ĐỢT HỌC TRÒ ĐẦU TIÊN
CỦA THẦY DOÃN QUỐC SỸ
SAU KHI TỪ VÙNG VIỆT MINH VỀ VÙNG QUỐC GIA
Đầu thập niên 1950, cũng như các nhân vật Kha, Hiển, Miên trong Ba Sinh Hương Lửa
(Khu Rừng Lau 1), nhà văn Doãn Quốc Sỹ bỏ vùng do Việt Minh kiểm soát về vùng của
chính phủ Quốc gia. Sau khi ghi tên theo Đại học Văn khoa ở Hà Nội, ông xin đi dạy
học vì đã có nhiệm vụ với gia đình. Ngôi trường đầu tiên ông được cử tới dạy là trường
Trung học Nguyễn Khuyến ở Nam Định.
Trung học Nguyễn Khuyến là hậu thân của trường Thành Chung Nam Định, một trong
hai trường Trung học công lập quan trọng ở Miền Bắc trước năm 1945 (trường kia là
trường Trung học Bảo hộ, Collège du Protectorat, nhưng dân gian thường gọi là trường
Bưởi, ở Hà Nội).
Trường Thành Chung Nam Định được thành lập năm 1920. Ban Giảng huấn gồm nhiều
vị danh tiếng như nhà văn Hoàng Ngọc Phách (tác giả truyện Tố Tâm), các thầy
Nguyễn Gia Tường, Phạm Xuân Độ, Phạm Văn Nam, Phan Thế Roanh, Vũ Tam Tập…
Trong những học sinh có danh tiếng xuất thân từ trường Thành Chung Nam Định,
chúng ta có thể kể các nhà văn Nguyễn Tuân, Nam Cao, nhạc sĩ Đặng Thế Phong…
Theo Cộng Sản có những người trở nên nổi tiếng như Trường Chinh Đặng Xuân Khu.
Năm 1945, dưới thời chính phủ Trần Trọng Kim, trường được đổi tên là Trung học
Nguyễn Khuyến, và do thầy Phan Thế Roanh làm Hiệu trưởng.
Năm 1947, do cuộc chiến tranh Việt Minh – Pháp, trường phải chia đôi: một nửa di tản
về Trà Bắc, thuộc phủ Xuân Trường, một nửa di tản về Yên Mô, thuộc huyện Kim Sơn,
tỉnh Ninh Bình. Trong trường Nguyễn Khuyến ở Yên Mô, có những học sinh về sau rất
thành đạt, như các giáo sư Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh, Vô Ngã Phạm Khắc
Hàm…
Khoảng niên khóa 1949-1950, trường trở về Nam Định, do thầy Vũ Tam Tập làm Hiệu
trưởng.
Khi nhà giáo Doãn Quốc Sỹ được cử tới dạy vào tháng 9 năm 1952, thì trường đã trở
thành một Trung học Đệ Nhất cấp với đủ 4 cấp lớp học, từ năm thứ nhất đến năm thứ
tư bậc Trung học phổ thông, theo lối gọi thời ấy là từ Đệ Thất tới Đệ Tứ (từ lớp 6 tới lớp
9 theo lối gọi về sau). Mỗi cấp tại Nguyễn Khuyến có 3 lớp: một lớp theo ban A, gọi là
ban Cổ điển, học chữ Hán nhiều hơn; và hai lớp theo ban B, cũng gọi là ban Sinh ngữ,
mỗi tuần có một giờ chữ Hán nhưng học Pháp và Anh ngữ nhiều hơn. Tại các lớp Đệ
Ngũ (nay là lớp 8), thầy Doãn Quốc Sỹ phụ trách môn Quốc văn.
Tại miền Bắc Việt Nam thời ấy, các trường Trung học mang một không khí trang trọng,
quý giá. Tại Nguyễn Khuyến những năm đó có 4 vị thầy mặc quốc phục khi tới dạy: 3 vị
2
mặc áo the đen (các thầy Trần Văn Hào, Vũ Đình Phan, vị Cử nhân Hán học dạy chữ
Hán sau khi thầy Hào qua đời là cụ Cử Nguyễn Văn Tú), một vị mặc áo dài trắng (thầy
Vũ Văn Roãn). Tất cả các thầy khác mặc Âu phục. Có những vị đủ complet, cà vạt. Một
vài vị không mặc complet nhưng có chiếc áo veste bên ngoài. Hầu hết các thầy khác
mặc sơ mi với cà vạt, quần thẳng nếp, giày đánh bóng, dáng vẻ nghiêm trang. Thầy
Doãn Quốc Sỹ mang một phong thái khác hẳn.
Ngày đầu tiên vào lớp thầy đã khiến học sinh đặc biệt chú ý. Với dáng cao và gầy, tóc
hơi quăn một cách tự nhiên, nét mặt xương xương, y phục giản dị, không thẳng nếp,
không thắt cà vạt, thầy mang “nét phong sương” của một người mới “về thành” sau
những năm dài theo kháng chiến. Nhưng ở thầy toát ra một phong thái giản dị, thành
thật, khiến học sinh thấy thân mật và cảm mến ngay. Thầy lại trẻ hơn hầu hết các thầy
khác (năm 1952, thầy mới 29). Nếu từ một số thầy khác, học sinh thấy dáng dấp một
người cha, thì từ thầy Doãn Quốc Sỹ, học sinh thấy hình ảnh một người anh lớn, từng
trải, uyên bác, nhưng thân thiết, hiền hòa. Thầy Sỹ được học sinh quý mến và tin cậy
một cách chân thành.
Nhưng học sinh Nguyễn Khuyến không được học với thầy lâu. Thầy chỉ dạy từ ngày
khai trường (tháng 9-1952) đến trước Tết. Khi trường nghỉ để ăn Tết Quý Tỵ (năm ấy
nhằm ngày 14 tháng Hai dương lịch 1953) thì thầy về Hà Nội để ăn Tết với gia đình.
Sau Tết ra, không thấy thầy xuống nữa. Học sinh cũng đoán là thầy đã tìm được việc
làm ở Hà Nội khi thấy trường cử một vị giáo sư khác (thầy Vũ Đình Phan) dạy thay môn
Quốc văn. Học sinh Nguyễn Khuyến Nam Định được học với thầy Doãn Quốc Sỹ từ
cuối tháng 9-1952 đến hết tháng 1-1953, tức nửa đầu của niên khóa 1952-53. Tuy chỉ
có mấy tháng của niên khóa ấy (không phải là niên khóa 1951-1952 như một vài tài liệu
đã ghi lầm), vị thầy 29 tuổi họ Doãn để lại một ảnh hưởng sâu đậm trong tâm trí nhiều
học sinh Nguyễn Khuyến.
Trong các học trò của thầy Sỹ năm ấy, người theo được gần thầy hơn cả là anh Trần
Duy Hinh, lớp Đệ Ngũ A.
Anh sinh năm Bính Tý 1936. Sau khi vào Nam năm 1954, anh bắt đầu viết truyện. Theo
lẽ tự nhiên, anh gửi cho thầy Doãn Quốc Sỹ để xin ý kiến. Lúc này đã là một thành viên
quan trọng của nhóm Sáng Tạo, thầy Sỹ khích lệ và cho đăng trên Sáng Tạo. Anh Hinh
lấy bút hiệu là Thao Trường, sau đổi thành Thảo Trường. Miền Nam có thêm một nhà
văn quan trọng, quan tâm tới cuộc chiến huynh đệ tương tàn với những tập truyện như
Thử Lửa (1962), Chạy Trốn (1965), Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp
(1966), Vuốt Mắt (1969), Ngọn Đèn (1970), Cánh Đồng Đã Mất (1971), Lá Xanh (1972),
Người Khách Lạ Trên Quê Hương (1972).
Sau ngày 30-4-1975, anh bị những người Cộng sản cầm tù 17 năm, trở thành một
trong những nhà văn của miền Nam bị họ giam giữ lâu nhất.
Sau khi ra được ngoài nước anh lại tiếp tục sáng tác. Một số tác phẩm như Tiếng
Thì Thầm Trong Bụi Tre Gai (1995) mang nỗi u hoài về thời cuộc và số phận con
người. Sau đó là Đá Mục (1998), Tầm Xa Cũ Bắn Hiệu Quả (1999), Mây Trôi (2002),
Miểng (2005), Thềm Đá Xanh Rêu (2007), Những Miểng Vụn Của Tiểu Thuyết
(2008).
Sau khi Thảo Trường qua đời tháng 8 năm 2010, một người bạn từ những ngày cùng
học ở Nguyễn Khuyến đã ghép tên các tác phẩm của anh thành một cặp câu đối viếng
tiễn anh:
Vuốt mắt trong bụi tre gai, ngập ngừng khách lạ, lá xanh,
chung cuộc mãi tầm xa hiệu quả;
Thử lửa trên kinh Đồng Tháp, thấp thoáng mây trôi, đá mục,
ngọn đèn đành chạy trốn quê hương.
Cùng lớp Đệ Ngũ A với Thảo Trường có Trần Khuê.
Tên đầy đủ của anh tên là Trần Văn Khuê, cũng sinh năm Bính Tý 1936.
Khi đất nước chia đôi năm 1954, anh ở lại miền Bắc, viết nhiều bài ca tụng HCM, từng
được “Huân Chương Kháng Mỹ Cứu Nước Hạng Nhất.” Sau năm 1975, anh là Trưởng
Tiểu ban Nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu Hán-Nôm, thuộc Viện Khoa học Xã hội
Thành phố HCM.
Cuối năm 1999, anh phổ biến tập “Đối Thoại 2000,” phê phán nhà cầm quyền, và yêu
cầu tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Năm 2001, anh lại viết “Đối Thoại 2001,” yêu cầu tự do, dân chủ, đề nghị đổi tên đảng,
tên nước, và hỏa thiêu thi hài Hồ Chí Minh. Sau đó, anh viết “Thư ngỏ” gửi Tổng Bí thư
đảng CSVN, yêu cầu cải cách chính trị và bỏ Điều 4 Hiến Pháp nước CHXHCNVN.
Ngày 9 tháng 7 năm 2004, anh bị nhà cầm quyền CS tuyên phạt 1 năm 7 tháng tù vì tội
“lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích nhà nước.” Theo báo chí trong
nước, anh phạm các tội “sưu tầm, lưu trữ nhiều tài liệu có nội dung xuyên tạc, vu khống
Nhà nước về nhân quyền, chống phá chế độ.”
Anh qua đời một cách đột ngột tháng 6 năm 2020, hưởng thọ 84 tuổi.
Sau khi đất nước chia đôi, một số cựu học sinh Nguyễn Khuyến ở lại miền Bắc, một số
tương đương lánh vào miền Nam. Trong cuộc chiến bảo vệ miền Nam trước cơn hồng
thủy khốc liệt của chủ nghĩa CS, nhiều cựu học sinh lớp Đệ Ngũ A đã tình nguyện hay
bị động viên vào quân đội, trở thành những sĩ quan xuất sắc của QLVNCH, như các
anh Nguyễn Hữu Ái, Bùi Văn Huấn, Vũ Trung Hậu, Lê Văn Nghị, Tạ Phan Tuấn … Một
số tốt nghiệp về hành chánh như anh Trần Đình Khôi, một số khác theo ngành giáo dục
như anh Vũ Đức Hưng.
Bên lớp Đệ Ngũ B1, người tạo được nhiều thành tích hơn cả là anh Nguyễn Mạnh
Hùng.
Sau khi du học ở Hoa Kỳ, anh đậu Tiến sĩ về Chính trị học, và trở thành giáo sư tại Học
viện Quốc gia Hành chánh. Trong những năm cuối của Miền Nam, anh là Thứ trưởng
Bộ Kế hoạch. Sang Hoa Kỳ sau 1975, anh dạy tại Đại học George Mason (Virginia), và
về hưu với hàm Giáo sư Huân công (Professor Emeritus) của trường này. Năm 2020,
anh cho xuất bản cuốn Vietnam and the Evolving Regional Security Structure (Việt Nam
trong cấu trúc an ninh đang tiến triển ở khu vực).
Bộ sách mới nhất của anh, xuất bản tháng 5 năm 2022, là Đảng Phái Quốc
Gia Việt Nam : Lời Kể Của Nhân Chứng (Đại Việt Quốc Dân Đảng, Đại Việt Duy Dân
Đảng, và Việt Nam Quốc Dân Đảng).
Các học sinh của thầy Sỹ từ lớp 5B1 Nguyễn Khuyến nói chung đều thành đạt. Chị Đỗ
Thị Như Mai là vị nữ lưu đầu tiên của VN theo ngành kỹ sư. Chị tốt nghiệp Trung tâm
Kỹ thuật Phú Thọ. Lang quân của chị, anh Nguyễn Khắc Minh, tốt nghiệp Đại học Sư
phạm, cũng là cựu học sinh Nguyễn Khuyến. Hai vị cùng trường, cùng lớp kết nên mối
lương duyên. Anh Bùi Trọng Căn là bác sĩ y khoa. Các anh Vũ Văn Bình, Trần Quang
Mẫn, Đỗ Nhật Tân … là những sĩ quan cấp Tá của quân đội.
Sang lớp Đệ Ngũ B2, người được biết đến nhiều hơn cả là anh Lê Lai, sau lấy hiệu là
Lê Văn, từ khi làm Trưởng ban Việt ngữ đài Tiếng nói Hoa Kỳ (Voice of America, VOA)
năm 1967. Sau biến cố 1975, những chương trình ODP (Ra Đi Có Trật Tự), H.O. (dành
cho cựu tù nhân chính trị) được anh thông tin và hướng dẫn tỉ mỉ cách làm thủ tục xin
xuất cảnh qua làn sóng điện đã đem lại hy vọng và giúp được rất nhiều người.
Anh cũng là một “fan” nặng của thầy Doãn Quốc Sỹ qua Gìn Vàng Giữ Ngọc, Dòng
Sông Định Mệnh… Những điều ấy hẳn có phản ảnh hay chi phối phần nào nhân cách
của anh. Anh được coi là một người lịch lãm nhưng hòa nhã và đôn hậu, luôn luôn thủy
chung với bạn hữu. Anh cũng là một chuyên gia thượng thặng về rượu vang, và để lại
cho đời cuốn Rượu Vang, Món Quà Của Thượng Đế (2005).
Sau khi vào Nam, cựu học sinh lớp 5B2 cũng theo nhiều ngành khác nhau. Anh Lê
Trọng Trực tốt nghiệp Kỹ sư, anh Hà Vĩnh Thọ học Luật, sau thành một chuyên viên về
thuế vụ. Các anh Vũ Minh Bội, Trần Văn Long, Phan Trọng Lộc …gia nhập quân đội.
Các anh Hà Mai Nguyên, Vũ Đức Phan, Đỗ Anh Tài, Trần Huy Bích theo ngành giáo
dục. Anh Hà Mai Nguyên, thứ nam của nhà giáo Hà Mai Anh (dịch giả cuốn Tâm Hồn
Cao Thượng nổi tiếng), khởi xướng lối làm thơ thất ngôn nhưng chỉ có 6 câu, được
nhiều người theo. Anh Đỗ Anh Tài, dạy ở Chu Văn An trước 1975, từ khi ra khỏi nước
có đời sống đầy hoạt động: tích cực làm việc trong các hội giáo chức, trong việc phát
giải thưởng cho những học sinh, sinh viên gương mẫu, trong việc tranh đấu cho nhân
quyền và dân chủ ở Việt Nam.
Ba người bạn cùng lớp từ những ngày ở Nguyễn Khuyến: Đỗ Anh Tài, Lê Lai, Trần Huy Bích
Một mẫu số chung cho các cựu học sinh Nguyễn Khuyến từng được học vói thầy Doãn
Quốc Sỹ là rất quý trọng thầy. Trong những lần họp mặt của Nguyễn Khuyến Nam
Định, họ luôn luôn cố mời thầy tham dự. Giáo sư Doãn Quốc Sỹ cũng rất vui có dịp đến
với những học sinh từ mấy chục năm trước của mình.
Từ trái--Ngồi: Thầy DQS, các anh Trần Quang Mẫn, Bùi Trọng Căn.
Đứng: chị Quỳnh Chi (chị TQ Mẫn), chị Khuê Các (chị BT Căn), anh chị Nguyễn Khắc Minh & Đỗ
Như Mai, anh Trần Huy Bích
Từ trái—Ngồi: Các chị Vũ Đức Hưng, Vũ Trung Hậu, chị Phan Thị Ngọc Liên, Thầy DQS
Đứng: Các anh Vũ Trung Hậu, Trần Quốc Minh, Vũ Minh Bội, Trần Huy Bích, Vũ Đức Hưng.
Từ trái—Ngồi: Thầy DQS, chị Trần Quang Mẫn (Quỳnh Chi), các chị Vũ Trung Hậu, Nguyễn Đào
Nhân.
Đứng: Các anh Đỗ Anh Tài, Vũ Đức Hưng, Trần Huy Bích, Vũ Minh Bội, Vũ Trung Hậu, Trần
Quang Mẫn, Nguyễn Đào Nhân, Vũ Văn Bình, chị Vũ Đức Hưng, anh Trần Quốc Minh, chị Đỗ
Anh Tài (Liễu Chi), chị Vũ Văn Bình.
Ngồi: Thầy DQS.
Đứng—Từ trái: Anh chị Đỗ Anh Tài & Liễu Chi, các anh Trần Huy Bích, Vũ Đức Hưng,
Vũ Văn Bình
Tháng 12-2022
Sau lễ mừng Gs Doãn Quốc Sỹ
thượng thọ 100 tuổi.
Trần Huy Bích