Nguyễn Duy Linh

26 Tháng Chín 20179:41 CH(Xem: 8845)

Riêng tặng anh Doãn Quốc Sỹ nhân dịp anh bước vào tuổi tám mươi.

Nguyễn Duy Linh

 

Tôi được gặp anh lần đầu tại trường Sư phạm Saigon khoảng đầu thập niên 1960 trong lễ khai giảng niên học khi chúng ta cùng được giới thiệu trong thành phần ban giảng huấn với các giáo sinh.  Trước đó anh làm việc ở Hà Tiên và đã thành danh với những truyện ngắn trong tạp chí Sáng Tạo; trong đó có truyện “Chiếc chiếu hoa cạp điều” được rất nhiều người hâm mộ. 

 

Cảm nghĩ ban đầu của tôi về anh là “Ông này có vẻ nhà giáo nhiều hơn nhà văn” – từ y phục đến cử chỉ hay lời nói không một chút kiêu mạn hay kiểu cách cố làm ra vẻ khác người thường thấy ở những vị đã nổi danh hoặc có đôi chút tiếng tăm.

 

Sau này dự các buổi nói chuyện về văn học của anh tại giảng đường trường Sư phạm hay tình cờ đi qua lớp anh đang dạy, trong tôi lại nảy ra ý nghĩ “Ông này có vẻ nhà văn hơn nhà giáo.” Anh không có lối diễn tả bay bướm hoặc hùng hồn hoặc tỏ ra uyên bác song có một sức cuốn hút riêng ung dung, chậm rãi, nhẹ nhàng, dí dỏm và thân mật tựa hồ đang kể chuyện, dẫn dắt người nghe đi vào chiều sâu của vấn đề.  Cặp mắt lim dim sau làn kính trắng ngó đăm đăm vào khoảng không trước mặt như đang đắm chìm trong một cõi hư vô, anh say sưa như thể đang nói cho chính mình nghe, không để ý đến ai.  Với các giáo sinh thì không lúc nào thuận tiện hơn để chuồn ra khỏi lớp – quần thảo trên sân bóng, nhâm nhi một tách cà phê hay chạy ào tới một phân khoa đại học để lấy “cours”; song nếu có thì cũng chỉ rất ít em làm như vậy.

 

Thường nhật anh trầm ngâm ít nói, chỉ đưa ý kiến khi có ai hỏi đến, phải chăng là để tránh những phán đoán không cần thiết.  Tuy vậy anh không phải là mẫu người lạnh lùng khép kín.  Anh dung hợp được những ưu điểm của cả nhà giáo lẫn nhà văn – thận trọng mà tinh tế, nghiêm túc mà khoáng đạt. 

 

Từ ngày quen biết anh cho tới bây giờ, trên dưới 40 năm, tôi chưa từng thấy anh to tiếng hay giận dữ với ai, cũng như phê phám một người không có mặt.

 

Với anh, vật chất rõ ràng chỉ là phương tiện – có càng tốt mà không có cũng chẳng sao.  Còn thì dùng, mất thì thôi, có tiếc cũng chẳng tìm lại được.  Anh thường đến trường bằng chiếc Daihatsu, loại gia dụng, chở được nhiều người.  Khi cả nhà cùng đi, anh chị ngồi ở “ca-bin”, các con (4 trai, 4 gái) chia nhau ngồi phía đằng sau.  Một hôm, thấy anh đi bộ tới, tôi buột miệng: “Xe anh đâu?” – “Mất rồi.”  Không tin ở tai mình, tôi hỏi lại: “Mất?” – “Vâng, mất trộm rồi anh ạ!”, anh đáp, giọng hững hờ cứ như thể bỏ quên đâu đó một đồ vật không đáng giá.  Ít ngày sau, anh đi lại bằng một chiếc vespa kiểu cũ. Chiếc xe này, nực cười thay, cũng bị lấy đi mà không mất.  Lúc ra lấy xe, không thấy xe đâu, anh lững thững ra đường kiếm taxi thì thấy xe mình nằm chình ình ở một ngã tư gần đó – chìa khoá “contact” còn cắm trong ổ khoá!  Thì ra “người” đã quên không đổ xăng thêm sau khi đã vặn nút xăng qua phần “réserve”.  Nếu lấy đãng trí làm tiêu chuẩn xếp hạng giáo sư ở trường Sư Phạm thì chức quán quân dứt khoát phải về anh.  Nhà tôi, anh có lạ gì, thỉnh thoảng cũng tạt vô mỗi lần anh đến thăm anh Phạm Xuân Ninh (tức Hà Thượng Nhân) cùng ngõ và cách đó không xa.  Vậy mà đã có lần anh loanh quanh suốt một buổi sáng mà không tìm thấy! Khi biết chuyện, các con anh bảo: “Chắc không ai biết biệt danh của bố cháu là “lãng đãng thiền sư” ?!

 

Con đường văn chương anh theo đuổi đem lại cho anh không chỉ có vinh quang.  Anh đã trả giá bằng một lần cải tạo tập trung và một án tù 8-9 năm gì đó.  Dấn thân vào đây là dấn thân vào con đường đau khổ - tựa như ngồi trên một con thuyền thả trôi theo “Dòng sông định mệnh”, trước sau gì cũng phải đối mặt với giông gió thác ghềnh.  Anh bình thản đón nhận những bão tố của cuộc đời mình, không run sợ hay khiếp nhược.  Trong tù, anh vẫn giữ được vẻ anh nhiên tự tại, không để mất thói quen thiền định hằng ngày; nhờ vậy mà không suy sụp về thể chất, tinh thần sau khi đã bị giam giữ lâu ngày.  Quả thực không còn phương pháp nào hiệu quả hơn để có thêm định lực “gìn vàng giữ ngọc” cho nhân phẩm của mình.

 

Trái với nhiều người sau này tôi gặp thường cao giọng khoe thời gian họ phải ngồi tù, anh không thèm đả động tới những ngày đen tối anh đã phải trải qua – coi như anh đã mặc nhiên chấp nhận đó là hệ quả của những điều anh đã viết. 

 

Mùa Xuân năm 1995, anh cùng chị ra đi định cư ở nước ngoài.  Anh Nguyễn Hải Phương đã viết thật chí lý những câu sau lúc anh em chúng ta sắp chia tay:

 

... Đường đời thì bể thì dâu,

Nghiệp văn chương lắm cơ cầu văn chương.

Lọt lòng như đã tha hương,

Thì đi thêm một bước đường có sao ...

 

Có điều anh đã bộc lộ ít nhiều lỗ hổng trong trí nhớ.  Tôi thấy rõ điểm này khi trò chuyện cùng anh.  Song có gì là lạ khi mà đã 78, 79 mùa xuân trôi qua trong đời.  Vả lại liệu có ích gì khi còn giữ mãi trong đầu những điều cay nghiệt, những nỗi muộn phiền, những niềm đau khổ.  Phải xả hết đi để chỉ nhớ lấy những điều tốt đẹp.  Như vậy thì quên chính là một thứ hương thơm bắt được của trời.  Mà quên đi được cũng có nghĩa là đã hoàn toàn tha thứ (forgive and forget) – cho tới lúc nào đó quên được luôn cả bản thân mình là đạt được tới chỗ “vong ngã” thì anh thành Phật.

 

Mùa Xuân này – Xuân Nhâm Ngọ, anh vừa chẵn 80.  Nếu anh còn ở Việt Nam, gia đình Sư phạm thế nào cũng có mặt tại nhà anh hôm mùng hai tết – ngày sinh nhật của anh.  Lại được nghe và xem các thành viên “nhí” của “Hội Ca Cầm” – các cháu nội, cháu ngoại của anh chị - ); bé Ti, bé Na (con Liên); những bé Bí, bé Lù (con Vinh); bé Nô, bé Oui (con Hưng) và bé Ni, bé Gân (con Dũng-Thuỳ) hát múa dưới sự điều khiển thật duyên dáng, thật dễ thương của út Hương – một nét văn hoá đặc trưng, độc đáo và rất nhiều ấn tượng của Doãn gia.

 

Nhìn những số báo Xuân bày bán khắp nơi trong thành phố, tôi không khỏi ngậm ngùi nhớ tới những tháng năm đẹp nhất của đời dạy học của mình tại mái trường Sư phạm – nơi mà mọi người khắng khít với nhau như ruột thịt, toàn tâm toàn ý lo cho giáo dục ngày một tốt hơn  Quên sao được những số Xuân Sư phạm mà tôi có vinh dự tiếp tay anh hướng dẫn các giáo sinh thực hiện vào dịp Tết mỗi năm kể từ khoá III (1964-1966) trở đi. Cả trường hân hoan đón nhận những đứa con tinh thần còn thơm mùi giấy mới, tươi rói mực in, được trình bày trang trọng với một nội dung vừa lành mạnh vừa phong phú xoay quanh các chủ đề văn học nghệ thuật, giáo dục và sư phạm, quy tụ những cây bút có nhiều triển vọng trong giới giáo sinh.  Sau này một số em đã theo hẳn con đường của anh đi và cũng thành danh.  Báo chí là khối duy nhất của trường Sư phạm làm được ra tiền, vừa để lại một phần làm quỹ cho báo chí năm sau, vừa tổ chức liên hoan cho cả các khối khác (học tập, văn nghệ, thể thao du lịch ...)  cùng tham dự và có năm còn tặng thêm giải phụ cho các cuộc tranh tài thể thao của nhà trường.

 

Ở tuổi 80, người ta có quyền sống thanh thản với lòng mình – không còn phải bận tâm biện biệt đúng sai, thiện ác, hay dở, tốt xấu của tha nhân nữa.  Tha hồ thưởng thức vẻ đẹp của thiên nhiên, gần gũi đất trời hơn và càng yêu thương con người hơn.

 

Kém anh những 10 tuổi, tôi còn trẻ chán.  Vốn chưa đủ công phu hàm dưỡng để tới chỗ vô ngôn nên tôi còn rất dài lời – những điều viết ra đây không tránh khỏi có chỗ chủ quan, võ đoán và phiến diện.  Song có một điều, tôi chắc chắn không lầm.  Đó là, với nhiều cựu giáo sư và giáo sinh trường Sư phạm, anh là một mối tự hào.  Mãi mãi, với riêng tôi, trong bất cứ cảnh ngộ nào, anh là một người anh lớn mà tôi kính trọng và yêu quý.

 

Mong anh chị giữ vững sức khoẻ như ngày chúng ta tái ngộ trên đất Mỹ.  Ta còn nhớ tới nhau, luôn nghĩ tốt về nhau và với tất cả sự chân thành thì ta sẽ có đủ túc duyên để còn gặp lại. Tôi tin thế.

 

Saigon tháng 3/2002

Linh