Võ Đình

27 Tháng Chín 201711:41 SA(Xem: 9304)

MỘT MÓN TẾT THẬT MẶN MÀ

 

Năm ngoái, Văn Học số Xuân Mậu Thìn, tháng 2-88, có đăng một bài của tôi.  Trời đất ơi, tôi được ca ngợi cũng nhiều, mà bị chê bai cũng thậm tệ.  Nội tướng của một nhà văn đàn anh viết thư khen: “Tết năm nay đồng bào khắp năm châu được ăn Một Món Tết Thật Mặn Mà!”  Một nhà văn nam rất nổi tiếng, có biệt tài về nghệ thuật tả cái ăn cái mặc, lên tiếng than: “Tôi viết, bạn đọc thèm ăn chảy nước miếng, còn anh thì lấy hết nước mắt của người ta.”  Một nhà văn nữ quả quyết: “Số Xuân này có nhiều bài hay, nhưng bài của V.Đ. tuyệt nhất!”  Một nguời bạn khác gọi điện thoại viễn liên xuyên lục địa cho biết đã đem báo đến sở, “xê rốc” vài chục bản gửi cho chỗ quen biết gốc Huế chưa phải là độc giả thường xuyên của Văn Học.  Đại khái là thế.  Ngồi nghĩ đêm hôm chong đèn viết lách bậy bạ mà được vỗ về như vậy, kể cũng sướng rồi.

Qua Xuân, tôi đang còn ấm áp với những lời đường mật đó thì một chị bạn tung cho một cái tin làm tôi xuội lơ, bao nhiêu hứng khởi tiêu tan như mây khói.  Số là chị bạn này, quê ở Nam, làm cùng sở với một bà gốc Huế.  Bạn mình đến sở, ve vẩy số Xuân Văn Học trong tay, hí ha hí hửng: “Nè, chị đọc bài này của ông V. Đ. chưa?  Hay quá chớ há?”  Bà Huế nói: “Tui đọc rồi!  Dở ẹc!”  Chị bạn Nam kỳ: “Ủa, sao dzậy?  Tui thấy bãi (bài ấy) hay đó chớ!”  Bà Huế trừng mắt: “Hay chi mà hay! Huế của tui cao sang đài các chớ không phải cái Huế đó!  Hết chuyện viết hay răng mà đem mắm ruốc ra mà viết?!  Văn chương cái chi nớ!  Dị òm!

Thoạt đầu, tôi thật ức.  Mình là người Huế, mình viết về một món ăn Huế, một món ăn tầm thường thật đó, nhưng mình viết với tất cả tấm lòng, vậy mà độc giả nỡ nào xỉ vả nặng nề như vậy.  Nhưng với thời gian, cái ức đó cũng phôi phai.  Càng nghĩ lại, tôi càng chịu cái bà gốc Huế là có lý.  Chuyện Huế cao sang đài các, tôi không rành, không dám bàn, nhưng cứ xét cái điểm “hết chuyện viết hay răng mà đem mắm ruốc ra mà viết”, thì quả là bà này đứng về phía lẽ phải.  Ôi, Huế của cung vàng điện ngọc, Huế của núi Ngự sông Hương… tôi đê đầu tạ lỗi Huế.  Từ chừ trở đi, tôi không dám viết về Huế nữa.  Những niêu cá bống thệ, những trách muối sả, những đọi nước tôm kho đánh, tôi chỉ xin giữ lấy một mình,  Ngày Tết ngày nhất, nói đến làm chi càng thêm ốt dột!

 

Số Văn Học Xuân Mậu Thìn, đó là hồi tháng 2, 1988.  Qua đến tháng 8, Văn Học làm một số đặc biệt về Doãn Quốc Sỹ.  Lại cũng có bài của tôi.  Những số báo đặc biệt, chúng làm khổ mình lắm.  Không góp bài thì không đành.  Góp bài xong lại cứ tiếc đứt ruột.  Báo ra rồi, chẳng cần ai nhắc cũng nhớ là mình đã vô ý quên cái này, hớ cái kia, đáng ra phải … thật tình là … nghĩ lại thì …  Tháng 3-88, Làng Văn làm một số đặc biệt về Võ Phiến; tháng 8-88, Văn Học làm một số đặc biệt về Doãn Quốc Sỹ, tôi đều hăng hái góp bài.  Để rồi hăng hái … tiếc.  Viết về Võ Phiến mà viết dăm câu lơ thơ như thế, viết về Doãn Quốc Sỹ mà viết đôi hàng lèo tèo như thế, thật khổ tâm.  Phải chi người ta làm một số đặc biệt, rồi cho mọi người đi chơi chỗ khác, để ta một mình một ngựa tung hoành từ … bìa trước tới bìa sau, thì nó “đã” biết bao nhiêu.  Thôi, số Làng Văn về Võ Phiến ra đã lâu, đã thành chuyện đời xưa, không nên gợi lại mối cảm hoài.  Còn lại số Văn Học cho Doãn Quốc Sỹ, gần đây hơn, đọc đi đọc lại, càng thấy mình thiếu sót.  Cái tiếc mới đâm da non, ngứa ngáy không chịu được.  Chờ cho đến khi có dịp viết thêm về Doãn Quốc Sỹ e còn lâu, nay lại nhân đang xuôi ngược lo bài Tết, tại sao lại không mượn gió bẻ măng…  Trước là để thêm thắt đôi chút mắm muối cho cái bài viết về ông bạn Doãn Quốc Sỹ, sau cũng nhân tiện có một bài mang chút hơi hám Tết nhất với người ta.  Và sau rốt, may ra những dòng chữ này lọt vào mắt … xanh của bà độc giả gốc Huế nọ, mong sao cho bà bớt ốt dột vì cái tội làm “văn chương mắm ruốc” của mình.  Chuyện tầm thường, xin bà thômg cảm cho, khắp giải đất chữ S quê hương yêu dấu, Bắc Trung Nam ở mô cũng có, chớ có phải riêng chi “Huế mình” …

 

Nói đến Doãn Quốc Sỹ, kể cả những người không quen biết cá nhân ông, ai ai đều nghĩ đến một con người và một lối sống thanh bạch.  Điều đó dễ hiểu.  Dù có đọc ông một cách qua quit mấy đi nữa, cũng nhận ra được điều ấy.  Tôi đã từng nghe nói rằng con người Doãn Quốc Sỹ rất “lộ liễu” trong văn Doãn Quốc Sỹ.  Lời nói này có thể được coi như một lời khen.  Mà cũng có thể được coi như một lời chê.  Khen hay chê, tôi nghĩ cũng chẳng lấy làm quan trọng đối với Doãn Quốc Sỹ.  Nếu cần, ông có thể lôi cả Flaubert ra để đùa với thiên hạ.  Số là có người hỏi Flaubert, vậy chớ Madame Bovary là ai vậy?  Và Flaubert đã trả lời, cố nhiên: “Madame Bovary, c’est moi!”

Trong bài Doãn Quốc Sỹ và Tiếng Hát Tự Lòng Đất, tôi đã nói đến Doãn Quốc Sỹ với hình ảnh con diều và âm thanh của tiếng sáo, với sự kính trọng đối với một người anh văn nghệ, và lòng yêu mến để dành cho một người bạn vong niên – Doãn Quốc Sỹ hơn tôi đến mười tuổi.  Bài viết của tôi, nhiều người bảo là nghiêm trang, đẹp đẽ, và chí tình.  Chính những lời này đã làm tôi tiếc hết sức là tôi đã không đủ khéo léo phác họa thêm những nét “tầm thường” hơn, vui vẻ hơn về ông.  Những nét chính Doãn Quốc Sỹ sẽ “chịu” hơn.

Khi tôi gặp Doãn Quốc Sỹ lần đầu tiên, mồng Một Tết dương lịch 1968, tôi đã xa nhà đến mười bảy năm trời.  Một thời gian dài hơn thời gian đại đa số đồng bào tị nạn đã xa nhà kể từ tháng tư 1975.  Đối với tôi, đọc, rồi được gặp mặt Doãn Quốc Sỹ là một xúc động và thích thú gần như được về quê.  Sau khi bắt tay tạm biệt, tôi có viết thư cho ông, bảo rằng vì đã sống qua những năm lưu lạc đằng đẵng, tôi rất thông cảm và yêu mến nhân vật bà Đô vợ chú Nìn (tức là mẹ của Khóa và Cam, cô Cam lai Tàu, sau thành vợ Khiết) trong Khu Rừng Lau.

Đầu năm 1974, được về Sài Gòn, tôi báo tin cho Doãn Quốc Sỹ và anh bạn thân là Trương Bính.  Hai mươi chín Tết, tôi đặt chân lên mặt đất quê hương ở Tân Sơn Nhứt sau hơn hai mươi năm xa cách.  Vì lòng tôi quá mức hồi hộp tưng bừng, tôi đã quên không làm được như bà Đô: quỳ xuống phi đạo mà ghé môi hôn đất mẹ.  Vượt qua vòng đai quan thuế, tôi đảo mắt một vòng đám đông đang đứng chờ thân nhân bên kia hàng rào sắt.  Doãn Quốc Sỹ vốn người cao, mặt vuông, mắt sáng, miệng rộng, răng trắng, ông nổi bật trong đám đông, và tôi trông thấy ông ngay.  Rồi sau đó mới thấy anh Trương, thấp hơn, mập hơn, miệng cũng cười toe.  Người cháu sĩ quan của anh Trương lái xe chở chúng tôi về nhà Doãn Quốc Sỹ, thả ông Doãn và tôi xuống, rồi chú cháu họ từ biệt.  Mới trà nước hàn huyên đâu chừng mấy phút, Doãn Quốc Sỹ đã hỏi tôi: “Anh còn biết cỡi xe đạp không?” “Biết chứ!”, tôi trả lời.  Ông bảo: “Biết thì ra đây với tôi” … Thế là mới một tiếng sau khi về nước, tôi … đạp xe đi “tham quan” Sài Gòn với Doãn Quốc Sỹ.  Cái tự nhiên của ông làm tôi kinh ngạc.  Càng kinh ngạc, tôi càng cố sức đuổi cho kịp ông.  Sau bao nhiêu năm ở Pháp ở Mỹ, tôi không ngờ tôi còn đạp xe đạp … tài tình bay bướm đến thế.

Chúng tôi làm một tua từ Thành Thái trong Chợ Lớn đến tận góc Pasteur-Hiền Vương.  Ôi, nắng Sài Gòn tôi đạp xe mà thật nóng!  Tôi giã từ miền đông bắc Hoa Kỳ không đầy 48 tiếng trước, khi hàn thử biểu chỉ 10 độ âm F.  Nắng gió Sài Gòn làm tôi choáng ngợp.  Ghé thăm anh chị Trương một lúc (cả hai anh chị nay đã thành người thiên cổ), chúng tôi lại phóng xe về.  Tôi có nên nói gì thêm với bạn đọc về nghệ thuật đi xe đạp trên những con đường người xe đông như kiến của Sài Gòn một trưa cuối năm?  Tôi chỉ xin khiêm tốn nói rằng tôi đạp xe đuổi Doãn Quốc Sỹ (năm ấy cũng đã ngoài 50) như bướm lượn, tôi đạp xe trong cõi … mộng du (xin lỗi Phạm Quốc Bảo), tôi đạp xe như ngày tôi còn là một học sinh trung học ở Huế, lượn một cái hết đường Trần Hưng Đạo, lượn một cái qua cầu Trường Tiền, lượn một cái lên cầu Bạch Hổ … Về đến nhà Doãn Quốc Sỹ trong con hẻm Thành Thái, chúng tôi đói mèm.  Rửa ráy qua loa, chúng tôi ngồi xuống bữa cơm trưa.  Bữa cơm đầu tiên, buổi cơm quy cố hương.  Và tôi đã được ăn bữa cơm đầu tiên trên quê hương … ở trong bếp nhà Doãn Quốc Sỹ.

Sau này, nhớ bạn, có khi tôi tưởng tượng hôm ấy thế nào bà Doãn cũng càu nhàu chồng vì “anh ấy mới ở Mỹ về, có quí anh ấy mấy mình cũng nên dọn cơm ra phòng trước mà ăn cho đàng hoàng”.  Và tôi tưởng tượng ông Doãn làm bộ nạt vợ: “Bà cứ là rắc rối!  Thường ngày ăn trong bếp cho tiện, nay có anh ấy thì cũng ăn trong bếp cho tiện, có sao đâu!”

Cảnh nhà khiêm tốn nhưng đầm ấm vui vẻ.  Vợ chồng và tám con, với “khách phương xa” vị chi mười một người ngồi chen chúc quanh một cái bàn lớn.  Cơm nóng canh sốt, mọi người xì xà xì xụp.  Bà Doãn luôn miệng mời “khách”.  Nhưng “khách” vui quá, “khách” no, “khách” chống đũa ngắm mọi người, “khách” cười.  Bỗng dưng “khách” nhận thấy rằng cái bàn ăn không được cân cái, đều đặn, có cái gì không ổn.  Tôi nhận thấy điều này vì một méo mó nghề nghiệp do ở con mắt người vẽ vốn khắt khe xưa nay của tôi, chứ không phải do sự khéo léo ý tứ, ăn trông nồi ngồi trông hướng, đã mất mát khá nhiều sau những năm sống ở ngoại quốc.

Tôi nhận thấy rằng các đĩa cá chiên, thịt xào … đều đổ dồn về ngay trước chỗ tôi ngồi, thay vì ở chính giữa bàn, thuận cho tay vói của tất cả nhà.  Tôi nhìn qua bên kia bàn thì chỉ thấy toàn là các món rau dưa vặt vãnh gì thôi … Trong một tích tắc, tôi nhớ lại những bữa cơm ngày xưa, ngày tôi chưa đi Pháp, những bữa cơm nhà có khách.  Hoặc chúng tôi con cái trong nhà không được cùng ngồi ăn, hoặc nếu được dự thì khép nép ngồi chờ mẹ nhắc khéo mới dám thò đũa gắp những “món ngon” …  Từ nhỏ, chúng tôi đã được dạy cách ăn lối uống, nhường miếng ngon miếng đẹp cho người khác, và tìm cái thú trong miếng ăn đơn sơ bình thường.  Tôi lưu lạc ở nước người trên hai mươi năm và hôm ấy, ở nhà Doãn Quốc Sỹ, tôi đã về ăn bữa cơm đầu tiên trên đất nước quê hương.  Tôi đã thấy lại cái không khí vui vẻ mà thận trọng ấy, nghiêm trang mà hiền hòa ấy.  Sau chuyến bay không gian mấy chục nghìn cây số, và qua thời gian một phần tư thế kỷ, sau một chuyến … đạp xe hưởng nắng và khói xe Sài Gòn, tôi biết rằng tôi đã trở về.

Tôi nhổm người dậy.  Bên kia bàn có một cái tô nhỏ với một món gì trăng trắng trong ấy.  Tôi bảo cháu gái lớn (Ngọc Thanh, hiện ở Úc với chồng con): “Này, đẩy cái đó qua đây bác coi tí nào.”  Và cái tô nhỏ được chuyền qua.  Tôi cúi xuống ngắm thức ăn lạ, tôi lấy đũa mân mê, tôi … ngửi.  Trời đất ơi! Cha mẹ ơi!  Cà bát!  Cà bát hấp dầm nước mắm tỏi!  Một món ăn “Bắc kỳ” đơn giản và thơm tho tôi rất yêu thích thời niên thiếu, mà mãi từ lâu, thật lâu, tôi không được nhìn, được ngửi, được ăn.  Tôi vội vàng đẩy các đĩa thịt xào, cá chiên ra xa và … dành lấy anh cà bát.  Bà Doãn phản đối, tôi mặc.  Ông Doãn ngồi cười tủm tỉm.  Và bọn nhóc, tôi nghĩ rằng chúng nó “chịu” “bác V. Đ.” kể từ giây phút đó.

 

Nói đáng tội, tối hôm 29 Tết ấy, ông bà Doãn cũng có đãi khách ở phòng ăn, “đàng hoàng” hơn.  Có bánh chưng, dưa món, có thịt mỡ, dưa hành, cá kho, những món Tết truyền thống … Ngoài “khách phương xa” là tôi ra, chỉ có thêm vài người bạn thân.  Ông Doãn nâng ly, nói mấy lời: “Mới 29 Tết, chưa rước ông bà, mà đã cơm nước thế này, quả là có sớm…  Nhưng anh V. Đ. đây sáng mai 30 Tết đã bay ra Huế rồi nên chúng tôi đành xin phép các cụ cho con cháu được … vô lễ ăn Tết sớm hơn …  Quý anh chị đến được đây tối nay, thật đáng mừng …”

Vì tôi, mười lăm năm về trước gia đình Doãn Quốc Sỹ đã bắt đầu ăn Tết vào tối 29 tháng chạp ….  Nhưng tôi, thật ra, đã được ăn Tết từ mãi trưa hôm đó.  Miếng cà bát hấp dầm nước mắm tỏi, đó mới là một món Tết thật mặn mà.  Sáng hôm sau, sáng ba mươi, Doãn Quốc Sỹ mượn xe chở tôi ra phi trường Tân Sơn Nhứt.  Tôi về Huế hưởng cái Tết Giáp Dần với cha mẹ trong căn nhà xưa cũ mái ngói rêu phong, nơi tôi đã lớn lên cùng những cây chanh, gốc mai trước sân, cùng những bụi chuối, cây mít, cây vả, cây nhãn sau vườn.  Mẹ tôi săn sóc thằng con ngoài bốn mươi như thể nó còn tấm bé.  Bánh tét đây con, thịt đông đây con, ăn nem đi con, ăn tré đi con … Tôi thương mẹ tôi như trời như biển.  Nhưng tôi phải thú thật với bạn đọc rằng đối với tôi, trong những ngày đó, và ngay cả bây giờ, những chả những nem đó không ngon bằng miếng cà bát hấp dầm nước mắm tỏi trưa 29 Tết ở nhà Doãn Quốc Sỹ trong Sài Gòn.  Không ngon bằng chén nước mắm ruốc kho của cô Tâm tối mồng ba Tết ngoài Trung …

 

Ba tháng sau, tôi giã từ Việt Nam lần thứ hai.  Khác với khi về nước, tôi không ngoái cổ nhìn xuống qua cửa nhỏ phi cơ để nhận cho ra bờ biển hồng hồng cong cong được ôm ấp vuốt ve bởi đại dương xanh hun hút và những con sóng bạc đầu lăn tăn xa vời.  Tôi chỉ ngồi im, tái tê, nghe trong lòng râm ran một niềm ân hận.  Tôi thấy như từ lâu mình đã phạm phải một cái tội đối với quê hương, với tổ tiên, với tất cả người thân, với tất cả đồng bào …

Số là trong bao nhiêu năm xa xứ, tôi cứ tin chắc nịch rằng tôi yêu quê hương tôi vì quê hương tôi đẹp tuyệt vời, vì những ngọn núi, những con sông từ Bắc chí Nam.  Tôi chưa từng được ra Bắc, chiếc nôi của dân tộc, nhưng tôi đã tưởng tôi yêu quê hương tôi vì dòng sông Hồng bát ngát, vì mặt hồ Hoàn Kiếm lóng lánh gươm thiêng …  Tôi đã tưởng tôi yêu quê hương tôi vì xứ Huế nơi tôi chào đời là chốn thần kinh, với sông Hương núi Ngự, với lăng tẩm đền đài … Miền Nam, miền Nam xa lạ với tôi nhưng cưng quí biết bao như đứa con út trong đại gia đình Việt Nam, tôi tưởng tôi yêu quê hương tôi vì miền Nam có sông dài, đồng ruộng, có đất phù sa, gạo trắng nước trong … Trong bao niêu năm xa xứ, tôi cũng đã tưởng tôi yêu dân tộc tôi vì những khuôn mặt anh hùng và những chiến công hiển hách, những văn tài lỗi lạc, những trí óc siêu quần …  Từ những Hưng Đạo Đại Vương đến Quang Trung Hoàng Đế, từ cụ Trạng Trình đến cụ Tiên Điền, từ nhà chí sĩ Phan Sào Nam đến nhà ái quốc Nguyễn Thái Học, từ nhà văn Nhất Linh đến nhà thơ Huy Cận, tôi đã kiêu hãnh vì dân tộc tôi, và vì kiêu hãnh tôi đã yêu dân tộc tôi một cách mãnh liệt dữ dằn.  Những bài học sử ký, những bài học Việt văn đã thấm sâu vào trong óc, trong máu thằng bé mười mấy tuổi, và nó đã khư khư ôm lấy cứng ngắc trong hơn hai chục năm lưu lạc xứ người.

Giã biệt quê hương lần thứ hai, tháng 4-1974, tôi ra đi với cái khám phá lặng lẽ của một người đàn ông tứ tuần.  Thì ra tôi yêu quê hương tôi không phải vì Việt Nam là một nước đẹp đẽ như “con rồng uốn khúc từ ải Nam Quan đến mũi Cà Mau”.  Thì ra tôi yêu dân tộc tôi không phải vì dân tộc tôi kiên cường, vì dân tộc tôi tài hoa.  Sự khám phá này khiến tôi lúng túng như phạm tội đã lâu mà bây giờ mới biết là mình phạm tội.

Tôi đã khám phá ra rằng quả tình trong đáy lòng tôi chỉ yêu quê hương và dân tộc tôi qua những hình ảnh và sự việc thật là tầm thường và nhỏ mọn, có khi đến độ hạ tiện.  Đạp xe đuổi theo Doãn Quốc Sỹ ở Sài Gòn nóng như thiêu mốt trưa 29 Tết, tôi đã thấy lại những người phu đạp xích lô, với chiếc áo thun rách lỗ chỗ, những cặp giò gầy và đen, những bắp thịt chân nở phồng, cuồn cuộn, gân guốc.  Ở Huế, mồng ba Tết lạnh như cắt, tôi co ro trong chiếc áo trenchcoat, đứng nhìn một người đàn bà, áo cánh trắng phong phanh, quần đen xắn tận bẹn, hì hụp vớt bèo dưới một con hào ngoài cửa Hiển Nhơn.  Cái vất vả của anh đạp xích lô, hay cái nhọc nằn của chị đàn bà vớt bèo có là gì trong cảnh nước mất nhà tan, máu rơi thịt nát của mấy chục triệu đồng bào.  Tuy nhiên, quê hương điêu tàn, tôi chỉ biết tiếc.  Dân tộc máu me, tôi chỉ biết thương.  Nhưng tôi yêu cái sự sống cứng đầu cứng cổ, làm sao cũng chẳng làm sao, dẫu có thế nào cũng chẳng làm chi, làm chi cũng chẳng làm chi, dẫu có làm gì cũng chẳng làm sao (*), cái sự sống lầm lì gan bướng của quê hương và dân tộc tôi.  Cái sự sống thấp hèn mà cương quyết, hạ tiện mà ác liệt của một …bãi phân trâu.

Mồng hai Tết ở Huế, tôi đi bộ qua cửa An Hòa, về thăm làng nội. Mới bước từ bến đò lên con đường mòn rợp bóng tre, tôi đã thấy chình ình trước mặt một bãi phân trâu to tướng.  Ấy, bạn đọc khoan cười.  Xin hãy nhớ lại lần cuối cùng bạn nhìn thấy một bãi phân trâu!  Một bãi phân trâu đồ sộ, mới tinh, còn nóng hổi, hơi bay nghi ngút, vài con ruồi xanh rập rình bay quanh chưa dám đáp xuống … Mùi phân trâu nồng nàn, mùi của nắng mưa, của gió bụi, của cỏ, của rạ, của nước, của bùn, cái mùi hăng hăng ấm áp từ ngàn năm đã hoà lẫn vào mồ hôi nước mắt của con người Việt Nam để làm thành cái mùi không gian Việt nam và thời gian Việt Nam.  Xin bạn đọc hãy tin cậy ở tôi: tôi không lãng mạn hóa, lý thưởng hóa gì cả.  Tôi không cổ võ chuyện về nguồn về nghiếc gì cả.

Tôi chỉ biết rằng tôi đã đi thật xa, và đi thật lâu, và đã trở về.  Và nhìn bãi phân trâu nằm chình ình bên gốc tre tôi mới phát giác ra rằng thì ra đã từ lâu tôi đã tưởng lầm là tôi yêu quê hương và dân tộc tôi qua những thanh lam thắng cảnh, qua những ánh văn trác tuyệt, những điệu nhạc diễm kiều, những thiên sử lẫm liệt.  Và bậy giờ đây, ngồi trong chiếc phi cơ khổng lồ Boeing 747 bay cao vòi vọi xa dần, xa dần đai biển Đông Nam Á tôi mới thấy rằng thì ra tôi yêu (yêu chứ không phải thương, thương xót, thương hại) thì ra tôi yêu quê hương tôi ở chỗ quê hương tôi xơ xác nhọc nhằn.  Thì ra tôi yêu dân tộc tôi ở chỗ dân tộc tôi nghèo nàn cơ cực.  Xơ xác nhọc nhằn bao nhiêu thế kỷ mà quê hương tôi vẫn còn.  Nghèo nàn cơ cực quanh năm suốt tháng mà dân tộc tôi vẫn sống.  Sự sống còn này, tôi tin tưởng, có khả năng vượt qua tất cả biến cố, hóa giải tất cả đổi thay.  Và cười vào mặt những kẻ như tôi chỉ biết cầm cây bút cây cọ trong tay để ngợi ca quê hương dân tộc.  Mà quê hương và dân tộc tôi thì cứ sống còn, bất kể tôi còn đó hay tôi đã đi.  Anh phu xe đạp xích lô, chị đàn bà vớt bèo, những người muôn năm cũ, còn ở đó hoài hoài …

 

Sau khi ghé Ma Ní, Phi Luật Tân, chiếc Boeing 747 tiếp tục bay qua Thái Bình dương.  “Cơm” Panam.  Chưa chi tôi đã thấy them.

Miếng cà bát hấp dầm nước mắm tỏi trưa 29 tháng chạp ở nhà Doãn Quốc Sỹ: một món Tết thật mặn mà … Cọng rau dền chấm nước ruốc kho tôm ớt của cô Tâm ở Huế tối mồng ba: hai món Tết thật mặn mà …  Cứ như vậy đó, cái Tết cuối cùng của tôi ở quê hương cũng là cái Tết muôn thuở của tôi ở xứ người!

 

Làng Văn số 53, Xuân Kỷ Tỵ, 1989.