Võ Đình

13 Tháng Chín 20179:18 SA(Xem: 7106)

DOÃN QUỐC SỸ và Tiếng hát tự lòng đất

Chúng ta có thể biết được cái hay cái đẹp của một cuốn sách ở mãnh lực của những cú đấm mà nó phóng vào ta, và ở thời gian ta tình nguyện chịu trận như vậy.

Gustave Flaubert

Tôi nghe nói (hay tôi đã đọc?) rằng gợi nên nỗi nhớ không gì bén nhạy bằng khứu giác. Một thoáng hương hoa, hương trầm, một mùi cỏ ướt, một mùi phân trâu, mùi áo cũ… “Xếp tàn y lại để dành hơi…” Lại có khi tôi nghe nói rằng chính vị giác và thính giác mới thật mãnh liệt: chất ngọt thơm của chiếc bánh madeleine ở đầu lưỡi… Tiếng ếch kêu xa mà nghe như ai gọi đò…

Đã 30 năm qua, tôi ăn ở với nàng hội hoạ, cho nên thế giới hình ảnh trong tôi trở nên quá no nê, quá thừa mứa.  Tôi sống vương giả trong đó, quá sung túc nên không còn nhớ nhung một hình ảnh cho bằng một mùi thơm, nuối tiếc một màu sắc cho bằng giai điệu.  Vì thế, chỉ nói riêng về âm thanh, âm thanh thôi chứ chưa phải âm nhạc, khi có dịp được người khác hiến tặng, tôi hưởng thụ một cách ê hề. 

Như Võ Phiến đã cho tôi nghe tiếng con ó đêm “kêu chão choẹt đâu đó suốt đêm trường” (Cỏ Bồng Phất Phơ). Mai Kim Ngọc đã cho tôi tiếng phong linh “nghe trong mà ròn rã như tiếng cười” (Một Chút Riêng Tư). Hay Kiệt Tấn, “tiếng động rần rật của bánh sắt trên đường rầy” (Vườn Chanh Miệt Biển). Tiếng kêu của một con chim, tiếng gió leng keng trong những vỏ ốc, tiếng “sầm sập, sầm sập” của bánh xe lửa, của những chuyến đi trong đời, rồi thì tiếng dế kêu sau lò sưởi củi (Van Gogh), tiếng “vạc kêu sườn núi trăng mờ đầu non” (Ca dao)… Và tiếng sáo diều. Tiếng sáo diều của người bạn mới “được” nhà nước xã hội chủ nghĩa chiếu cố đem ra xử cuối tháng Tư vừa qua, và ân cần trao tặng chín năm tù. Tiếng sáo diều của Doãn Quốc Sỹ…

Khu Rừng Lau, bộ trường thiên tiểu thuyết đồ sộ của Doãn Quốc Sỹ gồm bốn quyển. Quyển thứ hai là Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến gồm hai phần, do nhà Sáng Tạo xuất bản năm 1964. Với tôi như một độc giả. Chương Bảy của Phần Một, tuy chỉ có 43 trang nhưng là một trong những đoạn quan trọng nhất trong bộ tiểu thuyết mấy nghìn trang này.

Khăng khăng theo đúng truyền thống chết cha còn chú, ông Hạo lặn lội từ quê ra Hà Nội để hỏi ý Kha về lễ giỗ sắp tới của mẹ chàng, tức là chị dâu ông. Nhưng Kha quyết định từ trước là chàng sẽ về làng đích thân cúng mẹ. Miên, Hãng, và Hiển được mời về theo. Lễ giỗ khá tươm tất và đông đảo: có bà ngoại Kha, ông bà Hạo, bà Quân dì ruột Kha, bà Nụ, ông bà cả Bê, ông bát Thoại. Và cố nhiên có bà Phán hàng xóm, và Thi, con gái bà. Có cô Hĩm, con gái ông bà Hạo và chồng là Toản.

Sau bữa tiệc cỗ đầm ấm và nhiều xúc động – vì tình hình đất nước nói chung, gia cảnh mỗi người nói riêng – ai nấy ra về, chỉ còn Kha ở lại với chú thím. “Gió thu lạnh ghê, mùi lúa thơm phức, một thành sương trắng quấn ngang lũy tre một làng xa thành một đai tang, khói lam chiều ở từng mái bếp bốc lên như muốn lặng lẽ sưởi ấm cho thiên nhiên”…

Trong khung cảnh đìu hiu đó, Kha đã bưng một mâm cơm nhỏ có cái đùi gà luộc, xôi, và chuối qua thăm chị Cầu nay quá già nua và nghèo khổ (anh Cầu đi lính “ba-ti-dăng”). Trên đường về xóm, Kha gặp lại cô Ngân cũng đã trải lắm ê chề… Rồi Kha sang nhà bà Phán thăm Thi, nàng Thi với một buồng phổi ruỗng nát, với những cơn sốt âm ỉ về chiều…

“Kha từ biệt Thi rồi qua đêm đầu tiên chàng ngủ lại giữa lòng quê thân yêu.”

(…) “Kha thiếp ngủ đi lúc nào, không ăn cơm chiều. Bà Hạo buông màn và đắp cho chàng chiếc mền vải. Bà biết Kha có lòng thương người, bà thương Kha cách biệt gia đình trong thuở ly loạn, bà giáo chết, mẹ con chẳng được gặp nhau.”

(…) “Lạnh! Kha rùng mình, tâm trí bàng hoàng trong tiếng u u đều đều mà chàng chưa nhận ra là tiếng sáo diều. (…) Vô tình chàng quờ tay xuống ngực kéo chăn lên ngang vai. Không phải chiếc chăn len quen thuộc mà là tấm mền vải thoảng mùi mốc dễ chịu. Kha nhớ ra rồi, chàng ngủ ở quê! Buổi chiều khi sang chứng kiến cảnh nghèo của nhà chị Cầu, nghe tiếng khóc đau đớn dằn vặt của thằng bé để tưởng như tiếng khóc của dân tộc và ngay lúc đó Kha đã có ý nghĩ: giá những kẻ hiện được thực dân trao cho chút ít quyền hành, chúng có lòng thương dân tộc, biết ôm ghì lấy lịch sử dân tộc mà san sẻ niềm đau như hình ảnh chị Cầu với nét mặt xót xa bối rối ôm con lên, giá được như vậy”…

“Chị Cầu già đi rất nhiều, cảnh nghèo với biết bao lo âu đã làm bệ rạc thân hình chị. Còn đâu là sắc đẹp tràn trề sức sống thuở xưa… (…) Kha không được gặp anh Cầu nhưng Kha chắc chắn có gặp anh thì cũng lại gặp một hình ảnh xác xơ khác chứ đâu còn là anh Cầu đùa cợt hồn nhiên (Cầu có thói thình lình cởi truồng tắm sông để mấy chị con gái đang giặt áo quần la hét oai oái – VĐ) “Của giời cho, ăn cắp ăn trộm của ai mà sợ!”. Anh Cầu, chị Trác (Cầu) cũng như hàng triệu thanh niên nam nữ tại khắp miền đồng quê nước Việt tuy lớn lên trong cảnh nghèo của gia đình nhưng đi vào tuổi thanh xuân chan hòa sức sống. Bầu không khí của đất nước mà trong sạch (trách nhiệm của những kẻ nắm chính quyền) biết nuôi dưỡng họ (…) Tất cả những sức sống  phơi phới đó bị bạo lực xoi mòn, bị tham tàn bóp nghẹt cho rã rời tắt thở, sau cùng mụ mẫm đi mà chỉ còn biết sống theo bản năng.”

(…) Một tia sáng như hư như thực lọt qua khe cửa giúp Kha đoán là trăng hạ tuần đã lên. Chàng ngồi nhỏm dậy, khẽ vén màn, khẽ rón rén mở cửa rồi lách ra ngoài. Dưới ánh trăng mờ đồng hồ tay chỉ ba giờ rưỡi sáng. Tiếng sáo diều vẫn đều đều giờ đây nghe thật rõ .

Kha không ngờ sau bao ngày chinh chiến dân làng Định- Quyết vẫn còn giữ được thói quen thả diều sáo vào những đêm hạ và đêm thu.” (…)

Kha bước xuống sân ngẩng nhìn trăng hạ tuần giữa khoảng vắng lặng của cảnh vật: ánh trăng buồn bã chiếu sáng mấy vệt mây trắng bất động giữa đỉnh trời; bóng những lá cau phơ phất, những cây soan cao như những cây thông với những chùm lá thẫm nhòa nền trời; ngang tâm mắt, hình hàng rào duối dọc theo ngõ xóm in thành một vệt sẫm thẳng tắp.

Kha tiến tới mấy cây thấp gần đấy, những hạt sương long lanh như những hạt lệ của cảnh vật khóc rưng rưng khi nghe tiếng than van từ vạn cổ của sáo diều. Lòng se sắt Kha tưởng chừng như chàng có gom phần nước mắt của mình vào những giọt sương đó. Hình như tiếng sáo diều chung kết lại tất cả những mối sầu của tình quê kẻ còn (Ngân) cũng như người khuất (Tín). Ánh đèn thấp thoáng bên nhà chị Cầu. Chắc chị đã dậy sửa soạn tráng bánh. Có tiếng chày thịch thịch bên dậu thưa phía sau nhà Kha, tiếng chày mau và đều. Thốt nhiên nhịp theo tiếng chày đó một giọng hát cất lên, giọng hát êm tưởng như theo gió từ xa… xa lắm vẳng lại.

Kha đứng lặng như bị chôn chân xuống đất vì chàng chợt nhớ rằng tiếng hát đó, cũng như tiếng sáo diều kia chàng đã được nghe từ lâu lắm, từ ngày chàng còn nhỏ xíu luôn luôn khóc đòi mẹ ẵm lên lòng. Rồi từ đấy vì được nghe luôn nên chàng chàng không hề lưu ý tới những âm thanh và âm điệu đó, cho đến nay bặt một thời gian sáu bảy năm xa cách, tiếng hát đột nhiên xuất hiện vào giờ này để tự tô đậm nét trường cửu của nó. Tiếng hát giọng đò đưa buồn buồn, chơi vơi, xa vắng. Lời không rõ nhưng cảm giác thì như vậy. Tựa như thuở nào đến giờ cứ vào những giờ thanh vắng đó là tiếng hát nổi lên, tiếng hát như thoát lên tự lòng đất, kể lể nỗi niềm để vừa thoa dịu vừa làm cho thấm thía thêm những sầu hận của những kẻ chợt thức giấc đón nghe nó.”

(…) “Có tiếng lá cây xao xác tự đằng xa, rồi một đợt gió khác mạnh hơn ào ào tới như một đoàn âm binh trảy gấp vì một nhiệm vụ khẩn cấp. Kha vẫn đứng nguyên chỗ cũ hoàn toàn bị giọng hát thôi miên, hay đúng hơn để cho tâm hồn tan vào tiếng hát, xóa nhòa ý niệm về thời gian và không gian. Tuy nhiên chàng vẫn cảm thấy lạnh, cái lạnh của một tâm hồn cô đơn. Hình như chàng mỉm cười vì trong cái vô cùng cô đơn ấy chàng thấy rõ chiến tranh tàn phá gây biết bao cảnh đổi đời, nhưng có một cái gì đó mà không gì tàn phá nổi là tiếng sáo diều và nhất là tiếng hát kia, TIẾNG HÁT TỰ LÒNG ĐẤT, tiếng hát sầu dằng dặc nhưng là tiếng hát bất tuyệt vỗ về an ủi sự sống làm cho sự sống càng phì nhiêu và bất tuyệt như nó.”

Đó là lần cuối cùng Kha ngủ lại giữa lòng quê trước khi vô Nam sau hiệp định Genève.

Cũng vì thèm khát một “tiếng hát tự lòng đất” như vậy mà mùa hạ năm 1967 tôi hoàn thành mộc bản năm màu cực kỳ công phu, gọi là Giấc Mộng Con Diều.

Rồi mùa thu năm ấy, một đêm mưa tầm tã, tôi ngủ lại nhà một ông bạn vong niên gốc Bắc ở ngoại ô thành phố New York. Đã lên giường, với tay tắt đèn, tình cờ bắt được một cuốn sách dầy đọc chơi vài trang. Tôi đọc trọn cuốn đến gần sáng. Đọc đến “nhưng có một cái… mà không gì tàn phá nổi…” tôi khép sách, đặt lên bụng, nằm ngẩn ngơ. Hôm sau, hỏi ra thì được biết cuốn Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ Tuyến là của Nguyễn Ngọc Bích, hồi ấy còn học ở đại học Columbia, cho ông bạn mượn. Về nhà, tôi vội viết thư thăm “người không quen”, gửi về New York nhờ ông Nguyễn chuyển giao. Kèm theo thư, tôi đính kèm một cái ảnh màu chụp bức mộc bản Giấc Mộng Con Diều mới hoàn thành ba tháng trước.

Đúng mùng 1 tháng giêng năm 1968, Doãn Quốc Sỹ (DQS) lặn lội đi xe buýt Greyhound từ Nashville, Tennessee miền Nam nắng ấm lên tận cực bắc Pennsylvania khỉ ho cò gáy thăm tôi. Mùa đông vùng “tam bang” (NY, NJ, PA) đang ở thời kỳ khốc liệt nhất: bốn bề băng tuyết, có nắng vẫn lạnh ở độ âm, con sông Delaware nước thường chảy xiết đông cứng lại thành một vực sâu chết cứng. “Khách” phương xa người cao, gầy, phục sức xuề xòa, mặt vuông, nước da ngăm đen, hai mắt sáng, quyết liệt nhưng hiền hòa. DQS đã ở lại với tôi hai ngày đầu tiên của năm 1968. Cũng dễ đến mười năm sau, sau năm 1975, tôi mới được đọc Nguiễn Ngu Í viết về DQS:

… “Thật tôi không ngờ người sinh viên Văn khoa cao cao, gầy gầy, có cặp mắt u hoài ấy sau này lại đủ sức kiêm luôn ba nghề nặng nhọc và bạc bẽo nói trên (dạy học, viết văn, làm nhà xuất bản – VĐ) mà nghề nào cũng đánh dấu một cái gì. Thế mà từ chiếc lều con lạc lõng tại trung tâm thủ đô, sang căn buồng chật chội co mình trong khu Đại học xá Minh Mạng, đến gian nhà khiêm tốn anh tạo được trong cái hẻm đường Thành Thái, mười năm đã trôi qua, nặng nề, bực bội, anh vẫn giữ được cái niềm tin ấm áp trong đôi mắt hiền hòa, đôi mắt mà nhìn sâu vào, tôi có cảm tưởng rằng chúng không sợ lửa, mà cũng chẳng sợ giá băng.”

Nếu tôi đọc Võ Phiến, ngoài những lý do “thuần túy” văn chương ra, vì ông là người “đào được thật sau và biết thật kỹ về ý nghĩa của sự mất mát” (Làng Văn, số 43 tháng 3 năm 1988) thì tôi lại yêu đọc DQS vì một lý do “trái ngược”: ông Doãn là người có một lòng tin bao la và sâu sắc ở sự tồn tại. Ông Võ nhắn nhe: Còn đấy, nhưng coi chừng, thật ra chúng ta đã “mất”. Ông Doãn nhắn nhủ: Mất rồi nhưng xét lại cho kỹ, chúng ta vẫn “còn”. Mất còn, còn mất, hai nhà văn của chúng ta đã lấy cái lý vô thường và vĩnh cửu của cuộc nhân sinh để tặng cho chúng ta những bài học về tình yêu. Tình yêu cho quê hương dân tộc, tình yêu cho tông tộc gia đình, tình yêu bằng hữu, trai gái. Và tình yêu cho con người, cho cả những con người không “đáng” được yêu.

Trong cuốn Viết và Sống với… (Ngèi Xanh, 1966), Nguiễn Ngu Í hỏi DQS: “Tò mò một chút, anh nhé. Có người cho rằng trong các truyện của anh nhân vật chánh thường dễ thương, tốt, đẹp, phải chăng vì ngoài đời, anh đã từng chung đụng với những con người dễ ghét, xấu, hèn?” DQS trả lời: “Không phải thế đâu anh! Ngoài đời tôi có gặp người tốt, bạn hiền, nên tôi cho mình có quyền lý tưởng hóa một số nhân vật trong truyện mình.

Gần đây hơn, trong Văn Học Miền Nam, Tổng quan (Văn Nghệ, 1986), Võ Phiến viết: “Khu Rừng Lau phơi bày cái hiểm ác của chế độ này, lột trần nền độc tài nọ. Thái độ chính trị của tác giả luôn luôn hiển lộ trong tác phẩm. Tuy vậy ông Doãn (…) trước sau “kiên trì theo con đường văn hóa”. Ông chê cái này chống cái nọ vì nó xấu nó ác. Mà ông thì nhất tâm phục vụ cái thiện cái mỹ. Thiện tâm thiện ý của tác giả tỏa ra khắp tác phẩm: trong các chuyện của ông nhân vật nào cũng tốt, việc gì cũng có khía cạnh hay. Ông bất lực không tạo nổi người xấu, kể nổi việc xấu. Đọc sách ông, thơm tho cả tâm hồn”…

Đọc sách ông thơm tho cả tâm hồn”. Ông Võ Phiến khéo ví von. Mà ông cũng ví von thật khéo.

Một trong những truyện của DQS được bạn đọc yêu mến đông đảo nhất là Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều (1960). Kết luận truyện này DQS thổ lộ: “Sau này khi về vùng quốc gia, rồi di cư vào Nam tôi còn trải qua nhiều gian lao nghèo túng và nhiều lần bị khinh rẻ, nhưng dù nghèo túng đến đâu, dù bị khinh rẻ đến đâu, điều đau nhục nhất với tôi vẫn là chuyện chiếc chiếu hoa cạp điều, (…). (…) Cũng kể từ sau ngày xảy ra chuyện đó, thái độ tôi đối với người đời khác xưa nhiều. Tôi thận trọng tránh mọi thái độ hẹp hòi, kiêu ngạo, ích kỷ, sắc cạnh. Lòng dễ xúc động, tôi thương người như thương chính thân mình vậy. Tôi thương những em nhỏ sớm phải lăn lưng vào cuộc đời để tự nuôi sống, tôi thương những người đói khát ham ăn ham uống, tôi thương những hình ảnh lam lũ một sương hai nắng, những hình ảnh nghèo túng giật gấu vá vai, tôi thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác giữa kinh thành. Ở thế giới thực dân tư bản người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn; ở thế giới thực dân cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng tình thương yêu rộng rãi và chân thành. (…)”

Chưa hết! Ông đã từng kêu lên, kêu lên hoài, như một tâm niệm: “Chẳng ai làm bẩn được mình, cũng như mình chẳng thể làm bẩn được ai dù mình nắm trọn quyền hành. Chỉ những hiện thân của u tối, của thiện cận mới tưởng rằng nắm được quyền hành là nắm vững lòng người. Hãy quay trở về với chính mình (…) vun xới tâm hồn mình là chuốt lọc danh dự cho dân tộc, là gieo hưởng hạnh phúc cho đồng loại (…)” (Tiền Kiếp, 1960)

DQS nói lên những điều trên một cách khơi khơi, tỉnh bơ, nói đúng hơn có lẽ nên dùng một thành ngữ của người Anh, “with a straight face!” Bởi vì ông nói mà không có chút mắc cở. Bởi vì ông nói với tất cả sự nhiệt thành của một tấm lòng đôn hậu và một trí óc sáng suốt. Sống ở một thời đại mà ngôn ngữ lạm phát thê thảm, mà biết bao con người trở thành hời hợt, trân tráo, DQS nói chuyện ăn ở thanh bạch, về tình yêu quê hương, gia đình, bằng hữu, về nhân đạo và danh dự, v.v. mà không mảy may e dè, ngượng nghịu. Thiển nghĩ ông thật đáng yêu ở chỗ đó. Ông đáng yêu không phải chỉ vì cái cao thượng, cái phong phú của tâm hồn ông mà chính vì, như ông đã mượn lời một nhân vật của ông trong Cúi Đầu (1970): “Lời ông (…) nói thật có lý, thật thống thiết, lời nói của người đau khổ nội tâm nhiều, lời nói của kẻ cam chịu biết bao hủy diệt để đúc kết lấy một chút ít chân lý trong nhận định. Chân lý vẫn đơn giản nhưng chẳng phải ai cũng dễ nói lên được nó để xúc động kẻ khác”.

Cái lý tưởng của chàng thành niên trong “Chiếc Chiếu Hoa Cạp Điều” vẫn rực rỡ một cách hết sức hồn nhiên ở người trung niên và, tôi tin thế, ngay cả bây giờ, ở ông lão ngoài sáu mươi. Trong Con Chuột Chù (1966), sau khi nửa đêm loay hoay mãi mới đập chết được con vật xấu xí hôi hám, Kha đứng thần người nhớ lại hồi đi kháng chiến:

“Một số bạn Kha hỏi cung tù binh da trắng thường cố tình hỏi mỉa ý muốn thực sự làm nhục họ. Một số khác đông hơn đồng ý với Kha là nhục mạ tù binh không làm đẹp thêm chiến thắng của mình, trái lại nữa. Riêng với Kha, từ ngày ấy chàng đã có quan niệm: làm nhục người khác là làm nhục chính mình, nhìn người khác quỵ lụy – nhất là vì miếng ăn, việc thường hay xảy ra ở trại tù binh – chàng có cảm tưởng như chính nhân phẩm mình bị sa sút. Bất cứ một cá nhân nào, theo ý Kha, đều mang trọn vẹn hình ảnh nhân loại nói chung. Tước đoạt nhân phẩm của một cá nhân nào là thương tổn đến nhân phẩm của cả nhân loại” (…)

Đến như cái chết của một con chuột bấy lâu phá phách mà còn làm cho Kha nửa đêm đứng chống cái then cửa suy nghĩ vẩn vơ như vậy, huống hồ… Mà sở dĩ như vậy cũng vì DQS là một trong số những người Việt Nam un đúc và un đúc tới nơi tới chốn bởi cả hai nguồn tinh hoa văn hóa Đông Tây. Phật Lão Trang ở ông, đương nhiên rồi. Đồng thời, ngay cả trước thời gian đi tu nghiệp ở Mỹ (66-68) ông đã có những suy tưởng về nhân loại, nhân quyền, về bình đẳng xã hội, bình đẳng nam nữ, về giáo dục con cái, rất tiến bộ, rất “hiện đại”…

Tháng tư vừa qua, tại đại hội Văn bút Việt nam Hải ngoại, tôi được nghe luật sư/nhà văn Trần Thanh Hiệp, cũng là bạn thân lâu đời của DQS, diễn thuyết về ý thức người cầm bút. Tôi không nhớ rõ lời văn, nhưng đại ý ông Trần nói rằng DQS, tuy đang ở tù, là một người tự do. Ông Trần nói thật tha thiết và thật đúng. Nhưng khi tôi nghe ông bảo rằng DQS vẫn tự do vì ông (Doãn) không khuất phục trước bạo lực, thì tôi lại nghĩ rằng có lẽ ông Trần nói chưa chí lý. Tôi thiển nghĩ DQS là một người tự do vì ông biết thương người.

Những kẻ như chính người viết bài này và những ai trong số bạn đọc chưa từng trực tiếp chịu đựng những đớn đau nhục nhã do hoàn cảnh cốt nhục tương tàn gây nên, trước 75, sau 75, những người như chúng ta mà dám mở miệng nói về “tình thương xóa bỏ hận thù”, thật có một cái gì không ổn. Riêng tôi, tôi không dám nói rằng tôi có đủ tư cách và sức mạnh để làm việc đó khi phải trực diện với hoàn cảnh thực tại. Nhưng tôi nghĩ rằng, tôi tin rằng DQS, sau 4 năm “học tập” (1976-1980), sau bốn năm giam cầm (1984-1988) vẫn không thay đổi cái nhìn hướng về con người của ông.

Ngày xưa, gặp ngoài đường một ông tai to mặt lớn với những thành tích xấu xa mà DQS còn biết “thương những kẻ thù dân tộc hôm qua, ngày nay thất thế ngơ ngác đi giữa kinh thành”. Ngày nay, dẫu có đắng cay khổ nhục mấy đi nữa, ông còn biết nhìn với đôi mắt thương hại những công tố viên đang xỉa xói ông, những cán bộ chấp pháp đang truy vấn ông, những cai tù đang kềm giữ ông. Và như vậy, ông mới còn tự do, cái tự do ông trả với tất cả đớn đau ê chề, cả thể xác lẫn tinh thần. Trái tim của ông vẫn không suy suyển. Bạo lực có thể uy hiếp ông.  Nhưng bạo lực không cách gì đập nát trái tim ông và đặt vào đó một lò lửa căm thù. Ông chỉ căm thù bạo lực, ông không thể căm thù con người, dẫu dù đó là con người dùng bạo lực để hành hạ ông. Tất cả những ai đang mang lại khổ đau cho ông, và cho gia đình của ông, hãy ghi nhận, dù chỉ trong thâm tâm, hãy ghi nhận điều đó.

(…) “bầu không khí u uất – Cơn giông – Một trận mưa đổ xuống cho trời rạng dần – Tôi vẫn có ý nghĩ lạc quan thế để cười vào mọi điêu bạc, hèn hạ, ngu xuẩn của đời”…(Cánh Tay Nối Dài, 1966)

Trong cơn lốc tàn bạo của lịch sử, người người quay cuồng theo cái đà xoay bất tận của những chuỗi nhân quả oan nghiệt trùng trùng, DQS cũng không thể lạc vào cái mê hồn trận ấy. Nhưng tôi cũng tin rằng, ở đâu, bao giờ, ông cũng vẫn là con người chẳng những không có tội đối với đất nước quê hương, mà còn là một kẻ “chiến thắng”, “chiến thắng” lấy mình, trong nghĩa giữ vững được tư cách và tỉnh táo, trong nghĩa không quên rằng đao phủ thủ và kẻ tử tội đều là nạn nhân.

(…) “Đã lâu lắm kể từ ngày dời miền Bắc sau hiệp định Genève, di cư vào miền Nam ấm áp mưa nắng hai mùa. Huy không được gặp tiết thu.” (…) “Và hôm nay trước khi dời tân lục địa này, Huy vô tình bắt gặp một chớm thu khác.” (…) “Huy nhắm mắt lại cho tình thu thêm ngờm ngợp, gió ùa tới… ùa tới… ghê ghê lạnh, từng đợt từng đợt, liên tiếp liên tiếp, đẩy hồn chàng vào vũ trụ với lời nhắn nhủ thiết tha và bất lực (càng bất lực nên càng thiết tha) nhắn nhủ chàng hãy níu lấy thời gian này, không gian này, bám lấy không gian này, nơi trú ngụ hạnh phúc rực rỡ và mong manh: hãy níu bắt lấy hạnh phúc dù là bóng; hãy níu giữ lấy mong manh, dù tuyệt vọng. Sự níu giữ tuyệt vọng tự nó đã là cái đẹp rỡ ràng nổ tung vào vô tận để trở thành bất diệt rồi.” (Sầu Mây, 1970)

Tôi nghe kể lại rằng trong phiên xử ngày 27-4-88, sau khi công tố viên đọc lớn bản cáo trạng buộc tội “Doãn Quốc Sỹ và Đồng bọn” “chống phá cách mạng”, v.v. DQS đã có cơ hội phát biểu vài đôi lời:

“Tôi tin rằng chế độ nào cũng có hai mặt tốt và xấu, giống như con người vậy. Nhận định và phản ánh cái xấu là cũng để còn mong được cải thiện, còn mong được tiến bộ. Là những người cầm bút, chúng tôi có bổn phận phải làm việc đó. (…)

“Nếu tòa cứ nhất quyết phán xét vấn đề qua lăng kính đặc biệt của riêng tòa, thì tất cả chúng ta chỉ còn nước kẹt tuốt vào trong một cái vòng luẩn quẩn không lối ra, một cái vòng mà, thưa tòa, tôi đã cố hết sức tránh hoài rồi đó!”

Tôi cũng nghe kể lại rằng Doãn Quốc Sỹ đã nói như vậy một cách hùng hồn mà dung dị, tha thiết mà ung dung. Như hệt những khi ông đứng trên bục các lớp học ở đại học Sài Gòn, ở đại học Vạn Hạnh, mà nói với sinh viên. Bạn bị hành hạ, lòng tôi đau đớn. Nhưng tôi không khỏi mỉm cười nhớ lại nét mặt đam mê, đam mê mà sáng suốt, của ông khi ông giảng bài cho học trò. Và nhớ lại câu văn cuối cùng, kết liễu cuốn truyện dài Sầu Mây:

“Lên cao nữa phi cơ chui vào một vùng mây khói sầu giăng man mác, nhưng sao lòng Huy vẫn vời vợi chiến thắng? Có thể sầu mây lên cao thành niềm vui chiến thắng!

“Bao giờ chúng ta cũng là những kẻ chiến thắng – Huy tự nhủ thầm vậy – nếu chúng ta biết nhìn trước thấy dòng luân lưu của sự vật.”

Đầu năm 1970, tôi có gửi tặng Doãn Quốc Sỹ và gia đình một bức tranh sơn dầu vẽ trên vải. Chiều cao họa phẩm gần như chia thành hai bởi một nét cọ lớn từ tả sang hữu, sáng rực. Bên trên là không gian trống vắng mênh mông, thấp thoáng một hình tam giác bạc trắng làm người ngắm tranh nghĩ đến một con diều. Bên dưới, hình tượng và màu sắc chằng chịt, dữ dội, gai góc. Tôi có thư dặn ông khi cho vào khung, hãy đặt dưới kính. Ông viết thư phản đối, bảo rằng tác giả lẩm cẩm, tranh sơn dầu đời nào lại “xú-ve” (sous-verre), cứ để trần hay hơn. Tôi hồi âm, biện hộ cho sự dặn dò.

Khi tôi nhận được cuốn Sầu Mây (1971) mới ấn hành, đọc đến trang 230, tôi không khỏi mỉm cười. Đó là phần tư của lá thư Hương viết cho Huy từ New York, nói về cô bạn nữ họa sĩ Trâm mà nàng rất quí mến. Một hôm, hai bạn gặp nhau, và những gì Trâm nói với Hương thì gần như là nguyên văn của những lời biện hộ của tôi về việc dặn dò đóng khung bức tranh sơn dầu:

(…) “em theo Trâm về studio cùng làm cơm ăn. Em thấy trên tường treo một tác phẩm sơn dầu của Trâm mới vẽ mà lại đóng khung kính. Em phản đối Trâm sao lại đóng khung kính tranh sơn dầu. Trâm nhìn em đại lượng, rồi giọng Trâm thao thao, đại ý;

“Chị có thấy bức tranh đập vỡ lệ thông thường? Phần trên là bầu trời tím hồng, mịn màng, man mác, đó là tiếng hát, là tình thương, là an ủi, là vỗ về. Phần dưới là đổ vỡ, là uất ức, quằn quại, xót xa, tàn bạo, tiếng sắt tiếng chì. Nếu cắt bức tranh làm hai bức thì mỗi phần sẽ là một bức tranh hoàn hảo hơn, theo đúng luật thẩm mỹ thường lệ: nhưng tôi đã quẹt ngang khoảng giữa một đường chân trời sáng ửng như một bình minh trí tuệ, như một giây phút trăng thần thoại sắp lên. Sở dĩ tôi đóng khung cửa kính bức tranh là để tạo nên một vũ trụ xa vời, chưa nắm lấy được, chưa đi vào được. Quê hương còn khói lửa tang tóc thế kia! (…) “Chị có biết không, nếu như ngày mai đây chúng ta được hòa bình trở lại với quê hương, tôi sẽ mời chị lại đây cùng uống với tôi một chén trà, cùng thắp với tôi một nén hương, rồi cùng giúp tôi một tay gỡ kính ra, đập cho vỡ vụn, và nhìn nhau cả cười…”

Bức tranh đó, tôi đã lấy tên cái Chương Bảy nói trên mà gọi: Tiếng Hát Tự Lòng Đất, I. Từ ngày đó đến nay, cũng đã gần hai mươi năm.

Ấy vậy mà nghĩ về Doãn Quốc Sỹ, khi thì sống thiếu trước hụt sau ở nơi phố thị, khi thì khổ ải đớn đau trong chốn lao lung, tôi vẫn nhớ đến bạn trong khi tai nghe từ xa vẳng đến một âm thanh cao vút, một âm thanh “siêu thanh”, một tiếng hát tự lòng đất, tiếng hát sầu dằng dặc nhưng là tiếng hát bất tuyệt vỗ về an ủi sự sống làm cho sự sống càng phì nhiêu”…

Võ Đình

Hạ, 1988