Mai Thảo viết về Doãn Quốc Sỹ

12 Tháng Tám 20213:41 CH(Xem: 2687)

Mai Thảo viết về Doãn Quốc Sỹ

 

Chủ nhật 23-10-1966

Bạn hữu trong nhóm Sáng Tạo vừa nhận được lá thư đầu tiên của giám đốc nhà xuất bản Sáng Tạo là Doãn Quốc Sỹ gửi về từ Hoa Kỳ. Tác giả “chiếc chiếu hoa cạp điều” ở Mỹ một năm. Thời gian này đã bắt đầu bằng hai tháng ở thủ đô Hoa Thịnh Đốn. Ngồi ở một quán cà phê đường Tự Do, nhìn mưa phùn Saigon, chúng tôi nói chuyện với nhau về Sỹ. Đời sống đổi mới Sỹ, khác đối với chúng tôi, là nó tươi thắm, hồng hào, rực rỡ, nó đáng sống vô chừng, bởi vì đời sống thuộc về một cái mà Sỹ tin tưởng mãi mãi ở cái tính chất thánh thiện, cái khả năng thiên thần. Đó là con người. Con người phản tỉnh. Con người hướng thượng. Trong thư, gửi qua Trần Thanh Hiệp, Sỹ lên mặt giám đốc, đòi chúng tôi ở nhà phải xuất bản bằng được một tuyển tập thơ văn trước Tết Nguyên Đán năm nay. Nhân Doãn Quốc Sỹ sang Hoa Kỳ, tôi trạnh nhớ đến những mộng tưởng thiếu thời là những chuyến viễn du không bao giờ thành sự thật. Hồi trẻ, 18, 20, sao thích đi đến thế. Thanh xuân mình quả có một thời kỳ đắm chìm trong cái tâm trạng thèm đi, tả tuyệt đẹp trong tùy bút Nguyễn Tuân. Bây giờ thế nào ? Câu trả lời : bây giờ không còn như trước nữa. Những thế giới mộng tưởng nõn nà đã mất. Tới giữa đời ở tôi là tới giữa một thứ thung lũng hoài nghi, những hoài nghi không còn nguyên, không đối tượng. Mộng đi xa, xưa kia nở thơm từng đài hoa lớn, nay hết thơm và thu nhỏ dần dần. Hết thích đến một sân ga, hết thèm làm một va ly  chờ giờ bay lên ở một phi cảng. Không gian bớt dần ám ảnh trong cái tôi nay chỉ muốn là một thứ ao trong thầm lặng.

Cái hết náo nức, cái thôi bỡ ngỡ, cái chẳng đợi chờ, là dấu hiệu của ý thức thấu triệt hay chỉ là trái tim thôi chẳng nắng hồng, đã hết trời xanh? Chỉ biết: Trong tôi những năm gần đây, dường như đã hết xôn xao biển rộng, bát ngát chân trời. Và những cái muốn, dẫu còn, cũng chẳng còn bừng bừng lửa đỏ. Vùng trời nào cũng vậy mà thôi. Cũng ta ấy. Cũng tôi này. Và người với mình, vẫn chỉ là cách biệt. Chuyến tàu, phi cảng, đường sắt song song, sóng của trùng dương và màu của không gian; những sản phẩm của một thời đã mất. Tôi hết muốn đi đâu, mình chẳng lữ hành, và đoạn tuyệt xê dịch. Đó là một thiệt thòi lớn khi sống là hoài nghi.
(Nghệ Thuật số 45 )