Con gái thứ 3 viết về bố 101 tuôi

21 Tháng Mười 20238:36 CH(Xem: 825)

Người 101 tuổi

Người đó là bố tôi. Ông luôn nổi trội khi đến đâu và ở nơi nào do vì Ông là người già nhất!

Bố lấy Mẹ đẻ ra tám đứa chúng tôi. Năm 2011 Mẹ mất, chúng tôi chỉ còn Bố. Lúc ấy ông 90 tuổi. Ông trở thành người già nhất trong nhà và cả trong họ nữa. Và ông cũng là người cao niên nhất trong giới văn nghệ sĩ Việt Nam ở hải ngoại. Vì thế cho nên ông được “cưng” lắm.

Chúng tôi cưng bố là chuyện đương nhiên, mỗi đứa cưng theo một kiểu. Đứa thì phục vụ ăn uống, thuốc men, sinh hoạt hằng ngày. Đứa thì chăm lo cho tính “thích đi chơi” của ông. Có nghĩa là tạo ra những cuộc đi bộ trong công viên, lên xe đi lăng quăng, lên xe đưa đón con cháu ra phi trường hay về nhà. Đứa thích ngồi quán cà phê thì hai bố con cùng ngồi quán khề khà ly cà phê. Đứa thì cung cấp nước ngọt cho ông uống. Chả là ông chẳng thích uống nước lọc, chỉ thích uống nước có vị ngọt. Ông thích cắt cây thì có đứa cung cấp kéo cắt cây và cành khô cho ông cắt thỏa thích. Cắt giấy thì có kéo cắt giấy và báo cũ được thu nhặt về để ông cắt. Ông được con cái cưng, rồi đến bè bạn của chúng nữa. Đám bạn của tám con tính ra cũng phải đến cả trăm. Mỗi đứa có chừng mười đứa bạn thân thiết hay đến chơi nhà thì cái sự cưng ông già lại càng “to bự”!

Ra đến xã hội thì người Việt trong nước, cũng như cộng đồng người Việt hải ngoại “cưng” Ông hết mực. Chữ “cưng” ở đây có cả hai nghĩa, nghĩa bóng và nghĩa đen là ai cũng cưng chìu và mến phục Ông. Ông được nhiều người cúi chào và thăm hỏi. Ông đi đến đâu là được trân trọng mời lên ghế hàng đầu và được chăm sóc cẩn thận. Vì tôn quí Ông, bậc trưởng thượng, nên Ông luôn được mời lên phát biểu đầu tiên của chương trình nếu có phần này. Ôi thật là niềm tự hào khi thấy bố mình được trân quí như thế.

Vì sao Ông Già lại được mọi người đối đãi như thế?

Vì… Ông có trên hai mươi năm dạy học. “Ông Giáo” là tên gọi thân thương trong xóm nơi ông cư ngụ. Ông dạy đến ba trường đại học nên số lượng sinh viên được học ông chắc lên con số có 4 chữ số. Tình thương và quí mến thầy từ trò thì có gì là lạ. Trò quí Thầy là đúng tiêu chuẩn “Tôn sư trọng đạo” truyền thống đạo đức của dân tộc Việt.

Bạn bè đồng nghiệp Nhà Giáo và Nhà Văn thì ai ai cũng quí tính chân thật, hiền lành, và giản dị của ông. Các con của Ông chưa hề bao giờ nghe một tiếng than thở gì từ bạn nhà giáo của Ông. Còn bạn Văn thì sao? Ồ, đây là một mảng đời đáng được ghi lại như là điểm son trong tiểu sử của Ông.

Ông viết văn từ thuở còn là thanh niên ở Hà Nội. Năm 1954, di cư vào Nam văn tài của Ông được phát triển rực rỡ. Sức sáng tác của Ông sung mãnh, chỉ có hơn hai mươi năm trong chế độ tự do và nhân bản của Miền Nam Việt Nam đã khiến ông sáng tác được 40 tác phẩm vừa tiểu thuyết lẫn sách nghiên cứu dạy học và dịch thuật. Phần tiểu thuyết Ông có 23 tác phẩm, hơn phân nửa ông viết về cuộc chiến tranh dành độc lập từ người Pháp, 1945. Khi đó Ông còn là một thanh niên yêu nước và yêu tự do. Ông tham gia phong trào Thanh Niên Cứu Quốc. Đến khi ê chề khám phá ra cộng sản đã ẩn mình phía sau phong trào này. Ông “về thành” Hà Nội và di cư vào Nam. Ông viết rất nhiều sách vạch trần bộ mặt cộng sản đã phá hoại đất nước, phá hoại tính nhân bản của con người Việt Nam như thế nào. Ông đã hướng dẫn tư tưởng thanh niên miền Nam, sau 1954, về sự tự do, cho văn hóa dân tộc, tình yêu thương đồng bào và nhân loại. Đây là quan điểm mà cộng sản thế giới nói chung và cộng sản Việt Nam nói riêng không có. Hoàn toàn không có!

Vì thế sau năm 1975, cộng sản Việt Nam đã thân thương tặng cho Ông danh hiệu là “Biệt Kích Cầm Bút” và bắt bỏ tù Ông mười hai năm rưỡi. Ông đã cùng ở tù và chia xẻ sự dã man, nhục nhằn cùng các bạn Văn và cùng các quân nhân cán chính Miền Nam Việt Nam. Bạn tù của Ông đã chứng kiến tính nhân bản, không thù hận và cả tính dí dỏm ông đã dùng để đối phó với hoàn cảnh tối đen nhất của mình. Đây là điểm son mà mọi người đều nhận ra được để mà “cưng” yêu ông hết mực.

Khi qua được bến bờ tự do, những đức tính trên lại càng được tôn vinh vì nếp sống xã hội mới. Nơi mà nhiều vật chất xa hoa, ông vẫn giữ được tính thanh đạm và chừng mực này. Ông Già hay ông Bồ Tát tại thế gọi thế nào cũng được!

Cộng đồng người Việt hải ngoại yêu quí Ông. Tám con của Ông đều biết. Nên chúng tôi rất trân trọng tình cảm của mọi người, nhưng mỗi đứa thể hiện một cách. Đứa thì muốn Ông không ra công chúng nữa, vì Ông già rồi, lẩn thẩn rồi. Ông chỉ nên vui thú điền viên trong gia đình với con cháu mà thôi. Đứa thì vẫn thích cho Ông đi chơi, gặp người này người kia để hòng Ông còn giữ được thói quen nói chuyện đôi chút và để trí não vận động. Hoặc có những người khách thế hệ con cháu đến chơi nhà, hòng có thể chiêm ngưỡng ông bằng mắt thấy tai nghe và ôm ông như ôm một thần tượng. Có phải chăng, Ông Già 101 tuổi này đã thành một biểu tượng “đối ngược lại với cái xấu” lan tỏa đến thế hệ sau?

Tôi, một trong tám người con, có ý nghĩ là vẫn cho Ông gặp mọi người. “Cửa nhà luôn mở” cho tất cả những người muốn đến với Ông. Năm Ông Già được 100 tuổi, ba hội đoàn của cộng đồng người Việt hải ngoại tổ chức Ngày Vinh Danh Và Chúc Thọ Ông đã cho thấy sự thương mến Ông vẫn tràn trề.

Ông Già 101 tuổi có một năng lượng rất lành hay còn gọi là hương thơm. “Hữu xạ tự nhiên hương” là một hấp lực khiến những thế hệ đàn em, con cháu thế hệ sau đều rất muốn được nắm tay, chụp hình với Ông. Chuyện ảnh hưởng và lan tỏa những tư tưởng lành thiện khi gặp Ông là chuyện có thật. Cho nên tôi vẫn khăng khăng giữ ý nghĩ “mở cửa chào đón” tất cả những ai muốn đến thăm Ông. Ông đã 101 tuổi rồi, chẳng còn bao năm nữa Ông có thể ngồi tiếp khách. Đó là một hình ảnh đẹp. Đẹp lắm!

Ý nghĩ “mở cửa đón chào” của tôi sai hay đúng?

Chắc là ĐÚNG, phải không ạ?

California, ngày 3 tháng 5 – 2023

Doãn Tư Liên