích mang tên là “Sợ lửa”. Di cư vô Nam năm 1954 may sao tôi có mang theo bản thảo Sợ Lửa và cho đăng vào tập Xuân Chuyển Hướng này! Thế là như lửa gặp gió, tôi tiếp tục... sáng tác để chính thức đi vào nghiệp cầm bút của nhà văn bên cạnh sự nghiệp cầm phấn của nhà giáo sau này.

Sau tập Xuân Chuyển Hướng tôi đứng ra làm chủ nhiệm tờ tuần báo Người Việt nhưng cũng chỉ ra được vài số là đình bản. Sau đó gặp thêm Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, hai họa sĩ Duy Thanh và Ngọc Dũng nữa, thế là chúng tôi xúm lại chủ trương nguyệt san Sáng Tạo vào cuối năm 1956 thì phải, nếu tôi nhớ không nhầm. Tòa soạn Sáng Tạo ở đường Ký Con. Truyện dài đầu tay Dòng Sông Định Mệnh của tôi đăng trên Sáng Tạo trước khi in thành sách. Sáng Tạo ra được tới số 30 hay 31 thì đình bản. Các văn hữu từ đó vẫn gọi nhóm chúng tôi Mai Thảo - Nguyễn Sỹ Tế - Ngọc Dũng - Duy Thanh là nhóm Sáng Tạo. Tòa soạn ở đường Ký Con!”

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ sinh ra và trưởng thành trong một giai đoạn lịch sử đặc biệt. Như một câu ví von của ông : “Ba sinh hương lửa“ thành nhan đề của một tập trong trường thiên Khu Rừng Lau. Các nhân vật đã sống trong thời đại Pháp thuộc, Nhật thuộc, rồi Việt minh, rồi đảng phái Quốc gia, rồi ở lại kháng chiến, rồi trở về thành phố mà thời ấy gọi là về Tề, bao nhiêu là biến chuyển, bao nhiêu là cảnh bể dâu. Rồi hiệp định Genève chia đôi đất nước, rồi chiến tranh tiếp diễn... Hình như, sống trong thời đại ấy, định mệnh đã đẩy con người đi vào những lối ngõ khác nhau và cho đến bây giờ, hàng triệu người lưu lạc xứ người và cuộc chiến vừa qua tới bây giờ vẫn còn hậu quả. Cuộc đời đầy những chuyến ra đi, rời quê Bắc vào Nam, rồi lại phải ra đi lần nữa. Lịch sử toàn là những chia ly tan tác.

Thế mà, ông viết văn trong cái tâm thái ung dung, dù đang trong cảnh tù giam bức bối, hay chịu những o ép nặng nề về chính trị. Vẫn thái độ tin vào mình, tin vào người, tin ở những điều tốt đẹp của cuộc sống. Độc giả khó tìm thấy những lời hằn học, những tâm trạng phẫn nộ. Viết văn, với ông là một phương cách của “văn dĩ tải đạo“ Viết, như một cách để làm đời sống đẹp tươi thêm …

Những lúc thấy những cảnh tráo trở tàn nhẫn của người đời với nhau, tôi lại giở những “Gìn vàng Giữ Ngọc“ hay “Chiếc chiếu hoa cạp điều“ ra đọc. Những lúc buồn nhớ về quê hương, tưởng tượng ra những Hà Nội, những Sài Gòn, tôi đọc “Dòng sông định mệnh” để thấy mình tìm lại cái rung động thuở nào khi đọc những câu thơ tả lại cảnh đạp xe theo một tà áo trắng những câu dễ thương

“... Em nghèo ta có giầu đâu.

Tịch liêu đổ xuống đôi đầu ngẩn ngơ.

 Hoe đôi mắt em vơ tà áo.

 Áo trắng bong ảo não hồn trinh.

 Lòng ta gợn gió ngây tình.

Theo em nào biết chúng mình về đâu...”

Mặc dù nhà văn Doãn Quốc Sỹ ít làm thơ bởi vì ông quan niệm rằng thơ khó chuyên chở ý tưởng so với tiểu thuyết, truyện ngắn hoặc kịch. Nhưng ông lại cho nhân vật của ông yêu thơ và thường có những bài thơ chen vào trong các tiểu thuyết của ông. Như trường hợp của Dòng Sông Định Mệnh hoặc về sau này khi viết ở hải ngoại như tiểu thuyết Mình Lại Soi Mình khởi đầu trong phần khai từ bằng hai bài thơ mà ông gọi là “giai thoại thi ca”

Và khi nào thấy đời sống có một chút gì sương khói, tôi đọc “Sầu mây”, “Vào thiền“… để mình tìm lại trong một góc cạnh nào của đời sống những ý nghĩ cao đẹp thánh thiện. Đọc sách Doãn Quốc Sỹ, không phải là để giả trí, mà để thấy mình trẻ lại, hồi sinh từ thưở nào, từ một giai đoạn nào của lịch sử, đã qua nhưng thiệt nhiều gần gũi. Thời thế, của một đất nước Việt Nam có nhiều dông bão và nếu bị cuốn trong dòng lũ ấy mà vẫn giữ được tấm lòng an nhiên tự tại không phải là điều dễ dàng ai cũng làm được, Thế mà, trong cõi văn chương Doãn Quốc SỸ, thái độ vô úy vô ưu đã là một cá tính rõ nét của riêng ông.

Có người nói rằng văn chương mà mang thời thế làm đề tài thường tuổi thọ không dài bằng những đề tài xoáy sâu vào chân dung con người muôn thuở. Viết về thời thế khó có tác phẩm lớn.

Nhưng tôi lại có ý nghĩ khác như vậy. Không có đề tài nào giới hạn cho những tác phẩm lớn. Nếu có tài năng, nhà văn sẽ viết những tác phẩm bất tử bất kỳ đề tài nào. Huống chi, một thời đại đặc biệt của dân tộc Việt nam nếu mô tả những cơn lốc thời cuộc sẽ có biết bao nhiêu chân dung con người điển hình cho những nhân vật tiểu thuyết tuyệt diệu...

Hình như, trong tiểu thuyết của Doãn Quốc Sỹ, thời thế đã đóng vai trò quan yếu và văn chương là những dấu hằn chẳng thể nào phai trong ký ức của dân tộc chúng ta.

Với “Khu rừng Lau”, những ngày kháng chiến chống Pháp được ghi chép lại với tất cả những nỗi niềm của người yêu nước nhưng bị lừa gạt bởi những ý thức hệ ngoại lai. Một tiểu thuyết trường thiên vẽ lại cả một thời kỳ hoành tráng của lịch sử mà trong đó con người bị cuốn vào những cơn lốc dữ dội.

Trong bài phỏng vấn của nhà văn Nguyễn Ngu Í ông đã nói về Khu Rừng lau:

“Xin trở lại khu rừng của chúng ta. Ban đầu tôi dàn rất mực đơn sơ, rồi càng viết, sự việc dồn dập, ý nghĩ kéo thêm thành trở nên rườm rà…

- Rườm rà như một khu rừng hoang?

- Một khu rừng hoang mà mình say sưa ra tay khai phá. Rồi cốt truyện nó biến, mình không ngờ. Từ một truyện ngắn, rồi từ một truyện vừa, nó trở thành một tiểu thuyết trường thiên...

Và anh chợt đứng dậy, quay ra sau, mở cửa kính tủ sách gia đình, lấy ra một quyển sách:

- Như quyển “Les frères Karamazov này. Trường thiên chứ không phải trường giang. Một quyển dày, nhưng gồm nhiều cuốn liên lạc mật thiết với nhau, ta phải đọc từ đầu đến cuối...”

Với những truyện ngắn như “Chiếc chiếu hoa cạp điều”, hay “Gìn Vàng Giữ Ngọc”, chân dung những con người tốt đẹp vằng vặc như trăng đã khiến cho độc giả cảm thấy cuộc đời không phải chỉ toàn người xấu. Trái lại người tốt rất nhiều và trong bất cứ hoàn cảnh nào, dù khốn cùng đến đâu, cái chất nhân bản vẫn rõ nét.

Quả thật, văn chương của ông bình dị không lên mặt dậy đời mà lại có sức thuyết phục. Thường thường, văn chương cũng như âm nhạc phải theo luật cân phương, có nghĩa là phải thể hiện được đời sống ở nhiều mặt tốt xấu và tất cả phải quân bình cân đối. Nhà văn thời danh Milan Kundura đã ví von công việc viết tiểu thuyết như soạn hòa âm, nhạc đề cũng cần phải có những dạo khúc hoặc những chuyển khúc và cân bằng nó là cả một vấn đề kỹ thuật tinh tế.

Thế mà, ở Doãn Quốc Sỹ, hầu như những nhân vật đều ăm ắp chất thiện ở trong. Ngay những nhân vật ở tuyến ác, cũng có nét khiến độc giả có thể bao dung được và không thể ghét bỏ hoàn toàn. Văn của ông, chuyên chở một phần nào cuộc sống và ở đó, đời sống của người Việt Nam đã được phóng chiếu qua những cảnh ngộ đặc thù của một thời đại đặc biệt.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là một khuôn mặt văn chương hàng đầu của hai mươi năm văn học miền Nam. Ông sinh năm 1923 tại ngoại ô Hà Nội lớn lên trong thời kỳ kháng chiến, dạy học ở Hà Nội và Nam Định, rồ di cư vào Nam năm 1954. Nghề chính của ông là dạy học và đã sang Hoa Kỳ tu nghiệp giáo chức trong hai năm. Trên bình diện văn chương, ông là một cây bút chủ lực trong nhóm chủ trương tạp chí Sáng Tạo và cũng là giám đốc nhà xuất bản cùng tên đã giới thiệu được nhiều tác phẩm có giá trị và nhiều cây bút tài hoa có khả năng.

Tác phẩm của ông gồm bộ trường thiên “Khu Rừng Lau” có bốn cuốn: Ba sinh hương lửa, Người đàn bà bên kia vĩ tuyến, Tình yêu thánh hóa, Đàm thoại, Độc thoại ; truyện dài: Dòng sông định mệnh, Sầu mây, Đốt biên giới; truyện ngắn: Gìn vàng giữ ngọc, Cánh tay nối dài, U hoài, Gánh xiếc; tùy bút : Vào thiền; khảo luận Người Việt đáng yêu;…

Sau năm 1975, ông bị chính quyền Cộng Sản bắt giam hai lần và sau những cuộc can thiệp của công luận thế giới ông được trả tự do và định cư ở Hoa kỳ với người con trai lớn ở Houston, Texas.

Trường thiên “Khu Rừng Lau” vẽ lại cả một thời kỳ nhiễu nhương của lịch sử Việt Nam. Đời sống của một lớp thanh niên tiểu tư sản được dựng lại trong cái phong cảnh hoành tráng của một đất nước không may trở thành nơi chốn đọ sức của những ý thức hệ quốc tế.

Những nhân vật như Miên, Kha, Tân, Hiển, Hãng, Lăng, Khiết… từ lúc trưởng thành, tham gia kháng chiến chống Pháp, rồi trải qua những ngày cải cách ruộng đất, trở về thành rồi di cư vào Nam, tất cả những quặn mình của cả một thế hệ được nhà văn tạo thành tiêu biểu.

Nhân vật chính là Miên và các nhân vật khác đã có cuộc sống đi qua suốt chiều dài lịch sử từ thế hệ mà tác giả mệnh danh là thế hệ Nguyễn Thái Học cho đến thế hệ trưởng thành trong cuộc chiến toàn quốc kháng chiến. Có những người như Khóa, Lãng, Khiết trực tiếp hoặc gián tiếp chịu ảnh hưởng của những đảng phái quốc gia như Việt Nam Quốc Dân Đảng hoặc Đại Việt. Còn các nhân vật thế hệ sau như Hãng, Hiển, Tân, Kha, Miên, ... thì mới đầu tham gia vào cuộc kháng chiến chống Pháp nhưng sau đó nhìn thấy bộ mặt thực của đảng Cộng sản Việt nam nên trở về thành và sau đó di cư vào Nam.

Tuổi tác họ chênh lệch nhau nhưng cùng có chung một mẫu số yêu đất nước như yêu tự do và cùng mong ước cho một ngày đất nước hùng cường. Cũng như, dù chịu ảnh hưởng của truyền thống văn hóa cổ truyền trên kính dưới nhường nhưng họ lại chịu nhiều ảnh hưởng của văn hóa Tây phương nên sự gặp gỡ và thông cảm có phần dễ dàng tự nhiên. Câu chuyện khởi đầu với thời thơ ấu của nhân vật Vũ Đình Tân trong cuốn đầu tiên của bộ trường thiên Khu Rừng Lau là cuốn Ba Sinh Hương Lửa rồi đến cô Miên trong cuốn thứ hai Người Đàn Bà bên Kia Vỹ Tuyến và tập ba tiếp theo là Tình yêu Thánh Hóa và sau là Những Ngã Sông Trên Dòng Đời.

Hình như, họ có chung nỗi hoang mang của những người trí thức luôn đi kiếm tìm cho mình một con đường nhưng lại thấy bơ vơ khi chọn lựa. Ở với kháng chiến, thấy lòng yêu nước bị lợi dụng bởi những con người Bolcheviks tàn bạo vô nhân, về thành thì thấy giặc Pháp nghênh ngang, chính phủ quốc gia chỉ là cái bóng. Di cư vào Nam, thì chế độ độc tài và gây ra nhiều kỳ thị bất công.

Nhà văn Võ Phiến trong Văn Học miền Nam – Tổng quan đã có đoạn viết về nhà văn Doãn Quốc Sỹ như sau:

“Còn Doãn Quốc Sỹ, ông làm chúng ta nghĩ đến một nhân vật của ông: Khiết. Khiết kiên trì theo đuổi con đường văn hóa nhưng đã trót đi vào con đường chính trị, biết những ngõ nghách của nó âu cũng thành nghiệp chướng của mình nên khó bỏ lắm. Khu Rừng lau phơi bày ra cái hiểm ác xủa chế độ này, lột trần nền độc tài nọ. Thái độ chính trị của tác giả luôn luôn biểu lộ trong tác phẩm. Tuy nhiên ông Doãn cũng như Khiết trước sau “kiên trì theo con đường văn hóa”. Ông chê cái này chống cái nọ vì nó ác nó xấu. Mà ông thì nhất tâm phục vụ cái thiện cái mỹ... Thiện tâm thiện ý của tác giả tỏa ra khắp tác phẩm : trong các truyện của ông Doãn nhân vật nào cũng tốt việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo nổi người xấu, kể nổi việc xấu. Đọc sách ông thơm tho cả tâm hồn. Truyện ông Doãn vừa có luận đề chính trị vừa có chủ tâm giáo dục…”

Dòng đời trôi, qua bao năm tháng, chiến tranh lại tiếp chiến tranh, hết độc tài Cộng sản đến độc tài gia đình trị, thế nước nghiêng ngửa như những cuộc đời ngả nghiêng theo. Bộ trường thiên này có lẽ là một phác họa lịch sử hoành tráng và tiêu biểu nhất của văn học Việt Nam…

Có nhiều người nhìn ngắm và định nghĩa thế nào là trường thiên tiểu thuyết trong văn học Việt Nam và trong những nhận định ấy rút ra nhiều kết luận từ nhiều ý kiến khá tương phản với nhau. Có người cho rằng phải có bề dầy đồ sộ và có thể là của nhiều truyện dài nối tiếp nhau thì mới gọi là trường thiên được. Nhưng lại có ý kiến rằng bề dầy của tác phẩm không đủ mà còn phải diễn tả đầy đủ một cuộc sống để vẽ lại những biến cố lịch sử của nhiều người và không phải chỉ của một mình tác giả. Và có nhiều ý kiến cho rằng bộ Chiến Tranh và Hòa Bình của Tolstoy đã vẽ lại được cả một thời thế với rất nhiều nhân vật tiêu biểu và đó là một bộ trường thiên tiểu thuyết mẫu mực.

Ở Doãn Quốc Sỹ, ông viết Khu Rừng Lau như một cách lý giải sự thất bại của những người quốc gia trong thời cuộc hiện đại. Họ là những người đã bị những tay sai quốc tế Cộng Sản đệ tam lường gạt trong công cuộc giành độc lập cho đất nước.

Nhưng đọc truyện ngắn của ông như “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều “ hay “Gìn Vàng Giữ Ngọc” mới thấy được cái Tâm vằng vặc của ông. Hoàn cảnh dù thế nào, con người dù ở trong cảnh ngộ nào, cái tình đối xử với nhau mới là quan trọng. Cái nghèo, cái khổ, cái đói không làm hạ giá trị được con người bằng sự tha hóa tâm hồn. Tình đời thường thay đổi cách ứng xử tùy theo giàu nghèo nhưng cũng có những trường hợp cá biệt như nhân vật xưng tôi trong “Gìn vàng giữ ngọc” hay “Chiếc chiếu hoa cạp điều“ trời làm loạn lạc, gây nhiều thảm cảnh nhưng con người với cái tâm hiền vẫn vòi vọi đứng không quỵ ngã. Văn phong đôn hậu, chữ nghĩa thật thà đã có tác dụng ảnh hưởng đến người đọc. Bao nhiêu năm trôi qua, tôi mỗi khi đọc lại những chuyện ngắn này thấy đời sống dù sao cũng còn nhiều người tốt và không phải chỉ toàn là lang sói và lừa lọc như những bi hài kịch thường diễn ra mỗi ngày của thực tế đời thường…

Trong truyện ngắn Gìn Vàng Giữ Ngọc, trước đây gần nửa thế kỷ, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã viết một câu văn thật hàm súc, mà suy nghĩ cho cùng tới bây giờ cũng có phần nào hữu lý tuy quá lý tưởng:

“Ở thế giới Thực Dân Tư Bản, người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới Thực Dân Cộng sản ngươì ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng Tình Thương Yêu rộng rãi và chân thành...”

Truyện dài Dòng Sông Định Mệnh mà theo lời chính ông là một cuốn sách bán chạy nhất của nhà xuất bản Sáng Tạo do ông điều hành và đã tái bản nhiều lần. Một tiểu thuyết rất lãng mạn thơ mộng và tác giả ví hai cuộc đời của hai nhân vật chính Thiệu và Yến như hai dòng sông, lúc cùng một nguồn lúc có những khúc quành trước khi xuôi ra biển cả. Thiệu là một họa sĩ, yêu sông và yêu trăng cũng như yêu người tình. Hai người quen nhau từ thuở ấu thơ rồi đời như hai dòng sông chia hai định mệnh. Thiệu yêu nghệ thuật, cũng như yêu đất nước, có tham gia kháng chiến nhưng vì là thành phần tiểu tư sản và cũng không thích hợp với phương cách hành động của người Cộng sản nên trở về thành và theo đuổi công việc phụng sự nghệ thuật. Những khúc quành của dòng sông chính là những thời điểm nóng bỏng của thời cuộc Việt nam và tạo thành những ngã rẽ trong đời Thiệu. Chàng họa sĩ yêu Yến nhưng cũng yêu nghệ thuật nên đành hy sinh tình yêu thần thánh của mình để sang Pháp du học. Ở Pháp, chàng kết hôn với Suzanne, một thiếu nữ rành âm nhạc và cũng yêu nghệ thuật không kém Thiệu. Và Dòng Sông Định Mệnh từ bắt đầu Khúc Quành Của Dòng Sông, đến Con Sông Dài đi Tìm Ánh Trăng Mười Sáu, rồi Hai Ngả Sông Đi về Đâu, Hai Nhánh Sông Gặp Gỡ, Thuyền Ơi Thuyền Thuyền Trôi Nơi Nao, Khúc Quành Con Sông Xưa, Đêm Trăng Thuyền Về Bến Cũ, và kết cuộc Sông Đã Tới Biển Còn Khúc Quành Nào Nữa Đâu?

Đoạn kết thật lãng mạn và mối tình của hai người có lẽ đẹp hơn cả những vần thơ mà Thiệu đã viết khi tuổi vừa mười sáu.

“Dù mai đây gặp nhau, dù hai ba mươi năm nữa, khi cả hai mái tóc đã pha sương mới gặp nhau, dù ba bốn mươi năm nữa khi cả hai đã da mồi tóc bạc mới gặp nhau thì phút đầu vẫn chẳng ai tránh được xao xuyến và riêng mình mình sẽ trấn tỉnh từ phút thứ hai trở đi vì: “Việc gì mà phải xao xuyến! Dòng sông định mệnh đã đổ ra biển rồi, có còn khúc quành nào đâu!”

Doãn Quốc sỹ còn là một nhà viết kịch dù một nhà phê bình cho rằng ông viết kịch không phải với chú tâm để trình diễn mà cố tình dùng để chuyên chở những ý nghĩ, những suy tưởng của mình.

Ông đã tự nói về vở kịch của ông: Trái Cây Đau Khổ với người phỏng vấn nguyễn Ngu Í:

“Kịch này được đăng làm hai kỳ trên tờ Dân Chủ chủ nhật của anh Vũ Ngọc Các vào khoảng năm 1956. Anh để ý thì thấy trong tác phẩm đầu tiên của tôi, quyển Sợ Lửa có rao sẽ xuất bản Trái Cây Đau Khổ. Thế mà mãi đến bảy năm sau nó mới ra đời được. Đây là tôi kể bao nỗi đoạn trường mà nó phải chịu. Tôi gom bốn vở kịch và lấy tên một vở làm tên chung cho cả tập, bốn kịch này sắp theo thứ tự thời gian soạn và đánh dấu bốn trạng thái của tâm hồn tôi. Kịch đầu là Một Mùa Xuân Tin Tưởng đăng trên tờ báo của sinh viên, Lửa Việt, số mùa xuân lúc cùng anh em sống ở làng Thăng long. Thời ở chẳng yên mà lại là thời cảm động nhây, tin tưởng ở cuộc cách mạng; lúc bấy giờ gặp các ông bộ trưởng, đổng lý văn phòng là anh anh tôi tôi thân mật với nhau không chút ngượng ngùng. Trái Cây Đau Khổ tôi viết xong năm 1955 bản thảo để trong Đại Học xá Minh Mang gặp lúc Bình Xuyên và chính phủ Ngô Đình Diệm xung đột tôi phải chạy tìm nơi ẩn trú xa Đại Học xá một tí, đạn súng lớn rơi trong khu đại học xá và trước nhà thờ gần đấy làm cho tôi càng lo cho xấp bản thảo này. Chạy về thấy nó còn y nguyên tôi rất đỗi mừng. Kịch thứ ba là Trăng sao đăng ở Sáng Tạo số 12 tháng 9 năm 1957 có cái duyên là được một độc giả dịch ra Hoa Văn, gởi một bản dịch ở tòa soạn cho tôi cùng một bức thư xin phép tôi để đăng nó vào một tờ báo ở Hồng kông. Tiếc rằng người bạn này không để lại địa chỉ và sau đó chẳng tin tức gì nên tôi không biết Trăng Sao chữ Tàu có xuất hiện ở cảng Thơm không. Sau cùng là kịch Tiếng Hú Tâm Linh viết năm 1960 và đăng ở nguyệt san Chỉ Đạo như anh nhắc. Tôi nhớ ông giám đốc Nha Chiến Tranh tâm lý hỏi anh Nguyễn Mạnh Côn tại sao lại chọn đăng một vở kịch có ngụ ý chống nhà cầm quyền. Kịch này vốn đã được kiểm duyệt rồi để in. Chính anh Hoàng Nguyên chủ tịch Hội Đồng kiểm duyệt lúc ấy cũng thích nó, không nỡ bỏ, mời tôi đến văn phòng để cùng thảo luận sửa chỗ này một ít chỗ kia một ít chớ còn để y như tôi đã viết thì rồi anh phải chịu một phần trách nhiệm nếu có người kẻ vạch. Tôi thấy đã sửa đi sửa lại, đã được phép xuất bản mà đăng ở Chỉ Đạo mà còn rắc rối thế, tốt hơn là để nó nằm im trong ngăn kéo. Chừng chế độ Ngô Đình Diệm đổ, tôi mới cho vở kịch lận đận này ra đời…”

Vở kịch Trái Cây Đau Khổ mang nhiều thông điệp của ông. Quan niệm sống và viết mà nhà văn Nguyễn Ngu Í đã kể lại khi phỏng vấn:

Nghệ thuật sống với nhau - nếu quả sống với nhau là một nghệ thuật - chính là những điểm đó.

Hãy dừng lại nơi thiện chí chân thành của nhau. Hãy gìn giữ cho nhau khỏi sa ngã. Dại gì mà dồn nhau vào thế cùng để cất lời bi quan: tình người vụ lợi? Hãy giúp nhau thổi thêm ánh sáng vào những lúc hồn chợt lóe bình minh để cùng chia vui giây phút thiên thần. Như thế mới là thái độ trân trọng, thái độ gìn vàng giữ ngọc cho nhau, vàng ngọc của tâm hồn.

Trước năm 1975, trong hai mươi năm văn học miền Nam, nhà văn Doãn Quốc Sỹ có vị trí của những người có bước chân đi tiên phong mở đầu cho một nền văn học có nhiều thành quả rực rỡ với tính chất nhân bản, khai phóng. Cũng vì thế nên bị chế độ Cộng Sản giam giữ hai lần và đấy ải trong những trại tù khổ sai khắc nghiệt nhất. Nhưng, dù thể chất yếu đuối nhưng với ý chí kiên cường sắt thép, ở trong tù ông vẫn giữ vẹn tư cách của kẻ sĩ. Và sau này, khi kể và viết về những ngày lao ngục ấy, ông vẫn giữ thái độ bình thản không hận thù dù vẫn kể lại những sự thực và thẳng thắn phê phán những sai lầm của chế độ hiện hữu…

 

2.

Với nhiều người bản xứ, hình như dư âm của cuộc chiến tranh Việt Nam vẫn còn nên văn chương và văn hóa Việt nam được đặc biệt chú ý. Tôi có một người bạn cùng lớp Creating & Writing học viết văn người Mỹ gốc Ý rất thích thú với văn chương Việt nam. Một bữa anh khoe với tôi tuyển tập “Việt Nam: A traveler’s literary companion” do John Balaban và Nguyễn Quý Đức chủ biên và rất đặc biệt chú ý tới nhà văn Doãn Quốc Sỹ với truyện ngắn “The Stranded Fish” (Con cá mắc cạn). Anh còn khoe đã được dự một cuộc hội thảo văn học với hai giáo sư Doãn Quốc Sỹ và Lê Hữu Mục tháng 6 năm 1999 tại University St Thomas ở Houston với đề tài “Living Two Cultures: A conference for Vietnamese – Americans”. Và anh hỏi tôi một câu: Bạn nghĩ thế nào về nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Nhà văn? Nhà giáo? một người hoạt động chính trị? Hay một người yêu nước bị chế độ đương thời đầy ải khi ở trong nước? Và một nhà văn luôn hướng về tương lai ở hải ngoại …

Có một người đã làm thơ để dường như trả lời giùm cho cá nhân tôi. Những câu thơ gợi ý và lấy từ những nhan đề của tác phẩm mà nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã viết trong suốt hơn một nửa thế kỷ cầm bút:

“Dòng sông định mệnh”, thiên thu

“Sầu mây” còn đỉnh mịt mù dương gian

nước non mấy nẻo quan san

lốc quay thời thế gian nan một đời

Đến. Đi. Đi. Đến. ngược xuôi

Quê hương. Đất lạ. chỗ ngồi bụi không.

“Khu rừng lau” lửa mênh mông

“U hoài “đâu tiếng bên sông gọi buồn.

Đường ranh lịch sử mỏi mòn

“Ba sinh “còn tấc “lửa hương” chập chờn

ngã tư bước rẽ không hồn

lưu lạc nào để mất còn hoang mang

“Đàm thoại, độc thoại “từng trang

“Tình yêu thánh hóa” trường giang mấy nguồn

biển khơi nào rã rêu rong

ai trăng lụn tưởng nến chong dặm ngoài

“Giữ ngọc” thôi cũng “gìn vàng”

sót thiên lương với ngỡ ngàng tâm tư

“Vào thiền” giây phút hoại hư

kiết già ngục tối mắt thù chăm chăm

trong tâm linh thoảng hương trầm

trong lênh đênh có lời thầm đinh ninh

Thì thôi, “Mình lại soi mình”

“Dấu chân cát xóa bóng hình nổi trôi

“Người vái tứ phương”, một đời

hoa thơm ngát để một trời mông mơ

kinh vạn quyển thiếu một tờ

chữ vô tự nẻo mịt mờ muôn năm

Tâm ai vằng vặc trăng rằm

Lời ca dao vẫn tiếng ngâm triệu đời.

Bài thơ đầy những tên tác phẩm của nhà văn thuộc vào hàng đầu của văn học miền Nam họ Doãn: Dòng sông định mệnh, Sầu mây, U hoài, Vào thiền, Khu rừng lau, Ba sinh hương lửa, Tình yêu thánh hóa, Đàm thoại độc thoại, Gìn vàng giữ ngọc, Mình lại soi mình, Dấu chân cát xóa, Người vái tứ phương, Đi,…và cũng nêu được tính chất riêng của một kẻ sĩ phương Đông. Luôn luôn chân thành và tin tưởng vào cuộc đời ở những khía cạnh nhân bản tốt. …

Những năm 1984-1985, nhà xuất bản Lá Bối ở hải ngoại có in một tác phẩm “Đi” với tác gỉa Hồ Khanh. Cuốn sách đã tạo ra dư luận xôn xao một thời lúc đó. Được in ở hải ngoại và chính ông là tác giả mang tên Hồ Khanh để ngụy trang. Về sau này có người hỏi ông tại sao lại lấy bút hiệu Hồ Khanh thì ông trả lời rất dí dỏm: “Hồ Khanh là hành khô nói lái lại đấy...”

Câu chuyện kể lại một chuyến vượt biên ở vào thời điểm mà cây cột đèn đường ở Sài Gòn cũng muốn xuống ghe tìm tự do như lời người dân ví von. Có những đại gia đình mấy chục người vùi thân nơi Biển Đông sóng dữ và cũng không biết bao nhiêu người bị bắt giam tù tội cũng như biết bao nhiêu gia đình bị tan nát sống lang thang vỉa hè vì vượt biên không thoát. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã mang chính cuộc đời những con cháu mình để tạo thành một tác phẩm vẽ lại một thời kỳ cực kỳ đen tối của đất nước. Người dân bị đẩy vào những cảnh ngộ không lối thoát và đã mang chính sinh mạng của mình và gia đình mình đánh bạc với rủi may. Chính vì chất bi thảm nên động tới lương tâm nhân loại và rốt cuộc mới có những đợt thuyền nhân và bộ nhân tới định cư ở các nước tự do.

Riêng với tôi, tôi biết những chi tiết trong “Đi” thực tới gần một trăm phần trăm và hình như rất ít hư cấu. Tôi vượt biên cùng chuyến tàu với gia đình con cháu của nhà văn Doãn Quốc Sỹ nên khi đọc lại những trang sách thấy mồn một rõ những nhân vật với cả những cá tính và cả hoàn cảnh nữa. Khi thường đi lại với người bạn cùng quân chủng Không Quân là con rể của nhà văn Doãn Quốc Sỹ ở căn nhà ở con hẻm đường Thành Thái tôi đã thấy được đời sống tuy thanh bạch mà rất nghệ sĩ. Sau khi bác Sỹ mới được thả về lần thứ nhất tuy công an rất để ý, nhưng ở nhà các con vẫn tụ họp ca hát những ca khúc ngày xưa mỗi khi có bạn bè mặc kệ công an, mặc kệ dò xét. Tôi nhớ có lần buổi tối ghé thăm thì thấy trước cửa con nít trong xóm bu đông lại xúm xít để nghe ca nhạc. Dù đời sống lúc đó khá thiếu thốn nhưng vẫn đầy tinh thần lạc quan. Trong hoàn cảnh căng thẳng như lúc ấy, không phải là dễ để có những phong cách như vậy.

“Đi” đã mô tả rất thực hoàn cảnh gia đình nhà văn cũng như cuộc sửa soạn chuyến vượt biển và những ngày trên biển Đông nên có sự lôi cuốn từ người thực việc thực. Những lá thư của con cháu gửi về tả lại đời sống ở trại đảo cũng như ở xứ người biểu lộ tâm tư khá tiêu biểu của những người bị dồn vào thế phải bắt buộc xa quê hương. Ra đi mà vẫn ngoái nhìn về đất nước với những người thân còn ở lại. Riêng tôi, tôi có cảm nhận rằng tác phẩm được viết ra với một tấm lòng thương con thương cháu vô bờ. Người thường nếu có tâm tưởng như thế cũng có thể viết xuất sắc huống chi một nhà văn nổi tiếng là đôn hậu thì sự lôi cuốn độc giả sẽ lên đến mức nào!

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã muốn cho đời sau một chứng liệu về một biến cố không những riêng của đất nước Việt Nam mà còn cả chung của thế giới nữa. Tại sao cả triệu người muốn rời bỏ đất nước mình trong khi tâm lý của người Việt Nam không muốn rời xa quê cha đất tổ? Đông lực nào đã đẩy họ đi vào một cuộc phiêu lưu, đánh vật với biển cả, với dông bão, chiến đấu với những loài người tàn ác: công an ở nội địa Việt Nam và hải tặc ở ngoài khơi Biển Đông? Bao nhiêu người đã chôn thân xác ở dưới đáy biển lạnh? Bao nhiêu oan hồn bây giờ vẫn còn trôi nổi theo từng đợt sóng dữ loạn cuồng? Những câu hỏi ấy đã làm thành nội dung của tiểu thuyết “Đi” mà nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã ký dưới bút hiệu Hồ Khanh để in và phổ biến ở hải ngoại. Tiểu thuyết này bắt đầu với đại gia đình sum họp để oái oăm khởi sự cho cuộc chia ly:

“Mẹ con sau hai mươi sáu năm trời xa cách (trên một phần tư thế kỷ) được gặp nhau trước tết, lũ cháu nội ngoại được quây quần bên bà ríu rít chuẩn bị đón Xuân. Lũ cháu ngoại là đám con của Quy, đứa con gái đứng hàng thứ tư trong tổng số bảy đứa con của cụ. Như vậy là sau hiệp định Genève 1954 ba con trai hai con gái ở lại miền Bắc, hai đứa (thằng trưởng và Quỳ) di cư vô Nam. Cháu nội cũng như cháu ngoại, mặt mũi đứa nào cũng vằng vặc, mô Phật, và nhất là đức nào tâm địa cũng trung hậu, điều này làm cụ mừng nhất. Suốt từ 1954 đến nay có ngày đêm nào cụ quên niệm Phật đâu! Nam mô đại từ bi cứu khổ cứu nạn linh cảm Quan Thế Âm Bồ Tát” Nam mo Địa Tạng Vương Bồ Tát độ cho gia đình con sinh tâm hiền diệt tâm tham trên thuận dưới hòa một nhà êm ấm!

Tối lũ nhỏ nội ngoại tranh nhau ngủ với cụ (kể cả đứa lớn mười lăm mười bảy tuổi) để cụ gãi đầu xoa lưng trước khi ngủ.

Hạnh phúc mẹ gặp con, bà gặp cháu của một đại gia đình thương yêu hòa thuận không bút nào tả xiết. Vậy mà cụ có ngờ đâu sau đó chỉ ít lâu cụ chứng kiến cảnh chúng nó ra đi dần, có đứa bị bắt giữ rồi được thả, rồi lại ra đi nữa...”

Đã có nhiều người viết về những trang bi sử thuyền nhân biển Đông, có những cảnh ngộ thương tâm, có những hoàn cảnh tử biệt sinh ly đau đớn làm người đọc không cầm được nước mắt. Tuy cũng có cảnh người đối xử với người man rợ thú vật, nhưng nhân loại cũng có những người của những quốc gia giang tay cứu vớt thuyền nhân vì tình người. Tiểu thuyết "Đi" của tác giả đã viết trong chiều hướng lạc quan, của những người tin rằng ở trên cao có Thượng Đế, có Trời Phật để phù hộ và giúp đỡ con người đang gặp cảnh nguy hiểm khốn cùng. Tiểu thuyết này ông viết vào năm 1980 lúc cao trào vượt biển đang ở cao độ và cũng là lúc con thuyền của hai vợ chồng con rể và con gái ông đến bến bờ tự do. Ông viết, có khi như là một cách thế để ân tạ đất trời…

Ông cũng viết truyện ngắn “Chuyến xe” và “Bố Về” gửi ra hải ngoại và được in trong tuyển tập “Tắm mát ngọn sông đào” như những chứng liệu của văn chương phản kháng của những nhà văn nhà thơ còn ở trong nước gửi ra thế giới bên ngoài. Những câu chuyện của một người tù của chế độ Cộng sản sau những ngày bị đầy ải trở về với gia đình trong Bố Về hay chuyện kể của người con đi thăm cha trong “Chuyến Xe” là những chứng tích của một thời đại mà nhà tù nhiều hơn trường học và cả nước là một nhà tù lớn mà ở đó một nhúm người lại có toàn quyền sinh sát, toàn quyền định đoạt số phận của cả dân tộc Việt Nam bằng chế độ độc tài toàn trị. Ông còn nêu lên sự tha hóa cùng cực của một xã hội mà căn bản đạo đức thông thường không còn được tôn trọng và cái chủ trương bất cứ điều gì cũng làm hết miễn có lợi trước mắt giống hệt cái chính sách cứu cánh biện minh phương tiện trở thành nguyên nhân của sự sa đọa trong xã hội.

Tiểu thuyết "Người Vái Tứ Phương" mà nhà văn Doãn Quốc Sỹ hoàn tất năm 1982 sau bảy năm toàn thể miền Nam bị sống trong cảnh đọa đầy. Tác phẩm này được nhà xuất bản Văn nghệ in năm 1995 ở hải ngoại và là một nét đặc thù của tư tưởng của ông. Mặc dù ông đã bị chế độ vùi dập tù đầy nhưng ông vẫn giữ nguyên tâm hồn thanh thản và đôn hậu và chủ trương đem nhân ái thương yêu hóa giải tham tàn hung bạo. Nhân vật xưng tôi của Người Vái Tứ Phương là người: “năm 1970 tôi tốt nghiệp bác sĩ Y khoa tại sài Gòn hai năm sau tôi được cử đi tu nghiệp thêm một năm về Vi Trùng học cũng tại đại học Connecticut” Còn giáo sư Hoàn “tốt nghiệp tiến sĩ ngành Sinh vật Học tại dại học Connecticut năm 1968 “nên cả hai người thân nhau và nhất là cùng có sở thích là chiêm nghiệm đời sống bằng tử vi và Dịch lý. Hai người cùng sống trong một chế độ mà trí thức bị coi là thành phần không cơ bản và bị dòm ngó rình rập. Nhất là lúc ấy phong trào vượt biên đang ở độ cao nhất. Mọi người thấy không thể sống nổi ở một chế độ như vậy, bất công đầy dẫy, kinh tế suy sụp, ngăn sông cấm chợ, đạo đức suy đồi, nên đành phải ra đi liều chết để tìm một đường sống. Giáo sư Hoàn đã xem tướng số giúp bao nhiêu người nên rất hiểu biết hiện trạng xã hôi. Ông cũng đã xem tướng số cho cả những tên công an, là thành phần cơ bản của chế độ dùng để đàn áp dân chúng. Ông khéo léo dùng lời nói để cảnh giác về những tội ác mà chúng đã phạm phải và khuyến khích làm những việc tốt giúp đỡ mọi người. Trong đó có một trung tá công an, người chấp pháp đã hỏi cung giáo sư Hoàn vì tội hành nghề bói toán và có những lời nói phê phán chế độ. Nhưng, sau cùng lại trở thành một người rất tin tưởng và theo lời dặn dò của giáo sư Hoàn mỗi nửa đêm ra bùng binh có tượng Phù Đổng Thiên Vương làm “người vái tứ phương”. Không biết giáo sư Hoàn có làm hắn bớt đi tính ác của nghề nghiệp công an của hắn không nhưng ít ra cũng gây ra được mầm thiện tâm cho những thành phần nồng cốt của chế độ sắt máu độc tài toàn trị. Những người trí thức chỉ có thể phản ứng như thế với chủ ý là đem chính nghĩa để thắng hung tàn đem chí nhân mà thay cường bạo. Không hiểu trong thực tế có ảnh hưởng gì không với thời thế hiện nay?

Thời sự đất nước đã ảnh hưởng rất nhiều đến văn chương của nhà văn Doãn Quốc Sỹ. Sau năm 1954, di cư vào nam sống cuộc sống mới ông đã trải qua nhiều thăng trầm, trải qua thời kỳ Đệ Nhất rồi Đệ Nhị Cộng Hòa, với bao nhiêu là biến cố ông đã viết bộ trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau với ý định phác họa lại sinh hoạt của nhiều thế hệ tuổi tác nối tiếp nhau theo bước chân đi của lịch sử.

Sau năm 1975, qua một giai đoạn khác, cả nước sống dưới chế độ Cộng sản độc tài toàn trị vừa khắc nghiệt vừa bất nhân nên tình trạng của mọi phương diện đều bị xuống cấp và sa đọa đến mức khó tưởng tượng nổi. Ông đã phải trải qua 12 năm trong tù Cộng sản nhưng khẳng khái trước tòa và bất khuất trong khi bị tù giam nên đã thành một biểu tượng của kẻ sĩ miền Nam. Thái độ và hành động của ông đã làm lay động sâu xa lương tâm của những người trí thức trong nước và hải ngoại. Ông viết "Mình Lại Soi Mình" như một cách thế nhìn lại những sự kiện đã qua để tìm một phương cách sống tốt đẹp.

Truyện dài Mình Lại Soi Mình bắt đầu bằng một giai thoại thi ca. Dù quan niệm rằng thi ca khó lòng chuyên chở hết ý tưởng của mình nhưng ông lại sính thơ một cách đặc biệt. Như trong trường hợp mở đầu truyện dài này. Bốn câu thơ hỏi và sáu câu thơ của bài đáp tao thành nguồn cảm hừng cho tác giả

Những câu thơ vấn đáp đó là:

”Lúa Thủ Thiêm ngọn chìm ngọn nổi

Gió xa lộ lúc thổi lúc ngừng

Gặp nhau tay bắt mặt mừng

Vui thì vui vậy biết chừng nào xa”

Và bài đáp lại:

“đỉnh trời vằng vặc gương nga

long lanh soi tỏ lòng ta lòng mình

gương trong mình lại soi mình

thấy tình thăm thẳm thấy hình phù du

nẻo đời gió bụi kỳ khu

biết ai còn mất tình thu võ vàng”

Mình lại Soi Mình là chuyện cô Phượng trong thời gian nằm chờ để được bốc lên ghe lớn đi vượt biển ở một căn gác xép ở Vũng Tàu đã đọc lại những bản nháp của những bức thư cô gửi cho “ông nhà văn” như một cách gửi gấm tâm sự. Thơ không đề địa chỉ người gửi và cũng không chờ đợi hồi âm mặc dù lòng cô rất mong muốn. Tất cả là mười một lá thư cô gửi lần lượt cho đến khi ông nhà văn bị Công An bắt. Và cô đọc lại, trong thời gian chờ đợi chuyến đi dài lê thê, chiêm nghiệm lại những tháng ngày trải qua với những biến động lịch sử của những người thân trôi nổi theo thăng trầm của thời thế. Cô nhớ lại đời sống của cha cô, một người đã thù ghét Cộng Sản và có một sự tương đồng với ông nhà văn ở thái độ chính trị này. Đời của cha cô đã nếm thật nhiều kinh nghiệm cay đắng và từ đó đã hiểu thật rõ bộ mặt thật của họ. Rồi lần giở những lá thư, cô nhớ đến Họa, người bạn trai và là một người lính đã tử thủ 78 ngày ở An Lộc và có những kinh nghiệm về một cuộc chiến đẫm máu, không phải chỉ là xương máu của chiến sĩ hai bên mà của cả dân lành vô tội nữa. Cô lại nghĩ đến người anh tên Trung, là một bác sĩ và cũng trải qua những tháng ngày của những người ở về phía bị thua trận, thấy những ngu dốt của những người lãnh đạo mà vẫn phải ép bụng chịu đựng. Chiến dịch đánh tư sản làm cô nhớ lại người dì giàu có thời trước và bị mất nhà mất cửa của cải bị tịch thu của người dì và rồi cũng phải để lần lượt chồng và con tìm lối thoát bằng cách vượt biển tìm tự do. Phượng lại nhớ tới một người trong họ ở phía bên kia, chú Khôi, kể về những kinh nghiệm sống của một người trí thức sống và cảm nhận từ đời sống tối tăm được gọi là xã hội chủ nghĩa. Cô lại nghĩ về anh Trung và những câu chuyện kể về những ngày bị tù tội vì bị gọi là ngụy quân của anh. Biết bao nhiêu là câu chuyện kể về những giai thoại của những người tù không bị kết án nhưng vô thời hạn như là một chứng tích rõ ràng của một chế độ rừng rú không tôn trọng pháp quyền …

Trong Mình Lại Soi Mình, nhà văn Doãn Quốc Sỹ muốn đi lại những chặng đường lịch sử, nhìn ngắm nó với suy tư và nhận định của một cô bé ngây thơ nhưng có lý tưởng. Ông quả thật đã gửi thật nhiều thông điệp tới độc giả và còn muốn gửi đến cho đời sau để phác họa lại một thời kỳ vô cùng tăm tối của lịch sử dân tộc Việt Nam. Thời của những chuyến vượt biên mà “những cột đèn đường cũng muốn ra đi”.

Tập truyện ngắn Cò Đùm được xuất bản ở hải ngoại là một thông điệp mà tác giả muốn gửi đến độc giả khi đã sang Hoa Kỳ sinh sống và đoàn tụ với con cái. Ở nơi chốn này, ông nhìn lại thời gian qua và tìm trong những tác phẩm đã viết của mình những nhận định mới. Cuốn sách gồm ba truyện ngắn và một vở kịch. Vở kịch “Tiếng hú tâm linh” của “Trái Cây Đau Khổ “ thuở nào với những suy tư đã gây ra nhiều phiền phức cho tác giả lúc trước. Cò Đùm là một truyện ngắn mà tác giả trong ngôi thứ nhất kể về một người bạn là một ông giáo đã sống và trải qua những ngày tháng của cuộc cải cách ruộng đất đấu tố địa chủ của Việt Minh Cộng sản. Ở đây ông dạy học và sống hoàn cảnh thiếu thốn mọi thứ của vùng kháng chiến. Người vợ của ông bị bệnh nặng mà nhà thương thì xa xôi không thể cáng đến được nên dù không tin tưởng nhưng cũng phải ép lòng để một anh y tá vườn chữa bệnh. Thế mà Cò Đùm, tên người y tá vườn ấy đã chữa khỏi bệnh và sau đó trở thành người học trò học chữ Pháp của ông. Khi ông sửa soạn để trốn vào thành thì Cò Đùm muốn gửi đứa con trai di theo nhưng ông từ chối dù rằng trước đó Cò Đùm đã giúp ông rất nhiều công việc với lòng hy sinh tốt đẹp. Trốn được vào thành rồi ông lại hối hận ray rứt vì tại sao lại từ chối một người tốt với mình như thế. Thành ra, sau này khi ông di cư vào Nam thường hay theo dõi hình ảnh những người chiêu hồi để mong tìm được và giúp đỡ người con của Cò Đùm qua hình ảnh nhân dáng của một người mà bao nhiêu năm qua ông vẫn nhớ mãi trong tâm…

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ muốn nói gì trong truyện ngắn này? Có phải sống ở trong chế độ đầy ải con người như thế, vẫn có những nhân cách đáng kính trọng. Những người học hành dang dở như Cò Đùm, dù lớn lên trong gia đình địa chủ nhưng vẫn mang tính chất của người nông dân chịu thương chịu khó, hiểu lẽ sống ở đời và chỉ mong một cuộc sống thuần lương hạnh phúc. Thế mà, lớp con cái của họ, vẫn bị ép buộc cầm súng đi vào chiến trường tham gia một cuộc chiến đã giết hại hàng triệu người và tiêu hao tiềm lực quốc gia trong suốt bao nhiêu năm. Họ vẫn phải gánh vác trách nhiệm với lịch sử mà đáng lẽ những tên mại bản buôn bán chiến tranh phải chịu. Họ phải chịu những oan nghiệt của một thế thời mà những nước nhỏ bị điều động sai khiến từ những cường quốc trên bàn cờ chiến lược thế giới.

Những tác phẩm của nhà văn Doãn Quốc Sỹ dường như có chung một mẫu số mà văn chương dùng để tải đạo và làm cuộc sống con người tươi đẹp hơn. Có rất nhiều nhận xét về ông, như là một nhà văn có chân tài, một nhà giáo tận tụy, một kẻ sĩ khí tiết. Như nhà văn đã quá cố Võ Đình đã viết: “sống ở một thời đại mà ngôn ngữ lạm phát thê thảm mà biết bao con người trở thành hời hợt trâng tráo, Doãn Quốc Sỹ ăn ở thanh bạch tình yêu quê hương gia đình bằng hữu về nhân đạo và danh dự… mà không mảy may e dè ngượng nghịu thiển nghĩ ông thật đáng yêu ở chỗ đó…”

Riêng với tôi, qua những tác phẩm mà tôi đã đọc được, tôi tìm thấy ông là một người thầy mà những tư tưởng chuyên chở trong đó những bài học giúp tôi trưởng thành hơn trong đời sống và tìm được sự an nhiên trong tâm hồn giữa một cuộc sống đầy áp lực ở đây…

Nguyễn Mạnh Trinh